Tản mạn về Cha Giuse – “Người truyền lửa”

Thư gửi Cha Tường – Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Thầy tôi: Linh mục Giuse Lê Danh Tường – Hạt mưa

Cha ơi! Cha đi thật rồi! – Têrêsa nhỏ

THƯ GỬI CHA TƯỜNG

An Phú, ngày 27 tháng 10 năm 2022

Chào Cha,

Thế là Cha đã rời khỏi cõi tạm này được ba ngày. Hôm nay, tôi mới có thời gian tĩnh tâm để viết cho Cha bức thư này. Tôi biết rằng Cha sẽ chẳng bao giờ đọc được nó giống như những lần tôi gửi bài cho Cha để đăng trên trang của Tổng Giáo Phận. Nhưng có lẽ tôi viết cho chính tôi và cho những ai còn sống để tất cả chúng tôi, những người còn được sống trên cõi đời này biết sống và vượt qua những thử thách như Cha đã từng vượt qua.

Khi được tin Cha qua đời, tôi không có gì bất ngờ. Nhưng trong tôi, một cảm giác nổi lên tràn ngập tâm hồn, đó là sự vô thường của kiếp người. Cái chết thật phũ phàng. Nó cuốn phăng tất cả mọi dự tính, mọi hoài bão ước mơ của con người. Cái chết khiến người ta trở về con số không tròn trĩnh. Dù là sang hay hèn, giàu hay nghèo, quyền thế hay thứ dân, cái chết khiến người ta phải buông bỏ tất cả. Tôi vừa khánh thành Trung tâm Mục vụ của giáo xứ An Phú. Ngày khánh thành, bao nhiêu hoa chúc mừng, bao nhiêu lời tán dương ca tụng, nhưng tôi bỗng thấy nó chả là gì cả. Những lời khen tặng của con người rồi cũng qua đi. Cái chết khiến chúng ta phải trực diện với bản thân mình. Ngày học ở Chủng viện, có một cha giáo bảo: con người khen tặng chúng ta nhưng nếu Chúa không khen tặng thì chẳng được ích gì. Quan trọng là Chúa khen chứ không phải loài người chúng ta. Tôi thấy thật chí lý biết bao.

Tôi cảm ơn Cha rất nhiều vì đã giúp tôi cầm bút trở lại. Tôi đã không viết gì trong suốt 10 năm. Khi chuyên mục “suy tư tản mạn” trên Website của Tổng Giáo Phận gần như đóng lại vì không có người viết, Cha là người đã khích lệ và đề nghị tôi viết cho chuyên mục này. Tôi đã nhận lời với Cha. Đó không chỉ là một cái gật đầu mà nó như một cam kết với Cha. Nó chính là động lực để tôi viết ra những suy tư của mình. Mục suy tư đó giờ đây đã có nhiều người viết. Cha ra đi nhưng chuyên mục đó tôi tin là sẽ vẫn tiếp tục sống nên Cha cứ yên tâm. Những bài viết đó, tôi đã in được hai tập sách. Tập sách đầu tiên có tựa đề là “Lời Từ Cõi Lặng”. Tôi đã tặng cho Cha cuốn sách đó và cả tập sách “Những suy niệm bên trời Tây” tôi in lưu hành nội bộ. Còn tập thứ hai “Nước Mắt và Tha Thứ” thì tôi chưa kịp tặng Cha. Thực ra, sách tôi in cũng đã được 3 tháng, nhưng tôi thấy sức khoẻ của Cha yếu quá, tôi ngại không muốn gặp Cha. Không phải vì tôi không quý mến Cha, nhưng tôi muốn giữ lại những hình ảnh đẹp nhất về Cha cho riêng mình. Gần đây, tôi ngộ ra một điều về việc những người gần chết họ hay quay mặt vào vách. Ngày xưa, có người bảo tôi là do ma quỷ cám dỗ. Nhưng thực ra, tôi thấy những người đó làm vậy là vì họ không muốn người thân nhìn thấy khuôn mặt tiều tuỵ của mình. Họ không muốn để lại cho người thân những hình ảnh không đẹp nên họ quay mặt đi thôi. Không biết tôi suy nghĩ như thế có đúng không Cha? Nhưng đó là điều tôi chợt nhận ra gần đây.

Hôm lễ an táng của Cha, tôi suy tư nhiều về cái tên của Cha. Tên Cha là Tường. Tường là mảnh ghép không thể thiếu của một căn nhà. Tường cũng phải gồng mình chịu lực cho mái nhà. Công nghệ xây dựng ngày nay họ dùng cột chịu lực, nhưng tường cũng là phần quan trọng. Không có những bức tường, ngôi nhà không thể hình thành. Cha tên Tường nên cũng phải gánh chịu rất nhiều đau đớn. Cha cũng là mảnh ghép quan trọng để xây dựng Giáo Phận và Giáo Hội. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Giuse trong Thánh lễ an táng Cha, cũng như những bài viết về Cha trên mạng đã diễn tả đầy đủ. Tôi không cần phải nói thêm. Có lần gặp Cha, tôi nói đùa với Cha rằng Cha không chỉ đơn thuần gánh chịu sức nặng của căn nhà, nhưng con người ngày nay hằng ngày họ chút lên tường trang cá nhân của họ đủ mọi thứ. Có những điều tốt đẹp và cả những đắng cay chua chát, họ cũng đưa lên tường hết. Thế nên cha phải chịu đau khổ là phải rồi. Suy ngẫm kỹ thì cũng đúng như vậy phải không Cha?

Sức chịu đựng và làm việc của Cha thật phi thường. Tôi mới bị đau chân và cảm thấy không thoải mái khi đứng dâng lễ, nhưng đôi lúc tôi đã thấy nản. Sự can đảm đối diện với bệnh tật và hoàn thành sứ mệnh Bề trên giao phó trong điều kiện thể lý bất ổn của Cha là bài học vô giá cho tôi và cho các linh mục trẻ. Chúng tôi nhiều khi có sức khỏe nhưng đã phung phí nó một cách thái quá. Cá nhân tôi thấy mình còn lười biếng quá. Mấy tháng nay, vì lo công việc xây dựng nên tôi cũng không có thời gian viết. Đúng ra là tôi ngại cầm bút. Tôi cũng còn nợ Cha một bài phỏng vấn mà tôi dự định thực hiện nhưng nó đã không thành. Sự ra đi của cha dạy cho tôi bài học cần phải sống hết mình. Thời giờ là hồng ân Chúa ban. Còn sống ngày nào là phải cố gắng hết mình để phụng sự Chúa và tha nhân.

Giờ đây Cha không còn phải chịu những cơn đau hành hạ nữa. Cha đã sống một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng thật đẹp. Xin Cha cầu bầu cùng Chúa cho chúng tôi được luôn sống đẹp lòng Chúa. Cha Kim Long viết trong bài Chúa không lầm rằng “còn mang thân thể nặng nề là còn luôn mê mải trần thế”. Chớ gì sự ra đi của Cha và những cái chết tôi gặp hằng ngày sẽ giúp tôi và mọi người thức tỉnh để luôn sống trong ân sủng của Chúa, luôn sẵn sàng cho giờ ra đi của mình.

Kính Thư

Lm. Jos Tạ Xuân Hoà

THẦY TÔI – LINH MỤC GIUSE LÊ DANH TƯỜNG

Trong cuộc đời của mỗi kitô hữu, con số ba mang đến nhiều ý nghĩa và liên tưởng. Đó là con số biểu trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là số năm Chúa Giêsu dành để rao giảng và hoàn thành chương trình cứu độ, hay cũng chính là số ngày Đức Kitô đã nằm trong mồ. Thật tình cờ, khi suy nghĩ về con số này, tôi liên tưởng đến ba năm tôi được cộng tác cùng cha Giuse Lê Danh Tường, người mà được Chúa gọi về trong tuần vừa rồi. Để từ đó, tôi đã cảm nghiệm sâu sắc hơn về thiên chức linh mục và đời sống của một tín hữu đích thực.

Hồi tưởng về những kỷ niệm

Ngày tôi gặp Cha là lúc mà đời tu của tôi đang được gieo mầm. Khi đó, tôi là một cậu ứng sinh năm hai thuộc Nhà Ứng sinh tại 125 Trung Văn, Hà Nội. Lý do tôi gặp được Cha bắt nguồn từ niềm đam mê mãnh liệt về công nghệ cũng như sở thích chụp ảnh của bản thân. Gặp đúng thời điểm Ban Truyền Thông (BTT) Tổng Giáo phận Hà Nội có chương trình đào tạo các cộng tác viên, được sự đồng ý của Cha Đặc trách Ứng sinh, tôi đã tình nguyện theo học khóa huấn luyện với tâm thế vô cùng háo hức. Tôi đã tưởng tượng trong đầu về Cha đặc trách BTT, Giuse Lê Danh Tường, là một người vô cùng cao lớn và khỏe mạnh, thì mới có thể đảm nhận được trọng trách như vậy. Suy nghĩ của tôi vẫn là như thế đến khi tôi thực sự gặp Cha.

Cha là một người có vóc dáng nhỏ bé và mang trọng bệnh. Trong ngày huấn luyện đầu tiên, nếu không ai giới thiệu tên Cha thì có lẽ tôi vẫn đang mong đợi một linh mục với thân hình cao lớn hơn. Điểm mà tôi ấn tượng về Cha là “cái bụng to”, mà tôi thường hay trêu đùa rằng: “Cha ít vận động và chơi thể thao”. Khi được các Sơ chia sẻ về bệnh ung thư tụy của Cha, tôi mới hiểu ra và không bao giờ có suy nghĩ như vậy nữa. Trải qua thời gian, tôi càng nhận ra Cha không hề “nhỏ bé”. Dù thể chất Cha không cao lớn, nhưng con người và nhân đức của cha thực sự “cao lớn”.

Trước tiên, tôi phải công nhận và ngưỡng mộ về trí thức và khả năng học hỏi của Cha. Điều này đã được chứng minh qua những trọng trách mà Cha Giuse đã đảm nhiệm: Đặc trách Ban Truyền Thông TGP Hà Nội; Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội; Thẩm phán Toà án Hôn phối TGP Hà Nội; hay Tổng thư ký Công Nghị TGP Hà Nội. Đối với tôi, khi được cộng tác với Cha, tôi cảm nhận được nhiều hơn thế. Về mọi lãnh vực khi tôi không thể giải đáp, Cha đều đưa ra những lời giải thích khá ngắn gọn và dễ hiểu. Ngay cả về lĩnh vực mà tôi ám hiểu nhất, đó là công nghệ, những gì tôi đả động đến hầu như Cha đều biết. Thời gian tôi làm việc cùng Cha nhiều nhất cũng là lúc thế giới đang chao đảo với đại dịch Covid-19. Tôi được Cha mời gọi từ Nhà Ứng sinh lên để giúp đỡ cho công tác trực tuyến và một số chương trình mang lợi ích cho các tín hữu trong mùa đại dịch. Khi thực hiện các ý tưởng của Cha, tôi thấy được tầm vóc của một con người suy nghĩ đi trước thời đại. Tôi đã tận mắt chứng kiến những hôm Cha thức đêm để tìm hiểu một vấn đề sai sót trong công việc trực tuyến. Bản thân tôi cũng từng thức cùng cha đến 1h00 sáng, chỉ để tranh luận và tìm ra cách giải quyết cho vấn đề “vì sao hình không lên, hay vì sao màu hình không chuẩn,…” Ngoài những kiến thức đó, tôi dần dần khám phá ra Cha còn là một nghệ sĩ đích thực, khi có thể chơi cả guitar lẫn piano. Tôi nói rằng mình khám phá vì Cha ít khi chia sẻ về điều này. Từ đó, tôi cảm nhận được sự khiêm nhường trong con người vĩ đại ấy.

Sự khiêm nhường của Cha làm tôi liên tưởng đến Thánh Giuse. Xưa kia, Thánh Giuse khiêm nhường đón nhận sự thật ngỡ ngàng về thai nhi trong cung lòng Đức Maria, thì nay, Cha Giuse cũng đón nhận căn bệnh ung thư trong thầm lặng và nhẹ nhàng. Ngài đã chịu đựng căn bệnh trong hơn 8 năm mà không khi nào tôi thấy Cha than thở. Xưa kia, Thánh Giuse khiêm nhường chăm sóc Chúa Giuse – Đấng Cứu Độ, thì này Cha Giuse cũng thầm lặng nuôi dưỡng đứa con tinh thần là trang web “tonggiaophanhanoi.org”, để đứa con tinh thần ấy mang đến sự phong phú của đức tin, loan truyền và rao giảng Lời Chúa bằng công nghệ số. Với tôi, Cha quả thực là một Acutis của Việt Nam. Ngoài ra, Cha còn âm thầm đảm nhiệm những trách nhiệm lớn trong giáo phận như giáo sư Đại Chủng viện, Tổng Thư ký Công nghị,… Ngài thực hiện các chức vụ mà hầu như người giáo dân không biết đến khuôn mặt ngoài đời của ngài. Điều này chúng ta có thể tự kiểm chứng!

Một mẫu gương của đời sống linh mục

Đời sống linh mục thường gắn bó với công việc mục vụ. Mặc dù Cha Giuse chưa từng trải qua kinh nghiệm làm linh mục quản xứ, nhưng tôi tin chắc đời sống mục vụ của cha thành công và không thua kém một linh mục nào. Qua thời gian làm việc cùng Cha, tôi cảm nghiệm được lòng nhiệt huyết phục vụ nơi Cha. Bạn cứ thử nghĩ đến một người có sức khỏe thất thường như thời tiết, hôm trước còn khỏe mạnh hôm sau đã kiệt sức, liệu rằng người đó có thể chu toàn trách nhiệm của bản thân? Nhưng với Cha Giuse, ngài vẫn làm việc dù lúc ngài đau yếu nhất. Trong những năm gần đây, các bạn có thể thấy trang web của Tổng Giáo phận đã phát triển và có nhiều nội dung phong phú hơn trước. Đó là những ý tưởng mà Cha đã nghĩ ra trong lúc nằm trên giường bệnh. Tôi đã chứng kiến Cha nén cơn đau, ngồi trên giường để làm việc. Trong các sự kiện lớn của Giáo phận, khi không thể tham gia, Cha sẽ dặn dò tôi kỹ lưỡng về mọi quy trình. Các ý tưởng mới lạ được Cha nghĩ ra rất nhiều như giải thích thánh vịnh, suy tư tản mạn,… và còn nhiều ý tưởng mà Cha vẫn chưa thể thực hiện.

Cử hành Thánh lễ là điều không thể thiếu với một linh mục. Với Cha Giuse, mặc dù đã được phê chuẩn không buộc dâng lễ, nhưng Cha vẫn gắn bó mật thiết với Bí tích Thánh Thể. Cha thường dâng lễ vào 16h00 hằng ngày, lúc mà công việc đã gần ổn thỏa. Một tuần trước khi Cha qua đời, tôi vẫn trong thấy bóng dáng cha gầy gò, ngồi trên chiếc xe lăn để dâng lễ tại nhà nguyện Fatima. Nếu các bạn chứng kiến cảnh đó, tôi tin chắc các bạn sẽ không thể kìm nước mắt được.

Cha là một linh mục tâm lý với giáo dân. Cuộc đời làm truyền thông của ngài chỉ có vỏn vẹn vài “giáo dân” là nhưng người cộng tác trong Ban Truyền thông. Tôi không hề nghe thấy một giáo dân nào chê trách về cách làm việc của Cha. Đặc biệt, Cha luôn lắng nghe ý kiến của mọi người để hoàn thiện các chương trình đã đặt ra. Bản thân tôi, không tài giỏi, nhưng Cha vẫn luôn hỏi ý kiến tôi về các chương trình mới. Cha dám trao cho tôi những việc lớn mà tôi cũng chưa từng đảm nhiệm bao giờ như truyền hình trực tuyến trong mùa dịch hay quản lý trang web và fanpage của Truyền thông Giáo phận.

Chỉ còn gần một tháng nữa là Công nghị TGP Hà Nội chính thức khai mạc, và vai trò Tổng Thư ký của Cha cũng sẽ hoàn thành. Nhưng Chúa đã cất Cha đi như Ngài đã làm với ông Môsê. Đó là sự nhiệm mầu trong chương trình của Chúa, Còn rất nhiều điều để nói về Cha, nhưng chắc tới đây, các bạn đã đủ cảm nhận được sự nhiệt huyết trong công việc mục vụ nơi Cha.

Tựu chung lại, vài lời văn không thể nào diễn tả hết được tâm tư của người học trò với thầy, nhưng Cha thực sự là một linh mục tuyệt vời. Cha đã phác họa dung mạo của Chúa Giêsu một cách rõ nét hơn. Mặc dù, có những lúc, cha yếu đuối, nhưng không thể che lấp sự thánh thiện nơi Cha. Ba năm là quãng thời gian không dài cho một hành trình, nhưng cũng đủ để tôi học được nơi Cha những điều tuyệt vời.

Nhờ Thập giá Người” (Gl 6, 14) là câu Lời Chúa mà Cha đã chọn cho đời linh mục của mình, và có lẽ gánh nặng của căn bệnh ung thư cũng chính là thánh giá mà Cha đã cùng Chúa vác đi trên con đường hẹp để đi hết chặng đường dương thế. Nhưng con tin chắc rằng sau con đường hẹp đó là con đường rộng mở đón Cha vào thiên đàng. Ước mong Cha đang vui cười trên Thiên Quốc và chuyển cầu cho chúng con!

Ôi linh mục của Chúa! Ôi người thầy của tôi! Tạm biệt Cha!

Hạt mưa

CHA ƠI! CHA ĐI THẬT RỒI…

Cha biết không! Con vẫn hy vọng đầu tháng 11 này có dịp lên Hà Nội, con sẽ được ghé qua thăm Cha lần nữa. Nhưng tiếc là Cha đã đi thật rồi…

Sáng hôm thứ ba (ngày 24/11) vừa qua, khi con mở máy để xem tin trên trang TGP Hà Nội. Con thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng tin cáo phó mang tên Cha – Giuse Lê Danh Tường. Chúa ơi, vẫn biết rằng đây là điều đã được chuẩn bị từ trước nhưng sao trong con lúc đó cảm xúc thật khó diễn tả, một nỗi buồn không thể gọi thành tên. Tiếc là con không thể nói với Cha một lời: Vĩnh biệt – người Cha đã truyền cảm hứng cho con.

Sự thật là, ngay từ những ngày còn học cấp II, tôi đã từng nghe bố kể đến cái tên thầy Tường nào đó quê ở Nấp (Vỉ Nhuế). Thấy bố và mấy người Giáo lí viên quê tôi khen ngợi và ngưỡng mộ lắm vì ngày đó hình như Cha cũng tham gia lớp đào tạo GLV của miền thì phải. Nhưng với suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn như tôi những điều khen ngợi đó thật là vô nghĩa.

Thế rồi, khi lớn lên vào nhà dòng, tôi lại được nghe các chị nhắc đến tên Cha Tường: Một người tuy thấp bé nhưng rất giỏi giang – các chị kể. Lục lại những gì đã được nghe bố kể trong quá khứ với những gì bây giờ được nghe, tôi đã rất mong ước một ngày nào đó sẽ được gặp Cha ‘face to face’ xem thế nào. Nhưng quả thật, số tôi không được may mắn như vậy.

Thời gian cứ thế trôi cho đến tháng 10 năm 2020, khi chúng tôi được trở về cộng đoàn nhà Mẹ ở Hà Nội để tham gia lớp Học viện. Thiên Chúa vô cùng nhân lành đã thương cho tôi được học với Cha một bộ môn. Thật sự, tôi mong đợi cái buổi học đầu tiên ấy lắm. Thực ra, tôi không ham học gì cho bằng muốn chứng thực những gì được nghe với những gì tận mắt thấy. Nhưng khi thấy ngài bước vào lớp thì tất cả những lí tưởng trong tôi dường như vụt tắt bởi trước mặt tôi lúc này là một con người ốm yếu, mệt mỏi; da xám xịt với cái bụng to bự. Tôi ngồi xuống mà lòng trĩu nặng như đang mất dần niềm hy vọng. Tôi đành ngồi im chờ đợi xem những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nhưng quả thật, những gì tôi thấy bên ngoài với những điều ngài phát ra từ bên trong thật trái ngược nhau hoàn toàn. Một con người tuy bệnh tật nhưng lời giảng của ngài vẫn tràn đầy nghị lực. Đặc biệt, ngài hay có những câu nói rất hài hước và vui vẻ khiến chúng tôi cảm thấy một giờ học trôi qua thật nhẹ nhàng. Thực sự, tôi có cảm giác khi dạy học ngài đã quên mất mình là người đang bị bệnh.

Thời gian tiếp đó, tôi may mắn có nhiều cơ hội gặp Cha hơn. Càng tiếp xúc với Cha tôi càng học hỏi được nhiều điều. Từ những lời nói, cách học cho đến cách nói chuyện với Chúa,…Đôi lúc tôi đã tự hỏi: Có thật ngài không đau đớn gì sao mà lúc nào cũng thấy ngài vui vẻ lại còn thỉnh thoảng thêm mấy câu dí dỏm khiến ai nấy đều phải bật cười. Tuy nhiên, lúc nào ngài cần nhắc nhở gì thì cũng ra trò lắm đấy. Tôi nhớ, có lần ngài khuyến khích tôi làm một việc mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Tôi liền nói với Cha: “Chắc con không làm được đâu Cha ạ”. Cha nhìn tôi với khuôn mặt khá nghiêm nghị rồi nói: “Nếu chưa bắt đầu thì đừng bao giờ nói KHÔNG”. Chính câu nói đó mà tôi đã can đảm liều mình thử sức. Và quả thật, nhờ có Cha động viên, khuyến khích mà bây giờ tôi đã làm được cái điều mà ngay cả trong suy nghĩ tôi cũng không bao giờ nghĩ tới. Cảm ơn Cha đã tiếp lửa cho con.

Ngày cha nằm xuống, tôi ở xa nên không có điều kiện để lên Hà Nội ngay ngày hôm đó. Mãi đến sáng hôm lễ an táng cho ngài tôi mới có mặt. Ngồi nhìn tấm di ảnh của Cha mà trong đầu tôi không ngớt vang lên những câu trách móc: Tại sao? Chúa ơi! Mặc dù, tôi vẫn biết đó là những câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng thực sự lúc đó tôi không biết phải nói gì với Chúa nữa. Giáo hội đang cần những người như Cha biết mấy! Tôi cũng tiếc cho chính bản thân mình vì nơi ngài còn có quá nhiều điều mà tôi chưa có cơ hội học hỏi. Và tôi nghĩ, cũng có rất nhiều người có suy nghĩ giống tôi.

Ngồi tham dự Thánh lễ mà những hình ảnh về ngài cứ ùa về trong tôi khiến tôi càng cảm thấy khó hiểu. Chợt tôi nghe tiếng Đức Tổng Giám Mục Giuse nói: “Cha Giuse Lê Danh Tường quả thật là một bông hoa đẹp mà Chúa muốn ngắt về trước. Với 46 tuổi đời, 15 năm linh mục nhưng có tới 8 năm 3 tháng chung sống với căn bệnh ung thư tụy. Tuy đau đớn là thế nhưng ý chí ngài vẫn kiên cường với một quả tim yêu mến Giáo hội, muốn cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho Giáo hội. Và ngài đã cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng…” Tôi chợt nhận ra, quả đúng là thế! Thường người ta ra vườn ngắt hoa, ai cũng muốn hái những bông hoa đẹp nhất, thơm nhất chứ mấy ai muốn hái những bông héo úa đâu. Và tôi tin Thiên Chúa cũng làm như vậy với Cha.

Đứng trước phần huyệt mộ nơi Cha an nghỉ, tôi biết rằng, rồi đây sẽ không bao giờ tôi có cơ hội gặp lại Cha nơi trần gian này nữa. Nhưng trong niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, tôi hy vọng sẽ có ngày tôi sẽ được gặp lại Cha trong vinh quang Nước Chúa. Đã đến giờ Cha nghỉ ngơi rồi. Cha hãy an nghỉ bình an trong Chúa, Cha nhé! Như Chúa Giêsu đã từng nói: “Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)

Ai người rồi cũng sẽ phải ra đi. Mặc dù, Cha đã ra đi mãi mãi nhưng tôi tin, những việc làm và nghĩa cử cao đẹp của Cha sẽ luôn sống mãi trong tôi và mọi người. Bây giờ, tôi đã hiểu, hạt giống phải mục nát đi thì mới sinh nhiều bông hạt. Hay như Charles de Foucauld đã từng nói: Họ phải qua đi để cho những hạt mầm sớm nảy nở đều khắp và mạnh mẽ.

Mỗi chúng ta hãy thắp lên ngọn nến với niềm tin như thế nhé!

Têrêsa nhỏ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org