Như Chúa Nhật trước, Chúa Nhật XXV tuần này nêu bật viễn cảnh về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh được Đức Giê-su loan báo lần thứ hai theo sách Tin Mừng Mác-cô. Ở nơi chủ đề này, ngầm chứa những tranh cãi phàm nhân có thể dẫn đến ghen tuông, thù hận, thậm chí sát hại đối thủ của mình. Người Công Chính (Bài Đọc I và Tin Mừng) là nạn nhân tiêu biểu cho sự ghen tuông và thù hận này.
Kn 2: 12, 17-20
Trong Bài Đọc I trích từ sách Khôn Ngoan, chính vì cuộc sống trọn tình vẹn nghĩa với đạo mà Người Công Chính bị quân vô đạo bách hại cho đến chết.
Gc 3: 16-18; 4: 3
Đoạn trích thư của thánh Gia-cô-bê là cuộc bút chiến lên án những ghen tuông tranh chấp xuất phát từ những đam mê và những khuynh hướng xấu. Trái lại, Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa là yêu thương anh em mình cho đến quên bản thân mình.
Mc 9: 29-36
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp đến của Ngài, nhưng các ông chẳng những không chịu hiểu mà còn tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm họ. Chúa Giê-su muốn họ hiểu rằng trong Giáo Hội của Ngài người lớn nhất là người hầu hạ mọi người. Đó là bầu khí thân thương của một gia đình trong đó cha mẹ là người lớn nhất lại trở thành người hầu kẻ hạ tận tình phục vụ con cái của mình.
BÀI ĐỌC I (Kn 2: 12, 17-20)
Tác giả sách Khôn Ngoan là một người Do thái sinh trưởng ở thành A-lê-xan-ri-a, ông đã viết tác phẩm của mình vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Thành A-lê-xan-ri-a lúc đó là một trong những trung tâm rực rỡ nhất của văn hóa Hy lạp và đồng thời là một trong những thành phố quan trọng nhất của những người Do thái Hải Ngoại.
Quả thật, cộng đồng Do thái ở đây gìn giữ nét đặc thù của mình. Tuy nhiên, sức cám dỗ của môi trường ngoại giáo chung quanh là một thực tế hằng ngày: tính đa dạng của những lý luận triết học, sự phát triển của các bộ môn khoa học, tôn giáo tổng hợp, sức hấp dẫn của những tôn giáo bí nhiệm, vân vân. Ở thành phố này, số lượng những người bội giáo càng lúc càng đông. Tác giả viết sách Khôn Ngoan để phòng ngừa những sa ngã mới ở nơi những anh em đồng đạo của ông. Với tâm trí sáng suốt của một hiền nhân, ông ra sức chận đứng sự thù ghét càng ngày càng gia tăng ở giữa họ: từ ước muốn dập tắt những lời trách cứ gây phiền hà cho cuộc sống vô đạo của mình, cho đến ước muốn làm khổ và làm hại người công chính lòng dạ sắc son.
1. Lập luận cực đoan của quân vô đạo
Đoạn trích sách Khôn Ngoan này không là sấm ngôn trực tiếp liên quan đến cuộc Tử Nạn của Đức Ki-tô, nhưng là một phân tích tâm lý mô tả tình trạng tinh thần của những người Do thái bội giáo trước cuộc sống đạo hạnh của người công chính. Cuộc sống trọn tình vẹn nghĩa với đạo của người công chính khiến quân vô đạo chướng tai gai mắt không thể nào chịu nỗi. Lòng căm tức đã đẩy họ đến lập luận quá khích, dẫn họ đến làm khổ và sát hại người công chính: “Ta hãy gài bẫy hại người công chính, vì nó làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm luật Chúa và hạch ta không giữ lễ giáo. Ta hãy xem những lời nó nói có thật không và nghiệm xem cuối cùng nó sẽ ra sao”. Tiến trình thù ghét này một ngày kia được áp dụng chống lại Người Công Chính tuyệt hảo là Đức Giê-su. Vì thế, sứ điệp này mặc lấy một khía cạnh ngôn sứ.
2. Người công chính chịu đau khổ
“Nếu người công chính là con Thiên Chúa, thì Người sẽ phù hộ nó”. Tước hiệu “con Thiên Chúa” được dành cho dân Chúa chọn, họ hãnh diện vì Thiên Chúa đã công bố họ là con cái của Ngài. Nhưng trong trường hợp này, tước hiệu “con Thiên Chúa” mặc lấy một sấm ngôn, vì đó sẽ là lý do mà Thượng Hội Đồng Do thái sẽ nại đến để kết án tử Đức Giê-su: “Người này tự xưng mình là Con Thiên Chúa”.
“Ta hãy lên án cho nó phải chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm”. Những lời này nhắc nhớ Tv 22 mô tả người công chính bị bách hại kêu gào nỗi khốn khổ của mình, nhưng cũng đặt niềm cậy trông của mình vào Đức Chúa. Chính Thánh Vịnh này mà trên Thập Giá Đức Giê-su thốt lên cách thống thiết: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.
Những kẻ thù của Đức Giê-su cũng sẽ trích Thánh Vịnh này để nói với nạn nhân của họ đang hấp hối trên thập giá: “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa” (Mt 27: 43). Tác giả sách Khôn Ngoan phác họa trước dung mạo Người Công Chính lý tưởng gần một trăm năm sau đó.
BÀI ĐỌC II (Gc 3: 16-18; 4: 3)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Gia-cô-bê. Đoạn trích thư hôm nay chứa đựng những lời khuyên bảo theo hình thức châm ngôn gợi nhớ cách thức mà các bậc hiền nhân Cựu Ước đã sử dụng, nhưng mang hơi thở Tin Mừng. Thánh Gia-cô-bê đã nhiều lần khai triển mối phúc thứ nhất: “Phúc thay những người nghèo khổ!”. Đoạn văn trích dẫn hôm nay minh họa một mối phúc khác: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình!”. Đoạn văn này có hai phần đối nghịch nhau:
1. Những danh thơm tiếng tốt của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa (3: 16-18)
Trong phần thứ nhất, tác giả liệt kê những danh thơm tiếng tốt của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa “làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, mến chuộng điều lành, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình”. Việc liệt kê những phẩm chất của Đức Khôn Ngoan nhắc nhớ bài ca đức mến trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13: 4-7). Nhưng thánh Gia-cô-bê đặt dấu nhấn chủ yếu trên việc xây dựng hòa bình: “người xây dựng hòa bình là người gieo giống trong hòa bình; và hoa trái họ thu hoạch được là cuộc đời công chính”.
2. Những hận thù, ghen ghét của con người (4: 1-3)
Đối nghịch với những phẩm chất của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa là những xung đột ở bên trong con người, trong đó những ham muốn là nguyên do sâu xa nhất của “những hành động hung ác”. Cung giọng của tác giả trở nên khẩn thiết, văn phong được đẩy cao đến mức ngoa dụ: “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau”. Cách diễn tả dữ dội này, chúng ta cũng gặp thấy ở nơi thư thứ nhất của thánh Gioan: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3: 15). Những từ ngữ và hình ảnh ở đây thuộc thể loại bút chiến.
Là thủ lãnh của cộng đồng tín hữu Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội Mẹ, thánh Gia-cô-bê cảm thấy mình chịu trách nhiệm về những tín hữu ở xa của mình; vì thế, thánh nhân đặt tất cả hồn tông đồ của mình vào những lời kêu gọi sống cuộc đời Ki-tô hữu chân chính.
TIN MỪNG (Mc 9: 30-37)
Trong đoạn trích Tin Mừng hôm nay, ý tình đan quyện vào nhau, tâm tư tình cảm dạt dào cảm xúc. Đức Giê-su thực hiện giai đoạn sau cùng sứ vụ tại miền Ga-li-lê của Ngài. Ngài trở lại lần cuối cùng thành Ca-phác-na-um được xem là bản doanh sứ vụ của Ngài. Từ đó, Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem để bước vào con đường Thương Khó và Tử Nạn, Phục Sinh và Lên Trời của Ngài. Chúng ta biết rằng trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần, trong khi Tin Mừng Gioan tường thuật Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem nhiều lần vào các đại lễ trong năm.
1. Loan báo lần thứ hai cuộc Tử Nạn và Phục Sinh
Khi đi ngang qua miền Ga-li-lê, Đức Giê-su tránh gặp gỡ đám đông; Ngài giới hạn giáo huấn của Ngài chỉ trong vòng các môn đệ của Ngài. Khi Thầy trò đang đi trên đường, Ngài gợi lên lần thứ hai viễn cảnh cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp đến của Ngài bằng những ngôn từ hầu như y hệt lời loan báo thứ nhất.
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”. Động từ “nộp” ở đây có một ý nghĩa rất mạnh, nhưng được dùng ở thể thụ động “bị nộp” muốn nói lên điều gì? Sau này, thánh Mác-cô sẽ vạch mặt chỉ tên những kẻ nộp Đức Giê-su đưa Ngài đến cái chết: đó là ông Giu-đa (14: 10), các thượng tế (15: 1) và quan tổng trấn Phi-la-tô (15: 15). Tuy nhiên, đây cũng là hình thức thụ động thần linh thông dụng mà người Do thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân bằng cách tránh nêu danh Người vì lòng tôn kính. Vì thế, cái chết của Đức Giê-su có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi gây ra, nhưng nhất là nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà lời loan báo đầu tiên diễn tả: “Con người phải chịu nhiều đau khổ”. Đây không là cái tất yếu của định mệnh mà Đức Giê-su phải chịu, nhưng là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Giê-su phải thực hiện.
“Vào tay người đời”, đây là diễn ngữ Kinh Thánh để chỉ những kẻ thù không có lòng xót thương. Ở đây kiểu nói này hình thành nên một sự đối chiếu thống thiết với danh xưng “Con Người”. Qua danh xưng “Con Người”, Đức Giê-su nhấn mạnh nhân tính của Ngài. Như bao nhiêu con người khác, Ngài cũng biết đau khổ và sự chết đang chờ đợi Ngài, nhưng vận mệnh của Ngài được hoàn tất theo thị kiến của Đa-ni-en về Con Người trong vinh quang. Vì thế, như trong lần loan báo đầu tiên, trong lời loan báo thứ hai này, sau khi báo trước cuộc Tử Nạn của mình, Đức Giê-su cũng báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài. Như vậy Tử Nạn và Phục Sinh là hai mặt của một thực tại bất khả phân.
2. Nỗi cô đơn của Đức Giê-su
Mỗi lần Chúa Giê-su loan báo rõ ràng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, thánh Mác-cô đều nhấn mạnh đến “sự ngu muội” chậm hiểu của các môn đệ (8: 32; 9: 32). Các ông không hiểu, nhưng không dám hỏi Ngài; thay vì đó, các ông lại nghĩ đến việc khác. Các ông đinh ninh rằng việc đi lên Giê-ru-sa-lem lần này chắc hẳn Thầy mình sẽ thực hiện sứ mạng của Đấng Mê-si-a, Ngài sẽ thiết lập vương triều của Ngài; vì thế, các ông bắt đầu tranh luận với nhau về những đặc quyền đặc lợi, xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Đức Giê-su không dự phần vào cuộc tranh luận của họ; chắc chắn Ngài đi một mình riêng ra. Không ai trong nhóm Mười Hai, những người đã gắn bó với Ngài suốt ba năm nay, hỏi Ngài về vận mệnh đau thương mà Ngài mời gọi họ dự phần vào. Nói cho cùng, ở nơi họ Ngài không gặp thấy sự đồng hội đồng thuyền đồng sinh đồng tử với Ngài. Đây là khúc dạo đầu cho việc bỏ rơi hoàn toàn mà Ngài sẽ nhận biết vào lúc Ngài bị bắt. Chúng ta cảm thấy nỗi đau đớn của Ngài qua cách trình bày giản dị của đoạn Tin Mừng này.
3. Bài học về sự phục vụ
Khi đến thành Ca-phác-na-um, vào trong nhà, Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Dọc đường, anh em tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?”. Các ông làm thinh, không ai dám thú nhận điều làm họ bận lòng trên đường. Nhưng Đức Giê-su không cần ai nói với Ngài. Vả lại, bài học mà Ngài sắp cho họ có thể giúp cho họ hiểu một cách gián tiếp những lời của Ngài mà vào giây phút này, họ đã không thể hiểu được: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Với giáo huấn về sự phục vụ này, Đức Giê-su đả đảo ngược cơ cấu phẩm trật thông thường của nhân loại theo đó người đứng đầu là người chiếm những chỗ ngồi danh dự, ăn trên ngồi trước, hưởng những đặc quyền đặc lợi, mà Ngài đã rất dị ứng ở nơi cách sống của giai cấp lãnh đạo Do thái. Có lần Ngài đã nói lên sứ mạng của Ngài: “Con Người đến không để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ”.
Đức Giê-su sẽ đưa ra một mẫu gương rõ ràng hơn nữa vào bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ, khi Ngài rời chỗ ngồi danh dự của Ngài, mặc bộ đồng phục của người hầu và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Ngài (Ga 13: 4-16) kèm theo với lời dạy rõ ràng: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15).
Nhưng ngay từ bây giờ, Ngài ban cho họ một bài học đặc biệt, soi sáng mặc khải trên đường lên Giê-ru-sa-lem, con đường tiến về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài, ở đó Ngài đích thân hiện thực sứ điệp của Ngài: Ngài sẽ bị đối xử như người rốt hết và sẽ chịu khổ hình như kẻ nô lệ. Sau điều đó, Ngài sẽ là người đầu hết, trưởng tử của một nhân loại mới. Ngài ngầm hướng tư tưởng của các môn đệ Ngài về sấm ngôn Người Tôi Trung đau khổ của I-sai-a, chịu thương chịu khó kể cả hy sinh mạng sống mình để đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
4. Bài học về đức khiêm hạ
Để có thể nhổ tận gốc rể tính tự cao tự đại và tự mãn của các môn đệ Ngài, Đức Giê-su đưa ra một ví dụ khác. Ngài đem một em nhỏ đặt giữa các ông và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giê-su đối lập thế giới người lớn tự phụ và tham vọng với thế giới trẻ thơ. Trẻ thơ có nhiều đức tính mà người môn đệ của Ngài phải học: chúng biết rõ thân phận nhỏ bé của mình, vì thế, chúng không phô trương sự khôn ngoan và quyền hành của mình, nhưng bày tỏ một niềm tin tưởng đơn sơ và chân thành. Hơn thế nữa, trong Tin Mừng, những người phận nhỏ lại là đoàn chiên của Ngài mà Ngài tận tình chăm sóc và hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10: 11-15). Đó cũng là những “chiên con” mà Ngài sẽ trao gởi cho thánh Phê-rô chăm sóc với lời căn dặn đến ba lần phải yêu mến đoàn chiên của Ngài như yêu mến Ngài hơn bất cứ ai (Ga 21: 15-16).
Trang Tin Mừng này là một trong những trang làm chứng về sự chân thật của các tác giả sách Tin Mừng. Các Tông Đồ chẳng có lý do gì để mà tự phụ về mình ở nơi những tình tiết này; tuy nhiên họ đã để lại một mẫu gương cho những thế hệ mai sau, họ khiêm tốn nhận ra tâm trí chậm hiểu và thiếu độ nhạy bén của mình.
Sức hấp dẫn và lôi cuốn của Giáo Hội Đức Ki-tô không phải ở nơi việc phô trương những quyền cao chức trọng, nhưng ở nơi thái độ khiêm tốn hạ mình xuống mà phục vụ những anh chị em bé nhỏ cách đơn sơ chân thành. Nói cho cùng, đây là bầu khi thân thương của một gia đình, ở đó cha mẹ là người lớn nhất nhưng đã tự biến mình thành con sen, đứa ở để phục vụ con cái của mình, con cái càng nhỏ thì cha mẹ càng tận tình yêu thương phục vụ hơn nữa.
Lm. Inhaxio Hồ Thông
TIN LIÊN QUAN: