Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa Nhật XIV thường niên B – Lm. Inhaxio Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIV năm B này nêu lên những khó khăn mà tất cả các ngôn sứ hay các nhà truyền giáo gặp phải, đặc biệt khi loan báo sứ điệp Thiên Chúa cho những người đồng hương của mình.

Ed 2: 2-5

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhận được sứ điệp phải loan báo cho những người đồng hương của ông một sứ điệp cứng rắn: “Một dân phản loạn… một bọn người mặt dày mày dạn và lòng chai dạ đá”. Vì thế, ông gặp biết bao khốn khổ trước những đồng hương lòng chai dạ đá này.

2Cr 12: 7-10

Thánh Phao-lô hãnh diện về những đặc sủng mà mình đã lãnh nhận, nhưng thánh nhân cũng đã gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn trong suốt sứ vụ truyền giáo của mình: thử thách cá nhân (“như một cái dầm đâm vào thân xác”) và những bách hại, chống đối, nhục mạ, vân vân.

Mc 6: 1-6

Trở về Na-da-rét, Đức Giê-su rao giảng cho những người đồng hương của Ngài, nhưng gặp phải thái độ vô tri và ngờ vực của họ.

BÀI ĐỌC I (Ed 2: 2-5)

Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã là tư tế Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, đồng thời cũng lãnh nhận ơn gọi ngôn sứ. Đây là trường hợp đặc biệt.

Ê-dê-ki-en đã sống trong một thời đại bi thảm: đế quốc Ba-by-lon đã chinh phục xứ Pa-lét-tin, triệt hạ thành đô Giê-ru-sa-lem, phá hủy Đền Thờ và vương quốc Giu-đa. Dân chúng bị đưa đi lưu đày và sống ở đất khách quê người trong cảnh nghèo khổ. Họ đã trải qua từ những nghi lễ huy hoàng ở Đền Thờ đến một tôn giáo trơ trụi, nội tâm. Sứ mạng chính yếu của ngôn sứ Ê-dê-ki-en là làm cho những kẻ lưu đày hiểu ý nghĩa của sự thử thách mà họ đang phải chịu để họ thay đổi “trái tim bằng đá thành trái tim bằng thịt”.

Đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay là bài trình thuật về ơn gọi của ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Bài trình thuật này nêu bật quyền năng bất khả kháng của tiếng gọi Thiên Chúa và con người cảm thấy mình hư vô và nhỏ bé trước sự siêu việt của Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài trình thuật này cũng làm cho hiểu rằng dù chỉ là một phàm nhân nhưng ngôn sứ trở nên vĩ đại biết bao dưới tác động của Thiên Chúa.

1. Thần Khí nhập vào tôi

Đối với Cựu Ước, Thần Khí chưa là một ngôi vị phân biệt với Đức Chúa, nhưng một sự thôi thúc đến từ Thiên Chúa, “hơi thở của Ngài”.

Thần Khí nhập vào ngôn sứ và làm cho vị ngôn sứ đứng dậy, nghĩa là, nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình, con người chỉ là thụ tạo yếu đuối và nghiêng ngửa; nhưng khi được Thiên Chúa nắm bắt, vị ngôn sứ là một con người đứng thẳng, kiên cường trong sứ mạng của mình.

2. “Hỡi con người”

Diễn ngữ: “con người” viết thường, được dịch theo sát từ là “con cái loài người”. Đây là một đặc ngữ Do thái, có nghĩa “một con người”, “một phàm nhân” (x. Tv 80: 17; Gr 50: 40; 51: 43). Nhưng trong sách Ê-dê-ki-en, đặc ngữ này xuất hiện nhiều lần và có nhiều sắc thái ngữ nghĩa.

Ở nơi này, đặc ngữ này bày tỏ rằng ngôn sứ xem mình như một một con người bình thường như bao nhiêu người khác, không có bất kỳ một đặc quyền nào, thậm chí cho dù ông là một phát ngôn viên của Thiên Chúa đi nữa: đặc ngữ này bày tỏ mối liên hệ của vị ngôn sứ với đồng bào của ông, vì ông không khác với họ về mọi phương diện, ngay cả ông đã được Thiên Chúa ủy thác sứ điệp của Ngài đi nữa. Đúng hơn ông thấy mình đơn giản như một thành viên của cộng đồng Ít-ra-en mà Thiên Chúa đang ngỏ lời qua ông.

Ở nơi khác, đặc ngữ này chỉ ra rằng khi so sánh với Đức Chúa, Thiên Chúa quyền năng, Đấng cho ông thoáng thấy vinh quang của Ngài, ông chỉ là một con người, một thụ tạo yếu đuối thấp hèn: sứ điệp mà ông truyền đạt có khoảng cách khôn sánh giữa Thiên Chúa và con người.

Chính luôn luôn dưới danh xưng này: “Hỡi con người, hãy đứng cho thẳng Ta sắp phán với ngươi” mà vị ngôn sứ được Thiên Chúa chỉ định là người truyền đạt sứ điệp cao vời của Ngài. Một cách nào đó, Thiên Chúa đòi hỏi nơi vị ngôn sứ đức tính khiêm hạ của một kẻ vô danh, như thử Thiên Chúa trao gởi một sứ mạng càng cao trọng bao nhiêu thì thừa tác vụ của người ấy càng phải khiêm tốn và nhỏ bé bấy nhiêu.

Đặc ngữ này sẽ mặc lấy một ý nghĩa khác trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7: 13), ở đó “Con Người” viết hoa là một nhân vật có nguồn gốc thần linh. Trong các sách Tin Mừng Chúa Giê-su áp dụng cho mình đặc ngữ này cả theo truyền thống Ê-dê-ki-en để nhấn mạnh nhân tính tròn đầy của Ngài như khi Ngài tiên báo cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài lần thứ ba: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ vào Ngài, họ sẽ đánh đòn Ngài và giết chết Ngài” (Mc 10: 33-34), lẫn truyền thống Đa-ni-en để nhấn mạnh nguồn gốc thần linh của Ngài, như khi Ngài công bố trước phiên tòa của Thượng Hội Đồng Do thái: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14: 62).

3. Một dân phản loạn

Lời của Đức Chúa thật là cứng rắn: “Một dân phản loạn… một bọn người mặt dày mày dạn và lòng chai dạ đá”. Đây sẽ là ngôn từ của Ê-dê-ki-en, một trong những ngôn từ nghiêm khắc nhất chưa bao giờ được viết ra để kết án tội lỗi của dân Ít-ra-en. Vị ngôn sứ không khoan nhượng một chút nào. Theo ông, dân Chúa chọn đã chẳng bao giờ thật sự trung thành với Thiên Chúa của mình. Vị ngôn sứ lên án tội lỗi của vua chúa, quần thần, tư tế và toàn dân. Ông loan báo cơn giận khủng khiếp của Thiên Chúa bằng những từ ngữ rắn rỏi. Từ cảnh lưu đày của mình, ông thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem hoang tàn đổ nát: “Hỡi con người, ngươi hãy nói với con cái dân ngươi; ngươi hãy bảo: Khi Ta cho gươm đến trừng phạt xứ nào, thì dân xứ ấy sẽ chọn một người trong số họ và đặt làm kẻ canh gác cho mình” (33: 2). “Kẻ canh gác” là một trong những hình dung từ để chỉ ngôn sứ.

Những biến cố của 587 trước Công Nguyên sẽ sớm chứng tỏ cho dân phản loạn này rằng “có một ngôn sứ ở giữa họ”. Tinh thần của Ê-dê-ki-en ảnh hưởng rất sâu xa sau cái chết bất ngờ của ông ở giữa cảnh lưu đày vào năm 571 trước Công Nguyên.

BÀI ĐỌC II (2Cr 12: 7-10)

Trong vô vàn những khó khăn nảy sinh giữa vị tông đồ và các tín hữu Cô-rin-tô, đáng kể là những lời chỉ trích phê bình về sứ vụ tông đồ của thánh nhân đến từ “các Tông Đồ siêu đẳng” (11: 5), “những kẻ đội lốt tông đồ của Đức Ki-tô” (11: 13), những kẻ sửa sai giáo huấn của thánh nhân và vu khống hoạt động của thánh nhân là “sống theo tính xác thịt” (10: 2).

Để lấy lại niềm tin tưởng của các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô buộc phải tự biện hộ cho chính mình. Thánh nhân trình bày những đau khổ mà mình phải chịu và những đặc sủng mà mình đã đón nhận (thị kiến, xuất thần, “được nghe những lời khôn tả mà không được phép nói lại”: 12: 4).

1. “Cái dằm đâm vào thân xác”

Thánh nhân không muốn để cho mình bị mắc vào thói tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường đã nhận được này, vì thế, “thân xác tôi như đã bị một cái dầm đâm vào”.

Các nhà chú giải luôn luôn tự hỏi qua lời này thánh nhân muốn nói điều gì. Họ đã so sánh bản văn này với một đoạn thư gởi tín hữu Ga-lát: “Anh em biết: nhân khi thân xác tôi đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên. Mặc dầu thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 4: 13-14) khi nghĩ đến một khuyết tật bẩm sinh nào đó. Khoa ảnh tượng xưa trình bày thánh nhân lúc thì với đôi mắt lồi, lúc thì với đôi mắt lé. Người ta cũng đã gợi lên những xao xuyến tâm lý, như nỗi buồn phiền của thánh nhân vì đã không hoán cải được những người Do thái, đồng bào của thánh nhân, “anh em trong xác thịt của ngài”.

2. “Đã ba lần, tôi xin Chúa…”

Con số “ba” xem ra chỉ cường độ lời cầu nguyện của thánh nhân; cũng như Đức Giê-su ở trong vườn Ô-liu đã cầu nguyện ba lần. Thánh nhân đã luôn luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh nhân không cầu nguyện với Đức Ki-tô, nhưng luôn luôn cầu nguyện với Chúa Cha mà ngài gọi ở đây là Chúa, tước hiệu mà thánh nhân thích gán cho “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” hơn.

3. “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”

Chúng ta nhận ra rất rõ văn phong của thánh Phao-lô ở nơi biện chứng mạnh mẽ-yếu đuối này. Càng xóa nhòa công sức của kẻ làm việc cho Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng bày tỏ quyền năng Thần Khí ở nơi mình bấy nhiêu. Hễ có dịp là thánh Phao-lô lập lại tư tưởng này.

Lời kết của thánh nhân vừa khái quát vừa ám chỉ đến những xúc phạm và những xao xuyến mà các tín hữu Cô-rin-tô đã bắt ngài phải chịu: “Vì vậy, tôi cảm thấy sung sướng, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Thánh Phao-lô cho họ hiểu rằng cách hành xử của họ sẽ không làm thay đổi thái độ của ngài là luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa.

Chương 12 này, mà chúng ta chỉ đọc một đoạn trích, là một chứng liệu duy nhất giúp chúng ta hiểu biết thánh Phao-lô. Không có những lời thú nhận nồng nàn này, chúng ta chỉ có một cái nhìn đại thể phiếm diện về những thử thách mà thánh nhân đã kinh qua và những kinh nghiệm thần bí mà thánh nhân đã trải nghiệm. Tâm tính bốc lửa của thánh nhân được bày tỏ ở đây rõ hơn nơi nào khác – một sự hòa hợp đáng ngạc nhiên ở nơi con người của thánh nhân giữa tính tự phụ, đức khiêm hạ và niềm tin kiên vững vào Đức Ki tô.

TIN MỪNG (Mc 6: 1-6)

Theo Tin Mừng Mác-cô, đây là lần đầu tiên Đức Giê-su có dịp trở lại nơi sinh trưởng của Ngài kể từ khi Ngài thi hành sứ mạng công khai của mình. Làm thế nào Ngài có thể bỏ quên những người mà Ngài đã chia sẻ cuộc sống trong nhiều năm mà không mang Tin Mừng đến cho họ được chứ?

Chắc chắn Ngài không mong chờ họ sẽ hồ hỡi đón tiếp Ngài. Mới đây thân nhân của Ngài từ làng Na-da-rét đến thành Ca-phác-na-um toan tính bắt Ngài về, vì cho rằng Ngài mất trí. Đức Giê-su đã không bận lòng đến cách hành xử của họ; Ngài cũng đã ám chỉ một sự đoạn tuyệt: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3: 35).

Quả thật, chuyến viếng thăm Na-da-rét của Ngài kết cục là một sự thất bại. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật biến cố này, bài tường thuật của Lu-ca cung cấp nhiều tình tiết nhất (Lc 4: 16-30).

1. Thân thế và nghề nghiệp

Đến ngày sa-bát, Đức Giê-su vào giảng dạy trong hội đường”. Đây là phương thức rao giảng của Ngài. Ngài đã làm như vậy ngay từ đầu sứ vụ công khai của Ngài trong hội đường Ca-phác-na-um (Mc 1: 21). Đây cũng là phương thức mà thánh Phao-lô sẽ chọn trong các cuộc hành trình truyền giáo của thánh nhân. Phương thức này thành công đến mức các văn sĩ Do thái ghi nhận rằng không có các hội đường, Ki-tô giáo sẽ không tràn lan…

Chúng ta biết rằng hội đường là nơi tụ họp chứ không tế tự, bởi vì những hy lễ chỉ được tiến dâng ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Các tín đồ quy tụ ở đây để cầu nguyện, công bố và giải thích Kinh Thánh, hát những bài Thánh Vịnh, đặc biệt vào ngày sa-bát.

Trong hội đường, vào ngày sa-bát người ta sẽ mời một người trong số những người tham dự công bố và giải thích Lời Chúa. Vào ngày sa-bát này, trong hội đường Na-da-rét nơi mà Đức Giê-su đã thường năng lui tới trước đây khi sống ở giữa họ, Ngài là người được chọn để công bố và giải thích Kinh Thánh. Thánh Lu-ca xác định bản văn mà Ngài công bố và giải thích là bản văn I-sai-a (Lc 4: 17-19).

Giáo huấn của Ngài làm mọi người kinh ngạc: “Ông ta được khôn ngoan như thế, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Người ta khâm phục tư tưởng của Ngài và ngưỡng mộ những phép lạ mà Ngài đã thực hiện ở những nơi khác. Nhưng rồi người ta xúc phạm Ngài khi nghĩ đến thân thế và nghề nghiệp trước đây của Ngài. Mọi người trong làng này ai mà không biết gia thế của Ngài: bạn bè, họ hàng, bà con thân thích của Ngài hiện đang sinh sống ở giữa họ. Đức Giê-su đã là một con trẻ sinh ra và lớn lên trong làng này, mẹ Ngài là bà Ma-ri-a đang sống giữa họ. Còn về nghề nghiệp, Ngài đã là một anh thợ mộc trong làng. Làm thế nào đôi tay mà họ đã từng thấy Ngài cưa, bào, đục, đẽo vân vân, lại có thể thực hiện những phép lạ được? Vì thế, từ ngạc nhiên đến thán phục, họ bổng trở nên bày tỏ thù địch công khai với Ngài.

2. Con bà Ma-ri-a

Thánh Mác-cô không nhắc đến cha của Ngài, ông Giu-se. Phải chăng từ đó suy ra rằng ông Giu-se đã qua đời? Lý do này chưa đủ, vì để xác minh căn tính của một người, biểu thức quen thuộc là phải trích dẫn tên cả cha lẫn mẹ, cho dù nếu một trong hai người, hay thậm chí cả hai đã qua đời đi nữa. Có lẽ đúng hơn, khi thánh Mác-cô soạn cuốn Tin Mừng này, Giáo Hội tiên khởi đã tin rằng Đức Giê-su được thụ thai bởi người mẹ đồng trinh rồi (Mt 1: 18-20; Lc 1: 30-35). Vì thế, khi tránh nêu tên cha Ngài, ông Giu-se, thánh ký muốn nhấn mạnh một cách kín đáo đức đồng trinh của Đức Ma-ri-a.

3. Anh em của Ngài

Những “anh em” này là những anh em họ của Đức Giê-su. Từ “anh em” theo ngôn ngữ Hy bá có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng (tiếng Hy bá không có từ ngữ riêng biệt để chỉ anh em họ). Trong Kinh Thánh, từ “anh em” được dùng để chỉ mối quan hệ họ hàng thân thích gần xa giữa bác hay chú và cháu (St 13: 8), hoặc anh em chú bác, cô cậu, hay con dì (Lv 10: 4; 1Sb 23: 21).

Chúng ta biết hai trong số “anh em” này của Đức Giê-su: ông Gia-cô-bê, người sau này lãnh tụ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem và ông Giô-xê mà mẹ của họ là bà Ma-ri-a, vợ ông Cơ-lô-pát đứng dưới chân thập giá (Mt 27: 56; Mc 15: 40-41; Ga 19: 25).

4. Giá trị lịch sử của câu chuyện

Gia thế và nghề nghiệp của Ngài đã là “chướng ngại làm cho họ không tin vào Ngài”. Phản ứng của những người đồng hương, về phương diện nhân loại chúng ta có thể hiểu được, dâng hiến cho chúng ta một lợi ích lớn lao. Ngoại trừ giai thoại về việc Đức Giê-su lúc lên mười hai tuổi ở giữa các tiến sĩ Luật trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, phản ứng của dân làng Na-da-rét này là sự kiện duy nhất soi sáng cho chúng ta cuộc đời ẩn dật của Đức Giê-su trong suốt ba mươi năm: một cuộc đời bình lặng không có gì trổi vượt như cuộc đời của bao nhiêu người đồng hương Na-da-rét khác. Không ai có thể nghi ngờ căn tính đích thật của Ngài khi đang sống ở giữa họ: với đôi tay thợ mộc và sức lao động của mình, Ngài đã nuôi sống bản thân và gia đình của mình; không có bất kỳ một hành động phi thường nào. Phản ứng của những người đồng hương của Ngài là một bằng chứng có giá trị.

5. Câu trả lời của Chúa Giê-su

Trước thái độ từ chối của họ, Đức Giê-su trả lời bằng cách trích dẫn câu thành ngữ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình”. Câu thành ngữ này đã thường được kiểm chứng trong lịch sử Ít-ra-en. Bài Đọc I đã cung cấp cho chúng ta một ví dụ về ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Nhưng còn biết bao nhiêu ngôn sứ khác có thể được nhắc đến. Ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng hậu I-de-ven bắt bớ phải trốn chạy; ngôn sứ I-sai-a, vì thất vọng trước sự cứng tin của dân Ít-ra-en, cuối cùng dành sứ điệp chỉ trong vòng các môn đệ thân tính của mình; ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị nhục mạ, bị bách hại, vân vân.

Dân Na-da-rét từ chối những dấu chỉ của Nước Trời. Đức Giê-su không thể làm bất kỳ phép lạ nào tại đó, vì Ngài không gặp thấy niềm tin ở nơi họ. Chỉ vài bệnh nhân hưởng được lòng thương xót của Đức Giê-su. Trong Tin Mừng Mác-cô, không nơi nào nêu rõ mối liên hệ hỗ tương giữa đức tin và phép lạ cho bằng bài trình thuật này.

Với bài trình thuật này, thánh Mác-cô hoàn tất giai đoạn thứ hai sách Tin Mừng của mình (3: 7-6: 6). Giai đoạn này đã nêu bật nền tảng của Tin Mừng. Chúng ta đã gặp thấy nhiều thái độ khác nhau của những người đến gặp gỡ Ngài, dù dân chúng, môn đệ hay bà con họ hàng của Ngài, đều tự đặt ra cho mình “câu hỏi gai góc nhưng then chốt về thân thế sâu xa của Ngài”.

Lm. Inhaxiô Hồ Thông