Phân tích: Con đường Công nghị Đức và những mối lo dấy lên giữa Giáo hội”

Thomas Sterberg, Chủ tịch Ủy ban trung ương Công giáo Đức (Zdk), phát biểu tại cuộc họp báo về “Con đường Công nghị”. /Rudolf Gehrig/CNA Deutsch.

Con đường Công nghị Đức hay Lộ trình Công nghị là gì?

“Con đường Công nghị Đức” trong tiếng Đức là Synodaler Weg có nghĩa là một tiến trình thảo luận mang tính tranh luận đang diễn ra ở Đức, với mục đích công khai giải quyết khủng hoảng lạm dụng tính dục trong hàng Giáo sĩ của Giáo hội bằng việc tranh luận và thông qua những giải pháp về việc Giáo hội Công giáo có cần thay đối (phát triển) cách giảng dạy hay không hoặc thay đổi bằng cách nào. Và như thế Giáo hội Công giáo thay đổi cách tiếp cận của mình đối với những vấn nạn về tính dục và sử dụng quyền lực, bao gồm cả giáo lý và các bí tích.

Ai đang điều hành Con đường Công nghị Đức?

Tiến trình thảo luận này là một nỗ lực chung và bình đẳng của Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công giáo Đức, một nhóm giáo dân được biết đến với tên viết tắt theo tiếng Đức là Zdk (mời xem “Ủy ban Trung ương Công giáo Đức là gì” bên dưới).

Công nghị đã bắt đầu từ khi nào và lúc nào sẽ kết thúc?

Công nghị này đã bắt đầu vào ngày 01 tháng 9 năm 2019 theo nghị quyết của Hội đồng Giám mục Đức. Công nghị được dự kiến hoàn tất trong vòng 02 năm. Vì đại dịch Covid-19, những ngày họp Công nghị đã bị lùi lại. Ngày kết thúc mới chưa được xác nhận, nhưng hạn chót chính thức hiện nay là vào khoảng tháng 02 năm 2022.

Công nghị hoạt động thế nào?

Phần chính yếu là “Cuộc họp khoáng đại Công nghị” với 230 thành viên. Ngoài 69 Giám mục Đức, cuộc họp này bao gồm 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Công giáo Đức cũng như các vị đại diện các dòng tu, các cơ quan, các hiệp hội và các hội đồng khác. Những thành viên này gặp mặt để thảo luận (và thông qua các giải pháp về dự thảo tuyên bố sau đó sẽ được lên kế hoạch) về 04 chủ đề chính thức trong 04 diễn đàn riêng biệt. Mỗi một diễn đàn do một vị Giám mục và một vị thuộc bộ phận Ủy ban Trung ương Công giáo Đức chủ trì. Những điều này được thảo luận lần lượt từng phần về cách thức quyền bính được thực thi trong Giáo hội; luân lý tính dục; chức tư tế; và vai trò người phụ nữ. Các tiêu đề diễn đàn chính thức là:

  • “Quyền bính và phân quyền trong Giáo hội – Cùng tham gia và liên đới trong Sứ Mệnh”
  • “Đời sống nơi các mối quan hệ nối dõi- Sống yêu thương trong Giới tính và Bạn đời”
  • “Bản chất linh mục ngày nay”
  • “Phụ nữ trong các Thừa tác vụ và Chức vụ trong Giáo hội”

Ủy ban Trung ương Công giáo Đức là gì?

Ủy ban này, được thành lập vào năm 1949 và được biết đến với tên viết tắt theo tiếng Đức là “Zdk”, tuyên bố đại diện cho giáo dân Công giáo tại Đức. Theo như trang mạng của Ủy ban này, Zdk đã nhận được 2,45 triệu Euro (gần 03 triệu USD) từ các nguồn do Hội đồng Giám mục Đức cung cấp vào năm 2018.

Tính đến năm 2021, Zdk và/hoặc các đại diện hàng đầu của mình được ghi nhận là đang theo đuổi một số mục tiêu gây tranh cãi cũng liên quan đến Con đường Công nghị, bao gồm các việc chúc lành cho các cặp đôi đồng tính, phong chức phó tế cho nữ giới, hủy bỏ luật độc thân và việc hiệp thông hỗ tương (intercommunion) với những người Tin lành.

Chủ tịch của Ủy ban, ông Thomas Sternberg đã chỉ trích những sự can thiệp mang tính phê bình và những mối lo ngại được Vatican đưa ra như là “những sự xáo trộn đến từ Roma”.

Tại sao những người ủng hộ Con đường Công nghị lại tin rằng đó là điều cần thiết?

Đối với những người tổ chức Con đường Công nghị Đức, thì quá trình này cần thiết để thảo luận tương lai của đời sống Giáo hội ở Đức. Mục tiêu số một là lấy lại niềm tin đã bị đánh mất sau vụ việc bê bối lạm dụng. Mục tiêu khác nữa là để khơi dậy các cuộc tranh luận cải cách đã diễn ra ở cộng đồng nói tiếng Đức tại Châu Âu trong nhiều thập kỉ.

Đức Thánh Cha Phanxico đã chỉ ra một thách đố khác trong thư gửi các tín hữu Công giáo Đức. Ngài viết: “Cha cảm thấy xót xa khi nhận thấy sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng với tất cả những gì nó đòi buộc, không chỉ ở cấp độ tinh thần nhưng còn ở cấp độ văn hóa và xã hội nữa” và ngài kêu gọi về việc loan báo Tin Mừng thay vì một cuộc cải cách sai lầm.

Lời mời gọi bổ sung vấn đề truyền giáo vào quy trình như là một diễn đàn đã bị các nhà tổ chức Con đường Công nghị từ chối, nhưng ít ra cũng có một người tham gia đã tiếp nhận trong lời kêu gọi cảnh tỉnh để giành lại vị thế ưu tiên của việc loan báo Tin Mừng.

Trước đây đã có hội đồng tiền lệ hay mô hình mẫu nào cho Con đường Công nghị Đức chưa?

Câu trả lời là đã có. Con đường Công nghị Đức đã có tiền lệ đó là một Công nghị thực sự đã được tổ chức vào những năm 1970 tại Tây Đức hồi đó. Công nghị này được tổ chức với mục tiêu tuyên bố về việc tranh luận và thông qua các nghị quyết về Công đồng Vaticano II. Công nghị này cũng có sự tham gia của giáo dân với tư cách là những người tham gia biểu quyết. Công nghị đã được tổ chức từ năm 1971 tới năm 1975 tại nhà thờ Chính tòa Wurzburg. Cho dù không đề cập đến việc lạm dụng tính dục, nhưng Công nghị đã đặt ra một số câu hỏi giống hoặc tương tự về tính dục và quyền bính mà hiện nay được nêu ra một lần nữa, chẳng hạn về luật độc thân hoặc việc phong chức phó tế cho phụ nữ trong tiến trình lần này.

Theo các quan sát viên, cho đến khi Con đường Công nghị Đức được công bố, Công nghị Wurzburg đã bị lãng quên gần như hoàn toàn.

Con đường Công nghị Đức có phải là một Công nghị Giáo hội không?

Không phải. Vào năm 2019, Đức hồng y Reinhard Marx – sau này là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức – đã công bố Công nghị sẽ là “một tiến trình tự phát” mà người ta sẽ có thể thông qua “các nghị quyết ràng buộc” về các câu hỏi liên quan đến Giáo hội hoàn vũ. Ngay từ buổi đầu, tuyên bố này và biệt danh “Con đường Công nghị” đã gây ra tranh cãi: Đức Giám mục Konrad Zdarsa của giáo phận Augsburg đã gọi ý niệm này là một “phép lặp thừa”, đến mức ngài chỉ trích nó như là một “sự gian lận về danh xưng”.

Sau một vài lần can thiệp bất chấp sự phản đối từ hai vị chủ tịch liên tiếp là Đức Hồng Y Marx và ông Thomas Sternberg của Zdk, tiến trình thảo luận đã được xác nhận là không có tính ràng buộc – và tức là không phải là một Công nghị.

Vậy Con đường Công nghị Đức gây tranh cãi đến mức nào?

Đức Giáo hoàng Phanxicô và Vatican đã liên tục can thiệp bằng một số biện pháp chưa từng có tiền lệ, khi ngày càng có nhiều giám mục và nhà thần học, từ Đức và khắp nơi trên thế giới, làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về nhiều khía cạnh của Con đường Công nghị.

Đức Thánh Cha đã thực hiện bước đi lịch sử khi viết một bức thư cho tất cả các tín hữu Công giáo Đức vào tháng 6 năm 2019. Đức Thánh Cha cảnh báo về một “niềm tin rằng: câu trả lời tốt nhất cho nhiều vấn nạn và những thiếu sót tồn tại là phải tái tổ chức lại mọi thứ, thay đổi và ‘đặt chúng lại gần nhau’ để mang lại trật tự và làm cho đời sống Giáo hội thêm dễ dàng hơn”.

Tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Kurt Koch đã công khai nói rằng Đức Thánh Cha đã “quan tâm” đến Giáo hội ở Đức. Một vị Giám mục người Đức đã theo sát điều này bằng một cảnh báo tương tự vào tháng 10, và đề cập đến “mối quan tâm sâu sắc” của Đức Thánh Cha về tình hình này.

Ngày 08 tháng 6 năm 2021, Đức Hồng Y Walter Kasper, người được coi là thân cận của Đức Thánh Cha, đã nói rằng ngài đã “rất mực lo lắng” về “Con đường Công nghị” gây tranh cãi của giáo hội Công giáo Đức.

Trong phần chính, những mối quan tâm liên quan đến những giả định cơ bản và những tiền đề của cả tiến trình, những điều mà ngay từ đầu Vatican đã tuyên bố năm 2019 là “một sự vô hiệu về mặt giáo hội học”. Hơn nữa, còn có những tuyên bố hợp pháp và những vấn đề về tính hợp pháp căn bản, từ chối việc Phiên họp khoáng đại Công nghị đưa ra quyết định đi ngược lại với học thuyết Công giáo. Vả lại những nghi ngờ đã nổi lên liên quan đến việc lựa chọn các tham dự viên, lựa chọn chủ đề, các tuyên bố về thần học, cách thức tiến hành nội bộ.

Nhìn vào các mục tiêu của tiến trình, Đức Hồng Y Camillo Ruini, cựu Chủ tịch HĐGM Ý và cũng là Giám mục Phụ tá Giáo phận Roma, đã phát biểu vào đầu tháng 5 năm 2021 rằng Con đường Công nghị Đức đã theo đuổi “không chỉ việc chấp thuận cho các cặp đồng tính mà còn về chức tư tế nữ, việc bãi bỏ luật độc thân của Giáo hội và việc giao thiệp giữa các tín hữu Công giáo và Tin lành”.

Tóm lại, vào năm 2021, Con đường Công nghị Đức đã sa lầy vào các cuộc tranh cãi và bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích liên tục và đáng kể của những nhà thần học hàng đầu và các Giám chức hàng đầu. Những lo ngại này đã lên tới đỉnh điểm khi có những cảnh báo kinh hoàng về nguy cơ ly giáo ở Đức.

Con đường Công nghị này có dẫn đến một cuộc ly giáo mới ở Đức không?

Đức cha Georg Batzing – Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch HĐGM Đức đã khẳng định rằng không có cuộc ly giáo nào sắp diễn ra cả.

Tuy nhiên, Đức Giám mục người Anh Philip Egan, Đức Hồng Y người Úc George Pell, Đức Giám mục Tây Ban Nha Jose Ignacio Munilla Aguirre và Đức Hồng Y người Ý Camillo Ruini lo ngại rằng Giáo hội Đức đang hướng tới sự chia rẽ với Roma. Thậm chí, Đức Tổng Giám mục Samuel Aquila địa phận Denver còn công bố một lá thư kêu gọi hoán cải đối với Con đường Công nghị, điều này đã được Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco công khai ủng hộ.

Hơn nữa, Đức Hồng Y Joshep Zen, nguyên Giám mục Hồng Kông đã thêm tên của mình vào lời kêu gọi, được phát đi từ Bồ Đào Nha, yêu cầu Roma hành động để ngăn chặn một “cuộc ly giáo” ở Đức. George Weigel – nhà viết tiểu sử của thánh Gioan Phao-lô II, cũng như cha Thomas Weinandy – thần học gia tu sĩ dòng Phan-xi-cô Capuchin, cả hai cũng đã bày tỏ e ngại về đường hướng của Giáo hội Đức.

Ngày 10 tháng 6 năm 2021, CNA báo cáo rằng ba người Công giáo Đức đã đệ trình một bản “dubium” (ngờ vực) lên Vatican để hỏi xem liệu Giáo hội ở Đức có thực sự đã bị ly giáo hay không. Ba người này đến từ giáo phận Essen đã chính thức yêu cầu một phán quyết từ Bộ Giáo lý Đức Tin.

Còn các tín hữu Công giáo ở Đức thì sao?

Có thể cho rằng khía cạnh đáng quan tâm nhất của Con đường Công nghị Đức là nó cho thấy một sự thất bại đối với hầu hết những người mà Con đường Công nghị này tuyên bố sẽ tiếp cận: “Dân Chúa lữ hành ở Đức”.

Theo CNA Đức, một cuộc khảo sát vào tháng 9 năm 2020 cho thấy chỉ có 19% tín hữu Công giáo đồng ý với tuyên bố rằng họ quan tâm đến Con đường Công nghị. Đại đa số người Đức phản ứng tiêu cực.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Đức Hồng Y Marx phát biểu vào tháng 9 năm 2019 rằng “vô số tín hữu ở Đức coi (những vấn đề này) là cần được thảo luận”.

Chủ tịch HĐGM Ý, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti đã đưa ra câu hỏi về mức độ liên quan của các vấn đề mà Con đường Công nghị Đức đưa ra. Ngài nhấn mạnh rằng tiến trình của Công nghị Ý hoàn toàn khác với những gì đang diễn ra ở Đức.

Và vào ngày 06 tháng 5 năm 2021, Đức Tổng Giám mục Sarajevo đã cho biết “những ý tưởng kỳ cục” của Con đường Công nghị Đức đã từng xa lạ với một Giáo hội đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Đức Hồng Y Vinko Puljic đã phản đối Con đường Công nghị và nói rằng: “Những thái độ như thế xúc phạm và làm xấu hổ các tín hữu của chúng ta. Chúng ta không thể hiểu được một Giáo hội mà ở đó hy sinh là một từ xa lạ và có một Chúa Giêsu không có thập giá”.

Điều này đã làm dấy lên mối quan tâm lớn hơn rằng: liệu Hội Đồng Giám mục và “Ủy ban Trung ương” có thực sự thu hút đối với các tín hữu tại Đức không?.

Lm. Văn Cao

Nhóm Biên Dịch

Chuyển ngữ từ trang CNA

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]