Ơn gọi Giáo dân

Thiết nghĩ ngay từ bây giờ mỗi người tín hữu giáo dân chúng ta phải tìm hiểu và khẳng định một cách rõ ràng về căn tính, vai trò, vị trí và sứ mệnh của mình trong Cộng đoàn Hội thánh Chúa Ki-tô. Và đây là lý do tại sao chúng ta nên làm việc này:

“Quả thực, suốt nhiều thế kỷ, người giáo dân như ‘một người ở trọ’ ngay trong chính nhà của mình! Trong bối cảnh một xã hội ‘nặng óc gia trưởng’, một Giáo Hội thượng tôn hàng giáo sĩ, thì vai trò người giáo dân thật là mờ nhạt. Trong đời sống đức tin, giáo dân đóng vai trò thụ động, mang tâm trạng được ban phát. Vô tình, đức tin bị tách ra khỏi đời sống xã hội; chỉ có Tin Mừng ở nhà thờ, nơi toà giảng; chứ không thể có Tin Mừng nơi công sở, nơi phố chợ hay sạp cá! Và ngay cả việc nên thánh cũng là đặc quyền của hàng giáo sĩ, giới tu hành; giáo dân hoàn toàn lo việc đời và thuộc về thế gian, muốn nên thánh thì phải rập khuôn theo nếp sống của những bậc tu hành. Một não trạng như thế khá phổ biến nơi phần đồng những tín hữu đơn thành, chân chất.

“Thiết tưởng, chúng ta cần vượt qua những quan niệm thiển cận như thế, người giáo dân phải được trả lại vị trí đúng đắn của mình, vì họ có một nền linh đạo, hay một đường hướng nên thánh đặc thù, chứ không phải là một thứ bản sao của hàng giáo sĩ ” (LM Giuse Phạm Quốc Văn, OP, bài “Linh đạo giáo dân”, nguồn simonhoadalat.com).

Đây là lúc chúng ta phải tham khảo và học hỏi những giáo huấn của Hội thánh về vấn đề này, đặc biệt là các tài liệu từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, nhờ đó có một nhận định đúng đắn về chỗ đứng của tín hữu giáo dân trong Hội thánh và có một cái nhìn rộng rãi, tích cực về ơn gọi giáo dân. 

* GIÁO DÂN LÀ AI?

 

Về câu hỏi “Giáo dân là ai?”, chúng ta có thể tham khảo một số giáo huấn của Hội thánh, như sau:

.
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô-hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận. Nghĩa là những Kitô-hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép thánh tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô-giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình” (CĐ. Vat. II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội số 31; GLHTCG số 897) (Nguồn simonhoadalat.com).

.
Đức Giáo hoàng Piô XII cũng đã nêu rõ: “Các tín hữu, và chính xác hơn, các giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo Hội ; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt hơn rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là Giáo Hội, tức là cộng đồng tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung là Đức Giáo hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội” (Đức Piô XII, Diễn từ đọc trước các tân Hồng y ngày 20/02/1946; GLHTCG số 899) (Nguồn simonhoadalat.com).

. Một cách thực tế, chúng ta có thể ghi nhận như thế này, “Giáo dân không phải Ki-tô hữu hạng hai, vì họ cùng được tham dự chức tư tế của Chúa Ki-tô là chức tư tế chung của người đã được rửa tội. Họ lo giúp những người chung quanh mình (trường học, gia đình, nghề nghiệp) học biết Tin Mừng và yêu mến Chúa Ki-tô. Họ làm cho xã hội, kinh tế, chính trị… được thấm nhuần đức tin. Họ tham gia đời sống Hội thánh bằng thi hành chức vụ thừa tác viên, bằng sinh hoạt nhóm, tham gia các ban bệ và tổ chức của Hội thánh, như Hội đồng giáo xứ, Hội đồng mục vụ vv… Đặc biệt người trẻ phải nghiêm chỉnh suy nghĩ đến địa vị mà Thiên Chúa muốn họ phải đảm nhiệm trong Hội thánh”
 (Bài “Ơn gọi của giáo dân là gì?”, nguồn: giaoxuchinhtoadanang.org).

* ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO DÂN LÀ GÌ?

 

. Ơn gọi là gì?

 

“Mỗi người đều được Thiên Chúa kêu gọi. Ơn gọi là tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người và Chúa mời gọi ta đáp lại tình yêu đó. Chính Thiên Chúa gọi ta và Người mong một ngày nào đó ta nghe được tiếng Người… Mỗi đời sống là một ơn gọi… Việc ý thức đời sống như một ơn gọi sẽ khơi dậy trong con người niềm khát vọng trước tương lai, đồng thời loại bỏ quan niệm về một đời sống thụ động, buồn nản và tầm thường. Như thế, đời sống luôn mang giá trị của ân ban đã lãnh nhận mà theo bản tính nhằm trở nên điều thiện hảo được ban lại cho kẻ khác. Thiên Chúa còn mời gọi con người vào một bậc sống nào đó và trao cho họ một sứ mệnh. Chúa có thể kêu gọi những người hèn mọn, bất tài, cả những người đang chống lại Chúa, để làm những công việc vĩ đại cho Ngài. Mỗi đời sống là một ơn gọi, nên có nhiều ơn gọi khác nhau” (LM JB Trần Hữu Hạnh fsf, bài “Ơn gọi là gì? Những ơn gọi chung và chính yếu”, FB Hội dòng Tông đồ Cầu nguyện cho Ơn gọi).

Trước nay, chúng ta cứ nghĩ chỉ có linh mục, tu sĩ mới có ơn gọi. Nên người ta thường nói về ơn thiên triệu LM, ơn gọi tu sĩ nam nữ, hay cách nói “cánh đồng truyền giáo bao la mà kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” vv… Quan niệm này đã vô tình loại bỏ tín hữu giáo dân ra khỏi đời sống và công cuộc truyền giáo của Hội thánh. Họ trở thành “Ki-tô hữu hạng hai” hay là “Người khách trọ trong nhà mình”, trong khi họ là thành phần chiếm đa số trong cộng đồng Dân Chúa. Họ chính là Hội thánh (ĐGH Pi-ô XII).

Thật vậy, xét một cách nghiêm túc và công bằng thì chúng ta thấy rằng,  “Dù là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả đều bình đẳng và được trân trọng như những bộ phận khác nhau trong cùng một thân thể. Mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung. Có lẽ trong thiên niên kỷ thứ ba này, cần phải triển khai ơn gọi là Kitô hữu, như ơn gọi nền tảng của mọi thành phần dân Chúa, và đặc biệt phải giúp người giáo dân nhận ra phẩm giá và vai trò đặc biệt của mình là một Kitô hữu sống ơn gọi giáo dân, cũng như những Kitô hữu khác sống ơn gọi tu sĩ, linh mục…” (LM Giuse Phạm Quốc Văn, OP, bài “Linh đạo giáo dân”, nguồn simonhoadalat.com). 

 

. Ơn gọi giáo dân là gì?

 

Ơn gọi giáo dân là sự tuyển chọn nhưng không của Thiên Chúa dành cho những ai Người yêu mến, nhờ đó họ trở thành môn đệ Chúa Ki-tô, trở thành ánh sáng muôn dân, trở thành muối men cho đời, trở thành chứng nhân của ơn cứu độ. Thánh Phao-lô đã nhắc bảo các tín hữu: “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên chúa đã chọn anh em” (1Tx 4); “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4, 1). 

 

Khởi đi từ ơn gọi làm người, rồi ơn gọi làm Ki-tô hữu, người tín hữu thuộc đấng bậc hôn nhân gia đình cũng có ơn gọi riêng, đó là ơn gọi giáo dân. Nhờ ân huệ của phép Rửa, họ trở thành dân Thiên Chúa, trở nên chi thể của Nhiệm thể Chúa Ki-tô, là phần tử của Hội thánh Ki-tô giáo. Xuất phát từ căn tính là Ki-tô hữu, người giáo dân có ơn gọi sống dấn thân trong đời sống xã hội để làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh nơi trần thế.

Thực vậy, sách GLHTCG đã viết như sau: “Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ có nhiệm vụ đặc biệt là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng được thực hiện và phát triển theo thánh ý Chúa Ki-tô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc (LG 31)” (Số 898).

 

. Sứ mệnh của tín hữu giáo dân trong xã hội và trong Hội thánh

 

Với ơn gọi làm tín hữu giáo dân trong cộng đoàn Dân Chúa, chúng ta cũng có một vai trò quan trọng và sứ mệnh hết sức đặc biệt, như Công đồng Vat. II đã chỉ rõ: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian”; và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại.” (x. Vat.II LG 33).

 

Có thể liệt kê 3 nhiệm vụ chính yếu mà bất kỳ người giáo dân nào cũng phải ý thức và chu toàn. Đó là: a- Nên thánh giữa đời; b- Làm chứng nhân Tin Mừng Chúa Ki-tô trong trần gian; c- Tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội thánh thông qua công việc tông đồ giáo dân.

 

a- Bổn phận nên thánh.

Nên thánh là bổn phận căn cốt nhất của tất cả mọi người Ki-tô hữu dù ở đấng bậc nào, bởi vì họ là phần tử của Hội thánh, là dân được thánh hiến của Thiên Chúa. Mặt khác, vì là những người được tuyển chọn, họ phải là thánh trước khi lãnh nhiệm vụ giúp cho người khác trở nên thánh. Chính Chúa Giê-su cũng đòi hỏi các môn đệ của Chúa nên giống Ngài và phải trở thành men, muối, ánh sáng cho đời (x. Mt 5, 13-16).

 

Trong Tông HuấnGAUDETE ET EXSULTATE về Ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, ĐTC Phan-xi-cô đã viết như sau: “Ðể nên thánh không buộc phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư?  Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư?Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân” (Số 14).

 

b –               Làm chứng nhân Tin Mừng Đức Ki-tô trong trần gian

   

ĐGH Phao-lô VI đã nói: “Ngày nay người ta tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là Ki-tô hữu không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, mà còn phải làm chứng tá cho những những điều mình giảng và dạy bằng chính đời sống của mình. Cụ thể là chúng ta phải làm chứng bằng đức tin và đức ái. Đây là nét đặc trưng của công cuộc truyền giáo.

 

Thực vậy, truyền giáo bằng đời sống chứng tá là hình thức truyền giáo được xếp ưu tiên hàng đầu và là căn cơ nhất. Chia sẻ về đường lối truyền giáo bằng chứng tá đời sống, một tác giả đã nhấn mạnh: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Kitô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được. Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là Vị Chứng Nhân tuyệt hảo (Kh 1,5 ; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đang đồng hành với Giáo hội trên bước đường của Giáo hội, đồng thời liên kết Giáo hội với lời chứng của người về Chúa Kitô (Ga 15, 26-27)” (Nguồn Internet).    

  

Chúng ta cũng lưu ý là một trong những cách thức hiệu quả nhất của việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá, đó chính là nêu gương đời sống bác ái, Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất” (LM Nguyễn Văn Hương, bài “Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người Ki-tô hữu”, nguồn daichungvienvinhthanh.com).

 

c-               Tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội thánh

 

Cách đây hơn 50 năm, Công Đồng Vat.II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại” (x.Vat.II, LG 33).

 

Vậy rõ ràng là người tín hữu không chỉ lo có đạo, giữ đạo cho riêng mình mà họ còn có nghĩa vụ và bổn phận “tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội” nữa. Và khi tham gia như thế họ không chỉ “làm giáo dân” mà còn là “người tông đồ, là nhà truyền giáo, là sứ giả Tin Mừng Đức Ki-tô” nữa…

 

Mặt khác, Hội thánh cũng đã từng khẳng định: “Tất cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’.” (x. Giáo lý Hội thánh CG, số 863).

 

Có thể nói rằng mỗi người giáo dân đều mang trong mình căn tính của một tông đồ, nghĩa là khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, họ được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Ki-tô, đồng thời mang lấy sứ mệnh của người được sai đi. Vai trò và nhiệm vụ của họ đã được Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (SLTĐGD) năm 1965 minh định như sau:

 
“Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên “những kẻ hợp tác với chân lý” (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau” (x. SLTĐGD số 6).

Vậy có thể khẳng định một lần nữa là người Kitô hữu không chỉ làm giáo dân mà còn là tông đồ được Chúa sai đến mọi người, mọi nơi để loan báo Tin Mừng, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô chết và sống lại, để làm cho nhiều người được biết và yêu mến Chúa. Đó là nhiệm vụ Truyền Giáo. Như lời thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu: “Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cor  9,16).

Từ những nhận thức trên, chúng ta có thể khẳng định một điều là không có người giáo dân làm tông đồ thì Hội thánh khó hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo và cứu rỗi của mình. Chính vì lý do đó, Công đồng Vat.II đã khẳng định rõ ràng: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian…”, và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại” (x. Vat.II LG 33)./. 

 

Aug. Trần Cao Khải

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]