Những điều bất ngờ – Chúa Nhật II Phục Sinh C – Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên

NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM C

Ga 20, 19-31

Chúa Giêsu đã sống lại. Các tác giả Tin Mừng đều khẳng định với chúng ta điều ấy. Tuy vậy, việc Chúa sống lại không phải được đón nhận một cách dễ dàng. Chính các môn đệ, khi nghe mấy người phụ nữ báo tin Chúa đã sống lại, các ông cũng cho là “vớ vẩn”, nên không tin. Đức tin vào Chúa phục sinh chỉ được củng cố sau khi được kiểm nghiệm. Việc kiểm nghiệm này là việc gặp gỡ Chúa Phục sinh. Tin vào Chúa Phục sinh là một hành trình đầy những khám phá bất ngờ.

Trước hết là những bất ngờ nơi các môn đệ. Trong tâm trạng hoang mang sợ hãi, các ông đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Cùng với những cánh cửa đóng kín, tương lai của các ông dường như cũng khép lại. Chính vào lúc bi quan chán nản ấy, Chúa dành cho các ông một bất ngờ lớn: Người hiện diện giữa họ trong khi cửa vẫn đóng kín. Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu đã trở thành Đấng Thần Linh, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Qua việc tỏ cho các ông thấy những vết thương, Người chứng minh sự hiện diện của Người là bằng xương bằng thịt, là người đã chết trên thập giá trước đó chứ không phải là một bóng ma. Sự bất ngờ này đem lại cho các tông đồ niềm vui mừng khôn tả.

Cùng với điều bất ngờ được gặp lại Chúa Giêsu, Đấng trở về từ cõi chết, các tông đồ còn được nhận Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần, các ông trở nên mạnh mẽ can đảm. Các ông cũng được soi sáng để hiểu biết sứ vụ thiên sai của Thày mình, đồng thời nhớ lại những giáo huấn của Chúa với một lăng kính mới. Từ nay, các ông hiểu rằng, các ông phải thay Thày mình để điều hành cộng đoàn Kitô hữu non nớt. Họ không còn là những môn đệ phụ thuộc nơi Thày mình, nhưng họ được ban quyền tha thứ và cầm buộc, quyền năng ấy lớn lao đến nỗi các ông tha tội cho ai thì trên trời cũng tha, và các ông ràng buộc ai thì trên trời cũng ràng buộc.

Những ai còn nghi ngờ sự Phục sinh của Chúa, cũng sẽ được gặp những bất ngờ. Tôma đại diện cho những người theo “chủ nghĩa hoài nghi”, tức là chỉ tin vào những gì cảm nhận được bằng giác quan. Ông đã thách thức Chúa: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn, thì tôi không tin”. Lời thách thức mang tính chất gay gắt. Có lẽ khi tuyên bố hùng hồn những lời thách thức này, Tôma không ngờ Chúa lại chấp nhận những thách thức của ông. Vì thế mà tám ngày sau, tức là cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu hiện đến để chấp nhận những thách thức của ông. Sự việc quá bất ngờ, khiến Tôma không biết phản ứng thế nào, chỉ còn biết quỳ gối xuống với lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng của Tôma thể hiện một tâm trạng lúng túng rối bời. Ông đã từng mong ước được nhìn thấy vết đinh, thọc tay vào lỗ đinh và vào cạnh sườn, nhưng nay ông quá bất ngờ khi thấy Chúa. Ông chẳng còn can đảm mà dám làm những điều trước đây ông ước ao, tức là thọc ngón tay và lỗ đình và thọc bàn tay vào cạnh sườn Thày. Những thách thức hùng hồn của kẻ đa nghi sẽ có lúc rã tan khi gặp những bất ngờ.

Những ai tin tưởng phó thác nơi Chúa, sẽ được gặp Ngài. “Phúc cho ai không thấy mà có lòng tin”, Chúa Giêsu đã khẳng định với Tôma điều ấy. Hai mươi thế kỷ sau sự kiện Phục sinh, chúng ta tin vào Chúa Phục sinh mặc dù không được thấy Người bằng con mắt giác quan. Như thế, chúng ta là những người được chúc phúc. Nếu chúng ta không được nhìn thấy Chúa Phục sinh bằng con mắt giác quan, thì Thánh Gioan tông đồ giúp chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang của Người. Tác giả được nhìn ngắm Chúa Giêsu, vừa như một Đấng chiến thắng vinh quang, vừa như một Thiên Chúa được tôn thờ ca ngợi bằng một lễ nghi thờ phượng trên trời (Bài đọc II).

Nếu những người xung quanh chúng ta hoặc những người theo chủ nghĩa “đa nghi” không nhìn thấy Chúa Phục sinh, họ có thể thấy Ngài nơi cuộc sống của các tín hữu. Cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã làm lan tỏa hình ảnh sống động của Đấng Phục sinh, nên phát triển nhanh chóng. Nhờ Chúa Phục sinh hiện diện nơi các tông đồ, mà các ông có khả năng chữa bệnh và làm những phép lạ hiển hách như Chúa Giêsu đã làm trước khi Ngài chịu khổ nạn và phục sinh (Bài đọc I). Nếu những tín hữu phản ánh hình ảnh của Đức Kitô Phục sinh, những người sống xung quanh chúng ta sẽ có những khám phá bất ngờ về Đức Giêsu và về Giáo Hội của Người. Hôm nay cũng là Chúa nhật kính lòng thương xót của Chúa. Mục đích của việc tôn kính lòng thương xót Chúa là giúp mỗi người nhận ra Chúa là Đấng yêu thương con người và thương xót tha thứ những lỗi lầm của họ. Tình yêu thương ấy được thể hiện và chứng minh qua cái chết và cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô, đồng thời mời gọi mỗi người tin Chúa hãy thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Việc thực thi lòng thương xót nơi các tín hữu là một bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện của Đấng Phục sinh giữa chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]