Người Tôi Tớ, Đấng xóa tội của trần gian – Suy niệm Chúa nhật II – Năm A

NGƯỜI TÔI TỚ, ĐẤNG XÓA TỘI CỦA TRẦN GIAN

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II – NĂM A

(Ga 1, 29-34)

Phụng vụ Chúa nhật II thường niên A làm cho chúng ta nhớ lại chủ đề của tuần trước, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Nhưng Isaia trình bày về người Tôi Tớ cách mới mẻ hơn (Bài đọc I) và Phúc Âm cũng thế, Gioan chỉ rõ nghĩa khi hiểu Người Tôi Tớ là Ðức Giêsu Kitô. Và Thánh Phaolô trong thư I gửi tín hữu Côrinthô cũng mời gọi chúng ta trở nên tôi tớ trung thành của Chúa. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về chủ đề Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Ðức Kitô và nơi mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu Kitô, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa

Tiên tri Isaia muốn giới thiệu cho chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô đích thực là Người là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa khi viết: “Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người” (Is 53). Gioan Tẩy Giả đã không trực tiếp giới thiệu Ðức Giêsu là Người Tôi Tớ. Ông nói Chúa Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian”. Mặc dầu hình ảnh con chiên có thể gợi ngay đến ý tưởng về chiên vượt qua, chiên tế vật, nhưng liền sau đó, Gioan đã nói đến Ðấng xóa tội trần gian, Ðấng đến sau ông nhưng lại có trước ông và cao trọng hơn ông, nhất là Ðấng ấy lại được xức dầu bằng Thánh Thần, khi tuyên bố ông đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Giêsu khiến chúng ta phải hiểu Gioan đã mượn lại mọi tư tưởng trong sách Isaia về Người Tôi Tớ là Chúa Giêsu.

Gioan đã nhìn thấy Ðức Kitô chính là Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Bề ngoài, Người có vẻ thua kém ông, khi đến xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng khi Gioan thấy Thánh Thần xuống trên Người, ông biết ngay, đây là Ðấng mà mình có sứ mạng đi trước dọn đường như một người đầy tớ. Chính Người là Ðấng cao trọng, Ðấng mà Thánh Thần xuống ngự ở trên, tuy bề ngoài rất khiêm nhu, nhưng Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà sách Isaia đã tiên báo. Và phép rửa mà Người mới chịu báo trước cuộc khổ nạn mà Người Tôi Tớ phải chịu để đưa nhà Israel về với Chúa và đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng trái đất. Gioan đã thấy như vậy và ông tuyên chứng để chúng ta hết thảy tin Ðức Giêsu Kitô thật là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Người đã đến thế gian, đóng vai trò Người Tôi Tớ để, như lời sách Isaia viết, Người giải án tuyên công cho nhiều người, hầu ý định của Thiên Chúa được nên trọn.

Đây là Chiên Thiên Chúa       

Tin Mừng hôm nay trình bày nhân vật Gioan Tẩy Giả như sau: “Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình” (Ga 1, 29). “Thấy Chúa Giêsu tiến về mình”, đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiệm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta cử hành một ngày mới bắt đầu, Năm Phụng vụ mới bắt đầu. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Ngài còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân (Ga 3,16; Mc 10, 45), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Ngài là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Đấng xóa tội trần gian

Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Con Chiên đã chịu chết và sống lại, mầm mống sự chết bị tiêu tan, tội lỗi được tẩy xóa, còn tội nào khiền chúng ta phải chết nữa không? Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? “(1 Cor 15,55 ; Os 13,14… ” Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật” (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi.

Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian“. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]