Khiêm nhường như Đức Giê-su – Chúa nhật XIV Thường niên – Năm B

Thỉnh thoảng tôi có cơ hội tham dự Thánh lễ tạ ơn của các tân linh mục. Thánh lễ tạ ơn cũng gọi là Thánh lễ mở tay, là Thánh lễ đầu tiên mà vị tân linh mục cử hành tại quê hương của mình. Đây là niềm vinh dự lớn lao không chỉ đối với tân linh mục và gia đình nhưng còn với cả cộng đoàn giáo xứ. Vì thế, ai cũng hồ hởi và nhiệt thành chuẩn bị cho dịp đặc biệt này. Ở giữa bầu khí vui tươi ngập tràn ấy thì tân linh mục trở thành trung tâm với rất nhiều lời khen ngợi, động viên và cầu chúc tốt đẹp từ những người tham dự.

Hôm nay, lần đầu tiên Chúa Giê-su trở về quê hương kể từ khi bắt đầu sứ vụ công khai. So sánh cho dễ hình dung thì việc Ngài trở về Na-da-rét lần này cũng tương tự việc một tân linh mục trở về quê hương dâng lễ tạ ơn. Nếu Thánh lễ Truyền chức đánh dấu bước ngoặt của đời sống linh mục thì việc Chúa Giê-su chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan cũng là khúc cua trong sứ vụ của Ngài. Giống như các tân linh mục sẽ bắt đầu sứ vụ mục tử sau lễ truyền chức, Chúa Giê-su cũng bắt đầu sứ vụ công khai sau khi chịu Phép Rửa.

Tuy nhiên, biến cố “mở tay” của Chúa Giê-su không được suôn sẻ như hầu hết các tân linh mục. Làng quê của Ngài dường như không chuẩn bị gì cả, thậm chí còn bất ngờ trước sự xuất hiện của Ngài. Lúc đầu họ cũng thán phục Ngài lắm: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?” (Mc 6,2). Thế nhưng, sự thán phục ấy đã nhanh chóng chuyển sang nghi ngờ, e ngại và coi thường bởi họ biết rõ về lai lịch của Ngài: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Ma-ri-a, anh em với Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6,3).

Đứng trước thái độ của họ, Đức Giê-su vẫn bình tĩnh và hành xử cách khiêm nhường. Bình tĩnh bởi Ngài biết rõ số phận chung của các ngôn sứ, như Ê-dê-ki-en trong Bài đọc 1, là bị rẻ rúng hắt hủi: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc” (Mc 6,4). Ngài hành động bằng sự khiêm nhường: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6.5). Đức Giê-su không oán trách họ nhưng chỉ “lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6,6). Nếu số phận của các ngôn sứ là bị hắt hủi, khinh chê và bách hại thì số phận của chúng ta cũng thế một khi chúng ta sống ơn gọi ngôn sứ của mình. Các tân linh mục được chào đón, yêu mến và chúc tụng trong ngày lễ tạ ơn nhưng số phận của họ cũng sẽ giống Chúa Giê-su nếu họ dám sống Tin Mừng, sự thật và công lý. Thực thi sứ vụ ngôn sứ là một trong ba chức năng mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Vì thế, chúng ta phải không ngừng ý thức và làm mới lại chức năng này mỗi ngày. Khi sống ơn gọi ngôn sứ, chúng ta có thể gặp chống đối nhưng bù lại, chúng ta có niềm vui từ trong cõi lòng mình và niềm vui lớn nhất là được nên giống Chúa Giê-su. Nếu mục tiêu cuộc đời chúng ta là ngày càng nên giống Chúa Giê-su thì hà cớ chi phải sợ, phải nhụt chí và thoái lui khi dám sống ngôn sứ? Hãy bắt chước Chúa Giê-su và ôm lấy tinh thần khiêm nhường của Ngài để sống ơn gọi ngôn sứ trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu
Trích Nội san Nhà Chung, Số 17 (Tháng 6/2024)

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org