Hòa nhạc chúc mừng Công nghị TGP và Khánh thành đại phong cầm tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

Tối ngày 23/11/2022, buổi hòa nhạc “Đàn ca kính Chúa” chúc mừng Công nghị TGP Hà Nội và khánh thành cây đại phong cầm diễn ra tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Đây là cây đại phong cầm duy nhất tại Việt Nam còn đưa vào sử dụng.

Buổi hòa nhạc có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường – Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, quý Cha trong TGP và quý Tu sĩ nam nữ, quý đại biểu Công nghị TGP, cùng đông đảo cộng đoàn.

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham dự của ngài Yasuyuki Fujiwara – Thị trưởng thành phố Itami của Nhật Bản, Giám đốc y tế và phúc lợi thành phố Itami, cha Phêrô Phạm Hoàng Trinh – tuyên úy người Việt tại Nhật Bản. Cùng hiện diện trong chương trình có ông Guido Schumacher – Giám đốc công ty sản xuất đàn, kỹ sư âm thanh đàn ống, các vị quan chức Ban Tuyên giáo và lãnh đạo phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Chương trình hòa nhạc thể hiện vẻ đẹp của Thánh nhạc qua dòng chảy lịch sử. Mở đầu chương trình, ông Gustaf Trần Văn Luân nghệ sĩ organ chơi bản Toccata bất hủ trên cây đại phong cầm như một lời chào gửi đến quý Đấng bậc, quý cộng đoàn. Đây chính là lần đầu tiên thanh âm đẹp đẽ của cây đại phong phong cầm chính thức vang lên trong nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Sau bản nhạc mở màn, Cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng, chính xứ Giáo xứ Chính tòa, có lời chào và lời giới thiệu quý Đấng bậc cùng khách mời. Ngài cho biết mục đích Giáo xứ Chính tòa tổ chức buổi hòa nhạc là để chúc mừng Công nghị TGP và khánh thành đại phong cầm.

Sau lời giới thiệu của Cha Antôn, ông Guido Schumacher, Giám đốc hãng đàn Schumacher, cũng có bài phát biểu. Ông bày tỏ niềm vui từ góc nhìn của những người chế tạo cây đàn khi chứng kiến cây đại phong cầm được lắp đặt vừa vặn và hoàn hảo tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Ông Schumacher giải thích cấu tạo đặc biệt của cây đại phong cầm với hàng nghìn giờ làm việc để hoàn thiện. Người nghệ sĩ khi sử dụng cây đàn này như đang chỉ huy dàn nhạc với 27 nhạc công khác nhau. Ông nhấn mạnh cây đàn như một biểu tượng của Kitô giáo. Mỗi ống đàn khác nhau giống từng tín hữu trong Giáo hội. Tuy khác nhau về cấu tạo song tất cả cùng nhau tấu nên những âm thanh tuyệt diệu.

Ông Shumacher chỉ ra cho cộng đoàn rằng cây đàn có một vị trí quan trọng trong đời sống Công giáo. Cây đàn đồng hành trong mọi biến cố cuộc đời từ khi rửa tội, lễ cưới và cả lễ an táng.

Cây đàn cũng là biểu tượng của tình bạn quốc tế và trao đổi văn hóa. Ông hy vọng rằng cây đại phong cầm sẽ là biểu tượng của tình bạn và điểm sáng trong quan hệ của Việt Nam và Bỉ. Ông bày tỏ niềm biết ơn khi được chào đón nồng hậu trong thời gian làm việc tại Hà Nội.

Sau bài phát biểu của ông Guido Schumacher, quý Đấng bậc và cộng đoàn cùng xem phóng sự giới thiệu cây Đại Phong Cầm do Ban Truyền Thông TGP Hà Nội thực hiện. Đoạn phóng sự giới thiệu chi tiết quá trình vận chuyển và lắp đặt cây đại phong cầm tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Tiếp nối chương trình, ông Guido Shumacher cũng gửi đến cộng đoàn một bản nhạc sâu lắng. Kế đó, ông Yasuyuki Fujiwara – Thị trưởng thành phố Itami, Nhật Bản có lời chúc mừng TGP Hà Nội nói chung và nhà thờ Chính tòa nói riêng đã tiếp nhận thành công cây đàn và có buổi hòa nhạc ấn tượng. Ông lưu ý rằng mặc dù khác biệt về nền văn hóa, nhưng tất cả có chung tình yêu với âm nhạc. Ông bày tỏ niềm biết ơn quý Đấng bậc và nhiều người cộng tác bằng nhiều cách để công việc được hoàn thiện.

Đáp từ, Đức TGM Giuse có lời phát biểu trước quý Đức cha, quý Cha, cùng quan khách và cộng đoàn. Ngài nhắc đến cơ duyên khi gác đàn nhà thờ Chính tòa để trống nhiều năm như chờ đợi một điều đặc biệt .Và cây đàn đại phong cầm cũng như chỉ chờ đợi để về với nhà thờ Chính tòa một cách thuận lợi mà không gặp trở ngại về kích cỡ.

Đức TGM Giuse hy vọng cây đàn sẽ là cây cầu kết nối giữa hai thành phố Itami và Hà Nội, hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản, là bằng chứng cho tình hữu hảo đáng quý. Sau lời cảm ơn, Đức TGM Giuse có món quà kỷ niệm để gửi tặng các vị quan chức Nhật Bản và Cha Phêrô Trinh, người giới thiệu và giúp đỡ các thủ tục vận chuyển cây đàn về Việt Nam.

Chương trình hòa nhạc đàn ca kính Chúa được diễn ra trong bầu khí linh thiêng với các tiết mục hợp xướng, độc tấu Organ và tứ tấu Kèn gỗ do các ca đoàn và các nghệ sĩ thể hiện. Lời tạ ơn Thiên Chúa được vang lên qua lời ca tiếng đàn, là khúc tri ân ơn lành Thiên Chúa ban cho TGP Hà Nội nói chung, giáo xứ Chính tòa nói riêng và đặc biệt là Công nghị của TGP.

Buổi hòa nhạc là cơ hội để cộng đoàn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thánh nhạc trong dòng chảy lịch sử như một lời tạ ơn Thiên Chúa. Chương trình này cũng thay cho lời chúc mừng Công nghị TGP Hà Nội diễn ra thành công tốt đẹp và kỷ niệm tình huynh đệ giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản thông qua món quà là cây đại phong cầm.

BBT

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org