Hai dụ ngôn về vương quốc – Suy niệm Chúa Nhật XI Thường Niên B

HAI DỤ NGÔN VỀ VƯƠNG QUỐC
Suy Niệm Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B
(Mc 4, 26-34)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc nhấn mạnh đến sự tăng trưởng của hạt giống hay thái độ của người nông phu?
2. Nó đưa ra áp dụng nào, và áp dụng này tương ứng với một vấn đề thực tế nào trong hoàn cảnh Chúa Giêsu?
3. So với bản văn Lc (13,18t), dụ ngôn hạt cải của Mc có gì khác biệt?
4. Tại sao Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây cải, vốn không lớn lao gì, để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa?
5. Trong quan điểm của Mc, hai dụ ngôn trên muốn nhắm đến hoàn cảnh nào?
6. Đâu là ý nghĩa của cc.33-34. Phải chăng Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để các thính giả dân dễ lãnh hội hơn?

Chương về các dụ ngôn của Mc (4,1-34) có hai phần lớn: phần dụ ngôn người gieo giống (cc.3-8) với lời giải thích (cc. 14-20) và phần dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc (cc.26-29) với dụ ngôn hạt cải (30-32). Ngoài ra, người ta còn gặp một lời tuyên bố về mục đích các dụ ngôn (cc. 11-12), hai tiểu dụ ngôn nói lên trách nhiệm của các thính giả là đấu đong và cái đèn (cc. 21-25), sau cùng là câu kết luận về việc Chúa Giêsu dùng phương pháp dụ ngôn (cc.33-34). Ba phần nhỏ bổ túc này rất giàu ý nghĩa. Chúng cho thấy cách thức mà thánh sử quan niệm về các dụ ngôn. Ông có nhiều ý tưởng rất cá biệt về đề tài này. Tuy thế, cho dù bận tâm đến quan điểm của tác giả, ta vẫn không được tránh né vấn đề là tìm xem chính Chúa Giêsu đã muốn nói gì khi đưa ra các dụ ngôn. Để sáng tỏ, ta hãy bắt đầu từ điểm vừa nói, cố gắng tìm hiểu trước tiên chủ ý được diễn tả qua mỗi một trong hai dụ ngôn (cc.26-32) bằng cách đặt nó lại trong bối cảnh sứ vụ Chúa Giêsu. Sau đấy sẽ bàn đến viễn tượng trong đó Mátcô đã ghi lại các dụ ngôn này và đã thêm cho chúng kết luận nhỏ ở cc.33-34. {Bài trình bày của chúng tôi chủ yếu dựa trên ba bài báo đã ấn hành năm 1967: Le chapitre des Paraboles, trong NRT 89, tr.800-820; La Parabole de la Semence qui pousse toute seule, trong RSR 55, tr.367-392; Les paraboles đu Sénevé et du Levain, trong NRT 89, tr.g97-913. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến hai bài nghiên cứu mới đây: J.Lambrecht, De vi~f parabols van Mc 4. Structuur en théologie van de parabolrodo, tl:ong Bijdragen 29 (1968), tr.25-53; G.Minette de l’illesse, IJE secret messianique danh l’evangjle de Marc (Lectio divina 47), Paris, 1968, tr.165-221. Chúng tôi cũng xin lưu ý là cuốn sách chú giải của H.Kahlefeld vừa mới được phát hành trong bản dịch pháp ngữ: Paraboles et Lecons đanh l’evangiìe, I (Lectio divina 55), Paris, 1969, xem tr. 17-22].

I. HẠT GIỐNG ÂM THẦM MỌC

1. Trình thuật dụ ngôn

Công thức nhập đề của dụ ngôn đây đôi khi làm ta lầm lẫn. Theo nguyên tự, nó viết: “Về Vương quốc Thiên Chúa thì thế này: như một người kia . . . “. Nếu lưu ý đến ngôn ngữ của các giáo sĩ, ta thấy dụ ngôn không so sánh Vương quốc với một người, mà chỉ muốn minh giải một chân lý liên quan đến Vương quốc bằng một câu chuyện trong đó người ấy có đóng một vai. Trong các ví dụ thuộc loài này, thường phần cuối của trình thuật mới đưa ra một hình ảnh gợi lên Vương quốc một cách trực tiếp hay trực tiếp hơn. Trong trường hợp hiện tại, việc vương quốc đến giống như điều xảy ra vào mùa gặt (c.29).

Những hạt giống nói ở c.26 chỉ là lời giáo đầu, người ta không dừng lại ở đó. Tất cả sự chú ý đều tập trung vào thời kỳ hạt lúa lớn lên (cc.27-28). Các giai đoạn khác nhau của việc tăng trưởng này được mô tả một cách đầy đủ. Tuy nhiên người ta lưu tâm đến thái độ của kẻ gieo giống hơn là việc tăng trưởng dần dần của hạt giống. Sau khi gieo, người gieo trở lại cuộc sống thường nhật: “ông ngủ, ông thức, ban đêm. ban ngày”, chẳng cần quan tâm đến hạt giống đang lớn lên mà “ông không hay biết”. Lòng đất tự làm việc: tự mình (automatè), đất cho sinh quả”. Điểm nhấn mạnh nằm ở chỗ ấy: trong thời kỳ lúa lớn lên, người nông phu không phải làm chi trong ruộng của mình; mọi sự xảy ra chẳng cần đến ông.

Đột nhiên tới c.29, tình hình thay đổi. Hãy chú ý đến liên từ phản đối “Nhưng khi” và trạng từ “tức thì”. Sau thời gian dài không hoạt động của những câu trước, người nông phu ra tay ngay khi đến mùa gặt. Sự chú ý tập trung trên người nông phu lần nữa, trên sự thay đổi đột ngột trong thái độ của ông ta.

2. Áp dụng

Để biết trình thuật này muốn dẫn tới đâu, tốt nhất hãy đi từ nét sau hết là nét rõ ràng hơn cả. Các chữ sau cùng: “Tức thì liềm hái tra tay, vì mùa gặt đã đến”, là một câu trích dẫn ám tàng Ge 4, 13: “Hãy phóng liềm ra vì mùa trái đã chín”. Đây là đoạn văn thời danh trong đó ngôn sứ loan báo việc phán xử Thiên Chúa sắp thi hành trong thung lũng Giosaphát trên dân ngoại (Ge 4,12-16). Khải huyền 14,14-16 cũng ám chỉ điều đó: “Hãy tra liền của Ngài mà gặt đi, vì đã đến giờ gặt, vì đã chín rồi mùa màng cõi đất. Và Đấng ngự ở trên đám mây đã quăng liềm xuống đất và đất đã bị gặt”. Không cần phải nhấn mạnh hơn nữa: mùa gặt mà câu kết của dụ ngôn nói đến chính là cuộc phán xét tổng quát trong ngày cánh chung; sự can thiệp của người nông phu lúc gặt làm ta liên tưởng đến sự can thiệp cánh chung của Thiên Chúa.

Bây giờ ta hãy nói tới thời gian dài trước mùa gặt, thời gian mà bác nông phu chẳng quan tâm đến ruộng mình. Theo điều ta mới thấy trên, thái độ của người nông phu giúp ta hiểu thái độ của Thiên Chúa. Điều này là đúng thực sự vì ta đang đứng trước một dụ ngôn nói về Vương quốc: bởi vì việc Vương quốc Thiên Chúa đến chỉ có thể là công việc của chính Thiên Chúa, nên nhân vật chính trong các dụ ngôn này tự nhiên minh giải cách thức mà Thiên Chúa dùng để thiết lập nên vương triều của Ngài.

Thành ra dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc giả thiết rằng: trước khi Thiên Chúa can thiệp vào ngày phán xét, thì có một thời gian Ngài để mọi vật tự đi theo đường của chúng. Và cho cảm tưởng là bất quan tâm đến các việc xảy ra trong đồng ruộng của thế gian. Tầm quan trọng gán cho lời ở dưng này trong trình thuật dụ ngôn cho ta nghĩ rằng Chúa Giêsu đã đụng đến trong đó một mối bận tâm của các thính giả. Dễ dàng hình dung ra mối tận tâm này, nó xuất hiện rõ rệt trong nhiều đoạn Tin Mừng đặc biệt là đoạn nói về sự ngạc nhiên của Gioan Tẩy Giả trước thái độ của Chúa Giêsu (Mt 11,2-6) (Xem Assemblées du Seigneur loạt 2, số 7, Paris, 1969, tr.16-26). Chúa Giêsu tuyên bố vương triều Thiên Chúa gần đến. Thế là mọi người đều rõ: việc thiết lập Vương triều phải bắt đầu trong cuộc phán xét loại bỏ khi đất Israel tất cả các tội nhân không đáng thông phần vào các ân huệ của Vương triều. Vậy nếu, như lời Chúa Giêsu phán Thiên Chúa đã thực sự quyết định lập vương triều của Ngài trên trái đất, thì tại sao người ta chưa thấy có dấu gì về cuộc phán xét khủng khiếp phải chuẩn bị cho Vương triều ấy cả?

Để giải đáp khó khăn này, Chúa Giêsu dùng một kiểu so sánh: như người nông phu không can thiệp gì trong ruộng đồng trước khi đến mùa gặt, thì Thiên Chúa cũng chẳng làm khác hơn. Nhưng đừng lầm tưởng: thời gian sứ vụ này của Chúa Giêsu, trong đó Thiên Chúa cho cảm tưởng là bỏ bê công việc đã bắt đầu, chính là thời gian đi trước mùa gặt cánh chung. Khi giải thích cho thính giả Người hiểu sự ở nhưng của Thiên Chúa vốn làm họ ngạc nhiên và bất mãn, Chúa Giêsu đồng thời kêu mời họ đừng quên rằng thời kỳ hiện tại, thời kỳ sứ vụ tại thế của Người đây, là giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ đi trước sự can thiệp sau cùng của Thiên Chúa nhằm phán xét và dứt khoát thiết lập vương triều Ngài. Sự tương phản giữa tính cách vô nghĩa của thời hiện tại với tính cách ngoạn mục của các biến cố cánh chung không khác gì sự tương phản giữa việc ở dưng của Người nông phu lúc lúa lớn với sự ra tay thình lình của ông vào mùa gặt. Mối tương phản nay là tương phản của hai thời gian kế tiếp nhau. Tính cách nghiêm trọng của giờ người ta đang sống trong lịch sử cứu rỗi xuất phất từ mối tương quan nối kết sứ vụ của Chúa Giêsu với các biến cố sau cùng. Đó cũng là nói rằng số phận chung quyết của mỗi người tùy thuộc thái độ của họ đối với sứ mệnh Chúa Giêsu.

II. HẠT CẢI

1. Trình thuật dụ ngôn

Dụ ngôn này đến tay chúng ta dưới hai hình thức khác nhau: một là bản văn Mc, một là bản văn Lc 13,18-19; bản văn Mt 13,31-32 hình như phát xuất từ sự hỗn hợp hai hình thức. Khác biệt chủ yếu nằm trong sự kiện Mc dùng thể miêu tả nói lên phương cách các sự việc thường xảy ra, trong khi Lc dùng thể ký thuật, kể lại những gì đã xảy ra một lần nào đó cho một người đã vất một hạt cải trong vườn mình.

Để xem hình thức nào trong hai hình thức trên có trước, phải tự hỏi ta quan niệm thế nào về mối dây liên kết dụ ngôn hạt cải với dụ ngôn men bánh mà nó được gắn liền trong Mt 13,33 và Lc 13,20-21. Dụ ngôn men bánh có dạng thức một trình thuật. Nếu cả hai dụ ngôn đều được liên kết ngay từ đầu, thì thường phải có chung một thể ký thuật như nhau; còn nếu chỉ được ráp nối về sau nhờ truyền thống, thì thể ký thuật của dụ ngôn men bánh đã có thể ảnh hưởng dụ ngôn hạt cải. Giả thuyết thứ nhất xem ra phù hợp hơn với các thói quen sư phạm của Chúa Giêsu; Người thường thích minh giải ý mình bằng hai hình ảnh bổ túc cho nhau: đây là hình ảnh một người gieo hạt cải vào lòng đất và kia là hình ảnh một người đàn bà trộn men trong một khối bột. Thành tllử chúng tôi cho rằng hình thức ký thuật mà Lc đã lưu giữ là có trước.

Cơ cấu của dụ ngôn cũng rất khác biệt nhau. Bản Mc nhấn mạnh sự tương phản giữa tình trạng hạt cải lúc ban đầu: nó là hạt bé nhỏ nhất trong mọi thứ hạt giống trên đất và lúc kết thúc: “nó mọc lên thành to lớn hơn mọi thứ rau cỏ, trổ nhiều cành lớn”. Cách dùng các thì cũng gia tăng sự tương phản: người ta nói đến hạt giống ở thì aoriste khi đã được gieo”, (cc. 31-32), và nói đến sự tăng trưởng ở thì hiện tại. Trái lại trong Lc, mọi thì đều ở quá khứ, và trình thuật theo một chuyển động thẳng hàng, nhấn mạnh đến sự tất nhiên của tiến trình biến đổi hạt giống thành một cây to.

Về điểm này, chúng tôi nghĩ nên chuộng Mc hơn. Chỉ có bản văn của ông nói lên lý do chọn lựa hạt cải: vì nó nhỏ nhất trong mọi thứ hạt giống. Thực vậy, tính cách nhỏ bé của hạt giống này đã được người Do thái đưa vào châm ngôn như ta thấy ám chỉ trong Mt 17,20 (Lc 17,6): nếu các ngươi có đức tin lớn bằng hạt cải …”; vì người ta không thể tưởng tượng ra cái gì nhỏ bé hơn được. Để nói về một vệt máu tế vi, các giáo sĩ cũng thường bảo: không lớn hơn một hạt cải. Thành thử nét này đúng là của người Do thái và bắt nguồn từ Palestin. Nó khiến ta nghĩ rằng trong chủ ý của người kể dụ ngôn, tác hiệu tương phản đóng một vai trò quan trọng.

Cơ cấu tương phản của bản văn do Mc ghi lại còn có một lợi điểm khác: làm cho dụ ngôn này gần gũi hơn với các dụ ngôn khác cùng loại, bắt đầu là dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc hay dụ ngôn người gieo giống (x. Assemblées du Seigneur loạt 1, số 23, Bl:uges, 1964, tr. 37-54). Như thế, người ta thấy cơ cấu nói trên tương ứng với một vấn đề đã hơn một lần được đặt ta cho Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của Người, vấn đề mà Người đã đặc biệt lưu tâm cắt nghĩa cho các thính giả. Còn cơ cấu của Lc, vì bỏ qua sự tương phản để nhấn mạnh đến sự phát triển kỳ diệu của cây cải nên phù hợp hơn với một hậu cảnh là sự bành trướng Kitô giáo vào cuối thời các sứ đồ.

2. Áp dụng

Như thường lệ, chính nét cuối cùng là nét phải xoay hướng, điều khiển việc giải thích. Để diễn tả tầm vóc to lớn của cây cải, Mc cho thấy “chim trời đến núp dưới bóng nói theo Mt và Lc, chim trời đến nương náu nơi cành nói các thành ngữ này gợi lại chiêm bao của Nabuchodonosor trong Đn 4. Nhà vua chiêm bao thấy một cây khổng lồ: “Bên dưới thì dã thú núp bóng và trên cành thì chim trời trú đậu” (c.9). Đanien tiếp: cây “mà bên dưới thì đã thú ở và trên cành chim trời ngụ” (c. 18t) đó biểu hiệu chính vua Nabuchodonosor. Hình ảnh này là một hình ảnh cổ truyền vì Ed 31,6 cũng mô tả Pharaon, vua Ai cập, dưới đường nét một cây bá hương lộng lẫy: Trên nhánh nó, mọi thứ chim trời làm tổ; dưới cành nỏ các loài dã thú đẻ con, dưới bóng nó, đủ hạng người lập cư đông đảo”. Đúng là một vua quyền lực bảo đảm an ninh cho thần dân mình; họ đến “ẩn núp dưới bóng ông” (Tl 9, 15), “sống dưới bóng ông” (Ac 4,20; Br 1, 12).

Thành thử hình ảnh cây làm nơi cư ngụ cho chim chóc rất là thích hợp để gợi lên cảnh một vị vua ra tay che chở thần dân mình. Hình ảnh đó tái xuất hiện nơi Ed 17,22-23, trong một lời hứa phục hưng tiên báo vinh quang tương lai dành sẵn cho dân được chọn: được Thiên Chúa trồng trên cao sơn của Israel, “nó sẽ đâm cành, phát sinh hoa trái và trở thành bá hương oai lẫm; bên dưới nó mọi thú vật sẽ ngụ nhờ, mọi loài có cánh sẽ đậu lại”. Ở đây sự chú ý không duy hướng đến vị vua cho bằng đến tình trạng phát đạt vốn trùng hợp trong thực tế với Vương triều Thiên Chúa vào ngày cánh chung. Một khi đã để ý đến nhập đề của dụ ngôn và bối cảnh chung của lời Chúa Giêsu rao giảng, thì ta thấy đó cũng là điều mà đoạn cuối dụ ngôn Tin mừng muốn gợi lên: cây mà chim trời đến đậu biểu hiệu cho tình trạng sẽ ưu thắng khi Thiên Chúa thiết lập Vương triều của Ngài trên trái đất trong tương lai.

Có thể cây cải xem ra khiêm tốn để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa. Sở dĩ Chúa Giêsu đã chọn nó, bởi vì Người muốn nhấn mạnh tính cách quá nhỏ bé của Vương triều lúc khởi đầu. Vào lúc mà cái quá trình vốn phải dẫn tái việc xuất hiện vinh quang của Vương triều được phát động, thì người ta có cảm tưởng đó chỉ là một biến cố vô nghĩa, không đâu. Nhưng chúng ta hiểu rằng cảm tưởng ấy chỉ có thể là cảm tưởng của các thính giả nghe dụ ngôn. Họ không thấy một tương quan nào giữa sứ vụ khiêm tốn của Chúa Giêsu đang diễn ra dưới mất họ với sự bành trướng quyền lực kinh khủng khi đến lúc khai mạc Vương triều Thiên Chúa. Thành thử sự tương phản mà trình thuật dụ ngôn thiết lập giữa hạt cải tí xíu và cái cây từ đó mọc ra, tương ứng với sự tương phản giữa tính cách vô nghĩa của sứ vụ Chúa Giêsu và những biến động ngoạn mục vào lúc Vương triều Thiên Chúa đến.

Tuy nhiên sự bất tương xứng hiển nhiên giữa đầu và cuối không cấm cái lớn hơn phải phát xuất từ cái nhỏ hơn. Nói cho rõ rệt thì sứ mệnh Chúa Giêsu không kém là giai đoạn đầu tiên của việc Thiên Chúa can thiệp nhằm thiết lập Vương triều Ngài trên trái đất. Thành thử các thính giả chớ có lầm lẫn: Thiên Chúa đang hoạt động trong sứ vụ Chúa Giêsu, đã bắt đầu cuộc can thiệp quyết định sẽ đưa đến việc bày tỏ hoàn toàn Vương triều Ngài. Nhìn nhận sứ mệnh Chúa Giêsu có ý nghĩa đích thực như vậy là đồng thời biết rằng: thái độ đối với sứ mệnh đó có nghĩa là chấp nhận hay từ chối quyền tối thượng của Thiên Chúa vào ngày cánh chung; và số phận trong thế giới tương lai của mỗi ngươi tùy thuộc thái độ đó.

Thành thử dụ ngôn nhắm mục đích cho thính giả hiểu tầm quan trọng quyết định của giây phút họ đang sống, chiếu theo sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh nhờ đó Thiên Chúa bắt đầu cái quá trình đưa đến sự tỏ hiện vinh quang của Vương triều Ngài. Với một hình thức hơi khác, đấy cũng là giáo huấn của dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc.

III. QUAN NIỆM CỦA MÁTCÔ

1. Hai dụ ngôn

Chỉ có Mc ghi lại cho chúng ta dụ ngôn hạt giống âm thầm và tự mình lớn lên. Thành ra chẳng thể nào so sánh với một bản văn song song được. Việc nghiên cứu bản văn không giúp ta khám phá một chỗ chữa ý nghĩa nào cho thấy Mc có một lối giải thích riêng. Trong dụ ngôn hạt cải, ta đã thấy là thể văn miêu tả được Mc chọn xem ra có sau thể văn ký thuật của Lc. Việc thay đổi này lôi kéo theo sự biến mất của người đã gieo hạt cải trong Mc, vì đoạn văn chỉ chú ý đến hạt giống. Tuy nhiên không chắc là lối trình bày này phát xuất từ một chủ ý của thánh sử; vì chẳng có gì cấm ta nghĩ là dụ ngôn đã đến với ông dưới hình thức nói trên. Thành ra chúng ta chỉ ghi nhận sự kiện mà không phê phán.

Dù chính bản văn không cho biết gì nhiều, văn mạch hình như vẫn có thể giúp ta. Hai dụ ngôn chúng ta đang đề cập tiếp liền theo dụ ngôn người gieo giống được giải thích khá tỉ mỉ. Không có gì cho phép nghĩ rằng chính Mc đã tự tay biên soạn lời giải thích đó; chắc hẳn nó đã được truyền thống chuyển lại cho ông. Tuy nhiên ông đã thêm phần của mình. Điều này khá chắc đối với đoạn cuối của câu 17 (xem bài nghiên cứu của chúng tôi La parabole du Semeur trong Foi ét Vie, Cahiers bibliques số 5 (1967) tr.3-25). Nói về các Kitô hữu không có rễ trong mình mà chỉ là những kẻ nhất thời, vấp ngã ngay khi gặp hoạn nạn, Mc đã lưu tâm xác định thêm: “hay một bách hại vì Lời”. Nhiều câu xác định tương tự được đưa vào trong 8,35 và 10,29 chứng tỏ Mc hết sức quan tâm đến nguy hiểm mà cơn bách hại gây ra cho lòng bền gan của các Kitô hữu. Ta cũng có thể thắc mắc về phần của ông trong việc biên soạn câu 19, câu nêu ra những ngại vật khác nhau của lòng trung thành. Các dấu chứng đó cho phép giả thiết rằng Mc đã đọc các dụ ngôn khi nghĩ đến hoàn cảnh Giáo Hội lúc ông biên soạn Tin mừng của ông.

Vả lại toàn bộ các câu 14-20 cũng quy hướng theo chiều đó. Hạt giống được đồng hóa với “Lời” Cách gọi sứ điệp Tin mừng như vậy phù hợp với thói quen của các sứ đồ hơn là của Chúa Giêsu. Vì quả thực Lời là đối tượng trực tiếp mà Giáo Hội rao giảng; chính nó hiện đang gặp nhiều thất bại vì những kẻ đón nhận nó chưa chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng.

Hãy trở lại với hai dụ ngôn của chúng ta. Chúng ta đã nhận thấy là chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của giây phút hiện thời đối với các thính giả của Chúa Giêsu; chúng mời gọi họ nhìn nhận sứ mạng Chúa Giêsu là bước đầu việc can thiệp cánh chung của Thiên Chúa. Trong đường hướng của những nhận xét vừa nói, ta dễ dàng nhận thấy có sự xê dịch trong giáo lý Kitô giáo và trong viễn tượng của thánh sử. Người ta tiếp tục xem các dụ ngôn là giáo huấn về tầm quan trọng của giây phút hiện tại; nhưng giây phút hiện tại này không còn là giây phút. của sứ vụ Chúa Giêsu, mà là giây phút Giáo Hội đang sống và đang rao giảng.

Theo nhãn quan đó thì rõ ràng thời kỳ hạt giống tăng trưởng tự nhiên đồng hóa với thời kỳ của Giáo Hội trong đó người ta đang sống. Chính bây giờ hạt giống Chúa Kitô dã gieo đang triển nở trong lúc kẻ gieo vắng mặt; Người sẽ trở lại khi đến mùa gặt hái. Chính bây giờ hạt giống bé tí Chúa Kitô đã gieo vào đất đang phát triển thành một cây hùng vĩ; sự bành trướng của cây này chứng tỏ sức mạnh của sứ điệp Chúa Giêsu đã đem đến cho thế gian.

Cũng phải để ý đến hai dụ ngôn Cái đèn và Đấu đong (cc 21-25) mà Mc đã xen vào giữa lời giải thích dụ ngôn Người gieo giống và các dụ ngôn ta đang đề cập trong văn mạch hiện thời của chúng, các câu đó nhấn mạnh đến bổn phận của các môn đồ là rao truyền sứ điệp Chúa Giêsu đã ủy thác cho họ. Trong viễn tượng của trách nhiệm truyền giáo này hai dụ ngôn Hạt giống âm thầm mọc và Hạt cải tự nhiên thêm một bài học về sự tin tưởng phó thác: Lời mà các sứ đồ có trách nhiệm chắc chắn sẽ phát triển và sinh trái kỳ diệu. Như thế hai dụ ngôn của chúng ta, một cách nào đó, đã sửa sai cái cảm tưởng khó khăn mà tới giải thích dụ ngôn Người gieo giống có thể đã gây ra vì nói đến các thất bại quá dài dòng. Các thất bại này sẽ không ngăn cản Lời biểu lộ hiệu năng vô địch của nó được. Sự bảo đảm này phải là một khích lệ cho những kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa.

2. Giáo huấn bằng dụ ngôn

Thoạt nhìn, câu kết luận của diễn từ bằng dụ ngôn (cc 33-34) không gây ra vấn đề nào hết. Chúa Giêsu loan báo Lời cho người ta, cho đám dân đã được cc.1-2 mô tả. Người phát biểu dưới hình thức dụ ngôn, tùy theo sức lãnh hội của họ; đối với Chúa Giêsu, các dụ ngôn xem ra là một phương thế để giúp thính giả hiểu Người dễ dàng hơn. Ngoài ra Người còn giải thích thêm cho nhóm môn đồ của Người mà c.10 đã đề cập tới. Như thế không trong sáng sao?

Vấn đề chỉ xuất hiện nếu người ta lưu ý rằng Mc đã muốn chấm dứt chủ đề mà ông đã đưa vào trước đây, trong cc 10 12. Đối với công chúng, nhung kẻ ở ngoài” (c.11), Chúa Giêsu “không nói điều gì mà không dùng dụ ngôn” (c.34): “tất cả mọi sự đều đến với họ bằng dụ ngôn” (c. 11). “Khi ở riêng” (katidian, c.34), “khi còn một mình” (Kata monas, c.10), Chúa Giêsu “giải thích tất cả cho môn đồ Người” (c.34), nghĩa là cho những kẻ theo Người cùng với nhóm 12″ (c. 10), những kẻ “đã được trao ban mầu nhiệm Vương quốc Thiên Chúa, (c. 11).

Thành thử, dưới ánh sáng của những lời giải thích thánh sử đưa ra trước đây về ý nghĩa các dụ ngôn, sự nhấn mạnh của c.34 mặc tất cả ý nghĩa trọn vẹn: các dụ ngôn là một loại mật mã mà chỉ các môn đồ mới hiểu vì đã được ban chìa khóa, còn đám đông mà Chúa Giêsu chẳng muốn nói với bằng một ngôn ngữ rõ ràng, thì không thể lãnh hội ý nghĩa đích thực của lời Người giáo huấn; vì “mầu nhiệm vương quốc Thiên Chúa” không được trao ban cho “những kẻ ở ngoài”. Bởi thế Chúa Giêsu không nói với họ điều gì mà không dùng dụ ngôn”.

Thành thử câu kết này đặt ta đối diện với cái gọi là “lý thuyết các dụ ngôn” của Mc, một khía cạnh đặc biệt của “lý thuyết bí mật thiên sai” của ông. Tạm phô diễn ý tưởng Mc như thế này: lúc ông biên soạn Tin mừng của ông, có một sự kiện gây ngạc nhiên không thể chối cãi là dân Do thái nói chung đã chẳng đón nhận Tin mừng. Cắt nghĩa sự thất bại này ra sao? phải chăng là sự khánh tận của chương trình Thiên Chúa? Hay đúng ra phải coi hoàn cảnh này là dấu chứng tỏ sứ mệnh Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa thực? Đứng trước vấn nạn đáng sợ này, Mc tìm thấy một câu trả lời có tính cách thần học trong bản văn Is 6,9-10, được trích dẫn nơi Mc 4, 12. Trong sứ mệnh Chúa Giêsu đã hoàn tất mệnh lệnh thần linh mà ngôn sứ đã phát biểu, mệnh lệnh truyền phải nói cho dân chúng làm sao để “họ cố nhìn mà không thấy, cố nghe mà không hiểu…”.

Thành thử Đấng Thiên Chúa sai phải diễn tả cách nào đó để người ta đừng hiểu: đó là quyết định của Thiên Chúa muốn ban sứ mệnh của Người trở thành một cuộc phán xét đám dân mù quáng và cứng cổ. Tuy nhiên làm sao nhận ra trong sấm ngôn đó chương trình của sứ vụ Chúa Giêsu? Mc tìm ra giải đáp trong việc Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn: Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn với dân chúng và đối phương mà Người không muốn cho hiểu. Thành ra đối với Mc, dụ ngôn xuất hiện như là một phương thế không nhắm mục đích làm cho giáo huấn ra dễ dàng lãnh hội, song là che dấu dưới nhiều hình ảnh ý nghĩa đích thực của giáo huấn. Để hiểu các hình ảnh này, cần có lời giải thích; nhưng lời giải thích chỉ được ban cho môn đồ thôi. Phải thêm ngay là Mc đã nhận thức được mối nguy hiểm của lý thuyết đó vì nó dễ dàng đưa đến khuynh hướng bí truyền, nên trong Mc 4,21-25 ông xác định: các môn đồ đã nhận được mặc khải là để phổ biến rộng rãi, để la to trên các mái nhà.

Chúng ta có thể phê phán là khá giả tạo lý thuyết của Mc về các dụ ngôn. Để đánh giá nó một cách công bình, cần phải đo lường sự nghiêm trọng của vấn đề mà hoàn cảnh thực tế đã đặt ra cho thánh sử và cho Giáo Hội thời ông: khối tuyển dân đã không tin vào Chúa Giêsu và không chấp nhận sứ điệp của người. Is 6,9-10 cho thấy tình trạng đó đã được Thiên Chúa dự liệu.

Như vậy, một lần nữa ta thấy rằng công việc biên soạn Tin mừng của thánh sử bị các hoàn cảnh và các vấn đề thời đại ông chi phối cách sâu xa. Chính việc rao giảng Kitô giáo và bổn phận của những kẻ được giao trọng trách phục vụ Lời là điều ông nghĩ khi ghi lại các dụ ngôn trình bày Lời như hạt giống; chính cho sự thất bại của sứ vụ này giữa dân Do thái mà ông đã tìm câu giải thích thần học trong lý thuyết của ông về việc giảng dạy bằng dụ ngôn. Chứng nhân của Lời không phải là kẻ chỉ biết lặp lại lời cách máy móc, nhưng là kẻ biết tìm trong đó câu giải đáp cho các nhu cầu của thời đại và của con người đương sống với mình. Jacques Dupont, Assemblées du Seigneur 42, tr.50-59.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Qua dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giêsu kêu mời ta hãy biết chuẩn bị cho ngày mùa sau cùng. Như hạt giống mỗi ngày âm thầm mọc lên, sinh bông rồi chắc hạt, đời ta cũng phải âm thầm xây dựng với bao nỗ lực từng mỗi phút giây. Nỗ lực thanh luyện tâm hồn, gạn lọc ý hướng, giáo dục lương tâm, nói tóm là nỗ lực tập chọn lựa Thiên Chúa để có thể sẵn sàng nói lên tiếng chọn lựa dứt khoát vào giờ sau cùng (mà có khi bất ngờ) của cuộc đời ta. Đừng tưởng Thiên Chúa như bất can thiệp mà sống không chuẩn bị, không cố gắng, nghĩ rằng mình sẽ ăn năn trong giờ sau hết. Hạt lúa có chờ đợi lúc đến gần mùa gặt để đâm bông sinh trái không. Thiên đàng là kết quả của bao tháng ngày sống thánh hiện tại chứ chẳng phải là sự lật ngược tình thế nhờ ăn năn vào giây phút cuối đời.

2. Dụ ngôn hạt cải âm thầm mọc cũng mời ta tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa như bất can thiệp vào thế giới chúng ta lúc này. Chúa Kitô, từ khi gieo vãi Giáo Hội vào trần gian, như biến đi khỏi lịch sử, để Giáo Hội âm thầm lớn lên với bao nhiêu gian khó, bao nhiêu yếu đuối, bất lực Thiên Chúa như dửng dưng trước nỗi khổ của con người, như bàng quan trước bao lội ác, như bất lưu tâm đến nỗ lực sống thánh, hành thiện của bao nhiêu người. Đừng lo! Bên kia thời gian, nơi vĩnh cửu, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem cùng điều khiển. Mọi hạt giống tốt xấu con người và các tập thể gieo đang âm thầm lớn lên, sinh trái. Hạt giống Nước trời là Giáo Hội mà Chúa Kitô đã gieo cũng đang âm thầm phát triển. Ngày cánh chung, thế nào ta cũng chứng kiến sự thu hoạch và mọc lựa vĩ đại của Thiên Chúa. Phần ta, hãy tin tưởng và đóng góp vào sự phát triển của Giáo Hội từ bây giờ.

3. Dụ ngôn hạt cải mời ta nhìn vào Giáo Hội để mà vững tâm. Thực tế đã làm chứng cho điều Chúa Giêsu mô tả và tiên báo về Giáo Hội. Với một tiểu tổ yếu đuối lúc đầu, với một vị sáng lập bị hành quyết sau khi khởi công, Giáo Hội đã lớn lên, phát triển và lan cùng mặt đất, đã là men trong khối bột nhân loại suốt 2000 năm lịch sử, đã là người khai sáng văn minh thế giới, như sắc lệnh Truyền giáo số 8 nói rõ: “Trong lịch sử loài người, dù chỉ xét về mặt trần thế, Tin mừng đã là men khơi dậy tự do và tiến bộ. Tin mừng còn tỏ ra luôn mãi là thứ men khơi dậy tình huynh đệ, sự hiệp nhất và hòa bình”. Xét trong vĩnh cửu, ta càng có lý do vững tâm vào tiền đồ Giáo Hội, vì Giáo Hội là thực thể sau cùng sẽ chiến thắng, là nơi quy tụ hết những gì là thánh, là thiện hảo của nhân loại.

4. Mỗi người trong chúng ta cũng có thể chứng nghiệm một điều tương tự, cũng có thể nhận thấy đời sống Kitô giáo của mình đã được khởi sự từ một hạt giống tí ti. Trên một thửa đất nhờ giáo dục cuốc xới nhiều ít, một hạt giống đã rơi vào. Có khi đấy là một gương sáng, một việc làm, một lời khuyên khiến ta để ý. Và từ chỗ đó, nhiều việc lớn lao đã được thực hiện, như là sự trung tín với ơn gọi, với lời cam kết của chúng ta, như là việc hoạt động đắc lực cho Nước Chúa. Chính Thiên Chúa đã gieo và làm cho Nước Ngài được lan rộng. Trong việc tông đồ, điều ấy có một tầm quan trọng lớn lao. Biết đâu một lời nói, một việc làm đơn sơ vô tình của chúng ta sẽ có kết quả vĩ đại nơi kẻ khác.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]