GƯƠNG SOI CHO CÁC GIA ĐÌNH
SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA – NĂM B
(Lc 2, 16-21)
Ý nghĩa của Lễ Thánh Gia Thất
Tiếp liền sau Lễ Giáng Sinh, do lòng sùng kính Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu, Giáo hội đã cử hành lễ kính Thánh Gia Thất: Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a Và Thánh Giu-se, một mặt để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Na-da-rét, mặt khác cũng để giúp các gia đình công giáo suy niệm, noi gương bắt chước học đòi nhân đức của Ba Đấng mà sống ơn gọi bí tích hôn nhân của mình như lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời” (x. Lời nguyện nhập lễ). Với lòng mong ước: “Na-da-rét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Na-da-rét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không có gì có thể thay thế được. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội” (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh gia thất).
Nều nhìn vào sự kiện Lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa Nhật giữa Lễ Chúa Giê-su giáng sinh và Lễ Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa, cũng cho ta nhiều ý nghĩa. Trước tiên, Lễ Thánh Gia thất mặc khải và minh chứng mầu nhiệm nhập thể cách cụ thể: vì Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, có một gia đình như bao người khác, sống trong một gia đình như chúng ta. Việc Người sống trong một gia đình, cũng là một biểu hiệu, Người muốn đem nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình Chúa Ba Ngôi. Lễ Giáng sinh và Đầu Năm khi người ta thường trở về gia đình, lớn hay nhỏ, để mừng lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, thì gương mẫu của Gia đình Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Giu-se, trở nên mầu gương sống động cho mọi phần tử trong gia đình từ cha mẹ đến con cái trong cuộc sống đức tin và lòng hiếu thảo. Các bài sách thánh và các kinh nguyện gợi ý rõ ràng về điểm sau cùng này.
Sứ điệp Lời Chúa
Tin mừng năm B được trích theo thánh Lu-ca: nói về việc dâng Chúa Giê-su trong đền thờ để cử hành lễ đặt tên cho con trẻ và thanh tẩy cho bà mẹ theo như luật dạy (Lc 2,22-40); rồi biến cố Con trẻ Giê-su lạc mất trong đền thờ. Những biến cố này nằm trong khung cảnh tôn giáo Do thái và trong phạm vi gia đình thật rõ ràng; vai trò của thánh Giu-se và Đức Mẹ được nhận ra trong khung cảnh một gia đình, như các gia đình khác; còn Chúa Giê-su được mô tả như một người con của gia đình, nhưng Người hướng về, và giúp chúng ta hướng về một gia đình cao trọng hơn, trong đó Thiên Chúa là Cha.
Bài Sách Cựu Ước dạy chúng ta về lòng hiểu thảo với Cha Mẹ được Thiên Chúa chúc lành (x. Hc 3,3). Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo đức. bài sách Huấn ca đã giục con cái tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức Ma-ri-a phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Giê-su. Nói cách khác đạo đức gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa
Thư của thánh Phao-lô Tông đồ, gửi giáo đoàn Cô-lô-xê, nói về bổn phận của từng phần tử trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái (Cl 3,12-21).
Thánh Phao-lô gọi tín hữu bằng thánh. Họ thánh không phải vì họ tốt lành, nhưng chỉ vì Ðấng Thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy chỉ vì yêu mến. Nên bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận lấy sự thánh thiện ấy. Trước khi sống, tức là hành động, họ phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa.
Bài học từ gia đình Na-da-rét
Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng.
Tại đây trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để ầm thầm noi theo.
Tại đây chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục,ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo,và tất cả hững gì Đức Giê-su đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa. ….” (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh Gia thất, Chúa Giê-su Ki-tô, Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se).
Như vậy việc cử hành lễ Thánh gia thất, mang nhiều ý nghĩa: trong phạm vi thần học, lễ này làm nổi bật mầu nhiệm nhập thể; trong khía cạnh phụng vụ, lễ này hướng về Giáo hội như là gia đình tế tự và cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa; và sau cùng theo ý nghĩa tu đức, nhờ gương gia đình thánh tại Na-da-rét, các gia đình công giáo biết sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức ái, giữa các phần tử trong gia đình và trong mọi cảnh huống, khi hạnh phúc may lành cũng như khi hoạn nạn khổ đau, như trong Lời nguyện hiệp lễ đọc như sau: Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh thể, xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh cả Giu-se hưởng vinh phúc muôn đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: