Gia trưởng và nhiệm vụ xây tổ ấm gia đình

Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, điều đó không có nghĩa là đàn ông không cần quan tâm và có trách nhiệm gì trong việc xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương, hạnh phúc. Đó là chẳng qua chỉ là nhấn mạnh đến việc phân công nhiệm vụ vợ chồng trong gia đình, ở đó “người thì lo xay lúa, người thì lo bồng em”. Trong đời sống hôn nhân, cả hai vợ chồng sẽ mất đi một nửa quyền lợi và nhân đôi nghĩa vụ.
Nhưng trên hết, người chồng với vai trò là gia trưởng, sẽ có những nhiệm vụ đặc thù thích hợp với vai trò lãnh đạo gia đình của mình. Những việc mà người chồng thực hiện sẽ đóng góp rất lớn vào việc xây dựng gia đình thành mái ấm tràn ngập yêu thương và hạnh phúc.

Có thể liệt kê ba nhiệm vụ chính sau đây của người gia trưởng: nhiệm vụ quản gia, nhiệm vụ quản lýnhiệm vụ quản giáo.

1. Nhiệm vụ quản gia

Người ta vẫn thường hiểu người quản gia là người được thuê mướn để trông coi nhà cửa và làm các việc vặt trong nhà theo lệnh của gia chủ. Tuy nhiên trên thực tế, người chồng người cha trong gia đình cũng là một quản gia. Họ có nhiệm vụ quán xuyến các việc lớn nhỏ trong gia đình. Họ thức khuya dậy sớm. Họ lao động cật lực với đủ mọi thứ công việc mà không đòi hỏi lương bổng. Trách nhiệm của họ là tạo dựng một gia đình thành một tổ ấm trong đó mọi sinh hoạt được thực hiện một cách trôi chảy, tốt đẹp.

Tuy nhiên, phải thừa nhận điều này là cũng có nhiều vị gia trưởng không chu toàn bổn phận người chồng người cha của mình. Họ không hề quan tâm đến gia đình và những gì xảy ra ở đó. Sự hiện diện của họ trong gia đình rất mờ nhạt, bởi họ sống trong gia đình như một khách trọ.

Trong một bài báo trên trang vnexpress.net có tựa đề “Những mẫu đàn ông dễ khiến phụ nữ muốn ly hôn”, tác giả Hà Linh đã viết như sau: “Những ông chồng sống như khách trọ trong nhà, ra ngoài thì ba hoa, về nhà chẳng mó tay tới việc gì hay luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh… dễ khiến vợ thấy hối tiếc khi kết hôn”. Theo tác giả, những đàn ông như thế này thuộc thành phần vô tâm, họ không quan tâm gì tới gia đình, chẳng hạn “Người đàn ông vô tâm: Đây là mẫu người đàn ông thuộc tuýp người “không nghe – không biết – không thấy”. Thậm chí họ làm cho “nửa kia” có cảm giác đó không phải là bạn đời của mình. Mẫu người này chẳng bao giờ có mặt khi vợ cần, thậm chí vợ đi đâu, làm gì, họ cũng không hay biết. Chuyện lớn, chuyện nhỏ họ đều phó mặc cho vợ, coi vợ như “người-biết-tuốt” còn họ thì như khách trọ trong nhà”.

2. Nhiệm vụ quản lý

Bên cạnh việc quản gia, người gia trưởng còn là người quản lý của gia đình nữa. Quản lý ở đây không phải là độc đoán nắm giữ, điều hành tất cả, mà là quán xuyến mọi việc gia đình. Họ biết nắm bắt các nhu cầu của cả gia đình và của mỗi thành viên trong gia đình. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Việc lớn có thể là xây cất sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị cho gia đình, việc sinh hoạt học hành của con cái vv. Việc nhỏ có thể liên quan đến cái ăn cái mặc, kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Dù gia đình ở trong hoàn cảnh nào bất kỳ, người gia trưởng tốt sẽ luôn quan tâm, lo lắng và điều hành các việc trong gia đình sao cho suôn sẻ, trôi chảy…

Quả thực, là người lãnh đạo trong gia đình, vị gia trưởng gương mẫu sẽ là người biết hi sinh, biết quên mình để làm “đầy tớ” mọi người. Chúng ta thử nghe tâm sự sau đây của một vị gia trưởng:

“Tôi là giám đốc một công ty, lương tháng ba nghìn đô, cao gấp chục lần vợ tôi nhưng khi về nhà thấy vợ hì hụi trong bếp, tôi vẫn sẵn sàng lao vào nhặt rau, rán cá bình thường. Thậm chí có lúc nhìn mặt thấy vợ tôi mệt tôi luôn giục nghỉ đi, để tôi làm. Bạn bè, bố mẹ, gia đình, nhân viên của tôi trong cơ quan đều biết việc này nhưng tôi lấy đó làm hãnh diện chứ không bao giờ có suy nghĩ “thằng đàn ông kém cỏi mới rửa bát” như bạn. Thậm chí nhân viên ở cơ quan còn ngưỡng mộ vì sếp là người tình cảm, yêu chiều vợ hết mực. Chúng ta làm việc 8 giờ, vợ cũng phải làm việc 8 giờ. Cớ gì sau giờ làm mình được phép gác chân xem tivi còn vợ thì đầu tắt mặt tối nấu ăn, rửa bát, chăm con? Làm đàn ông, sức dài vai rộng thì phải ba đầu sáu tay, không quản ngại giúp vợ chứ đi làm về cơm bưng nước rót thì chả xứng làm chồng. Lấy vợ chứ có phải lấy osin đâu? Yêu vợ, thương vợ thì càng phải xắn tay áo vào làm đỡ đần vợ” (x. www.webtretho.com/forum/goc-nhin-cua-mot-nguoi-dan-ong-luong-thang-3000-thang-ve-hon-nhan).

3. Nhiệm vụ quản giáo

Trong gia đình, con cái không thể thiếu bóng dáng và sự hiện diện của người cha được. Bởi như người ta thường nói: “Con không cha như nhà không nóc”. Cha mẹ không chỉ sinh con, nuôi con, mà còn phải dạy dỗ, giáo dục con cái nữa. Và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Việc này thì kéo dài cả đời. Vì mười năm trồng cây, nhưng mất trăm năm trồng người.

Hơn ai hết, người gia trưởng quan tâm và đầu tư công sức cho việc giáo dục con cái. Không thể khoán trắng việc này cho người vợ được. Có thể gọi đây là nhiệm vụ quản giáo của gia trưởng trong gia đình. Trước hết họ kết hợp chặt chẽ với người bạn đời trong việc định hướng mục đích và các phương pháp giáo dục. Kế đến là kiên nhẫn thực hiện việc giáo dục con cái như thế nào cho thật hiệu quả và thích hợp. Sau đó, chính họ thường xuyên quan tâm theo dõi đời sống và các sinh hoạt của con cái để đáp ứng các nhu cầu của chúng, giúp đỡ chúng phát triển mọi mặt và đạt tới sự trưởng thành cần thiết. Một điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là chính bản thân người gia trưởng luôn phải là tấm gương sáng cho con cái về mọi mặt. Làm gương sáng đó chính là một phương thế giáo dục hiệu quả nhất…

Aug. Trần Cao Khải

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]