Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu

Đức cha François Pallu là một trong hai vị Giám quản Tông tòa tiên khởi cùng với Đức cha Lambert de la Motte mà Chúa quan phòng đã gửi đến cho Giáo hội Việt Nam. Mặc dù chưa một lần đặt chân tới mảnh đất được Giáo hội ủy thác, nhưng ngài để lại cho Giáo hội Công giáo Việt Nam một mẫu gương tuyệt vời của tình yêu.

I. Cuộc đời và sứ vụ

Đức cha Franҫois Pallu chào đời tại Giáo xứ Saint-Saturnin, thành phố Tours, nước Pháp vào cuối tháng 8 năm 1626, được rửa tội ngày 31/8/1626. Ngài thuộc về dòng tộc giàu sang, quyền quý và đạo đức. Thân phụ là lãnh chúa vùng Périers. Mẹ là ái nữ của thị trưởng thành Tours. Gia đình có 18 người con, trong đó có bốn người con trai gia nhập dòng tu và ba người con gái là nữ tu.

Từ thời niên thiếu Franҫois Pallu đã có ý hướng gia nhập bậc giáo sĩ, lớn lên theo học thần học tại Paris, và được thụ phong linh mục vào ngày 24/9/1650. Tại Paris, cha Pallu đã gặp được nhà truyền giáo Dòng Tên Alexandre de Rhodes và được một cha Dòng Tên, Jean Bagot (cha đồng hành), giới thiệu như là ứng viên xứng đáng cho chức giám mục và cho sứ vụ truyền giáo ở vùng Viễn Đông.

Ngày 29/7/1658, Đức Thánh Cha ban đoản sắc bổ nhiệm cha Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis. Ngày 17/8/1658, Thánh bộ Truyền bá Đức tin công bố sắc lệnh: bổ nhiệm Đức cha Pallu làm Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài và nhận thêm trách nhiệm cai quản các tỉnh liền kề là Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và nước Lào. Ngày 17/11 cùng năm, ngài được tấn phong giám mục tại Rôma.

Trở lại Paris, vị tân Đại diện Tông tòa bắt tay vào việc tuyển dụng và đào tạo các nhà truyền giáo để cộng tác với các vị Đại diện Tông tòa trong công cuộc truyền giáo và hướng tới việc đào tạo hàng giáo sĩ bản địa. Ngài đã quy tụ được hai mươi giáo sĩ. Ngài huấn luyện cho họ đời sống tâm linh và các phương pháp truyền giáo bình dân theo linh đạo của cha thánh Vincent de Paul.

Mọi sự đã sẵn sàng, ngày 02/01/1662, đoàn rời cảng Marseille để lên đường đến Viễn Đông. Trong chuyến hành trình đầy gian khổ này, đoàn gồm bảy giáo sĩ, hai giáo dân và Đức cha Pallu. Một nửa trong số họ đã ngã bệnh và qua đời. Bản thân Đức cha cũng lâm bệnh. Cuối cùng, ngày 27/01/1664, họ đến Ayuthia, sau hai năm và 25 ngày kể từ khi họ xuống tàu ở Marseille.

Ở Xiêm La chưa đầy một năm, trước những tin tức về cuộc bách đạo tàn khốc ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, cùng với tình hình truyền giáo tại Viễn Đông và công nghị Ayuthia 29/02/1664 (các ngài đã soạn Huấn dụ Monita ad missionarios), hai vị Đại diện Tông tòa cùng với những người cộng sự của mình đã đồng ý cử Đức cha Pallu trở về Roma để trực tiếp báo cáo tình hình cho Tòa Thánh. Ngài trở lại giáo đô, được yết kiến Tân Giáo hoàng Clêmentê IX. Kết quả là một loạt sắc lệnh và tài liệu mang tính bước ngoặt liên quan tới vùng truyền giáo Á Đông ra đời.

Vào ngày 11/4/1670, Đức cha Pallu xuống tàu trở lại Viễn Đông. Ngày 27/5/1673, đoàn đã đến Ayuthia sau hơn ba năm hành trình gian khổ và chết chóc, dưới biển trên bộ, nhưng cũng nhờ đó mà người ta thấy rõ được Đức tin kiên vững, lòng nhiệt thành truyền giáo, đức dũng cảm, lòng trung thành với Rôma và óc tổ chức khôn ngoan của ngài.

Trở lại kinh đô của vua Xiêm La, Đức cha Pallu đã xin được hộ chiếu đi Đàng Ngoài. Vị Đại diện Tông tòa ra khơi vào ngày 21/8/1674. Sau gần hai tháng lênh đênh trên biển, với tất cả nỗ lực bất chấp nguy hiểm, bão tố, thiếu lương thực, thiếu nước uống, nhưng ngài vẫn không thể đặt chân tới Đàng Ngoài. Việc bất đắc dĩ phải dạt vào cảng biển Manila của vị Đại diện Tông tòa bị nghi ngờ là âm mưu gián điệp cho Pháp. Vì Manila không giải quyết được, nên Đức cha Pallu đã quyết định đến Tây Ban Nha để tự biện hộ. Tại Madrid, ngày 16/02/1677, vị Đại diện Tông tòa nhận được phán quyết vô tội và được bồi thường các chi phí do việc cầm giữ và vận chuyển ngài gây ra.

Đến Rô-ma vào ngày 03/6/1677, những đề xuất của Đức cha đã được Tòa Thánh lắng nghe. Đức Giáo Hoàng phê chuẩn các sắc lệnh: ngày 25/11/1679, bổ nhiệm các cha Deydier và De Bourges làm Giám mục và Đại diện Tông tòa của Đàng Ngoài; ngày 01/4/1680, đặt các Đức cha Pallu và Lambert làm các Tổng Giám quản.

Ngày 15/4/1680, Đức Thánh Cha giải nhiệm Đức cha Pallu khỏi chức vụ Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài và đặt ngài làm Đại diện Tông tòa Phúc Kiến cùng với quyền quản trị các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Quý Châu, Vân Nam cũng như các đảo Đài Loan, Hải Nam và các đảo trong Biển Đông.

Đức cha đã rời Rô-ma đến Paris vào ngày 03/6/1680. Sau sáu tháng ở Paris để thu xếp các công việc cần thiết, ngày 29/01/1681, ngài đã từ biệt Paris lần cuối cùng. Trên suốt hành trình, ngài chăm lo cho các thừa sai giữ một chương trình sống cộng đoàn rất đều đặn: suy gẫm, Thánh lễ, học tập và mục vụ cho thủy thủ đoàn. Ngày 04/7/1682 ngài đặt chân đến Ayuthia lần cuối.

Ngày 02/7/1683, Đức cha Pallu từ Xiêm La đi Trung Hoa. Sau hơn một tháng hành trình dọc bờ biển mà không thể nào vào được đại lục, ngài đã đổi hướng đến đảo Đài Loan để chờ cơ hội thuận tiện. Cuối cùng ngài xin được giấy thông hành vào Trung Hoa.

Các thừa sai lên tàu vào ngày 06/01/1684 và đến ngày 14/01/1684, lần đầu tiên, một Giám mục Đại diện Tông tòa đặt chân lên đất Trung Hoa. Mặc dù sức khỏe suy yếu, nhân sự thiếu thốn và chưa có cơ sở vật chất nhưng ngài vẫn miệt mài với các hoạt động tông đồ, với mối bận tâm về vùng truyền giáo Trung Hoa. Trên đường đến Mục Dương thăm cộng sự của mình, vị Giám mục bị kiệt sức. Sau đó cơn sốt xuất hiện và dần tăng lên.

Đức cha François Pallu qua đời vào ngày Chúa nhật 29/10/1684, kết thúc một hành trình sứ vụ tông đồ đúng như ngài đã cam kết ngay trước khi lãnh nhận: “Bậc Giám mục mà tôi thấy mình sắp được nâng lên, là một bậc hoàn thiện, và không tự bằng lòng với những hành động thông thường… Bậc đó không đơn giản xét xem điều gì buộc phải làm…, mà chỉ chuyên tâm đến điều gì là hoàn hảo nhất…[1].

II. Đức mến dành cho Thiên Chúa

Đức cha François Pallu gieo Tin Mừng bằng yêu thương. Tình yêu, đối với Đức cha François Pallu, là trái tim của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Như thế, mảnh đất Đàng Ngoài đã trở thành thửa ruộng đầy triển vọng trong tâm trí và trái tim của người gieo Tin Mừng yêu thương. Trước hết, Đức cha François Pallu loan báo Tin Mừng bằng chứng tá của một tình yêu sâu đậm đối với Thiên Chúa.

Chúng ta hầu như không có những chứng từ về đời sống của Đức cha Pallu từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, những ghi nhận sớm nhất cho chúng ta biết về việc ngài đã vun trồng những nhân đức Ki-tô giáo từ thủa nhỏ[2]. Lòng yêu mến Thiên Chúa trở nên rõ nét hơn và được một nữ tu ghi nhận rằng “ngay từ lúc đó, ngài tỏ ra đạo đức và khao khát sự thiện[3]. Cuộc sống của ngài trước khi trở thành linh mục được miêu tả là tiến bước trên “con đường trọn hảo, vì ngài thực hành việc nguyện ngắm, làm việc sám hối đền tội[4]. Khi chịu chức linh mục, cha François Pallu đã dâng Thánh lễ đầu tiên tại quê nhà vào ngày 04/10/1650. Lòng sốt mến của ngài đã tạo ấn tượng tốt đẹp đồng thời khích lệ những người tham dự. Ngài tĩnh tâm và quyết dấn thân để làm bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn, hoàn toàn để cho Thiên Chúa hướng dẫn[5]. Lối sống của ngài cho thấy ngài luôn quy hướng về Chúa trong mọi quyết định. Ngài không chỉ theo đuổi đời sống đức hạnh và gắn bó với Thiên Chúa một mình, nhưng cùng chia sẻ với những anh em linh mục khác, như phần trình bày về đức tin đã đề cập tới, với những nét tổng quát: “dùng tâm nguyện, nghe sách đạo đức trong bữa ăn, những cuộc trao đổi về đời sống thiêng liêng, sùng kính Đức Trinh Nữ, thánh Giu-se, các Thiên Thần, khổ chế thân xác và giữ kỷ luật nghiêm ngặt[6].

Lòng yêu mến Thiên Chúa nơi Đức cha Pallu được diễn tả trong những phút giây chìm đắm trong việc cầu nguyện. Cũng trong phần nói về đức tin của ngài, chúng ta đã có dịp đề cập tới chi tiết thú vị là “ngài nguyện ngắm hai giờ buổi sáng, bất động như một pho tượng[7], cùng với lời tâm sự của ngài với Đức cha Lambert de la Motte rằng “không gặp khó khăn gì khi dành hai giờ buổi sáng trước nhan Thiên Chúa[8]. Đó là những biểu hiện của một tâm hồn không chỉ yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa, mà “đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,12), một tâm hồn đầy Thiên Chúa. Vì thế, lời nói của ngài được cha Brunel nhận xét: “Khi ngài rời xa các bận rộn vật chất và nói về Thiên Chúa, lời của ngài chân thành và sống động khiến người ta ngưỡng mộ”[9]. Cũng chính mối tương quan yêu mến và gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là yếu tố giúp Đức cha Pallu bình thản trước mọi tai họa như lời nhận xét về ngài khi chiếc tầu Saint-Louis bị bão đánh tan tành: “ta như nhận thấy rõ nét nơi gương mặt ngài một tâm hồn đã đầy Thiên Chúa và đã bị chỉ duy Thiên Chúa chiếm hữu…[10].

Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa gắn liền với ước muốn thực thi thánh ý Ngài đã khiến Đức cha Pallu chấp nhận mạo hiểm, rời xa quê hương, tổ quốc, gia đình để dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho vùng Viễn Đông, như chính lời ngài thổ lộ: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Người, đồng thời dứt bỏ được những mối liên hệ thánh thiện và gần gũi nhất vì lợi ích của Tin Mừng…[11]. Tình yêu ấy cũng được diễn tả một cách cụ thể qua cách sống gắn bó với Giáo hội được ngài nhấn mạnh trong bức thư gửi các anh em đồng nghiệp tại Chủng viện Hội Thừa sai Paris vào ngày 08/4/1682: “Các anh em rất thân mến, chúng ta hãy cố gắng luôn thuộc về Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và qua Giáo hội, hiền thê của Người. Đối với Giáo hội, chúng ta phải luôn tỏ ra một lòng tôn kính rất sâu xa, một tình yêu con thảo và một sự vâng lời trọn vẹn[12]. Những chi tiết đó giúp chúng ta khám phá ra rằng tình yêu Thiên Chúa vừa là nền tảng, vừa chiếm vị trí trung tâm trong cuộc đời Đức cha Pallu, đúng như nhận định của Baudiment: “Chúng tôi không do dự đặt tình yêu Thiên Chúa làm nền tảng cho linh đạo của ngài. Thật vậy, vị Giám mục không nói điều này bằng những lời rõ ràng, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã chiếm ngự toàn bộ ơn gọi và trọn cuộc đời đầy hy sinh của ngài[13].

Linh đạo đặt tình yêu Thiên Chúa ở trung tâm chính là yếu tố xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm chung của Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, được in tại Rô-ma năm 1669, thường được biết tới với tên gọi ngắn gọn Monita ad missionarios[14]. Ngay trong lời mở đầu của bức thư gửi các thừa sai trong ấn bản này, hai vị Giám mục đã xác định: “Chính tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã đem anh em rời bỏ quê hương nhằm chinh phục các linh hồn cho Chúa Ki-tô và đến trợ giúp các tỉnh thành bị bỏ rơi. Cũng chính tình yêu này đòi buộc chúng tôi phải ân cần yêu mến anh em như những người cha, giúp anh em dễ dàng tiến bước để hoàn thành nhiệm vụ tông đồ hầu đem lại phần rỗi cho các linh hồn đã được giao phó[15]. Để vun trồng tình yêu này, hai vị Giám mục căn dặn các thừa sai: “Một chân lý tuyệt đối: Tinh thần cầu nguyện thì cần thiết và hiệu nghiệm chống lại mọi thứ cám dỗ. Chính Chúa Giêsu Kitô đã tuyên bố điều đó cách dứt khoát, khi Ngài nói: ‘Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ’ (Mc 14,38). Nếu đó là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã ban cho chính các Tông đồ, chúng ta lại càng không có lý do để nói rằng người thừa sai truyền giáo lại không cần lương thực hằng ngày là sự cầu nguyện để nuôi dưỡng! Nếu ngài chểnh mảng không tự nuôi sống bằng thứ lương thực đó, ngài sẽ phải bị suy yếu ngay trên đường nhân đức. Nguyện gẫm là nguồn và là đầu của mọi nhân đức[16]   

Tóm lại, những điều được trình bày trên đây cho chúng ta thấy  cuộc đời của Đức cha Pallu luôn tỏa sáng sự hiện diện của Thiên Chúa. Tâm hồn và cuộc đời ngài luôn đầy ắp sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa. Linh đạo của ngài dường như là sự hòa trộn giữa tinh thần khổ chế và lối sống lệ thuộc vào Thiên Chúa[17], luôn đặt Thiên Chúa và tình yêu Ngài ở trung tâm của mọi hoạt động, mọi quyết định, mọi phản ứng, mọi mối tương quan. Viết cho các cha tại Chủng viện Hội Thừa sai vào những ngày sau cùng của cuộc đời, ngày 07/10/1684, ngài nhấn mạnh rằng: “Bao lâu đức ái hiện diện trong công cuộc truyền giáo, tất cả sẽ tốt đẹp. Đó sẽ là nội dung chính yếu của các lời cầu nguyện và các mong ước của tôi khi tôi ở trước nhan Chúa chúng ta, nếu tôi đủ diễm phúc nhận được sự tha thứ cho các tội lỗi của tôi[18].

III. Đức mến dành cho tha nhân

Cuộc đời và sứ vụ của Đức cha François Pallu minh chứng chân lý của giới răn yêu thương: mến Thiên Chúa luôn đi đôi với yêu tha nhân. Tình yêu dành cho người khác là một trong những điểm sáng xuyên suốt cuộc đời Đức cha François Pallu và được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau.

Môi trường giáo dục tinh thần Ki-tô giáo trong gia đình hẳn đã vun trồng nơi François Pallu một tình yêu vượt lên trên tình yêu tự nhiên giữa những người cùng một huyết thống. Viết cho người anh ruột vào năm 1658, trước khi được tấn phong Giám mục, ngài ghi nhận một trong những chân lý nền tảng: “Một Kitô hữu đích thực và hoàn thiện phải chết đi đối với mọi sự. Người đó không được biết ai theo xác thịt nữa. Trái tim và lời nói của người ấy phải hướng về trời[19].  Cũng trong bức thư này, ngài đã thú nhận: “Tôi thú nhận rằng tôi đã phải cố gắng hết sức để lột bỏ những tình cảm mà tính tự nhiên, huyết thống, lợi ích gia đình không ngừng gợi lên cho tôi, đến mức tôi chỉ có thể tự do diễn tả một đánh giá đúng đắn và thực sự về điều tôi phải làm sau một thời gian dài phải chịu đựng những yếu đuối kỳ lạ theo tính tự nhiên[20]. Sự lột bỏ này đã giúp thanh luyện tình yêu tha nhân nơi ngài, giúp ngài dễ dàng yêu mến mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, một cách dễ dàng hơn.

Trước khi trở thành Giám mục, chúng ta có thể ghi nhận một sự kiện cho thấy cha Pallu đặc biệt nhạy cảm đối với những nỗi khốn khổ của con người và tình yêu dành cho những người bất hạnh là một nét nổi bật nơi ngài. Vào năm 1655, trong thời gian gặp phải trở ngại và trì hoãn, cha Pallu trở lại quê hương. Lúc này, tại Tours có tới khoảng 9.000 người ăn xin. Giới chức đạo đời của thành phố đã họp mặt để tìm cách chăm sóc và tìm nơi trú ngụ cho những người này. Việc làm của cha Pallu lúc đó được ghi nhận như sau: “Ngài dấn thân vào những công việc tốt đẹp mà nếu không có ngài, người ta đã không thể đạt được kết quả như ngài đã đạt được, vì ngài đã thi hành bằng cả lối sống tốt lành và thận trọng, nên người ta đã lập được một nhà đón tiếp rộng lớn để đưa những người nghèo vào đó. Người ta cũng đã tiến hành một cuộc lạc quyên trong thành phố mà theo tôi biết chỉ riêng Giáo xứ Saint-Saturnin đã góp được 4.000 livres. Ngài khởi sự một ngôi nhà để kéo những cô gái khốn khổ ra khỏi nỗi bất hạnh mà tội lỗi đã đẩy họ vào chỗ lộn xộn[21].

Đức cha Pallu cũng là con người luôn tỏ lòng nhân hậu, sự quan tâm, yêu mến chân thành đối với những người thấp kém trong xã hội thời đó. Chúng ta có được một chi tiết thú vị về điều này trong chuyến đi sang Viễn Đông lần thứ nhất, từ 1662-1664. Trên chặng đường từ Tauris đến Ispahan, ngài thuê hai người giúp việc. Khi không cần đến sự giúp đỡ của họ nữa, ngài trả tiền cho họ theo thỏa thuận và tận tâm sắp xếp mọi chuyện. Điều này được chính ngài kể lại trong Nhật ký hành trình: “Chúng tôi đưa họ vào công ty của một người Anh để họ tiết kiệm được chi phí chuyến đi… Ngoài 60 écu mà chúng tôi đã thỏa thuận trả cho mỗi người, chúng tôi còn tặng họ hai con ngựa để cám ơn lòng trung thành, tình cảm và cung cách phục vụ của họ. Chúng tôi cầu nguyện với Chúa xin Người dẫn họ về quê bình an, mạnh khỏe và gìn giữ họ trong thánh ân[22].

Lòng yêu mến đối với người khác nơi Đức cha Pallu còn được biểu lộ qua những cách cư xử tế nhị đầy lòng biết ơn đối với cả thân hữu và những người ở vào thế đối lập. Trong hành trình thứ nhất, ngài gặp ông Lãnh sự François Piquet tại Aleppo và được ông đối xử hết sức tốt lành. Ngài viết cho Đức cha Lambert như sau: “Chúng con đến nhà ngài lãnh sự mà Đức cha đã biết tấm lòng và sự quảng đại, không cần con phải kể chi tiết sự chăm sóc đặc biệt ông dành cho chúng con […]. Ngài lãnh sự đã dùng món tiền năm mươi écu của riêng mình làm quà cho chúng con khi chúng con tới[23]. Hai mươi năm sau, khi làm Tổng Giám đốc Công ty Đông Ấn, ông vẫn cư xử hết sức quảng đại: “Chúng tôi đã ở đây gần sáu tháng mà không phải trả đồng nào cho đồ ăn thức uống. Ngài Tổng Giám đốc đã muốn nhận tất cả về phần mình, hay đúng hơn về phần Công ty, cũng như những con tàu mà ông đã trang bị để đưa chúng tôi tới các nơi truyền giáo. Thưa các cha, hẳn các cha biết rằng đó không phải là những dấu hiệu đầu tiên về lòng nhiệt thành của ông[24]. Và Đức cha đề nghị: “Nếu có khi nào ông ấy đến Pháp, tôi xin các cha dùng thư đón trước và báo cho ông biết rằng căn hộ của ông đã được dọn sẵn, và rằng các cha rất vui và rất hân hạnh để ông được sở hữu căn hộ. Nếu cần trả phí tổn, tôi rất sẵn lòng trả hết. Thật vui khi được chứng tỏ với một người bạn rằng mình yêu người ấy một cách chân thật, và mình biết ơn người bạn ấy vì những thiện ích mà mình đã nhận được[25]. Đức cha Pallu cũng cư xử đầy tinh tế và lòng biết ơn đối với những người ở vị thế đối lập, nhưng đã dành cho ngài sự quan tâm, như đối với các cha Dòng Tên, ông thống đốc Manila và thuyền trưởng Antôniô[26].

Hơn thế nữa, phải kể tới lòng bác ái của Đức cha Pallu được biểu lộ qua những công việc chăm sóc đời sống thiêng liêng của những Kitô hữu mà ngài gặp được trên những hành trình của ngài. Trong hành trình thứ nhất sang Viễn Đông, khi phải dừng chân ở Masulipatam để chờ gió mùa đi Tenasserim, dù sau một hành trình rất dài và mệt mỏi, ngài đã sẵn lòng đáp lại lời thỉnh cầu thiết tha của các tu sĩ Capucinô, đến Madras “và trong 15 ngày, ngài ban bí tích thêm sức cho hàng ngàn người công giáo[27]. Sau đó, ngài đến Meliapur và tiếp tục ban phép thêm sức tại đó. Rồi khi trở lại Masulipatam, ngài lại ban phép Thêm Sức cho khoảng 200 người. Lần khác, trong chuyến bị áp giải đi Tây Ban Nha, vào tháng 8 năm1676, khi dừng chân ở La Havana, Baudiment thuật lại cảnh tượng như sau: “Người ta nhìn thấy một cảnh tượng bất thường: các tù nhân đáng thương đi từng nhóm tám người, có lính canh đi kèm, tiến về con tàu nơi cầm giữ người đồng hương của họ trong phẩm cách Giám mục. Vị này đã xin năng quyền từ Giám mục của La Havana, nên ban ơn xá giải và cho họ rước lễ, sau đó lắng nghe và nâng đỡ họ, rồi tiễn những tâm hồn được an ủi đó ra về[28]. Đó là sự chăm sóc mà Đức cha Pallu dành cho khoảng hơn sáu mươi tù binh người Pháp tại đó.

Cũng liên quan đến lòng trắc ẩn trước nhu cầu thiêng liêng của các tín hữu, chúng tôi muốn thuật lại ở đây diễn ra vào thời gian cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Đức cha Pallu. Vào cuối Mùa Chay năm 1684, khi đang ở Chương Châu, Trung Quốc, Đức cha lâm vào tình trạng suy nhược toàn diện. Từ Chương Châu, ngài đi Mục Dương và vẫn chế ngự cơn đau để cố gắng thi hành nhiệm vụ của mình và đọc cho cha Charles Maigrot viết những lá thư gửi đi khắp nơi, đồng thời sắp xếp nhân sự và công việc trong vùng đất được trao cho ngài. Ngài tiếp tục miệt mài đi tới những vùng lân cận để ban bí tích thêm sức và chăm sóc các tín hữu tại đó. Sau đó, ngài đi đến Phúc An. Cuối tháng 9, ngài gọi cha Maigrot đến để giúp ngài viết tám lá thư cuối cùng[29] và còn tiếp tục ra đi chăm sóc mục vụ cho các tín hữu. Khi đã gần như hoàn toàn kiệt quệ, ngày 24/10, ngài quay trở lại Mục Dương, thân xác hao mòn tiều tụy. Từ ngày 25/10, các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều và dữ dội hơn. Ngài qua đời ngày 29/10/1684, như một ngọn nến đã tiêu hao hết mình vì tình yêu Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của anh em đồng loại, vì những lo toan vượt bậc dành cho những nhiệm vụ mục tử được Hội Thánh ủy thác[30].

Vài tuần trước khi qua đời, ngày 07/10/1684, trong bức thư gửi cho các cha tại Chủng viện Hội Thừa sai, Đức cha François Pallu căn dặn rằng: “Bao lâu đức ái còn hiện diện trong Vùng truyền giáo, mọi sự đều sẽ tốt đẹp. Đó sẽ là nội dung chính trong những lời cầu nguyện và ước mong của tôi khi tôi ở trước nhan Chúa…[31]. Những lời này cho thấy mối liên kết các nhân đức đối thần nơi Đức cha Pallu: Lòng tin cậy mến đối với Thiên Chúa được nối kết với tình yêu con người, đặc biệt là những người gần gũi cũng như những ai ngài có dịp gặp gỡ trên bước đường truyền giáo.

IV. Kết

Đức cha Pallu là con người có lòng mến sắt son. Lòng mến ấy mang đầy đủ cả hai chiều kích với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong tương quan với Thiên Chúa, lòng mến của ngài được thể hiện qua việc say mê nguyện ngắm mỗi ngày và nhất là qua việc từ bỏ tất cả để bước theo tiếng gọi của Chúa. Trong tương quan với tha nhân, Đức cha Pallu luôn dành tình yêu nồng nàn cho các Ki-tô hữu là đàn chiên của ngài. Ngài cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho những người bị gạt ra bên lề xã hội. Cách đặc biệt, Đức cha là một con người có tình yêu rộng lớn vượt ra khỏi ranh giới của tình yêu huyết thống để lan tỏa tới tất cả mọi người.

Mặc dù chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng Đức cha Pallu đã để lại những di sản lớn lao cho sứ vụ loan báo Tin Mừng yêu thương của người Công giáo Việt Nam trong giai đoạn khởi đầu đầy gian nan. Mang trong mình thao thức truyền giáo cháy bỏng, Đức cha đã chọn đi đến miền Viễn Đông xa xôi để loan báo Tin Mừng thay vị chọn ở lại kinh đô Paris hoa lệ. Là một người có đức tin được dệt bằng lòng mến nồng nàn, Đức cha đã vượt qua muôn vàn khó khăn để thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với Giáo hội.

Mỗi khi chúng ta nhìn lại lịch sử truyền giáo oai hùng của những bậc tiền bối, không phải chỉ để ca tụng hay lấy đó làm hãnh diện, mà còn để thêm hăng hái, can đảm, hy sinh và bền tâm nối gót các ngài. Bởi vì đối với chúng ta, cái chết của các anh hùng tử đạo nêu cao lòng hiếu thảo, tinh thần đạo đức, chí hy sinh và gương anh dũng. Quả thực, 340 năm trôi qua, Đức cha Pallu vẫn luôn sống trong ký ức chúng ta. Ngài chết mà công nghiệp của ngài vẫn còn đấy. Ngài chết mà sinh lực của ngài vẫn tiềm tàng phong phú làm cho những hạt giống đã được gieo rắc vẫn tiếp tục trổ sinh hoa trái.

Hy vọng những hiểu biết về Đức cha Pallu được trình bày trong bài viết này giúp độc giả yêu mến ngài hơn và cầu nguyện cách tha thiết hơn cho tiến trình phong thánh của ngài được diễn ra cách nhanh chóng và thuận lợi. Để từ biến cố này, Giáo hội Việt Nam có dịp tri ân ngài và cũng là cơ hội để nhắc nhớ những trang sử hào hùng của Giáo hội Công giáo tại mảnh đất Việt thân thương này. Nhưng trên tất cả, việc phong thánh của ngài sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tri ân Chúa, đấng đã không ngừng yêu thương và gìn giữ Giáo hội Việt Nam chúng ta. 

Nhóm François Pallu


[1] BAUDIMENT Louis, François Pallu (1626-1684: Đấng sáng lập chính Hội Thừa sai hải ngoại Paris, dịch giả Cao Kỳ Hương (Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2022), tr. 81.

[2] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 28.

[3] BAUDIMENT Louis (éd.), Un mémoire anonyme, 3.

[4] BAUDIMENT Louis (éd.), Un mémoire anonyme, 6-7.

[5] X. BAUDIMENT Louis (éd.), Un mémoire anonyme, 8-9.

[6] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 40.

[7] BAUDIMENT Louis (éd.), Un mémoire, 10.

[8] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 65.

[9] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 158.

[10] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 128.

[11] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 49.

[12] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 373; x. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 530-531.

[13] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 543.

[14] Khi được soạn thảo, năm 1665, bản văn có tên Intructiones ad munera apostolica obeunda, perutiles missionibus Chinae, Tunchini, Cochinchinae, atque Siami accomodatae a missionariis S. Congregationis de Propaganda Fide, Juthiae Regia Siam congregatis. Năm 1893, Hội Thừa sai Paris cho in bản văn với tên gọi Monita ad Missionarios S. Congregationis de Propaganda Fide, từ đó bản văn này thường được gọi ngắn gọn bằng tên gọi Monita ad Missionarios (Nhắn nhủ các thừa sai).

[15] PALLU, F. et Lambert de la Motte, P., Monita ad missionarios, (Paris 2000), tr. 18.

[16] PALLU, F. et Lambert de la Motte, P., tr. 27-28.

[17] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, tr. 549.

[18] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 398; x. BAUDIMENT Louis, François Pallu, tr. 616.

[19] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 717.

[20] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 717.

[21] BAUDIMENT Louis, (éd.), Un mémoire, 24-25; x. Baudiment, L., François Pallu, 53-54.

[22] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 180.

[23] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 72; x. Baudiment, L., François Pallu, 527.

[24] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 372.

[25] LAUNAY, Adrien (éd.), Lettres, 372.

[26] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 528.

[27] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 206.

[28] BAUDIMENT Louis, François Pallu, 426.

[29] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 607.

[30] X. BAUDIMENT Louis, François Pallu, 618-621.

[31] LAUNAY Adrien (éd.), Lettres, 398; x. Baudiment, L., François Pallu, 616.

Post Views: 454