ĐTC tham dự buổi tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển

Trong buổi tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng và Nạn nhân của Biển, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “những người di cư không phải là những con số. Đó là những tên tuổi, là những khuôn mặt và những câu chuyện, những cuộc đời tan vỡ và những giấc mơ không thực hiện được”; và khẳng định “cứu người di cư là nghĩa vụ của nhân loại, của nền văn minh”.

Vào lúc 17 giờ 45 phút, từ Vương cung thánh đường Notre Dame de la Garde, Đức Thánh Cha đến Đài tưởng niệm các Anh hùng và Nạn nhân của Biển, cách đó 200m để cùng với các lãnh đạo tôn giáo tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển.

Đài tưởng niệm các Anh hùng và Nạn nhân của Biển

Đài tưởng niệm các Anh hùng và Nạn nhân của Biển nằm trong khu vườn của Dinh thự Pharo, thuộc quận 7 của Marseille, đối diện Pháo đài Saint-Jean.

Năm 1913, Paul Peytral, thượng nghị sĩ Bouches-du-Rhône, đã thành lập một ủy ban để xây dựng tượng đài tưởng nhớ các anh hùng và nạn nhân của biển cả. Tuy nhiên, điêu khắc gia được chọn cho nhiệm vụ này là Auguste Carli đã làm mọi người thất vọng .

Năm 1914, một ủy ban thứ hai được thành lập, ủy ban này đã chọn điêu khắc gia André Alexandre Verdilhan cho dự án. Sau khi bị gián đoạn do Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, tượng đài được khánh thành vào ngày 14/7/1923. Tác phẩm bằng đồng khắc họa ba thủy thủ: một người đứng, một tay giơ lên cao và tay kia đỡ một thủy thủ khác, trong khi người thứ ba chết đuối bị dạt vào một tảng đá granit. Từ ngày 23/7/2009 công trình đã là một phần của di tích lịch sử thành phố.

Tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển

Hiện diện tại Đài tưởng niệm có các thành viên của Marseille Espérance, một phái đoàn của Stella Maris-Sao BiểnCaritas GapBriançon, và một số phái đoàn khác hoạt động cho người di cư và tị nạn.

Sau bài hát, buổi tưởng niệm được bắt đầu bằng lời chào của Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám Mục Marseille, dành cho Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y diễn tả: “Tất cả chúng ta đều biết Địa Trung Hải vốn rất đẹp và yên bình, cũng có thể trở thành một nghĩa trang tàn khốc, khi các thủy thủ mất tích trên biển, đó thật là một bi kịch đối với gia đình của họ nhưng cũng là một phần rủi ro nghề nghiệp của họ; nhưng cũng có những người nam nữ và trẻ em, những người không biết gì về hàng hải, chạy trốn khỏi nghèo đói và chiến tranh”. Đức Hồng Y kết luận: “Cùng với ngài, thưa Đức Thánh Cha, giờ đây chúng con quy tụ lại với nhau, nghĩ đến những khuôn mặt của những người phụ nữ, đàn ông và trẻ em, những người hàng ngày và có lẽ ngay cả chính đêm nay, đang vật lộn để sinh tồn và hy vọng tìm được sự giúp đỡ. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã đồng hành và hướng dẫn chúng con”.

Bài suy tư của Đức Thánh Cha

Trong bài suy tư liền sau đó, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn mọi người đã đến tham dự buổi suy tư và tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển.

Người di cư không phải là những con số

Ngài nói: “Trước mặt chúng ta là biển cả, nguồn sống nhưng nơi đây lại gợi lên bi kịch đắm tàu gây chết người. Chúng ta quy tụ để tưởng nhớ những người đã không đến được, những người không được cứu. Chúng ta đừng quen coi những vụ đắm tàu là những câu chuyện thời sự và những cái chết trên biển là những con số: không, đó là những tên tuổi, là những khuôn mặt và những câu chuyện, là những cuộc đời tan vỡ và những giấc mơ không thực hiện được. Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em chết đuối trong sợ hãi, cùng với niềm hy vọng đang mang trong lòng. Trước một thảm kịch như thế, không cần lời nói nhưng cần hành động. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần thể hiện lòng nhân đạo: thinh lặng, nước mắt, lòng trắc ẩn và cầu nguyện. Giờ đây, xin anh chị em dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những anh chị em này của chúng ta: chúng ta hãy để cho lòng mình được đánh động trước những bi kịch của họ”.

Sau khi thinh lặng trong giây lát, Đức Thánh Cha nói tiếp đề cập đến thảm trạng của những di cư: Rất nhiều người phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và thảm họa môi trường, trong khi tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, giữa những ngọn sóng Địa Trung Hải, họ bị từ chối dứt khoát. Và thế là vùng biển xinh đẹp này đã trở thành một nghĩa trang khổng lồ, nhiều anh chị em bị tước đoạt quyền có một ngôi mộ.

Ngã ba của nền văn minh

Ở điểm này Đức Thánh Cha nhắc đến cuốn sách với tựa đề “Fratellino”, nhân vật chính, khi kết thúc cuộc hành trình đầy khó khăn đưa anh từ Cộng hòa Guinea đến châu Âu, đã nói: “Khi ở trên biển, bạn đang ở ngã ba đường. Một bên là sự sống, một bên là cái chết. Không có lựa chọn nào khác”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trước mắt chúng ta cũng có một ngã ba đường: một là tình huynh đệ, mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng nhân loại; và bên kia là sự thờ ơ, làm đẫm máu Địa Trung Hải. Chúng ta đang ở ngã ba của nền văn minh”.

Cứu người là nghĩa vụ của nền văn minh

Trước thực tế này, Đức Thánh Cha nói mạnh mẽ: “Chúng ta không thể cam chịu nhìn con người bị đối xử như những hàng hoá để trao đổi, bị cầm tù và tra tấn một cách tàn bạo; chúng ta không còn có thể chứng kiến những thảm kịch đắm tàu, do nạn buôn người đầy hận thù và sự thờ ơ cuồng tín. Những người có nguy cơ bị chết đuối khi bị bỏ rơi trên sóng phải được cứu. Đó là nghĩa vụ của nhân loại, đó là nghĩa vụ của nền văn minh!”

Abraham là mẫu gương của việc tiếp đón người xa lạ

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng chính khi cứu giúp những người vượt biển chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc lành. Và ở điểm này Abraham là mẫu gương cho chúng ta. Ngài nói: “Thiên Chúa đã chúc phúc cho tổ phụ chúng ta là Abraham. Ông được kêu gọi rời bỏ quê hương: ‘Ông ra đi mà không biết mình đi đâu’ (Dt 11, 8). Là khách và là người hành hương nơi đất khách, ông đã chào đón những lữ khách đi ngang qua lều của ông (St 18): bị lưu lạc khỏi quê hương, vô gia cư, chính Abraham là nhà và quê hương của tất cả mọi người. Và như một phần thưởng cho lòng hiếu khách, ông đã có được dòng dõi con cháu. Vì vậy, cội rễ của ba tôn giáo độc thần Địa Trung Hải là lòng hiếu khách, tình yêu thương đối với những người xa lạ nhân danh Thiên Chúa. Và điều này rất quan trọng, giống như tổ phụ Abraham, chúng ta mơ về một tương lai thịnh vượng. Vì thế, là những người tin, chúng ta phải là gương mẫu trong việc chào đón nhau và trong tình huynh đệ”.

Marseille, một bức tranh hy vọng cho nước Pháp, châu Âu và thế giới

Đề cập đến thực tế của Marseille, Đức Thánh Cha giải thích, ở đây có đặc điểm đa nguyên tôn giáo phong phú, cũng đang phải đối diện trước một ngã ba đường: gặp gỡ hoặc xung đột. Và ngài bày tỏ lòng biết ơn vì tất cả mọi người đang trên đường gặp gỡ: dấn thân liên đới và cụ thể của mọi người đối với việc thăng tiến và hội nhập con người. Ngài nói tiếp: “Thật tuyệt vời khi Marseille-Espérance có mặt ở đây, một tổ chức đối thoại liên tôn nhằm thúc đẩy tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình. Chúng ta nhìn vào những người tiên phong và chứng nhân của cuộc đối thoại, như Jules Isaac, người đã sống gần đây, vừa kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông. Anh chị em là Marseille của tương lai. Hãy tiến về phía trước không nản lòng, để thành phố này có thể trở thành một bức tranh hy vọng cho nước Pháp, châu Âu và thế giới”.

Cùng nhau tạo nên một bức tranh khảm hoà bình

Đức Thánh Cha kết thúc bày tỏ niềm hy vọng trong việc trích dẫn một số lời mà David Sassoli đã nói ở Bari, nhân cuộc gặp gỡ trước đây về Địa Trung Hải: “Tại Baghdad, trong Ngôi nhà Khôn ngoan của Caliph Al Ma’mun, người Do Thái, các Kitô hữu và người Hồi giáo gặp nhau để đọc sách thánh và các triết gia Hy Lạp. Ngày nay, tất cả chúng ta, những người tin và tín đồ, đều cảm thấy cần phải tái xây dựng ngôi nhà đó để tiếp tục cùng nhau chống lại ngẫu tượng, phá bỏ những bức tường, xây những cây cầu, mang lại thực chất cho một chủ nghĩa nhân văn mới. Nhìn sâu vào thời gian của chúng ta và yêu thương nhiều hơn ngay cả khi khó yêu thương, tôi tin rằng đó là hạt giống được gieo trong những ngày này, vốn rất liên hệ đến số phận của chúng ta. Đừng sợ những vấn đề mà Địa Trung Hải mang đến cho chúng ta. […] Đối với Liên minh châu Âu và đối với tất cả chúng ta, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào điều này”.

Và ngài mời gọi tất cả cùng nhau đối diện với những vấn đề, đừng để niềm hy vọng bị đánh chìm, hãy cùng nhau tạo nên một bức tranh hòa bình!

Cầu nguyện cho người di cư

Sau diễn văn của Đức Thánh Cha, buổi tưởng niệm được tiếp tục với bài đọc sách thánh do một người di cư đọc. Tiếp đến là thánh ca và các lời nguyện do các thành viên của các phái đoàn xướng với các ý chỉ cầu nguyện cho những người di cư tìm được những cánh cửa và trái tim rộng mở chào đón họ; cầu nguyện cho những người có trách nhiệm chào đón người di cư, có một tâm hồn khiêm tốn có khả năng lắng nghe những người bị trục xuất để học cách nhận biết và hiểu họ; cầu nguyện cho những người có nhiệm vụ đón tiếp người di cư biết phục vụ không xét đoán, trở thành khí cụ bình an của Chúa.

Đức Thánh Cha dâng lời nguyện: Lạy Chúa, đối với Chúa không có ai là người xa lạ, không có ai ở quá xa đến nỗi Chúa không thể trợ giúp. Trong lòng nhân từ Chúa xin nhìn đến những người tị nạn, lưu vong, những trẻ em bị tách khỏi gia đình. Xin cho họ tìm được một quê hương và xin cho cả chúng con sự nhiệt thành của Chúa dành cho người nghèo và người xa lạ.

Buổi suy tư và tưởng niệm kết thúc, Đức Thánh Cha cùng hai người di cư và các lãnh đạo tôn giáo đến trước tượng đài đặt vòng hoa. Cuối cùng ngài chào thăm các lãnh đạo tôn giáo và lên xe về Toà Tổng Giám Mục cách đó 1km, kết thúc ngày đầu tiên của chuyến tông du tại Marseille.

Nguồn: Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print