ĐTC Phanxicô: Tình bạn với Chúa Giêsu có thể biến đổi tâm hồn chúng ta

Sáng thứ Tư 21/12/2022, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định thiêng liêng với những suy tư về một số yếu tố cụ thể và không thể thiếu để trợ giúp chúng ta thực hành sự phân định. Ngài mô tả cuộc sống của chúng ta với Chúa như một tương quan với một người bạn, điều lớn lên từng ngày. Ngài giải thích rằng tình bạn với Thiên Chúa có thể thay đổi trái tim chúng ta.

Từ khoảng 3 tháng nay, trong các buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha đã giải thích với các tín hữu về sự phân định thiêng liêng, điều cần thiết giúp chúng ta hiểu được ý Chúa muốn cho cuộc sống của chúng ta và giúp chúng ta đưa ra những chọn lựa đúng đắn và tốt đẹp để có cuộc sống hạnh phúc. Sáng thứ Tư 21/12/2022, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định thiêng liêng với những suy tư về một số yếu tố cụ thể và không thể thiếu để trợ giúp chúng ta thực hành sự phân định.

Những trợ giúp này bao gồm, trước hết, là Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Theo Đức Thánh Cha, cầu nguyện thầm lặng với Kinh Thánh giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, nghe được tiếng Người và ý thức được những ước muốn sâu xa nhất trong lòng mình. Bằng cách này, chúng ta lớn lên trong tình yêu và sự gần gũi với Chúa Giêsu, Đấng đảm bảo với chúng ta về tình yêu thương xót của Chúa Cha và qua cái chết của Người trên Thập giá, mặc khải quyền năng Thiên Chúa mang lại sự sống từ cái chết và mang lại điều tốt lành từ sự dữ.

Tiếp đến, theo Đức Thánh Cha, tình bạn với Chúa Giêsu và niềm tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta là một món quà tuyệt vời của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trị trong trái tim chúng ta và soi dẫn sự phân định của chúng ta trong mọi giai đoạn.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng trong lời cầu nguyện hàng ngày của Giáo hội, mỗi giờ cầu nguyện bắt đầu bằng việc cầu xin Chúa đến trợ giúp chúng ta. Tin tưởng vào sự trợ giúp đó, chớ gì chúng ta học cách khôn ngoan phân định những con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha và đáp lại mỗi ngày ơn cứu độ yêu thương của Người.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những ai đã theo dõi những bài giáo lý này cho đến lúc này có thể suy nghĩ: phân định thật là một thực hành phức tạp! Trên thực tế, chính cuộc sống mới phức tạp và nếu chúng ta không học cách đọc nó, chúng ta có nguy cơ lãng phí cuộc sống của mình khi sống với những chiến lược khiến chúng ta chán nản lòng.

Chúng ta luôn thực hiện sự phân định

Trong bài giáo lý đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng mỗi ngày, dù muốn hay không, chúng ta luôn thực hiện các hành động phân định liên quan đến những gì chúng ta ăn, chúng ta đọc, tại nơi làm việc, trong các mối quan hệ của chúng ta. Cuộc sống luôn đưa ra cho chúng ta những lựa chọn, và nếu chúng ta không có những lựa chọn có ý thức thì cuối cùng chính cuộc đời sẽ chọn cho chúng ta, đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn.

Những hỗ trợ cho sự phân định

Tuy nhiên, chúng ta không thực hiện sự phân định một mình. Hôm nay, chúng ta hãy xem xét cụ thể hơn về một số sự hỗ trợ có thể giúp cho việc thực hành phân định này, điều không thể thiếu của đời sống thiêng liêng, trở nên dễ dàng hơn, ngay cả khi chúng ta đã gặp thấy chúng theo một cách nào đó trong loạt bài giáo lý này. Nhưng việc tóm tắt điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều.

Lời Chúa và giáo lý của Giáo hội

Một trong những trợ giúp đầu tiên không thể thiếu là đối chiếu bằng Lời Chúa và giáo lý của Giáo hội. Những điều này giúp chúng ta đọc được những gì đang khuấy động trong lòng mình, học cách nhận ra tiếng nói của Chúa và phân biệt tiếng nói đó với những tiếng nói khác dường như thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng cuối cùng lại khiến chúng ta bối rối. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng tiếng Thiên Chúa vang lên trong sự tĩnh lặng, trong sự chú ý, trong thinh lặng. Chúng ta hãy nhớ lại kinh nghiệm của Ngôn sứ Êlia: Chúa không phán với ông qua cơn gió khiến đá vỡ tan, cũng không qua lửa cháy hay động đất, nhưng nói với ông trong cơn gió nhẹ hiu hiu (x. 1V 19,11-12). Đây là một hình ảnh rất đẹp giúp chúng ta hiểu cách Thiên Chúa nói với chúng ta. Tiếng của Thiên Chúa không áp đặt; nhưng kín đáo, tôn trọng, khiêm nhường, và vì lý do đó, nó mang lại sự an bình. Và chỉ trong bình an, chúng ta mới có thể đi sâu vào lòng mình và nhận ra những ước muốn đích thực mà Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta.

Và nhiều khi không dễ đi vào sự bình an tâm hồn đó, bởi vì chúng ta bận bịu, điều này, điều kia, suốt ngày… Nhưng xin các bạn hãy tĩnh tâm lại một chút, hãy đi vào nội tâm lòng mình. Hãy dừng lại hai phút thôi. Quan sát xem trái tim bạn cảm thấy điều gì. Anh chị em, chúng ta hãy làm điều này, nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì trong giây phút bình tâm đó, ngay lập tức có tiếng Chúa nói với chúng ta: “Nhưng hãy nhìn xem, điều con đang làm thật tốt…”. Nhưng chúng ta hãy để tiếng Chúa đến ngay lập tức trong sự bình tâm, Người chờ đợi chúng ta vì điều này…

Đối với người tín hữu, Lời Chúa không chỉ là một bản văn để đọc. Lời Chúa là sự hiện diện sống động, là công việc của Chúa Thánh Thần Đấng an ủi, hướng dẫn, ban ánh sáng, sức mạnh, sự hồi phục và niềm say mê cho cuộc sống. Đọc Kinh Thánh, đọc một đoạn, một hoặc hai đoạn Kinh Thánh, giống như những bức điện tín nhỏ Thượng Đế gửi đến tâm hồn bạn. Lời Chúa là một chút sự thưởng nếm trước thiên đàng. Một vị thánh và cũng mục tử vĩ đại, thánh Ambrôsiô, Giám mục của Milano, đã hiểu rõ điều này khi viết: “Khi tôi đọc Kinh Thánh, Thiên Chúa trở lại đi dạo trên thiên đường trần gian” (Letters, 49.3). Bằng Kinh Thánh chúng ta mở cửa cho Thiên Chúa đi dạo. Thật tuyệt vời…

Tương quan tình cảm với Chúa Giêsu

Tương quan tình cảm này với Kinh Thánh, với Tin Mừng, dẫn chúng ta đến cảm nghiệm một tương quan tình cảm với Chúa Giêsu. Đừng sợ hãi điều này! Đây là trái tim nói với trái tim. Và đây là một sự trợ giúp không thể thiếu khác, điều không thể xem là đương nhiên. Chúng ta có thể thường có quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa, nghĩ về Người như một quan tòa nghiệt ngã, nghiêm khắc, sẵn sàng bắt lỗi chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu mặc khải về một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn và dịu dàng đối với chúng ta, sẵn sàng hy sinh chính mình để đến với chúng ta, giống như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng (x. Lc 15,11-32).

Đức Thánh Cha chia sẻ: Một lần, có người hỏi – tôi không biết là hỏi mẹ hay bà tôi, họ kể lại với tôi – “Nhưng tôi phải làm gì bây giờ?” – “Nhưng, hãy lắng nghe Chúa, Người sẽ cho bạn biết phải làm gì. Hãy mở lòng với Chúa”: đây là một lời khuyên tốt. Tôi nhớ một lần, trong một cuộc hành hương của những người trẻ, diễn ra mỗi năm một lần tại Đền thánh Đức Mẹ Luján, cách thủ đô Buenos Aires 70 km: phải mất cả ngày để đến đó, tôi có thói quen ngồi giải tội ban đêm. Một chàng trai, khoảng 22 tuổi, đến gần, có nhiều hình xăm … “Chúa ơi – tôi nghĩ – cậu này sẽ thế nào?”, phải không? Và anh ta nói với tôi: “Cha biết đấy, con đến vì con có một vấn đề nghiêm trọng và con đã nói với mẹ con về điều đó và mẹ con nói với con: ‘Hãy đến với Đức Mẹ, hãy hành hương, và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết’. Và con đã đến. Con đã tiếp xúc với Kinh Thánh ở đây, con đã lắng nghe Lời Chúa và Lời Chúa đã chạm đến trái tim con và con phải làm điều này, điều này…”. Lời Chúa chạm đến trái tim bạn và thay đổi cuộc đời bạn. Và tôi đã thấy điều này nhiều lần, rất nhiều lần. Vì Chúa không muốn hủy diệt chúng ta, Chúa muốn chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt hơn mỗi ngày.

Bất cứ ai đứng trước Thánh Giá đều cảm nhận được một sự bình an mới mẻ, học biết không sợ hãi Thiên Chúa bởi vì trên thập giá, Chúa Giêsu không làm ai sợ hãi. Đó là hình ảnh của sự yếu đuối hoàn toàn, đồng thời cũng là hình ảnh của tình yêu trọn vẹn, có khả năng đối mặt với bất kỳ thử thách nào vì chúng ta. Các thánh luôn yêu mến Thánh giá. Trình thuật về cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu là cách chắc chắn nhất để đối mặt với sự dữ mà không bị nó áp đảo. Ở đó không có sự phán xét, thậm chí không có sự cam chịu, bởi vì nó được chiếu rọi bằng ánh sáng mạnh mẽ nhất, ánh sáng của Phục sinh, cho phép chúng ta nhìn thấy trong những hành động khủng khiếp đó một kế hoạch vĩ đại hơn mà không trở ngại, ngăn trở hay thất bại nào có thể cản trở.

Lời Chúa luôn làm cho bạn nhìn vào chiều kích khác: nghĩa là, có thập giá ở đây, nó tàn khốc, nhưng có một điều khác, một niềm hy vọng, một sự phục sinh. Lời Chúa mở mọi cánh cửa cho bạn, vì Người là cửa, Người là Chúa. Chúng ta hãy cầm lấy Phúc âm, hãy cầm lấy Kinh Thánh trong tay: năm phút mỗi ngày, không hơn. Hãy mang theo một cuốn Phúc âm bỏ túi trong túi xách của bạn, và khi bạn đi du lịch, hãy lấy một ít và đọc một đoạn nhỏ trong ngày, để Lời Chúa đến gần với trái tim bạn. Làm điều này và bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào. Gần gũi với Lời Chúa. “Vâng, thưa cha, nhưng con đã quen đọc Hạnh các thánh”: điều này tốt, điều đó tốt, nhưng đừng xa rời Lời Chúa. Hãy mang sách Tin Mừng với bạn, mỗi ngày một phút …

Thật đẹp khi nghĩ về cuộc sống của chúng ta với Chúa như một tương quan bạn hữu, lớn lên từng ngày. Tình bạn với Chúa có thể thay đổi trái tim; nó là một trong những hồng ân cao cả của Chúa Thánh Thần, lòng đạo đức, điều làm cho chúng ta khả năng nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta có một người Cha dịu dàng, trìu mến yêu thương chúng ta, người luôn yêu thương chúng ta. Khi chúng ta trải nghiệm điều này, trái tim chúng ta tan chảy và những nghi ngờ, sợ hãi, cảm giác mình không xứng đáng tan biến. Không có điều gì có thể chống lại tình yêu gặp gỡ Chúa.

Ơn Chúa Thánh Thần

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Và tình yêu này nhắc nhở chúng ta về một sự trợ giúp lớn lao khác, đó là ơn Chúa Thánh Thần, hiện diện trong chúng ta, hướng dẫn chúng ta, làm cho Lời Chúa chúng ta đọc trở nên sống động, gợi mở những điều mới mẻ đầy ý nghĩa, mở ra những cánh cửa dường như đã đóng, chỉ ra những nẻo đường trong cuộc sống nơi dường như chỉ có bóng tối và sự hoang mang. Tôi hỏi anh chị em: anh chị em có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Nhưng Người là ai? Đấng vĩ đại chưa được biết? Chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, Cha của chúng ta, chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta lại quên Chúa Thánh Thần!… Nhiều lần Chúa Thánh Thần ở đó nhưng đối với chúng ta, Người như thể không đáng kể. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho linh hồn anh chị em! Hãy để Người vào. Hãy nói chuyện với Chúa Thánh Thần như bạn thưa chuyện với Chúa Cha, như bạn trò chuyện với Chúa Con: hãy nói chuyện với Chúa Thánh Thần… Chúa Thánh Thần là sự phân định, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, Người là quà tặng, quà tặng lớn nhất mà Chúa Cha bảo đảm cho những ai xin (x. Lc 11,13). Và Chúa Giêsu gọi Người là “Ơn Chúa”: “Hãy ở lại Giêrusalem để chờ đợi hồng ân của Thiên Chúa”, đó là Chúa Thánh Thần. Thật thú vị khi sống trong tình bạn với Chúa Thánh Thần: Ngài thay đổi bạn, Ngài làm cho bạn lớn lên.

Nhận ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời mình

Các Giờ Kinh Phụng Vụ bắt đầu những thời điểm chính của việc cầu nguyện hàng ngày với lời cầu khẩn này: “Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con. Lạy Chúa, xin mau phù trợ”. “Lạy Chúa, xin trợ giúp con!” bởi vì tự chính mình con không thể tiến tới, con không thể yêu, con không thể sống…. Lời kêu gọi cứu rỗi này là lời thỉnh cầu không thể kìm nén, phát xuất từ sâu thẳm con người chúng ta. Mục tiêu của sự phân định là nhận ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi không bao giờ đơn độc và nhắc rằng nếu tôi đang chiến đấu, thì bởi vì điều đó rất quan trọng. Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta. “Thưa Cha, con đã làm điều xấu xa, con phải đi xưng tội, con không thể làm gì được…” Nhưng, con đã làm điều xấu à? Hãy nói với Thần Khí đang ở với bạn và nói với Người: ‘Xin hãy giúp con, con đã làm điều rất tội lỗi này …’. Nhưng đừng bỏ việc trò chuyện với Chúa Thánh Thần. “Thưa cha, con mắc tội trọng” – Không sao cả, hãy thưa chuyện với Người để Người giúp bạn tha thứ cho chính mình. Đừng bao giờ bỏ đối thoại với Chúa Thánh Thần. Và với những sự trợ giúp mà Chúa ban cho chúng ta, chúng ta không cần phải sợ hãi. Hãy tiến lên, hãy can đảm và hân hoan!

Hồng Thủy – Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print