ĐTC gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Nam Sudan

Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và chủng sinh của Nam Sudan noi gương ông Môsê luôn ngoan nguỳ trước sáng kiến của Chúa, gần gũi với Chúa, và luôn là người chuyển cầu cho dân trước Chúa.

Sáng thứ Bảy ngày 04/02, ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nam Sudan, vào lúc 08 giờ 45’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Chính toà thánh Têrêsa, cách đó 2 km để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên.

ĐTC chào một em bé
ĐTC chào một em bé

Nhà thờ Chính toà thánh Têrêsa

Nhà thờ Chính toà thánh Têrêsa, hay Nhà thờ Juba, bắt đầu xây dựng vào năm 1952, nằm trên Đại lộ Thống nhất ở Bahr al Jabal, quận Kotor. Đây cũng là Toà của Tổng Giáo Phận Juba, được thành lập vào ngày 12/12/1974 bởi thánh Giáo hoàng Phaolô VI.

Nhà thờ Chính toà
Nhà thờ Chính toà

Hội đồng Giám mục Sudan

Hội đồng Giám mục Sudan gồm các Giám mục của Sudan và Nam Sudan. Giáo hội ở Sudan có một tổng giáo phận và một giáo phận trực thuộc. Giáo hội Nam Sudan có một tổng giáo phận và sáu giáo phận trực thuộc. Sau khi Nam Sudan độc lập vào năm 2011, để thuận tiện cho hoạt động mục vụ, mỗi quốc gia có một trụ sở giám mục riêng, một ở Juba của Nam Sudan và một ở Khartoum của Sudan. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sudan là Đức cha Yunan Tombe Trille Kuku Andali, Giám mục của El Obeid tại Sudan. Hội đồng Giám mục Sudan là thành viên của Hội đồng Giám mục Đông phi và Liên Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar.

Các Giám mục
Các Giám mục

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Chính toà vào lúc 9 giờ. Tại đây ngài được Đức Tổng Giám Mục và cha sở trao Thánh giá để hôn và nước thánh để rảy. Sau đó tất cả tiến vào Nhà thờ.

Sau bài thánh ca, buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội Đồng Giám mục, tiếp đến là chứng tá của một linh mục và một nữ tu.

ĐTC chào các tín hữu
ĐTC chào các tín hữu

Nước sông Nile, dấu hiệu giải thoát và cứu độ

Trong bài diễn văn liền sau đó,  trước hết Đức Thánh Cha lấy hình ảnh nước sông Nile của đất nước để nói về hành động của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Nước là lòng trắc ẩn của Thiên Chúa làm dịu cơn khát khi chúng ta đang lang thang trong sa mạc, là lòng thương xót thanh tẩy chúng ta khi chúng ta rơi vào vũng lầy tội lỗi, trong bí tích Thánh tẩy, Người đã thánh hoá chúng ta “bằng nước tái sinh và đổi mới trong Thánh Thần” (Tt 3, 5).

Chính từ quan điểm Kinh Thánh mà Đức Thánh Cha muốn nhìn dòng nước của sông Nile theo cái nhìn mới. Một mặt, trong lòng sông này, đổ vào trong đó dòng nước mắt của một dân tộc bị đắm chìm trong đau khổ, tử đạo và bạo lực; một dân tộc cầu khẩn như tác giả thánh vịnh: “Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion” (Tv 137, 1).

Đức Thánh Cha cho rằng, nước của dòng sông vĩ đại này chứa đựng tiếng rên rỉ đau khổ của các cộng đoàn anh chị em, tiếng kêu đau đớn của nhiều cuộc đời bị tan vỡ, thảm kịch của một dân tộc phải chạy trốn, nỗi đau của những phụ nữ và sợ hãi ghi sâu trong mắt trẻ em. Tuy nhiên, đồng thời nước của dòng sông vĩ đại đưa chúng ta trở lại câu chuyện của Môsê, dấu hiệu giải thoát và cứu độ. Thực tế, từ dòng nước đó Môsê đã được cứu, dẫn dân đi vào giữa Biển Đỏ. Dòng nước đã trở thành phương tiện cứu độ, biểu tượng trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng thấy sự đau khổ của con cái, lắng nghe tiếng kêu khóc và đến cứu họ (Xh 3,7).

Từ câu chuyện của Môsê, Đức Thánh Cha dẫn vào thực tế với câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể thi hành thừa tác vụ trong vùng đất này, dọc theo bờ sông đã đẫm máu người vô tội, giữa những khuôn mặt đẫm lệ của những người được giao phó cho chúng ta? Để cố gắng trả lời, tôi dừng lại ở hai thái độ của Môsê: ngoan nguỳ và chuyển cầu”.

ĐTC gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Nam Sudan
ĐTC gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Nam Sudan

Sự ngoan nguỳ của Môsê trước sáng kiến của Chúa

Đức Thánh Cha quảng diễn tiếp: Lúc đầu, ông Môsê tự mình chống bất công và áp bức. Được công chúa của Pharaoh cứu từ sông Nile, ông phát hiện ra danh tính của mình. Xúc động trước đau khổ và sỉ nhục của anh em mình, một ngày Môsê quyết định thi hành công lý một mình qua việc đánh chết một người Ai Cập vì đã ngược đãi một người Do Thái. Tuy nhiên, sau sự kiện này, ông đã phải chạy trốn và ở lại sa mạc trong nhiều năm. Ở đó, ông đã trải qua một sa mạc nội tâm. Ông đã nghĩ đến việc đối phó với bất công một mình và bây giờ, kết quả là ông trở thành kẻ phải chạy trốn, sống trong cô đơn, nếm trải cảm giác thất bại cay đắng. Sai lầm của Môsê là gì? Đó là nghĩ mình là trung tâm, chỉ dựa vào sức mạnh mình. Nhưng như thế, ông vẫn là một tù nhân của những phương pháp tồi tệ nhất của con người, như đáp trả bạo lực bằng bạo lực.

Liên hệ đến thực tế, Đức Thánh Cha nhận định rằng, trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi cũng có thể xảy ra như thế. Trong sâu thẳm chúng ta nghĩ mình là trung tâm, chúng ta có thể tự làm được mọi chuyện, nếu không phải trong lý thuyết thì ít ra trong thực tế. Chúng ta cho rằng với tài khéo của mình, chúng ta có thể tìm câu trả lời cho những đau khổ và những nhu cầu của dân chúng qua các phương tiện của con người, như tiền bạc, trí thông minh, quyền lực. Trái lại, hoạt động của chúng ta đến từ Chúa, Người là Thiên Chúa chúng ta và chúng ta được kêu gọi để trở thành những khí cụ ngoan nguỳ trong tay Người. Môsê đã học được điều này, khi một ngày Chúa chủ động đến gặp ông, hiện ra “trong đám lửa từ giữa bụi cây” (Xh 3, 2).

Khi chúng ta ngoan nguỳ để Chúa uốn nắn, chúng ta sẽ sống thừa tác vụ theo một cách mới. Trước Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải là những người đứng đầu bộ lạc, nhưng là những mục tử đầy lòng trắc ẩn và thương xót; không phải là những ông chủ của dân, nhưng là những người phục vụ, những người được kêu gọi rửa chân cho anh chị em; không phải là một tổ chức thế gian, quản lý của cải dưới đất, nhưng là cộng đoàn con cái Chúa. Rồi chúng ta làm như Môsê đã làm trước Chúa: cởi dép ở chân ra với sự tôn kính và khiêm nhường (Xh 3, 5), cởi bỏ sự tự phụ, để Chúa thu hút và nuôi dưỡng cuộc gặp gỡ với Người trong cầu nguyện; mỗi ngày đến gần với mầu nhiệm Thiên Chúa, để Người đốt cháy bụi gai kiêu ngạo và những tham vọng của chúng ta, và làm cho chúng ta trở thành những người đồng hành khiêm tốn trong hành trình của những người được trao phó cho chúng ta.

Các tín hữu chào đón Đức Thánh Cha
Các tín hữu chào đón Đức Thánh Cha

Chuyển cầu cho dân

Được lửa Thiên Chúa thanh tẩy và soi sáng, Môsê đã trở thành phương tiện cứu độ cho những anh chị em của ông đang đau khổ. Thái độ ngoan nguỳ của ông trước Chúa làm cho ông có khả năng chuyển cầu cho họ. Khía cạnh thứ hai của tính cách Môsê mà tôi muốn nói với anh chị em đó là chuyển cầu. Ông kinh nghiệm về một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, Đấng không dửng dưng trước tiếng kêu của dân nhưng xuống giải cứu họ.

Vào những thời điểm quan trọng và khó khăn nhất, ông Môsê lên núi để cầu thay cho dân, nghĩa là đứng vào vị trí của dân để đưa họ đến gần Chúa, rồi đi xuống. Cầu thay không có nghĩa đơn giản là “cầu nguyện cho ai đó”. Theo nguyên ngữ, có nghĩa là “bước vào giữa”, sẵn sàng bước vào giữa một hoàn cảnh. Như vậy, chuyển cầu là đi xuống và đặt mình ở giữa dân mình, đóng vai trò như cầu nối họ với Thiên Chúa.

Các mục tử được yêu cầu trau dồi nghệ thuật “bước vào giữa” này. Đó là bước vào giữa những đau khổ và nước mắt của dân, vào giữa sự đói khát Thiên Chúa và khát khao tình thương của anh chị em. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta không phải là trở thành một Giáo hội được tổ chức hoàn hảo, nhưng là một Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô, đứng vững giữa cuộc sống đầy khó khăn của dân chúng, một Giáo hội vì con người sẵn sàng để cho tôi xắn tay áo và chịu bẩn tay.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ, khi thi hành thừa tác vụ, các linh mục và tu sĩ không chạy theo uy tín tôn giáo và xã hội, nhưng bước đi giữa và bên cạnh dân, học cách lắng nghe và đối thoại, hợp tác giữa chúng ta với nhau, những thừa tác viên và với giáo dân. Tôi muốn nhắc lại điều quan trọng này: cùng nhau. Các giám mục và linh mục, linh mục và phó tế, mục tử và chủng sinh, các thừa tác viên chức thánh và tu sĩ – luôn nuôi dưỡng sự tôn trọng đối với nét đặc thù kỳ diệu của đời sống tu trì. Giữa chúng ta, hãy cố gắng vượt thắng cám dỗ lo cho cá nhân, lợi ích nhóm. Là điều đáng buồn khi các mục tử không có khả năng hiệp thông, khi không hợp tác và thậm chí dửng dưng với nhau! Chúng ta hãy vun đắp sự tôn trọng lẫn nhau, gần gũi và hợp tác cụ thể. Nếu chính chúng ta không làm được điều này, làm sao chúng ta có thể rao giảng cho người khác?

Đức Thánh Cha chào một tín hữu
Đức Thánh Cha chào một tín hữu

Ông Môsê cầu nguyện cho dân với cây gậy trong tay: Lời ngôn sứ

Đức Thánh Cha chỉ ra nghệ thuật cầu thay của Môsê: Với đôi tay, ông cầu nguyện. Kinh Thánh cho thấy ba hình ảnh: Môsê tay cầm gậy, Môsê dang tay, Môsê giơ tay lên trời.

Hình ảnh đầu tiên, Môsê với cây gậy trong tay, cho chúng ta biết rằng ông can thiệp bằng lời ngôn sứ. Với cây gậy, ông làm nên những điều kỳ diệu, những dấu hiệu về sự hiện diện và quyền năng Chúa; nhân danh Chúa ông lên tiếng, mạnh mẽ tố cáo sự áp bức mà dân đang phải chịu đựng, và yêu cầu Pharaô phải để họ ra đi.

Linh mục và tu sĩ cũng được mời gọi chuyển cầu cho dân, lên tiếng chống lại bất công và lạm quyền áp bức và sử dụng bạo lực để đạt được mục đích riêng giữa đám mây xung đột. Nếu chúng ta muốn là những mục tử chuyển cầu, chúng ta không thể giữ thái độ trung lập trước những nỗi đau do những hành vi bất công và bạo lực gây ra. Bởi vì ở đâu có một người nam hay người nữ bị xúc phạm các quyền cơ bản là xúc phạm đến Chúa Kitô.

ĐTC chào thăm các tín hữu
ĐTC chào thăm các tín hữu

Ông Môsê cầu nguyện cho dân với đôi tay dang rộng

Hình ảnh thứ hai là Môsê với đôi tay dang rộng. Kinh Thánh cho chúng ta biết ông “đã giơ tay trên mặt biển” (Xh 14,21). Đôi bàn tay mở rộng của ông là dấu hiệu cho thấy Chúa sắp thể hiện uy lực. Sau đó, ông Môsê cầm bia Chứng Ước trong tay (Xh 34,29) và cho dân chúng thấy; bàn tay giơ cao của ông chứng tỏ sự gần gũi của Thiên ChúaĐấng luôn hoạt động đồng hành với dân Người. Tự nó, lời ngôn sứ không đủ để giải thoát khỏi sự dữ: cần phải giang rộng vòng tay với anh chị em, để nâng đỡ họ trên hành trình. Chúng ta có thể hình dung Môsê chỉ đường và nắm tay mọi người để khuyến khích họ kiên trì bước đi. Trong bốn mươi năm, ở tuổi già, ông vẫn ở bên cạnh họ: đó là ý nghĩa của sự gần gũi. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng: ông thường phải nâng đỡ tinh thần của những người đang chán nản và mệt mỏi, đói và khát, hay lầm bầm và thờ ơ. Và khi thực hiện nhiệm vụ này, Môsê cũng phải đấu tranh với chính mình, vì nhiều lúc, ông cũng trải qua những giây phút tăm tối và u sầu, như khi ông thưa với Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? […] Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (Ds 11,11.14). Tuy nhiên, Môsê đã không lùi bước: luôn ở gần Thiên Chúa và không quay lưng lại với dân.

Đức Thánh Cha nói: “Đây cũng là nhiệm vụ của chúng ta: dang tay ra, thức tỉnh anh chị em chúng ta, nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Người, thúc giục họ tiến bước. Bàn tay chúng ta được “xức dầu bằng Thần Khí” không chỉ để thực hiện các nghi thức thánh, nhưng còn để khuyến khích, giúp đỡ và đồng hành với mọi người để giúp họ thoát ra khỏi những gì làm họ tê liệt, khép kín, làm họ sợ hãi.”.

ĐTC chào thăm các tín hữu
ĐTC chào thăm các tín hữu

Ông Môsê cầu nguyện cho dân hai tay giơ lên trời

Hình ảnh thứ ba: Môsê với hai tay giơ lên trời. Khi dân phạm tội, làm một con bò con bằng vàng, Môsê lại đi lên núi. Ông cầu nguyện, đó thực sự là một cuộc đấu tranh với Chúa, cầu xin Người không bỏ rơi Israel. Ông đi xa đến mức nói: “Dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32, 31-32). Môsê đứng với dân chúng cho đến phút cuối, giơ tay thay mặt họ. Ông không nghĩ đến việc tự cứu mình; ông không bán dân vì lợi ích của mình! Ông can thiệp, đấu tranh với Chúa; ông vẫn giơ tay cầu nguyện trong khi các anh em của ông chiến đấu trong thung lũng bên dưới (Xh 17, 8-16). Mang những cuộc đấu tranh của người dân đến trước mặt Chúa trong lời cầu nguyện, nhận sự tha thứ cho họ, thực hiện sự hòa giải như những kênh của lòng thương xót Chúa: đây là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là những người chuyển cầu.

Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên vì những gì “anh chị em làm giữa rất nhiều thử thách và đau khổ. Thay mặt cho toàn thể Giáo hội, cám ơn anh chị em về sự cống hiến, cam đảm, sự hy sinh và sự kiên nhẫn. Anh chị em thân mến, tôi ước mong anh chị em luôn là những mục tử và chứng nhân quảng đại, được trang bị chỉ bằng lời cầu nguyện và bác ái; anh chị em hãy để cho mình không ngừng ngạc nhiên trước ân sủng Chúa; và trở thành một phương tiện cứu rỗi cho những người khác, những ngôn sứ của sự gần gũi đồng hành với mọi người, những người chuyển cầu với những cánh tay giơ cao.”

Buổi gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

Ngọc Yến – Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print