Dọn đường cho Chúa – Chúa nhật II mùa Vọng – Năm B

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM B

Nhân vật Gio-an Tẩy giả xuất hiện mỗi khi mùa Vọng về. Đọc Phúc âm, chúng ta như sống lại bầu không khí sôi động thời ấy, khi từng đoàn người đông đảo xếp hàng dài chờ được ông Gio-an làm phép Rửa. Tác giả Mác-cô ghi rõ: “Cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuốn đến với người, thú tội và chịu phép Rửa trong sông Gio-đan”. Qua đó, ta thấy số người đến với Gio-an rất đông. Những người này cảm nhận rõ ràng ngày của Chúa sắp tới, và họ ăn năn sám hối để được ơn tha tội.

Lời mời gọi “dọn đường cho Chúa” của thánh Gio-an Tẩy giả vẫn luôn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay. Chúa đang đến trong cuộc đời, chúng ta cần mở rộng tâm hồn đón Ngài. Nếu hôm nay chúng ta không còn phải lĩnh phép Rửa sám hối như thời ông Gio-an, thì chúng ta lại có những phương thức khác để diễn tả lòng sám hối của mình, đó là cầu nguyện, làm việc bác ái và nhất là lãnh nhận bí tích Giao hòa.

Dọn đường cho Chúa một cách cụ thể là canh tân đổi mới cuộc đời. Cầu nguyện, việc bác ái và lãnh nhận bí tích Hòa giải chỉ có ý nghĩa, khi chúng ta thực sự canh tân đổi mới đời sống. Nói cách khác, thiện chí canh tân đời sống sẽ giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng hơn; làm việc bác ái mang sẽ tính siêu nhiên hơn và lãnh nhận bí tích Hòa giải sẽ mang lại hiệu quả thiêng liêng hơn.

Thánh Gio-an Tẩy giả xuất hiện, như một nhân vật đã được ngôn sứ I-sai-a loan báo trước đó sáu thế kỷ: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa! Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng”. Gio-an cũng khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Nhưng tiếng kêu ấy kỳ diệu đến nỗi những người đương thời đang sống trong thành phố phải bỏ đô thị mà chen chúc đến với ông.

Tại sao người Ki-tô hữu phải dọn đường cho Chúa đến? Bởi lẽ cuộc sống xung quanh chúng ta đầy những cạm bẫy, và trong chính con người của chúng ta luôn tồn tại những chướng ngại ngăn cản Chúa đến với chúng ta, hoặc ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Đó là ích kỷ và bạo lực, tranh chấp và hận thù, lười biếng và đam mê. Những chướng ngại này cũng ngăn cản chúng ta đến với anh chị em mình. Chỉ khi nào dẹp bỏ được những chướng ngại đó, chúng ta mới được Chúa viếng thăm và cư ngụ trong tâm hồn chúng ta.

Nhiều người đặt câu hỏi: tại sao mỗi mùa Vọng, Giáo Hội đều loan báo Chúa sắp đến mà hai ngàn năm đã qua không thấy Ngài đến? Thưa, Chúa đến rồi, nhưng có người đón Chúa, có người dửng dưng, thậm chí còn chống lại Chúa. Có những người được gặp Chúa, nhưng cũng có những người không bao giờ gặp được Ngài, vì những lý do đã nói ở trên đây. Dù có người tin nhận hay không, Thiên Chúa không vội vã. Thánh Phê-rô nói với chúng ta: “Một ngày đối với Thiên Chúa như ngàn năm và ngàn năm như một ngày”. Quả vậy, Thiên Chúa không bị chi phối bởi thời gian và không gian như chúng ta, vì Ngài là Đấng quyền năng và là Chủ lịch sử. Thời gian không có ý nghĩa chi đối với Ngài. Nếu thời gian không có ý nghĩa đối với Thiên Chúa, thì lại rất có ý nghĩa đối với chúng ta, vì chúng ta đang sống trong thời gian, và mỗi người chỉ có một quỹ thời gian nhất định. Vì vậy, mà chúng ta phải đón Chúa và cần gặp Ngài, để cuộc đời chúng ta nên trọn hảo, và nhờ đó chúng ta được hạnh phúc và bình an. Nếu thời gian là vô nghĩa đối với Chúa, thì ngày Ngài đến lại đột xuất như kẻ trộm, nên chúng ta phải tỉnh thức, vì không biết ngày nào, giờ nào. Ngày Chúa đến gặp riêng chúng ta, chính là lúc chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế. Vì thế mà lời mời gọi sám hối luôn vang lên trong cuộc đời chúng ta.

Việc Chúa đến gặp chúng ta trong lúc lâm chung (tức là vào giây phút cuối cùng của đời người) được trình bày không phải như một tai hoạ hay đen tối buồn sầu. Trái lại, đó sẽ là ngày niềm vui được đong đầy. Ngôn sứ I-sai-a viết tiếp: “Cất tiếng lên, đừng sợ!… Kìa Thiên Chúa các ngươi đã đến. Như mục tử, Chúa chăn giữ đàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Đó là hình ảnh tuyệt vời diễn tả tình yêu thương chăm sóc của Chúa đối với người thiện tâm.

Xã hội hôm nay đang có nguy cơ “hoang mạc hoá”, tức là tình người cằn cỗi khô khan, bạo lực tràn lan khắp chốn. Ước chi mỗi Ki-tô hữu, vừa dọn đường đón Chúa đến với mình, vừa là một tiếng kêu trong “sa mạc cuộc đời” để giới thiệu Đấng Cứu thế và tình thương của Người cho anh chị em. Như thế, sự hiểu biết Chúa sẽ tràn đầy như nước đại dương và con người sẽ chung sống với nhau an bình, hạnh phúc.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org