Đôi dòng cảm nghiệm về hồng ân Phó tế

Thánh lễ truyền chức Phó tế cho 15 Chủng sinh thuộc khóa XVIII của Đại Chủng Viện Thánh Giuse vừa khép lại, nhưng đã mở ra một chặng đường mới cho các tân chức Phó tế, là những người đã quyết một lòng bước theo Thầy Chí Thánh để chăm sóc đoàn chiên Chúa trao phó. Giây phút được trao ban chức thánh vừa là giây phút thiêng liêng để cảm nếm hồng ân của đời thánh hiến, vừa là thời khắc để các tiến chức nhận ra sứ vụ với nhiều thách thức và khó khăn trên hành trình mới.

Thánh lễ truyền chức Phó tế cho 15 Chủng sinh thuộc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội

Từ xa xưa, Giáo hội luôn nhìn nhận vai trò của thánh chức Phó tế với sự chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Bởi thế, Công đồng Vatican II đã tuyên bố trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh rằng: “Được củng cố nhờ ân sủng Bí tích, hiệp thông với Giám mục và Linh mục đoàn, các Phó tế phục vụ dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy và bác ái.” (số 29)

Trong tự sắc Ad Pascendum của Đức Phaolô VI (15/8/1972) đã định nghĩa về Phó tế là “linh hoạt viên hay người cổ động cho việc phục vụ, tức là việc phục vụ trong Giáo Hội, trong những cộng đoàn Kitô hữu địa phương; là dấu chỉ hay bí tích của chính Chúa Kitô, Đấng không đến để phục vụ nhưng là để phục vụ”. Như thế, Phó tế trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô phục vụ Hội Thánh và toàn thể dân Chúa.

Nhờ việc truyền chức, các Phó tế được hiệp thông và chia sẻ sứ vụ của Giám mục, Linh mục và trên hết là của Chúa Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành. Vì thế, lãnh nhận tác vụ Phó tế là một hồng ân cao quý mà không phải ai cũng được nhận. Trong hàng giáo sĩ, phó tế được xếp thứ ba, sau Giám mục và Linh mục. Đây là một quà tặng vô giá mà qua Giáo Hội, Thiên Chúa đã thông ban cho người lãnh nhận. Nhờ việc truyền chức, họ được dự vào việc phục vụ của Chúa Kitô để mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Ta có thể thấy được điều đó qua mẫu gương Phó tế Stephano (vị tử tạo đầu tiên), Phó tế Philiphe (Cv 8, 4-8), hay Phó tế Laurenso… Các ngài đã trở thành dấu chỉ của Đức Kitô, Đấng “đến không phải để được phục vụ, nhưng là để hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Như thế, đời sống của Phó tế không thể nào đi ra ngoài quỹ đạo của Chúa Giêsu. Nơi Ngài, việc cầu nguyện luôn bao trùm cả đời sống. Ngài không bao giờ bỏ cầu nguyện. Ngài cầu nguyện lúc sáng sớm, ở nơi thanh vắng và trong không gian tĩnh lặng. Nhờ đó, Ngài kín múc được sức mạnh, lắng nghe và thực thi ý muốn của Chúa Cha. Đức Giêsu đã gặp gỡ và sống tâm tình con thảo Thiên Chúa là Cha để giãi bày tất cả nỗi lòng của Ngài (Ga 17, 1-26).

Cũng vậy, Phó tế không thể bỏ qua việc cầu nguyện trong sứ mạng của mình bằng bất kỳ lý do nào. Không cầu nguyện, Phó tế sẽ mất định hướng. Không cầu nguyện, Phó tế sẽ chẳng nghe được tiếng Chúa mà thay vào đó chỉ còn tiếng của thế gian. Không cầu nguyện, Phó tế sẽ mất đi nguồn nhựa sống và sẽ trở nên khô héo, èo uột và không sinh được hoa trái. Vì thế, cầu nguyện phải là ưu tiên số 1 trong đời sống Phó tế.

Khi lãnh nhận tác vụ Phó tế cũng đồng nghĩa với việc nhận lấy “ách” của Chúa. Cái “ách” êm ái nhẹ nhàng bởi sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Từ đó, vị Phó tế mới có thể thi hành sứ vụ của mình cách hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng, lo việc thờ phượng và phục vụ đoàn chiên Chúa. Mang lấy “ách” của Chúa, nghĩa là Phó tế phải mang lấy trách nhiệm gánh vác sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu.

Đối với Giám mục và Linh mục, trọng trách của các ngài nặng nề hơn, được thể hiện qua việc đeo dây các phép (dây Stola). Các ngài phải đeo vào cổ và trên hai vai, còn Phó tế chỉ đeo vào cổ và trên vai trái. Mặc dù vậy, tất cả đều được mời gọi gánh vác sứ mạng cao cả của Chúa Giêsu là đưa mọi người đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Qua việc giảng dạy, Phó tế phải làm sao để Lời Chúa được trổ sinh hoa trái nơi tha nhân, phải có “chiến lược” cho những mảnh đất tâm hồn và không thể dửng dưng trước mọi khó khăn của các linh hồn. Bằng việc thờ phượng, Phó tế sẽ hướng dẫn và dẫn đưa giáo dân đến gặp gỡ Chúa. Điều đó không chỉ dừng lại nơi các cử hành phụng vụ, nhưng còn giúp thăng tiến đời sống đức tin trong bối cảnh sống của họ, nhất là giúp họ hiểu được giá trị cứu độ của Thánh lễ.

Qua việc phục vụ, Phó tế cần có sự quan tâm và chăm sóc các linh hồn hầu giúp họ nhận ra tình yêu lớn lao của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi trong tình yêu, tha thứ và chữa lành các con chiên. Ngài không muốn một con chiên nào phải hư mất hoặc bị lạc đàn. Do đó, bằng hoạt động bác ái, vị Phó tế cần sống tinh thần của Tin Mừng để xây dựng sự hiệp nhất, quy tụ và lan tỏa tình mến trong môi trường sống của mình.

Có thể nói, lãnh nhận tác vụ Phó tế là một hồng ân cao quý nhưng cũng đồng thời lãnh nhận trách nhiệm gánh vác một sứ mạng cao cả. Chắc chắn, người lãnh nhận luôn ý thức về sự bất xứng, mức giới hạn và sự yếu đuối của bản thân. Vì thế, vị Phó tế rất cần đến ơn Chúa, lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của mọi người. Nhờ đó, các vị mới có thể vững vàng, sẵn sàng từ bỏ và can đảm dấn thân trong sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội trao phó.

Jn.D

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]