ĐHY Parolin: ĐTC mang đến Iraq niềm hy vọng về đối thoại và về việc tái thiết lập

Iraq chuẩn bị đón chào Đấng Kế Vị thánh Phêrô. “Đức Thánh Cha muốn gửi đi thông điệp hướng tới tương lai” Pietro Parolin – Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhấn mạnh.

Iraq chờ đón ĐTC Phanxicô không chỉ là người tiếp tục con đường mang lại niềm an ủi cho một dân tộc đã phải chịu đựng do những cuộc bách hại, chiến tranh và bạo lực ngông cuồng gây ra bởi ISIS (Nhóm khủng bố Hồi Giáo) trong những năm gần đây, nhưng còn là để tiếp tục xây dựng một con đường hữu nghị và một chiếc cầu vĩ đại cho việc đối thoại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Đức Giáo hoàng sẽ viếng thăm Iraq. Đất nước này là nơi đã sinh ra Abraham và cũng là nơi cư trú của một trong những cộng đoàn Kitô hữu lâu đời. Tại đây vẫn còn thấy rõ nét những vết thương vì chiến tranh và phải đối mặt với những nỗi đau lòng do cảnh nghèo nàn, bởi khủng bố và giờ là bởi nạn dịch Covid-19. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến tông du này và ngài nêu nõ tính cấp bách về sự hợp tác để tái xây dựng nước Iraq và để chữa lành tất cả “những vết thương, để bắt đầu lại một giai đoạn mới”:

Pv: Thưa Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha sắp có chuyến thăm Iraq. Ngài sẽ mang điều gì đến đất nước này, một đất nước vẫn còn chiến tranh, còn khủng bố, và còn đối diện với đại dịch Covid?

Trả lời: Đức Thánh Cha khởi động lại những chuyến tông du của mình sau chuỗi ngày bắt buộc phải hủy khá dài do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây ra bởi đại dịch Covid-19. Người khởi động lại với ước muốn hướng sự chú ý tới một Đất Nước chịu đau khổ đặc biệt, một Đất Nước mang trong mình những nỗi đau của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực và của những cơn đụng độ. Vì vậy, Đức Thánh Cha muốn thể hiện một sự chú ý đặc biệt, một sự gần gũi đặc thù đối với Nước Iraq. Chuyến tông du này có cùng mục tiêu và cùng một ý nghĩa riêng là để thể hiện sự gần gũi thân tình của Đức Thánh Cha đối với Iraq và người dân Iraq; qua đó ngài gửi đi một thông điệp quan trọng: rằng chúng ta phải cộng tác với nhau, chúng ta phải cùng nhau tái tạo Đất Nước này, để chữa lành hết thảy những vết thương và để bắt đầu một thời kỳ mới.

Pv: Thưa ĐHY, ba năm trước, trong cuộc viếng thăm Iraq, ngài đã phát biểu rằng: “Những người Kitô hữu và người Hồi Giáo được mời gọi để làm sáng tỏ những sự tối tăm của nỗi sợ hãi và sự vô nghĩa”. Xin hỏi những từ này có ý nghĩa gì trước ngưỡng cửa cuộc tông du của Đức Thánh Cha?

ĐHY Parolin: Tôi tin rằng những lời này chứa đựng đầy đủ tính thực tế của chúng. Tôi nhớ đã phát biểu những lời ấy trong bối cảnh cũng vui mừng vì đó là đêm Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa Caldea của Baghdad, chật ních người, đầy tiếng hát và tràn ngập ánh sáng, mặc dù, thời tiết tối tăm đang dày đặc ở bên ngoài. Tôi tin rằng chúng phản ánh đúng tính chân thật. Trước hết, những lời đó phù hợp với điều được gọi là khẩu hiệu chuyến tông du của Đức Thánh Cha là: “Tất cả các con đều là anh chị em với nhau”. Ngày nay, tình anh em này sinh ra từ thực tế vì họ là những người con cùng một cha. Mối tương quan này cũng liên hệ tới Abraham, chính tại Iraq mà ngài đã được sinh ra. Từ đây, khởi đi cuộc lữ hành của Abraham sau lời mời gọi của Chúa: Abraham là người mà cả người Kitô hữu và người Hồi Giáo đều lấy làm điểm quy chiếu. Sau đó, người ta cũng phải chuyển hóa thành một bổn phận chung. Đó, chính vì thế mà tôi đã nói rằng họ được mời gọi cùng nhau trở nên ánh sáng giữa đêm tối và xua tan sự tối tăm, rất nhiều sự tăm tối mà chúng đã từng xảy ra 02 năm qua, và nếu đã từng có một sự nỗ lực nào đó để vượt lên, thì phần lớn mảng tối chúng vẫn còn đó.

Pv: Đây chắc sẽ là một chuyến viếng thăm 4 ngày rất căng thẳng. Đức Thánh Cha sẽ dang rộng vòng tay ôm lấy giáo hội địa phương và sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ liên tôn ở Ur – thành phố của Abraham, người sẽ thăm những địa điểm bị bách hại, tử đạo và được xây dựng trở lại. Vậy, trọng tâm của chuyến tông du này là gì?

ĐHY Parolin: Trọng tâm của chuyến tông du này chính là ở chỗ Đức Thánh Cha muốn loan đi một thông điệp hướng tới tương lai: thông điệp này là trọng tâm. Có những tình cảnh và thực tại phải trải qua một sự đau khổ nào đó, ngoài những nơi đã từng bị bách hại, tử đạo. Chính Giáo Hội đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, đối thoại liên tôn cần được thúc đẩy. Thế nhưng, những nỗi khó khăn ấy vẫn có thể vượt qua được nếu có thiện chí và có sự dấn thân từ phía mọi người, cùng nhau cộng tác để xây dựng lại. Tôi tin rằng thông điệp này, trọng tâm này sẽ là: đừng để chúng ta bị phong tỏa bởi tất cả những thứ đã xảy ra, cho dù quá khứ đã từng tiêu cực và rất tiêu cực đi nữa, thì chúng ta vẫn hướng về phía trước với hy vọng và với lòng can đảm để tái tạo tương lai của Iraq.

Pv: Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ với Đại giáo trưởng Al-sistani là gì? Phải chăng đây là một trụ cột cho nhịp cầu của tình anh em?

ĐHY Parolin: Vâng, tôi tin chắc chắn là như vậy, ngay cả khi nhìn nhận việc Đại giáo trưởng Al-sistani là một trong những nhân vật có tính biểu tượng rất cao, có ý nghĩa rất lớn trong giới phái Si-ít; và thừa nhận rằng ngài Al-sistani luôn lên tiếng ủng hộ sự chung sống hòa bình tại Iraq và ngài đã từng nói rằng tất cả các nhóm sắc tộc, tôn giáo đều là thành phần của Đất Nước này. Điều này rất quan trọng vì đi kèm theo ý nghĩa và trong định hướng cụ thể của việc thiết lập tình huynh đệ này giữa Kitô hữu và người Hồi giáo vốn làm nên đặc điểm Đất Nước này. Vì vậy, thực sự là một thời điểm quan trọng và tôi tin rằng chắc chắn sẽ là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Iraq.

Pv: Trong những năm gần đây, vì bạo lực, hơn một triệu Kitô hữu đã phải rời khỏi Iraq. Về việc này, có phải chuyến tông du này của Đức Thánh Cha cũng đem lại niềm hy vọng về một sự thay đổi?

ĐHY Parolin: Chắc chắn Giáo hội – những người kitô hữu, những người công giáo – tại Iraq, họ đang mong chờ với ước nguyện lớn nơi Đức Thánh Cha. Và chắc chắn họ cần được khích lệ sống đúng ơn gọi người ki-tô hữu trong Nước với thực tại khó khăn này như là người Iraq, tôi muốn nói rằng chúng tương tự như là ơn gọi trong ơn gọi kitô giáo, ơn gọi này của người kitô hữu ở Trung Đông, ơn gọi sống trong thực tại của họ, trong môi trường, trong Đất Nước của họ. Và vì thế, chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ đưa ra một sự khuyến khích đối với Giáo hội này là: can đảm lên, và mời gọi họ hãy ở lại ngay tại chỗ để làm chứng về sự hiện hữu của mình. Chúng ta đã nhiều lần nói rằng nếu không có những người kitô hữu thì Trung Đông có lẽ sẽ không còn như vậy nữa.

Pv: Chính phủ Iraq đã ca ngợi chuyến tông du này như là “một thông điệp của hòa bình”. Làm sao xây dựng được sự ổn định, sự đối thoại, sự chung sống sau nhiều năm tàn phá và bạo lực?

ĐHY Parolin: Đây là một thách đố lớn, một thách đố  lớn lao mà mà tất nhiên là chính phủ, và tất cả xã hội, phải cố gắng đưa ra câu giải đáp. Chúng ta trở lại với những gì chúng ta đã nêu ra, tức là hướng đến sự thống nhất. Cần phải cùng nhau làm việc và cộng tác với nhau. Cùng nhau làm việc để cộng tác, để xây dựng sự thống nhất này, chắc chắn là cần sự tha thứ và hòa giải. Cần vượt qua quá khứ, hướng về phía trước theo ý nghĩa mới và tích cực. Đồng thời, có cả những biện pháp được thực hiện. Ví dụ, cần chống lại chủ nghĩa bè phái mà tiếc rằng nó vẫn còn tạo nên đặc tính rạn nứt diện rộng trong xã hội, cần chống lại sự tham nhũng, những sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử, vì mỗi người có thể có vị thế của mình và từng người đều cảm thấy được là người công dân của Đất Nước có cùng quyền lợi, cùng nhiệm vụ, có cùng bổn phận và trách nhiệm góp phần để xây dựng Đất Nước. Tôi cho rằng những điều này dường như là những phương thế để nỗ lực xây dựng lại Đất Nước Iraq.

Pv: Thưa ĐHY, lời cầu chúc của ĐHY cho chuyến tông du này là gì?

ĐHY Parolin: Lời cầu chúc của tôi là thực sự thời khắc này, sự hiện diện này của Đức Thánh Cha, điều rất được mong đợi, khao khát bao lâu như thế, có thể tạo nên một thời khắc tái sinh, một sự tái sinh vật chất, tái sinh tinh thần đối với dân tộc Iraq, vì chuyến tông du này có thể có cả một sự tác động trong toàn khu vực nơi mà đang cần những mẫu gương điển hình. Và ước gì chuyến tông du này có thể đạt được dấu chỉ của tình anh em: “Tất cả các con là anh chị em với nhau”, đây là châm ngôn cho chuyến tông du này của Đức Thánh Cha.

Massimiliano Menichetti

Chuyển ngữ từ Vaticannews.va: Văn Cao