Đâu là mục đích và ý nghĩa của hành hương?

Mục đích của hành hương là gì? Với người Công giáo, ý tưởng hành hương bắt nguồn từ đâu? Có rất nhiều bằng chứng trong Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa thần học của việc hành hương. Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn nhiệt thành và dành thời gian, nguồn lực cho hoạt động này.

Nhiều người có thể định nghĩa hành hương một cách đơn giản là “một chuyến đi bộ hoặc bằng phương tiện khác để đến một địa điểm có ý nghĩa tôn giáo đặc biệt,” nhưng định nghĩa này có thể không đầy đủ vì hai lý do cơ bản là bỏ qua sức hấp dẫn phổ quát của hành hương và động lực của người hành hương.

Con người có bản năng tò mò và khao khát khám phá những thắc mắc sâu xa. Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II (về Mối liên hệ giữa Hội Thánh với các Tôn giáo ngoài Ki-tô giáo) công nhận sự tò mò tự nhiên này của con người qua các câu hỏi: “Con người là gì? Ý nghĩa và mục đích của cuộc sống là gì? Điều thiện luân lý là gì, và tội lỗi là gì? Đau khổ đến từ đâu và mục đích của nó là gì? Con đường nào dẫn đến hạnh phúc đích thực? Cái chết, sự phán xét, và sự đền trả sau khi chết là gì?” (Số 1).

Hành hương là một phần của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, vì trong tôn giáo, con người tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Vì vậy, hành hương là một trải nghiệm chung của nhân loại, qua hành hương, người ta thực hiện một nghĩa vụ theo lễ nghi, thể hiện một hành vi thành tâm để đền tội, sống kinh nghiệm về đời sống tâm linh, hoặc cầu xin một ơn, một phép lạ, một sự chữa lành, v.v. Những lý do cho hành hương sâu sắc bao nhiêu thì những địa điểm hành hương cũng phong phú bấy nhiêu: Giê-ru-sa-lem (Do Thái và Ki-tô giáo), Mecca (Hồi giáo), Sarnath (Phật giáo), Banares (Ấn Độ giáo), Amritsar (Đạo Sikh), và vô số địa điểm khác có tầm quan trọng về mặt tâm linh và lịch sử đối với các tôn giáo kể trên và các tôn giáo khác.

Trong Ki-tô giáo, ít có hành vi đạo đức nào giàu truyền thống, lịch sử và tâm linh như hành hương. Điều này đúng đến mức hình ảnh của hành hương đã trở thành ẩn dụ cho chính cuộc đời. Tất cả chúng ta đều đang trên một hành trình hướng về trời. Chương VII của Lumen Gentium (Hiến chế tín lý về Hội Thánh) của Công đồng Vatican II nói về Hội Thánh lữ hành trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem thiên quốc. Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng (Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong Thế giới Ngày nay) mở đầu rằng Hội Thánh là một cộng đồng các môn đệ “được Thánh Thần dẫn dắt trong hành trình đến vương quốc của Chúa Cha.”

Hành hương trong Kinh Thánh

Ý tưởng về hành hương có nền tảng rất vững chắc trong cả Cựu Ước và Tân Ước. Tầm quan trọng thiêng liêng của hành hương thường được thể hiện qua những hành trình và thử thách cụ thể – từ hành trình đức tin của Áp-ra-ham đến những chuyến đi truyền giáo của Thánh Phao-lô.

Trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt gọi Abram đặt niềm tin nơi Ngài ra sao – rời bỏ quê hương để đến vùng đất của Chúa, nơi ông sẽ nhận được lời hứa của Thiên Chúa rằng dòng dõi của ông sẽ không đếm xuể và trở thành một dân tộc lớn lao.

Sau đó, trong Thư Do Thái, cuộc hành hương của Áp-ra-ham cũng được nói thêm: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.” (Dt 11,8-10).

Kinh Thánh kể về nhiều hành trình, đặc biệt là đến Giê-ru-sa-lem, hay còn gọi là “Xi-on.” Mười lăm Thánh Vịnh đã được sáng tác riêng cho các cuộc hành hương đến Giê-ru-sa-lem (xem Tv 120-134). Chúng được gọi là các Ca khúc lên Đền, vì dân Do Thái sẽ leo lên độ dốc lớn để đến Giê-ru-sa-lem, thành phố trên đồi. Ngôn sứ Mi-ca nói:

“Nước nước dập dìu đưa nhau tới,
dân dân lũ lượt kéo nhau đi.
Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người
và bước theo đường Người chỉ vẽ.
Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,
từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền” (Mi-ca 4,2).

Nhưng cuộc hành hương quan trọng nhất trong Kinh Thánh là cuộc Xuất Hành – câu chuyện Mô-sê dẫn dắt dân Israel ra khỏi Ai Cập – qua sa mạc, trải qua những thử thách, cám dỗ và tội lỗi, luôn tiến về Đất Hứa. Sự kiện này đã trở thành một trong những mẫu mực chính về mối tương quan giữa hành trình và cuộc sống của hoán cải và đức tin.

Trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của hành hương, không hẳn là trong ý nghĩa của một hành trình địa lý, mà là trong ý tưởng sống cuộc sống hiện tại của chúng ta ở thế gian trên một con đường dẫn ta tiến gần hơn tới đời sống vĩnh cửu.

Ngay cả những nhân vật huyền bí và khó hiểu như Ba Vua cũng là những người hành hương, họ xuất hiện trong Tin Mừng Mát-thêu sau khi Chúa Giê-su được sinh ra: “Có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”” (Mt 2,1-2).

Ngoài những truyền thuyết, ít ai biết rõ về những nhà thông thái từ phương xa này, nhưng họ là tiêu biểu đẹp đẽ của ý nghĩa hành hương. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI viết trong tập thứ ba của bộ sách Đức Giê-su thành Nazareth rằng: “Những Nhà Thông Thái từ phương Đông … đại diện cho nhân loại đang hướng về Chúa Ki-tô, họ mở đầu một cuộc hành trình kéo dài qua lịch sử. Họ không chỉ là những người tìm thấy đường đến với Chúa Ki-tô. Họ còn thể hiện khát vọng bên trong của tinh thần con người, sự gặp gỡ giữa các tôn giáo và lý trí con người với Chúa Ki-tô.” Với cách nhìn này, một người có thể nhận thấy rằng bất kỳ cuộc hành hương nào có tính tôn giáo đều mang một ý nghĩa Ki-tô giáo, khi nhân loại tìm kiếm Thiên Chúa, dù họ có ý thức về điều đó hay không.

Các tường thuật Thời thơ ấu của Chúa Giê-su cũng ghi lại một chuyến hành hương của Thánh Gia: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.” (Lc 2,41-42). Khi ấy, Chúa Giê-su 12 tuổi đã ở lại trong Đền thờ mà cha mẹ Ngài không hay biết. Nơi đền thờ, Chúa Giê-su đối đáp với các bậc thầy Do thái về Cha Ngài.

Sau khi Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai – sau sự kiện Ngài chịu phép rửa tại sông Gio-đan – toàn bộ sứ vụ của Ngài là một cuộc hành hương trở lại Giê-ru-sa-lem, ngày này qua ngày khác, trên các nẻo đường xứ Palestine.

Cái chết của Chúa Ki-tô trên thập giá có ảnh hưởng to lớn tới định nghĩa về hành hương. Hy tế của Ngài giới thiệu ý tưởng về ơn cứu chuộc và bản chất tạm thời của những gì chúng ta trải nghiệm, khi chúng ta đang trên hành trình hướng về thiên đàng.

Điều này được thấy rõ trong các sách Phúc Âm và các tường thuật của các tông đồ. Các ngài thuật lại cho chúng ta biết cái chết của Chúa Giê-su đã mở cửa thiên đàng ra sao. Hiểu như vậy, chúng ta nhận ra rằng những khó khăn chúng ta đối mặt hiện nay – những thử thách, đau khổ, những lo lắng và rắc rối tạm thời – có thể là những hy tế ngợi ca dâng lên Thiên Chúa khi ta làm một cuộc hành trình tới ơn cứu độ.

Sau cuộc Vượt qua của Người từ cái chết tới sự sống trong cuộc Phục sinh, cộng đoàn các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, được Thánh Thần làm cho sống động vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đã đi khắp nơi trên thế giới để rao giảng Tin Mừng. Sau khi các ngài chịu tử đạo, mộ của các ngài ngay lập tức trở thành nơi được các tín hữu đầu tiên tôn kính – đặc biệt là mộ của Thánh Phê-rô và Phao-lô ở Rô-ma. Nhà sử học nổi tiếng của Hội Thánh, Eusebius, viết vào khoảng năm 200 rằng: “Thật vậy, nếu bạn muốn đến Vatican hay dọc đường tới Ostia, bạn sẽ tìm thấy những dấu tích của những người đã đặt nền móng cho Hội Thánh này.”

Những cuộc hành hương chính thức kính viếng Mười Hai Tông Đồ (tất cả đều tử đạo, trừ Thánh Gio-an) trải dài từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ và Ethiopia. Tuy nhiên, truyền thống kể lại các câu chuyện gắn kết với mỗi vị Tông đồ (và cả các nhân vật khác trong Tân Ước) với một nơi mà vị ấy qua đời và thường là nơi gìn giữ thánh tích của ngài.

Trong Sách Khải Huyền, Thánh Gio-an nhắc nhở các tín hữu rằng cuộc sống của chúng ta trên trần thế chỉ là một trạng thái tạm thời, cho đến khi chúng ta tiến gần hơn đến đích mà Thiên Chúa đã định sẵn.

Hành hương trong lịch sử

Các động lực hành hương từ Kinh Thánh đã thúc đẩy con người thời nay thực hiện trải nghiệm hành hương. Trong truyền thống Ki-tô giáo, việc hành hương cũng luôn gắn liền với các thánh, những vị được đặc biệt tôn kính trong các nhà thờ và đền thánh, nhất là những nơi lưu giữ thi hài và phần mộ của các ngài.

Khi Ki-tô giáo được hợp pháp hóa vào năm 313, các con đường hành hương hình thành một mạng lưới dày đặc trên bản đồ Châu Âu. Hành Trình của Egeria, một dạng nhật ký hành hương sơ khai của một khách hành hương đạo đức được viết vào đầu thế kỷ V, ghi chép lại các cuộc hành hương đến những nơi gắn liền với cuộc đời Chúa Ki-tô. Nhưng về sau, khi Đất Thánh bị người Ả Rập chiếm đóng, các tuyến hành hương khác ở phương Tây được mở ra.

Rô-ma trở thành một điểm đến quan trọng cho người hành hương thời trung cổ và vẫn giữ vị trí này cho đến nay. Ngoài ra, có Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha, nơi người hành hương đi dọc theo con đường Camino nổi tiếng. Đây vẫn là điểm hành hương phổ biến, nơi lưu giữ thánh tích của Thánh Gia-cô-bê Cả. Có nhiều tuyến đường chính thức từ khắp Châu Âu, với các nhà trọ đặc biệt nằm dọc đường đi để khách hành hương nghỉ ngơi và gặp gỡ nhau.

Từ thế kỷ XI, các ân xá gắn liền với các cuộc hành hương. Có ân xá dành riêng cho các thập tự quân khởi hành đến Đất Thánh, mang theo vũ khí để bảo vệ người hành hương.

Qua các thế kỷ, những địa điểm hành hương khác cũng trở nên quan trọng. Trên khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có truyền thống Ki-tô giáo lâu đời, các đền thánh được xây dựng để ghi nhớ các cuộc hiện ra siêu nhiên, sự kiện phép lạ hoặc những yếu tố thiêng liêng hoặc lịch sử quan trọng trong cuộc đời các thánh. Mọi người đến các đền thánh này vì nhiều lý do khác nhau.

Danh sách các điểm hành hương trên thế giới có hàng nghìn nơi, dưới đây là một số điểm thu hút hơn một triệu khách hành hương mỗi năm. Ngoài Rô-ma, Đất Thánh và Santiago de Compostela, cần đặc biệt nhấn mạnh đến các đền Đức Mẹ nổi tiếng: Loreto ở Ý, nơi lưu giữ ngôi nhà của Thánh Gia; Lộ Đức ở Pháp, nơi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette Soubirous và nhiều người được chữa lành; và Fatima ở Bồ Đào Nha, nơi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu.

Tại châu Mỹ, nổi bật về danh tiếng và lượng người hành hương là Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico và Đền Thánh Aparecida ở Brazil. Nhưng mỗi nước đều có đền thánh quốc gia của mình – ở Hoa Kỳ là Vương Cung Thánh Đường Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Washington, D.C.

Hoa trái của một cuộc hành hương

Xét từ góc nhìn tôn giáo, hành hương là một chuyến đi khác biệt với thường lệ. Đi hành hương không chỉ đơn thuần là để chiêm ngưỡng các kiệt tác nghệ thuật, mặc dù nhiều điểm hành hương có đầy các kiệt tác lịch sử và vẻ đẹp đặc biệt. Ngày xưa, người hành hương thường được hình dung như những kẻ rách rưới và hốc hác, sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi thoải mái trên những con đường dài đầy hiểm nguy. Ngày nay, người hành hương có ý thức vẫn chọn cho mình một sự tiết chế và mục đích rõ ràng khi lựa chọn nơi lưu trú, thực phẩm và thức uống, và tất nhiên là dành một tầm quan trọng cho sự thinh lặng và cầu nguyện.

Để trải nghiệm điều gì đó khác biệt so với các chuyến đi khác, người hành hương phải sống khác, trong sự đơn sơ của đức tin. Nếu không, cuộc hành hương sẽ không góp phần đem lại sự thay đổi thực sự. Người hành hương đi qua “địa lý đức tin” trên con đường rải rác các dấu tích thánh thiện, ở những nơi mà ân sủng của Thiên Chúa đã tỏa sáng đặc biệt và tạo ra dồi dào hoa trái của sự hoán cải và thánh thiện.

Người ta thực hiện cuộc hành hương để xin Thiên Chúa ban ơn cần thiết, hầu sống trọn vẹn hơn ơn gọi Kitô hữu của mình khi trở về nhà, như Sách Chỉ Nam về Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ của Vatican giải thích. Vì thế, hành hương không chỉ là “một chuyến đi đến nơi có ý nghĩa tôn giáo,” và không bao giờ nên chỉ là vậy. Dù đi một mình hay cùng người khác, hành hương là một phần hành trình thể lý trên con đường của tâm hồn một người hướng về Thiên Chúa.

Deborah Castellano Lubov
Joseph Nguyễn Tro Bụi chuyển ngữ từ https://www.simplycatholic.com

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org