Cùng nhìn lại năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Một năm bận rộn của Đức Thánh Cha (ĐTC) với 3 chuyến tông du quốc tế, từ nơi đổ nát của Iraq tới vùng ngoại biên của Slovakia, cho tới đảo Lesbo là giao lộ của đau thương. Không thể không kể tới những sự kiện quan trọng trong và ngoài Roma: 8 tự sắc được ban hành cho việc cải tổ trong mục vụ, luật pháp và lĩnh vực kinh tế tài chính. Kế đến là việc khai mạc tiến trình công nghị cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ, lời mời gọi tiêm vaccine, những vấn đề liên quan đến môi trường, hòa bình và sự giải trừ quân bị. Tháng 7 vừa qua, ĐTC có ca phẫu thuật đại tràng ở bệnh viện Gemelli. 

2021 là một năm đáng nhìn lại với biết bao cuộc tiếp kiến và công việc của ĐTC Phanxicô. Một năm đầy những biến động và hạn chế vì dịch bệnh Covid hay phải kể tới vấn đề sức khỏe của Đức Giáo Hoàng nay đã 85 tuổi. Ngay từ đầu năm 2021, chứng đau thần kinh tọa đã khiến ngài không thể cử hành buổi hát kinh Tạ ơn cuối năm Te Deum ngày 31/12 cũng như Thánh lễ đầu năm mới ngày 1/1.

Vaccine cứu chữa cơ thể, vaccine chữa lành tâm hồn

Một năm nữa lại qua đi, ĐTC vẫn bị “giam giữ” (mượn cách diễn đạt của ngài) ở Thư viện Tông tòa trong các buổi đọc kinh Truyền tin hay Yết kiến chung để tránh đám đông tụ tập và lây nhiễm. Từ Dinh Tông Tòa của Tòa Thánh Vatican, trong buổi phát trực tiếp trên toàn cầu buổi đọc kinh Truyền tin ngày 1/1/2021, khi thế giới tiến tới năm 2021 với những vết thương gây ra bởi đại dịch, ĐTC mở đầu bài huấn dụ:

“Năm nay, trong khi chúng ta hy mọng vào một sự tái sinh và những phương pháp điều trị mới, chúng ta không thể bỏ qua việc cứu chữa. Bên cạnh vaccine cho thân xác, cũng cần vaccine cho tâm hồn: đó là sự chữa lành. Sẽ là một năm mới an lành nếu chúng ta biết quan tâm tới những người xung quanh…”

ĐTC cử hành buổi đọc kinh Truyền tin được phát trực tiếp từ Thư viện Tông tòa – Ảnh: Vatican Media

Người hành hương tới Iraq

“Phương pháp chữa lành” của ĐTC được cụ thể hóa qua 3 chuyến tông du quốc tế, ở những nơi mang trong mình thương tích gây ra bởi chiến tranh, nghèo đói, di cư. Trước hết là chuyến thăm Iraq từ ngày 5-8 tháng Ba. Chuyến viếng thăm của vị Giáo hoàng đầu tiên tới điểm trọng yếu của Trung đông – nơi bị tàn phá bởi bạo lực cực đoan và sự báng bổ của quân thánh chiến Hồi giáo. Quyết định thông báo về chuyến đi tới Iraq đã được đưa ra trước đó vào tháng 12 năm 2021, được coi là nhiều rủi ro và nguy hiểm do nguy cơ lây nhiễm cũng như về vấn đề an ninh. Thế nhưng ĐTC vẫn muốn thực hiện chuyến viếng thăm này. Ngài không muốn để lại sự thất vọng cho dân tộc mà 20 năm về trước đã không thể ôm chào đón Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giữa những người nghèo khổ chào đón ngài đến với khu phố bụi bặm của Baghdad hay những con đường đất ở Qaraquosh, ĐTC tới với họ như một người hành hương”. Ngài gặp gỡ Đại giáo chủ Al-Sistani – nhân vật quan trọng của Hồi giáo Shia. Từ Mosul, nơi diễn ra những vụ tra tấn và hành quyết trong quá khứ, hướng về trời cao, nhân danh Thiên Chúa, ngài lên tiếng chống lại mọi hình thức bạo lực. 

Lời cầu nguyện của ĐTC ở Mosul

Giữa những người nghèo khổ ở Slovakia và người di dân ở Lesbo

Trong chuyến thăm tới Slovakia từ 12-15 tháng Chín, tiếng kêu than lại một lần nữa vang lên. Từ đài tưởng niệm Shoah (cuộc thảm sát Holocaust) ở Bratislava, ĐTC lên tiếng nói về sự báng bổ khi danh thánh Chúa bị lạm dụng để hủy hoại phẩm giá con người, hoặc khi tới thăm Lunik IX – khu ổ chuột lớn của người Rom ở miền đông Slovakia, ngài phê phán sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị. Ngài bày tỏ sự tiếc thương nhưng sau đó lên án “sự chìm đắm của một nền văn minh” có hình dạng của những hàng rào thép gai và những thùng container ngột ngạt vào mùa hè và lạnh giá trong mùa đông, nơi mà hàng nghìn người di cư sống trong tình cảnh vô nhân đạo ở Trung tâm Tiếp nhận và định danh ở đảo Lessbo mà ngài đã ghé thăm vào cuối chuyến tông du tới Hy Lạp (2-6 tháng Mười Hai). Từ biên giới lấp lửng này tới những cửa ngõ của châu Âu, sau khi đã được “nhìn tận mắt” da thịt đầy thương tích của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em, ĐTC mạnh mẽ lên tiếng: “Chúng ta đừng để Biển của chúng ta (Mare nostrum) biến thành biển hoang tàn của sự chết (mare mortuum).

ĐTC gặp gỡ những người tị nạn ở Mytilene

Cải tổ

Quan tâm tới những cải cách sẽ được áp dụng trong Tông hiến Predicate Evangelium (Rao giảng Tin mừng),  từ tháng Một tới tháng Mười Một, ĐTC đã ban hành 8 Tự sắc (Moto proprio) để giới thiệu những thay đổi và đổi mới trong các lĩnh vực: mục vụ, kinh tế tài chính và luật pháp. Tự sắc ngày 16 tháng Hai trong lĩnh vực tư pháp hình sự, được theo sau bởi Tông hiến Pascite gregem Dei (“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa” – 1Pr 5, 2) ký ngày 23 tháng Năm, qua đó Cuốn VI của Bộ Giáo luật được sửa đổi, liên quan đến các quy tắc xử phạt hình sự trong Giáo hội Công giáo. Ngày 24 tháng Ba, xét đến tình trạng thâm hụt – là vấn đề liên quan tới quản lý tài chính của Tòa Thánh và nó càng trở nên nghiêm trọng hơn vì đại dịch, ĐTC ra quyết định cắt giảm lương của các Đức Hồng y, bề trên, tu sĩ. Đồng thời, ngày 29 tháng Tư, ngài đưa ra một biện pháp chống tham nhũng bằng cách quy định rằng những người điều hành, quản lý phải ký một bản kê khai, trong đó chứng thực rằng họ không bị kết án hay điều tra về khủng bố, rửa tiền, trốn thuế và rằng họ sẽ không thể có tài sản ở thiên đường thuế (những quốc gia và vùng lãnh thổ không đánh thuế hoặc lấy thuế rất thấp). Ngày 30 tháng Tư, ĐTC ra quyết định rằng Tòa án sơ thẩm của Vatican cũng sẽ có thẩm quyền xét sử hình sự liên quan đến các hồng y và giám mục. Vào ngày 11 tháng Năm, ĐTC công bố Tự sắc Antiquum Ministerium (Thừa tác vụ Cổ) để thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên. Kế đến, ngày 16 tháng Bảy, Tự sắc Traditionis Custodes (Những người gìn giữ truyền thống) để quy định lại các quy tắc cử hành Thánh lễ theo nghi thức phụng vụ Latinh cũ. Tự sắc này nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng cũng có một vài nghi vấn đã được Bộ Phụng tự giải đáp vào ngày 18 tháng Mười Hai. Cuối cùng, Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus (Thẩm phán nhân từ của Chúa Giêsu) được ký ngày 26 tháng Mười Một (có hiệu lực 6 năm), thành lập một Ủy ban giáo  hoàng về xác minh và áp dụng những quy trình về về những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành.

Các phiên tòa tại Tòa án Vatican

Năm 2021, hai phiên tòa xét xử diễn ra tại Tòa án Vatican: vụ xét xử về những cáo buộc lạm dụng tình dục ở Tiền chủng viện Thánh Pio X, bắt đầu từ tháng 14/10/2020 và kết thúc vào 6/10/2021 với tuyên bố trắng án của hai bị cáo. Phiên tòa thứ hai xét xử tội kinh doanh bất hợp pháp bằng nguồn vốn của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Bắt đầu từ ngày 27 tháng Bảy, phiên tòa đến nay đã đi đến phiên điều trần thứ năm nhưng vẫn đang dừng lại ở các cuộc tranh tụng và sẽ được tiếp tục vào ngày 25 tháng Giêng tới. 

Cuộc phẫu thuật ở bệnh viện Gemelli

Trong triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô, 2021 là một năm đáng nhớ vì những tin tức xoay quanh sức khỏe của ngài: bắt đầu từ chứng đau thần kinh tọa, sau đó là việc tiêm vaccine Pfizer ngày 13/01/2021 (kế đến là những lần tiêm sau đó), và cuối cùng là việc nhập viện ngày 4 tháng Bảy cho ca phẫu thuật đại tràng đã được lên lịch trước đó. ĐTC nhập viện trong 10 ngày ở “Vaticano III”. Từ tầng thứ mười của bệnh viện, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin cùng với một số trẻ em thuộc khoa ung thư, đồng thời ngài kêu gọi dịch vụ y tế tốt nên được dành cho tất cả mọi người. Cuộc phẫu thuật này là cơ sở cho một số suy đoán về việc từ chức của Đức Thánh Cha. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Tây Ban Nha có tên Cope, ĐTC nói rằng ngài chưa bao giờ nghĩ đến việc từ chức.

ĐTC chủ sự buổi đọc KInh Truyền tin từ ban công bệnh viện Gemelli

Tiến trình công nghị chưa từng có

2021 cũng là năm ĐTC đưa ra một trong những đổi mới quan trọng nhất theo quan điểm giáo hội. Đó là việc khai mạc tiến trình công nghị – kéo dài 3 năm. Tiến trình này sẽ bắt đầu “từ bên dưới”, nghĩa là từ các giáo dân, và từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tiến trình sẽ kết thúc với phiên nhóm họp của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới vào tháng 10/2023 tại Vatican. Ba giai đoạn của tiến trình (cấp giáo phận, châu lục và hoàn vũ) được công bố vào tháng Năm. Ngày 10 tháng Mười, Thánh lễ khai mạc tiến trình diễn ra tại Đền thờ thánh Phêrô.

Thượng Hội Đồng … không phải chỉ là một “hội nghị”, một buổi triệu tập giáo hội, một hội thảo nghiên cứu hay một cuộc họp chính trị,… cũng không phải một nghị viện, nhưng là hoa trái của ân sủng, là tiến trình chữa lành được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Thánh lễ khai mạc Tiến trình công nghị ngày 10/10/2021. Ảnh: Vatican Media

Vaccine, môi trường, hòa bình, người nghèo

Trong suốt 12 tháng vừa qua, nhiều lời kêu gọi được đưa ra. Bắt đầu từ lời kêu gọi ủng hộ việc tiêm vaccine chống Covid. Lời kêu gọi phân bố vaccine một cách công bằng, đảm bảo mọi người có thể được tiêm cách nhanh chóng, đặc biệt là những nơi nghèo đói nhất trên thế giới. ĐTC đã nói trong buổi Lần hạt Mân côi vào ngày 31 tháng Năm tại Vườn Vatican để cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt: “Tất cả mọi người, không trừ một ai, đều có thể được bảo vệ nhờ việc tiêm vaccine”. Ở một khía cạnh khác, lời kêu gọi của ĐTC khuyến khích không nên bị lay động trước sự hoài nghi, tin tức giả mạo và những tư tưởng khác. Và bởi, tiêm vaccine là “một việc làm thể hiện tình yêu”. Lập trường đó được Tòa thánh tái xác nhận vào ngày 22 tháng 12 khi đưa ra những quy định mới cho việc nhập cảnh vào thành phố Vatican.

Tiếp đến là lời kêu gọi bảo vệ đất đai và bảo tồn ngôi nhà chung. Khao khát được thăng hoa từ Tông huấn Laudato si’ (Hãy chúc tụng Chúa) một lần nữa được khơi lại trong thông điệp Fratelli tutti (Tất cả là anh chị em). Vào ngày kỉ niệm năm đầu tiên của thông điệp, tại Vatican, ĐTC đã nhóm họp cùng các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau trong bối cảnh trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (nhưng sau đó ĐTC không thể tham dự). Ngài ký kết một văn kiện chung để kêu gọi thế giới đạt mức khí thải carbon bằng 0. Hai tháng trước đó, vào ngày 7 tháng Chín, cùng với Đức Thượng phụ Constantinople, Bartolomeo, và Tổng Giám mục Canterbury, Justin Welby, ĐTC đã ký một văn kiện nhằm đưa ra lời kêu gọi chung về tính bền vững của môi trường và tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu. 

ĐTC đặc biệt quan tâm tới chủ đề hòa bình và giải trừ quân bị. Không thể quên những lời ngài đã nói vào ngày 7 tháng Mười, tại đấu trường La Mã Colosseo trong cuộc gặp gỡ vì hòa bình được tổ chức bởi Cộng đoàn thánh Egidio với các đại diện của nhiều tôn giáo khác nhau. Ngài kêu gọi “loại bỏ quân sự khỏi trái tim con người”, “hạ vũ khí”, “cắt giảm chi phí quân sự”, “chuyển đổi vũ khí của cái chết thành công cụ của sự sống”, đầu tư vào giáo dục và y tế.

ĐTC trong buổi gặp gỡ vì hòa bình diễn ra tại đấu trường Colosseo. Ảnh: Vatican Media

Không được quên người nghèo

Giữa bao nhiêu cuộc gặp gỡ – bất chấp sự bất tiện của đại dịch – với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ (tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen  và cuối cùng là tổng thống Ý Sergio Mattarella), các nhà lãnh đạo chính trị hay xã hội dân sự, ĐTC không quên những người mà vì họ, trong Mật nghị Hồng y năm 2013, ngài đã chọn tên của Vị thánh Khó Khăn thành Assisi: người nghèo. Tại quê hương của vị thánh vùng Umbria, vào ngày 12 tháng Mười Một, ĐTC đã gặp gỡ hơn 500 người có hoàn cảnh khó khăn đến từ Ý và các nước châu Âu, trong chuyến thăm riêng duy nhất tại Ý năm 2021. Với những chứng từ cảm động, các bài hát, lời cầu nguyện, tại Vương cung thánh đường Mẹ Maria của các Thiên thần, ĐTC chỉ ra tình trạng nghèo đói mới như: người phụ nữ bị xoi như hàng hóa để mặc cả, trẻ em bị bắt làm nô lệ, sự đói khát, bị quăng quật trong các vụ đắm tàu, các gia đình chịu cảnh bất bình đẳng xã hội, những người thất nghiệp. ĐTC cho rằng người nghèo cần được “lấy lại” tiếng nói và phẩm giá. 

Trong thông điệp video ngày 16 tháng Mười gửi tới các tham dự viên Cuộc họp Thế giới lần thứ IV của các Phong trào bình dân, ĐTC đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ, cần hành động vì một thế giới công bằng, đoàn kết và huynh đệ hơn, bằng việc xóa nợ cho các nước nghèo, cấm buôn bán vũ khí, chấm dứt các cuộc tấn công, các hình phạt, tự do hóa bằng sáng chế để mọi người có thể tiếp cận vaccine. Ngài đưa ra hai đề xuất cần thực hiện ngay tức khắc là tăng lương tối thiểu và giảm ngày làm việc. 

Hướng tới năm 2022

Hai sự kiện quan trọng đã được lên kế hoạch: ngày 27 tháng Hai, cuộc họp tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Ý tại Firenze với các giám mục và các nhà lãnh đạo của các quốc gia giáp Địa Trung Hải; từ ngày 22-26 tháng Sáu, Đại hội gia đình thế giới lần thứ 10 tại Roma với chủ đề “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”. Xét tới các chuyến tông du quốc tế, đã có thông báo nhưng chưa công bố thời gian cụ thể chính thức về chuyến viếng thăm tới Canada, trong bối cảnh các giám mục đang thực hiện tiến trình hòa giải với các dân tộc bản địa – họ sốc trước việc những ngôi mộ tập thể không được đánh dấu được phát hiện trong khuôn viên của trường nội trú do Giáo hội điều hành. Trong một số cuộc phỏng vấn, ĐTC cũng bày tỏ mong muốn tới thăm Congo, Papua New Guinea, Đông Timor và Hungary trong tương lai. Sau đó là điểm dừng chân nhanh chóng tại Budapest vào tháng Chín để kết thúc Đại hội Thánh Thể quốc tế. Mong muốn về một chuyến hành hương tới Lebanon chưa bao giờ nguôi ngoai, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo, chính trị và kinh tế cách trầm trọng. ĐTC đã cầu nguyện cho Lebanon cùng với những người đứng đầu của Giáo hội Đông phương trong giờ cầu nguyện đại kết diễn ra vào ngày 1 tháng Bảy tại Đền thờ thánh Phêrô. ĐTC Phanxicô cũng mong ước cùng với Đức Giám mục trưởng của Anh giáo Justin Welby tới thăm Nam Sudan – nơi mà những ngày gần đây (từ 21-23 tháng Mười Hai), Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã có chuyến viếng thăm và cầu nguyện cho vùng đất mà có thể ĐTC sẽ tới thăm vào năm 2022 này. Trên chuyến bay trở về từ Athens, ĐTC nói rằng ngài “luôn sẵn lòng tới Matxcơva” để một lần nữa gặp lại Đức Thượng phụ Kirill của Chính Thống Nga sau cuộc trò chuyện tại Cuba vào năm 2016.

Salvatore Cernuzio – Vatican News

Chuyển ngữ: Maria Thùy Linh