Cố Théodule Brisson Nhân – Tông đồ của người Mường

Cố Nhân, tên trong sổ rửa tội là Théodule-Auguste-Marie BRISSON, sinh ngày 25 tháng 4 năm 1856 tại Saint Lumine-de-Coutais, tỉnh Loire Atlantique, Giáo phận Nantes. Ngài theo học Chủng viện Nantes, và được thụ phong linh mục ở đó vào ngày 28 tháng 6 năm 1880. Với ước muốn được đi truyền giáo ở Viễn Đông, ngay sau khi chịu chức, ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris và được gửi đến Địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội).

Sang tới Việt Nam vào tháng 10 năm 1881, trước hết cố ở Kẻ Sở vài tháng để học tiếng, cố nhận tên Việt Nam là Nhân. Sau đó vào tháng 7 năm 1982, cố được gửi đến xứ Kẻ Trừ, nơi trước đây Đức cha Khiêm tấn phong Đức cha Chiêu trong thời bách hại, ngài ở đó khoảng 1 năm, với cương vị phó xứ cho cố Marcou Thành[1] lúc đó đang là hạt trưởng hạt Sơn Miêng.

Năm 1883, cố Nhân được bổ nhiệm về Lạc Thổ[2], một vùng núi rộng lớn ở Hòa Bình, nơi sinh sống của người dân tộc Mường. Tại vùng đất này, từ năm 1876, Đức cha Phước đã cử một số linh mục và thầy giảng đến truyền giáo trong vòng 4 tháng. Trong năm đó, Đức cha cũng cho xây một ngôi nhà làm trung tâm mục vụ ở nơi ít bị ngã nước nhất và giao việc điều hành truyền giáo vùng này cho cố Roussin Hiển, một thừa sai nhiệt tình được người dân Mường quý trọng. Cố Roussin Hiển vừa qua đời ngày 11 tháng 5 năm 1882 tại Hà Nội. Cố Nhân được gửi tới đây để kế vị ngài.

Ngày 8 tháng 7 năm 1885, vùng Lạc Thổ bị giặc Cờ Đen tàn phá, 16 cộng đoàn Ki-tô giáo bị cướp bóc, đốt cháy. Cố Nhân phải cùng giáo dân chạy trốn vào trong núi một tháng sau mới trở lại được, nhưng ruộng nương thì chẳng còn gì, nhà thờ và nhà ở cũng bị đốt, cố phải dựng tạm một ngôi nhà gỗ để ở. Cố Nhân còn gặp phải thái độ chống đối của các Quan Lang, những vị lãnh chúa trong vùng, không muốn sự có mặt của một vị thừa sai. Có lần vào năm 1893, ngài đã thoát khỏi một vụ đầu độc của họ. Nhưng năm 1896 ngài bị bệnh đường ruột, phải ra Hà Nội, rồi chạy chữa ở Hồng Kông và Pháp một thời gian.

Vào tháng 12 năm 1897, Đức cha phó Marcou Thành[3] đưa theo cố Feillon để đến kinh lý các cộng đoàn người Mường huyện Lạc Thổ, rồi để lại cố Feillon phụ trách cộng đoàn Hoàng Mai thuộc xứ Bạch Bát[4]. Năm 1903, Đức cha Đông cho chia huyện Lạc Thổ thành hai giáo xứ, mỗi giáo xứ có khoảng một nghìn giáo dân: Xứ Mường Cắt được giao cho Cố De Cooman Phụng, còn cố Nhân ở lại coi sóc xứ Mường Riệc, nơi ngài vừa xây một nhà thờ mới. Trong thư gửi cho Bề trên, cố Nhân kể: “Tính người Mường của chúng con, họ tà tà, thờ ơ, không nhiệt tình sôi nổi, khó mà thay đổi được thói quen đó của họ, tuy nhiên ở Cộng đoàn xứ Mường Cắt, nơi cha De Cooman ở, cũng xây được một ngôi nhà sắp hoàn thành; còn con cũng đã hoàn thành nhà thờ Đồng Chiêm, xây trên một núi đá, có thể nhìn bao quát khắp vùng”.

Năm 1923, sau bốn mươi năm lao nhọc vất vả truyền giáo trong một vùng đất rừng thiêng nước độc, cố Nhân đã suy nhược sức khỏe, không còn đủ sức phục vụ nữa. Mặc dù cố rất muốn ở lại dù chỉ có thể làm lễ mỗi buổi sáng cho giáo dân, nhưng ngày cả niềm hạnh phúc này cũng không thể vì đôi chân của ngài không cho phép. Năm 1925, Bề trên cho cố nghỉ mục vụ và đưa cố ra Hà Nội để chăm lo sức khỏe. Năm 1928, cố về sống tại Nhà chung Kẻ Sở. Ngày 29 tháng 6 năm 1930, cố Nhân dâng lễ kỷ niệm kim khánh linh mục long trọng. Nhưng những tháng cuối năm 1930, đặc biệt tháng 12, là những chặng đường Thánh giá mà ngài bước theo Chúa trong cơn đau đớn bệnh tật khiến ngài lắm lúc phải rên la lớn tiếng. Dần dần, ngài không thể ăn uống được nên sức lực cạn kiệt.

Ngày 27 tháng 12 năm 1930, trước sự chứng kiến của Đức cha già Đông và các cố thừa sai ở Kẻ Sở, Cố Nhân đã trút hơi thở trong Chúa, thọ 74 tuổi. Ngài được an táng tại Vườn Thánh nhà chung Kẻ Sở.

(Dựa theo hồ sơ Các thừa sai của MEP số 1496)
Lm. Tô-ma A-qui-nô Nguyễn Xuân Thủy

Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 17


[1] Người sau này trở thành Giám mục tiên khởi Địa phận Phát Diệm

[2] Ngày nay thuộc Huyện Lạc Sơn – Hòa Bình

[3] Năm 1901, Tòa Thánh tách phần đất Phát Diệm -Thanh Hóa để lập Địa phận mới, Đức cha Thành được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa tiên khởi của Địa phận mới này.

[4] Nay thuộc Giáo phận Phát Diệm.

Post Views: 56