Chúa mời gọi ta đến dự tiệc cưới – Chúa nhật XXVIII thường niên – Năm A

CHÚA MỜI GỌI TA ĐẾN DỰ TIỆC CƯỚI
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Mt 22, 1-14)

Tiệc Nước Trời

Lời Chúa qua miệng tiên tri I-sai-a vang lên thật là vui đối với dân Do Thái khi họ đang sống trong một hoàn cảnh thật đen tối. Chưa bao giờ họ cảm thấy tuyệt vọng như thế. Họ buồn sầu, ứa lệ và thất vọng vì họ không còn đền thờ, không còn quê hương xứ sở, lễ tiến lễ hương cũng chẳng còn. Cảnh lưu đày đã kéo dài bao năm tháng, họ không còn nghĩ đến Giê-ru-sa-lem nữa, mà có nghĩ đến thì cũng chỉ nghĩ để mà than mà khóc: “Bờ sống Ba-by-lon ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhở Si-on” (Tv 136,1).

I-sai-a loan báo: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người” (Is 25,6-9).

Cảnh hạnh phúc Nước Trời viên mãn tràn đầy trong thời sau hết I-sai-a đã mô tả là một bữa tiệc có những món ăn cao lương mỹ vị, bê béo, rượu ngon Thiên Chúa chuẩn bị cho hết thảy mọi người không phân biệt ai. Tiệc Nước Trời. Người đến dự chẳng những được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế. Những lời trên thức tỉnh lòng dân.

Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Người sẽ đánh bại thần chết, và đem lại sự sống muôn đời cho con người. Lời sấm của I-sai-a đã bắt đầu được thực hiện khi Chúa cứu dân lưu lạc trở về. Nó được thực hiện thật sự với thời Ðấng Thiên Sai, khi Chúa Cứu Thế đến, và chỉ rõ ràng vào thời sau hết, thời cánh chung.

Thiên Chúa dọn, mời

Thiên Chúa đã mở tiệc khoản đãi mọi dân tộc khi ban ơn cứu độ cho loài người trên mặt đất này. Trước tiên dân Do-thái qua việc sai các tiên tri đến mời, nhưng họ từ chối không đến. Ngài lại sai tiếp các tiên tri nữa đến với lời mời trang trọng và tha thiết: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới” (Mt 22,4). Nghĩa là ơn cứu độ đã hoàn thành. Chúa có ý nói đến công cuộc cứu thế của Ðức Ki-tô đã làm xong trên thập giá. Và như vậy chúng ta phải hiểu lớp tiên tri thứ hai được sai đi đây là chính các Tông đồ của thời Tân Ước, những người được sai đi trước là các Tiên tri Cựu Ước. Nhưng như họ đã không nghe Mô-sê và các tiên tri, thì bây giờ người Do Thái cũng từ chối luôn lời mời của các Tông đồ. Họ viện những lý do thông thường của những kẻ quen sống ích kỷ, không biết tạm hoãn những công việc riêng để đến chia sẻ niềm vui “cả đời mới có một lần” của một gia đình có tiệc cưới. Họ chẳng những không đến, họ còn đập đánh và giết chết nhiều sứ giả Tin Mừng của Ðức Ki-tô. Và điều này có ý nói rằng: người Do Thái đã bắt bớ và giết hại nhiều Tông đồ của Hội Thánh. Họ tệ hơn cả cha ông họ. Thế nên Thiên Chúa đã phải thịnh nộ cho quân xâm lăng tới, giày xéo thành trì của họ vào năm 70. Chắc chắn thánh Mát-thêu đã muốn ám chỉ biến cố này khi viết những lời trên. Và rõ ràng người muốn khẳng định rằng: Tin Mừng từ nay sẽ được đem đến rao giảng cho các dân ngoại. Hết mọi dân đều được đưa vào Hội Thánh; và như vậy, lời tiên tri I-sai-a đã thực sự được thực hiện.

Y phục phải xứng đáng

Có một điều khiến người ta không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! ” (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới? 

Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào? Có phải các bí tích không? Hay là Phép Rửa tội? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa… Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì? Ăn chay ư? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?

Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.

Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, Gia-kêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng. 

Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giê-rô-ni-mô thì nói: “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Áo cưới chính là “Đức Ki-tô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên: “anh em hãy mặc lấy Ðức Ki-tô” (Gl 3, 27).

Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org