Chúa đã sống lại thật – Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Ga 20,1-9)

1. Khi trình bày các biến cố ghi dấu và nối tiếp việc Chúa Giêsu sống lại, các thánh sử không muốn làm cho đọc giả bằng những cách diễn tả nhằm đánh động trí tưởng tượng, nhưng chỉ muốn tập trung vào những nét chính yếu: Chúa Giêsu đã sống lại, mộ của Ngài trống rỗng từ ngày Chúa nhật, và chính Ngài nhiều lần đã hiện ra với các tông đồ của Ngài như một người sống.

Các bài tường thuật của họ luôn luôn khác nhau và mỗi người trình bày theo một nhãn giới riêng. Nếu tất cả đồng ghi nhận việc ngôi mộ được phát hiện trống rỗng từ sáng Chúa nhật do một hay nhiều phụ nữ, một hay hai thiên thần loan báo sự sống lại, thì mỗi một thánh sử sau đó lại xếp đặt câu chuyện theo sơ đồ riêng. Vì lưu tâm đến tư tưởng: Chúa Giêsu là thầy của luật mới mà Ngài đã công bố trên núi miền Galilê (Mt 5,7), Mt chỉ muốn tường thuật việc Chúa hiện ra (sau khi sống lại) trên một ngọn núi miền Galilê. Ở đó Ngài sai các môn đồ đi rao giảng khắp thế giới như những vị thầy (Mt 28,16-20). Mc thì quan tâm đến việc minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà không tìm cách xác định vị trí các sự kiện được kể lại; ông chỉ vắn tắt nêu lên lần hiện ra với Madalena, với hai khách bộ hành, sau đó với nhóm 11 tông đồ trong một bữa ăn, có lẽ bữa ăn tối phục sinh, mà ông ghép luôn với việc sai các tông đồ đi truyền giáo (Mc 16,9-18). Lc chỉ trình bày sứ vụ Chúa Giêsu như một tiến trình từ Galilê về Giêrusalem và sứ vụ các tông đồ như một tiến trình khác từ Giêrusalem đến với thế giới (24,47), cho nên ông không ghi lại những lần hiện ra ở Galilê, vì sợ xáo trộn lược đồ địa dư của mình; ông kể lại rất dài dòng lần hiện ra với hai môn đệ làng Emmau, với các tông đồ trong bữa ăn vào chiều Phục sinh mà ông ghép luôn với việc sai đi truyền giáo (Lc 24,13-49).

Gioan thì xếp đặt câu chuyện về sứ vụ Chúa Giêsu cốt để xác định thiên tính của Ngài và trình bày các chứng nhân đã tin hay không tin vào Đức Kitô trần thế. Trong chương 20, ông vẫn đeo đuổi những mục tiêu ấy, liên quan đến việc Chúa Giêsu sống lại. Trước hết ông quả quyết Chúa Giêsu đã sống lại và tiến về Chúa Cha, sau đó, cho biết Maria Madalena và các môn đệ, ban đầu hoàn toàn không tin, nhưng dần dần đã tin vào sự sống lại, vào Đức Kitô thiên quốc thế nào. Câu chuyện bắt đầu bằng tiếng kêu thống khổ của Maia Madalena: “Người ta đã cất Chúa khỏi mộ, mà chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu!” để rồi kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin và hoàn hảo của Tôma, người nghi ngờ cố chấp nhất: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa tôi”.

Trong trình thuật này, như sẽ thấy, Gioan lần lượt gặp gỡ bản thánh sử khác nhưng không quan tâm kể lại tất cả. Cũng như trong các phần khác của phúc âm, ông thu gọn chứng từ của mình vào những yếu tố quan trọng để thêm rõ ràng và mạnh mẽ hơn; trong các đoạn văn liên hệ đến những người nữ thánh thiện, ông chỉ đề cập đến một người hoạt động và nổi bật hơn hết về đức tin là Maria Madalena. Ông bỏ qua nhiều cảnh huống hấp dẫn nhưng ít quan trọng; trong các lần hiện ra ông chỉ giữ lại những lần khơi dậy niềm tin và đánh tan nghi ngờ hay cứng lòng tin. Trong trang cuối của “Phúc âm các dấu chỉ”, hơn lúc nào hết, ông muốn đưa chúng ta đến hành động tuyệt vời của đức tin, là chóp đỉnh và mục tiêu của cả cuốn sách: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa tôi”.

2. Khởi đầu câu chuyện, Gioan chỉ giới thiệu một mình Maria Madalena trên đường đến mộ, trong phúc âm nhất lãm thì nói đến nhiều người. Tuy nhiên, trên đường từ mộ về, Maria Madalena phát biểu ở ngôi thứ nhất số nhiều: “người ta đã cất chúa khỏi mộ, mà chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu” (c.2). Người ta đã tìm cách cắt nghĩa sự bất thường này bằng nhiều cách:

3. Một vài nhà chú giải cho rằng Gioan chỉ kể tên Madalena vì bà là người đầu tiên được đề cập tới trong phúc âm nhất lãm và là người hoạt động nhất trong số các người nữ thánh thiện. Nếu Gioan không đề cập tới các người nữ khác, thì không phải là muốn cho người ta hiểu rằng Maria đã đi thăm mộ một mình đâu. Như một người chú trọng ăn thể, Gioan có thói quen đơn giản hóa: ông tách rời, rồi cho hai nhân vật chạm trán nhau để đề cao nét chính yếu của đề tài mà ông trình bày ở đây: là sự trái nghịch giữa phản ứng ngây ngô, đại lượng và đầy tình người của Maria Madalena và yêu sách của Chúa Giêsu kêu mời bà phải thấu hiểu bằng đức tin. Trong trường hợp này, tiếng “chúng tôi” của câu hai hình như được cắt nghĩa cách tự nhiên bằng sự kiện là Maria nói đại diện cho các người nữ khác cùng đi viếng mộ với bà mà đã về trước để báo tin cho Phêrô và Gioan.

4. Wellhausen và Spitta thì nghĩ tiếng “chúng tôi” chỉ là một cố gắng của người viết để dung hòa Gioan và các phúc âm nhất lãm; nhưng trong khi câu chuyện của Gioan khác biệt với các phúc âm nhất lãm về nhiều khía cạnh, mà muốn dung hòa về một điểm nhỏ nhặt và tinh vi như thế thì thật là chuyện lạ.

5. Bultmann và một vài nhà chú giải khác cho rằng: tiếng “chúng tôi” chỉ là một kiểu diễn tả của Do thái, có vài nét tương tự với Hy lạp. Dựa theo giả thuyết này, dalman (trong sách Grammatik des judischpalastinischen Aramaisch, xuất bản năm 1960) có viết: “trong tiếng Aramêo ở Galile, ngôi thứ nhất số nhiều được dùng để thế ngôi thứ nhất số ít”. Dầu có cách cắt nghĩa văn phạm như thế cũng chưa thỏa mãn, vì trong phần nối tiếp câu chuyện (c.13) Maria vẫn nói lại câu chuyện đó nhưng lần này thì ở số ít.

Trong các lối giải thích trên, thì hình như lối giải thích thứ nhất hay và tự nhiên hơn hết.

Hai chi tiết khác của câu chuyện được các nhà chú giải giải thích khác nhau. Trước hết tại sao Gioan lại chạy đến mộ trước Phêrô? Vì Gioan trẻ và nhanh hơn. Lagrange và nhiều người khác giải thích như thế. Một lối giải thích khác cho rằng nếu Gioan chạy nhanh hơn và chạy đến trước vì ông là môn đệ Chúa yêu và tình yêu của Thầy đã thúc đẩy ông chạy nhanh hơn. Một vài nhà chú giải cổ xưa còn dám cho rằng Gioan chạy nhanh hơn vì ông là người độc thân. Người khác thấy đây là một biểu tượng đặc biệt: Gioan tượng trưng cho Kitô giáo gốc lương dân cởi mở đón nhận đức tin hơn, còn Phêrô tiêu biểu cho các tín hữu Do thái là những người đầu tiên được sát nhập vào giáo hội, mặc dầu đức tin của họ yếu kém hơn. Nhưng tiến vào ngôi mộ chưa phải là tin, hình như câu chuyện cũng muốn gợi ý là Gioan, người vào mộ sau hết lại chính là kẻ đạt đến đức tin trước hết. Trước những cố gắng giải thích rời rạc như vậy, cách khôn ngoan hơn hết có lẽ là xem như vấn đề không giải quyết được hoặc theo cách giải thích đơn giản và tự nhiên hơn hết: vì Gioan trẻ nên chạy nhanh hơn.

Chi tiết thứ hai: tại sao Gioan lại phải đợi Phêrô vào mộ trước rồi mới vào sau? Các nhà chú giải đưa ra nhiều lối giải thích khác nhau. cách thông thường hơn hết cho rằng Gioan có lẽ đã chờ Phêrô vì địa vị tối cao của Phêrô trong cộng đoàn các môn đệ. Người khác lại thấy trong chi tiết này một dấu vết của truyền thống trong Lc 24,12 theo đó thì chỉ có Phêrô chạy đến mộ mà thôi. Cách đơn giản hơn hết có lẽ nghĩ rằng: vì bàng hoàng trước cửa mộ rộng mở và những giải khăn liệm còn ở dưới đất nên Gioan đã chần chờ một vài giây phút trước sự kiện lạ lùng này, và như thế Phêrô đã đủ thì giờ bắt kịp; ông này thì tính tình nóng nẩy có lẽ đã chui vào mộ trước khi Gioan hết sững sờ. Cũng như trong các chi tiết khác thuộc loại này, việc tìm hiểu một biểu tượng để cắt nghĩa một sự kiện là điều không luôn luôn thích hợp mấy. Chắc hẳn, cách giải thích hay hơn hết thường là xác nhận rằng nếu như người chép sách Kinh thánh đã nghĩ rằng mình phải nêu lên một chi tiết không mấy quan trọng nào đó là vì sự kiện đã xảy ra như thế. Nằm trong biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Giêsu, một chi tiết đã đánh động ông, chi tiết tự nó không quan trọng, nhưng đã khắc sâu vào trong trí nhớ của ông vì có liên quan với biến cố quan trọng trên. Ngồi suy tưởng lại biến cố ấy, thánh sử cũng đồng thời nhớ lại chi tiết trên và ghi vào trong phúc âm mình để nói lên cái nét sống động và đích thật của biến cố.

Bên trong mộ, các khăn liệm vẫn còn. Khác với Lazarô khi sống lại (11,43), Chúa Giêsu không cần đến sự giúp đỡ nào của con người. Như Ngài đã lăn tảng đá đóng kín mộ ra thế nào, thì Ngài cũng tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn phủ mặt thể ấy. Sự kiện các khăn liệm vẫn còn “đặt đó” và khăn phủ mặt “được buộc riêng ra một chỗ”, loại bỏ giả thiết cho rằng xác Chúa bị đánh cắp vội vã hoặc là bị đánh cắp một cách nào đó, vì không lẽ những người trộm xác lại có thể nghĩ đến chuyện lột trần xác chết như vậy. Chi tiết này là một dấu chỉ việc Chúa sống lại. Thực vậy khi chỉ nhìn dấu chỉ này thôi, Gioan liền tin vào Chúa sống lại, nhờ đức tin sống động của ông…Nếu không cần thấy Chúa đích thân sống lại để tin, thì ông cũng cần đến sức mạnh của dấu chỉ đó: “ông đã thấy và tin”. Ông thú nhận mình đã không thực hiện hoàn toàn lời chúc phúc của thày: “phúc cho ai không thấy mà tin” (20,29). Chỉ một mình Mẹ Chúa Giêsu, người đã tin ở con mình trước khi được thấy bao phép lạ (2,3-6), là đã chứng tỏ một đức tin hoàn hảo, đến độ người không xuất hiện tất cả các biến cố này. Người đã không cần đến bằng chứng hoặc dấu chỉ nào đề tin vào sự sống lại của con mình. Nếu Chúa Giêsu có hiện ra với người sau khi sống lại, thì hầu như chắc chắn là không phải để tỏ bằng chứng sống lại cho người, nhưng đúng hơn là để chia sẻ với người nguồn vui và chiến thắng vinh hiển của mình. Có lẽ có người chống lại giả thuyết cho rằng Chúa Giêsu vinh hiển đã hiện ra với mẹ Người, vì bản văn Mc nói rõ ràng: “Chúa Giêsu hiện ra trước hết với Maria Madalena (16,9), cả trước khi hiện ra với hai người nữ thánh thiện khác lúc họ đi loan báo cho các môn đệ; nhưng không có gì ngăn trở việc nghĩ rằng Chúa Giêsu hiện ra trước hết với mẹ Ngài như lòng đạo đức của các người tín hữu xưa nay vẫn thường tin như vậy. Nếu các tài liệu đã không thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với mẹ Ngài, là vì nó có tính cách riêng tư. Còn về phần Phêrô, thì thánh sử không nêu lên việc ông đạt đến niềm tin nhờ vào dấu chỉ khăn liệm. Theo Lc và Phaolô, ông là người đầu tiên được diễm phúc thấy Chúa hiện ra với mình (1Cr 15,6; Lc 24,34). Có phải vì thế mà Lc và Phaolô muốn gián tiếp cho rằng Phêrô phải thấy Chúa sống lại đã rồi mới tin không?

6. Môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu, một khi đã vào mộ thì thấy rõ điều mà Phêrô đang quan sát và chính ông khi mới tới mộ cũng thoáng thấy: đó chính là khăn liệm vẫn còn nguyên vẹn, ngôi mộ vẫn còn thứ tự không bị xáo trộn: giả thuyết xác bị mất trộm như vậy bị loại bỏ. “Ông tin”.

Một vài người nghĩ rằng kiểu nói này tương đương với “ông xác tín” và cần phải nối ghép câu ấy vào lời nói của Maria Madalena. Ông xác tín rằng bà đã nói thật và thêm tin tưởng vào lời bà hơn (khi đã thấy khăn liệm). Lối giải thích đó của W.Nank xem ra không thể đứng vững được. Trước hết nó không để ý đến sức mạnh của kiểu nói “thấy và tin” của thánh Gioan, hơn nữa, còn mâu thuẫn với toàn bộ câu chuyện. Thật vậy, Maria Madalena không chỉ nói Chúa không còn đó nữa mà còn quả quyết là họ đã “lấy mất” xác rồi. Mà chính điểm này đã bị loại bỏ vì khăn liệm và khăn phủ mặt còn nguyên. Sau hết giải thích như thế là làm suy yếu đi tầm quan trọng của việc sùng kính đối với đức tin vào sự sống lại của môn đệ Chúa Giêsu yêu và giản lược đức tin này vào việc hùa theo lời nói của Maria Madalena. Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, khăn liệm và khăn khăn phủ mặt, người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

Còn Phêrô thì sao? Phúc âm không nói gì. Lc 24,12 cho biết là ông trở về nhà, kinh ngạc về việc xảy ra. Một số đông các nhà chú giải nghĩ rằng: ý hướng của thánh sử, dĩ nhiên là Phêrô cũng tin. Có lẽ người ta suy diễn điều đó từ câu sau đây: “Là vì họ chưa hiểu lời kinh thánh là Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9). Theo các nhà chú giải khác, thì hầu như thánh sử muốn biện minh cho người Chúa Giêsu yêu dấu, cố đề cao đức tin nhanh chóng của ông với sự chậm chạp của Phêrô: ông đã đến mộ trước tiên, thì cũng thế ông đã đạt được niềm tin phục sinh trước hết, và hồng ân này là do tình thương đặc biệt của Thiên Chúa. Dầu vậy, nói như Cha Lagrange là bản văn không đề cập đến Phêrô thì có lẽ đúng hơn. Nếu “môn đệ kia” chỉ nói cho mình thôi, thì phải là ông muốn nghi ngờ đức tin của ông đã nghiệm lòng: ông chỉ nói lên điều mình đang sống và cảm nghiệm.

Có nhiều lý lẽ vững vàng không cho phép nghi ngờ giá trị lịch sử và truyền thuyết liên quan đến việc khám phá mồ trống. Trước tiên là truyền thuyết này được xây dựng trên chứng từ của các người nữ. Mà chứng từ của phái nữ thì được coi là không thể chấp nhận (x.Lc 24,11), và các thánh sử đều đồng ý đặt chung từ đó dưới sự kiểm soát của các môn đệ, đặc biệt là thánh Phêrô. Ta không thấy lý do mà cộng đoàn Kitô hữu đã nêu lên vấn đề khó khăn đó nếu như thực tế không buộc như vậy. Đàng khác, cuộc tranh luận với người chống đối đã không bao giờ bàn về sự kiện ngôi mộ được phát hiện trống trơn, nhưng chỉ bàn về cách giải thích (x. Mt 27,62-66). Những kẻ nghịch đạo thời xưa cũng không bao giờ chối cãi sự kiện ấy. Qua bao nhiêu đổi thay của truyền thuyết phục sinh, sự xác quyết “mồ trống” vẫn không thay đổi.

KẾT LUẬN

Đoạn phúc âm này dẫn đưa chúng ta đến hai nền tảng thiết yếu của đức tin phục sinh: kinh thánh đã mạc khải chương trình Thiên Chúa, và chứng từ của các tông đồ, dựa trên kinh nghiệm mồ trống và các lần hiện ra, xác quyết rằng ý định Thiên Chúa đã được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (20,30-31; Ga 1,1). Cho dẫu được căn cứ trên kinh nghiệm mồ trống và các lần hiện ra, đức tin phục sinh chỉ đạt mức độ sung mãn và chân lý hoàn toàn khi được đào sâu và kiện toàn trong sự thông hiểu ý định của Thiên Chúa mạc khải trong kinh thánh. Vì thế cho nên, câu tuyên xưng đức tin Kitô giáo cổ xưa nhất cũng mang khoản này: ”…theo lời kinh thánh” (1Cr 15,3-4); ngay chính Chúa Giêsu trên đường Emmau cũng “khởi từ Môisen và lướt qua hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ (môn đệ) các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ kinh thánh” (Lc 24,27.32). Chính nhờ sự thông hiểu ý định Thiên Chúa mà người môn đệ Chúa Giêsu yêu đã có trực giác ngay khi thấy dấu chỉ đầu tiên. Với ông dù chưa thấy Chúa, nhưng ý định của Thiên Chúa đã tỏ lộ; lời chúc phúc của Chúa được thực hiện cho ông rồi.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Điều gì đã đi sâu chừng nào vào đời sống của con người thì khó diễn tả chừng ấy. Kinh nghiệm đức tin vào Chúa Giêsu sống lại cũng vậy. Đối với người ngoại giáo, sự sống lại của Chúa Giêsu chỉ có thực trong niềm tin của các Kitô hữu. Còn đối với người Kitô hữu, sự sống lại của Chúa Giêsu là một thực tại còn xác thực hơn một sự kiện lịch sử đã được kiểm chứng cách chắc chắn nhất. Người Kitô hữu có thể biểu lộ niềm tin của mình thế nào trước người ngoại giáo hoặc giản dị hơn, trước đòi hỏi chính đáng của lý trí mình? Ai tin vào sự sống lại của Đức Kitô thì rồi cũng phải mặc lấy thái độ của các tông đồ. Nhờ vào ngôn ngữ và cách suy tư riêng của họ, các vị này chứng thực rằng họ đã quen biết Chúa Giêsu trước khi Ngài chết, họ đã gặp thấy lại Ngài đang sống. Họ làm chứng, nghĩa là họ quả quyết điều họ đã sống và thấy. Biến cố xảy ra thế nào, họ không hiểu. Chúa Giêsu vượt qua từ sự chết đến sự sống thế nào, Ngài làm thế nào mà hiện ra trong cách sống không còn như xưa nữa, các tông đồ không nói gì hết. Nhưng họ xác nhận sự kiện một cách chắc chắn tuyệt đối. Cũng vậy đức tin của người Kitô hữu hôm nay xác quyết sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, nhưng không thể trả lời những vấn nạn đòi hỏi nó phải tường trình về cách thế sống lại. Tuy nhiên, nhờ vào sự hiện diện và hành động của Chúa Giêsu sống lại trong đời sống của mình. Họ có thể làm chứng cho Đức Kitô sống lại, nhưng không thể giải thích. Đó là mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm làm cho sống.

2. “Cả hai cùng” Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mộ, sau khi được Maria Madalena báo tin. Trong sự vội vã và nao nức ấy, hãy xem đó là một dấu hiệu tượng trưng. Chúng ta có bị thu hút về Chúa Giêsu sống lại và hiện đang sống không? Với Phêrô và Gioan, ngôi mộ biểu hiện cho sự thất bại hoàn toàn từ chiều thứ sáu. Thế mà giờ đây họ đang hướng về một niềm hy vọng, chắc chắn còn mơ hồ, nghi ngại, nhưng hoảng chạy. trong cuộc sống của chúng ta, có những lần thất bại mà chúng ta bị cám dỗ cho là tuyệt vọng không? Một ước vọng nào đó mà chúng ta đã không thể thực hiện được, một công việc tông đồ nào đó không có kết quả, một hạnh phúc chính đáng nào đó đã chìm mất trong thất bại… chúng ta có nguồn hy vọng để biết nhìn thấy quyền năng sống lại của Thiên Chúa trong các cơn thử thách không? Chúng ta là môn đệ của Đấng Sống lại, Ngài kêu mời chúng ta đừng bao giờ đặt hòn đá thất vọng trên bất cứ sự gì, nhưng luôn luôn hy vọng. Có lẽ điều sống lại sẽ khác với điều ta mơ ước, nhưng chắc chắn là điều tốt đẹp hơn.

3. “Ông thấy và tin”. Câu nói này về Gioan. Bản văn thêm rằng, lúc ấy ông mới hiểu lời kinh thánh. Kinh thánh đây là Cựu ước. Thật vậy con người và cuộc đời Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu soi Cựu ước. Người ta có thể nói như vậy về Tân ước. Phải đọc Thánh kinh như thế nào? Phải tìm gặp Chúa Giêsu Kitô, là chân lý, là sức mạnh, là cố vấn, là đạo đức, là chính cuộc sống của chúng ta.

4. Sự sống lại của Chúa Giêsu vô hiệu hóa sức quyến rũ của những thắng lợi trần thế, bằng cách minh chứng rằng sự sống đích thực không tọa lạc nơi dương thế nhờ định luật đào thải hủy diệt, nhưng chính là sự trung thành với Thần khí, Đấng tác tạo con người mới của sự công chính và tình yêu Chúa Cha. Trong ý hướng ấy, Chúa Giêsu đã hủy diệt quyền lực tội lỗi cho dù ảo vọng của con người vẫn chưa tiêu tan, cho dù sự vô ý thức của chúng ta vẫn còn nặng nề khó lay chuyển; thực tế đã như thế rồi từ sáng phục sinh, lúc mà trong tiếng động đất, Chúa Giêsu con ông Giuse và bà Maria đã chỗi dậy khỏi mồ và tiến vào sự sống thật. Như thế một lần thay cho tất cả, Ngài minh chứng cho chúng ta rằng: con đường đưa tới hạnh phúc thật, con đường dẫn đến sự sống lại, không đi qua tội lỗi song qua lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân vô điều kiện.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]