Chú tôi là một đảng viên Cộng sản. Thời gian dài phục vụ quân đội cho tới khi nghỉ hưu đã củng cố lý tưởng chủ thuyết Mác – Lê nơi chú tôi. Cho nên, dù được sinh ra trong một gia đình Công giáo, là người Công giáo, nhưng chú tôi đã lựa chọn cho mình một hệ niềm tin khác, niềm tin vô thần và lý tưởng chủ nghĩa cộng sản.
Trước khi lấy cô tôi, chú đã có một đời vợ và sinh được hai người con. Khi lấy cô tôi, chú kiên quyết không làm các phép Đạo. Tuy các con vẫn được tự do rửa tội và giữ đạo, nhưng cô tôi thì cho tới khi mất vẫn không được rước Mình Thánh Chúa vì lỗi luật hôn phối.
Những dịp tới chúc Tết và khi gia đình có việc nhà, hai chú cháu ngồi với nhau sẽ không bao giờ lâu hơn được nửa tiếng. Chú tôi thì cố thuyết phục tôi bỏ tu, đừng phí đời nữa. Còn tôi cố thuyết phục chú ăn năn trở lại với Đức tin Công giáo. Chú tôi vận dụng các kiến thức có được nơi mấy cuốn sách lịch sử học sinh cấp 2 mà mấy đứa cháu đang học, những bản tin có được về nội dung bài tư bản và tôn giáo từ chiếc radio để ngay đầu giường, cũng như nội dung phân tích trong các buổi sinh hoạt đảng về tôn giáo ấu trĩ và bị lợi dụng để chống phá nhà nước… nhằm cho tôi thấy rằng cháu ăn học đàng hoàng mà đi tu là mù quáng và phí đời. Còn tôi, một chủng sinh đang cảm thấy mình dư thừa triết học và thần học, cộng thêm sự hăng hái chiến công thu phục một chiến sỹ cộng sản, cũng vận dụng mọi khả năng mình có để tranh biện và thuyết phục. Ban đầu ôn tồn, nhỏ nhẹ. Dần dần, âm lượng cuộc nói chuyện lớn hơn, tô điểm thêm sắc đỏ của hai khuôn mặt cùng với thần thái đanh thép của hai “chiến sỹ”…cuộc nói chuyện sớm trở thành cuộc khẩu chiến và kết thúc bao giờ cũng bằng thời gian gần một năm chiến tranh lạnh, cho tới lần tái ngộ ở cái Tết tiếp theo, tuy không hẹn nhưng chắc chắn sẽ gặp.
Chú tôi thường riếc móc con cháu mất thời gian vào lễ lạy, dâng hoa, rước sách suốt ngày. Chú cũng luôn khẳng khái từ chối bất cứ người nào có ý nói chuyện với ông về việc hồi tâm, trở lại, xưng tội và đi lễ. Ông không quên nhắc đi nhắc lại con cái: Ngày tao chết thì đừng có gọi linh mục tới làm gì, và cấm đưa tao vào nhà thờ.
Sau khi làm linh mục, mỗi lần qua thăm chú, tôi chỉ có ít giờ hỏi han sức khỏe này kia rồi đi, chứ không có giờ ngồi tranh biện, và hình như tính hiếu chiến xưa kia của cả hai chú cháu đều đã hạ nhiệt. Chắc là thời kỳ đình chiến.
Bẵng đi mấy năm, tôi nhận tin chú qua đời. Tôi khá hụt hẫng, bởi hình như tôi không những không giúp gì được cho chú, mà còn để lại ấn tượng khá không tốt. Có lần em tôi kể, khi chú ốm nặng, các em ngỏ ý mời cha xứ tới cho chú xưng tội và xức dầu bệnh nhân. Chú ghắt lên từ chối và mỉa mai các linh mục nặng lời. Các em nói, hay để các em mời cha nhà mình về giải tội và xức dầu cho bố. Thái độ chú dịu lại, nhưng vẫn cương quyết: “không”, rồi im lặng. Một lần kia, khi tâm sự với bố, em tôi được ông giải thích tại sao ông không tới nhà thờ và ghét linh mục: Cha xứ trước kia, khi tao đưa mẹ mày tới xin làm phép cưới, đã giễu cợt lý tưởng của tao, và từ chối thẳng thừng làm phép cưới cho tao khi tao không học giáo lý. Ông ta (cha xứ) còn bêu xấu tao trước cả xứ. Mày nghĩ xem, tao vì hoà bình cho cái đất nước này mà ra đi lành lặn và trở về thì thương binh hạng hai. Ông ta chửi tao, chửi cả nước. Nhục, tao không chịu được.
Tôi tự nhủ, có chăng tôi cũng đã phi bác cách thô bạo và nhẫn tâm lý tưởng cả đời của chú ? Nếu tôi là chú, liệu tôi có can đảm gạt bỏ lý tưởng mà cả đời tôi tin theo, bỏ cả máu thịt để bảo vệ, gạt bỏ chính lẽ sống của mình không? Tôi thầm trách về một thời nông nổi.
Và, em tôi đã kể lại thời khắc phút hấp hối khiến chú tôi cho mời linh mục tới để xưng tội và xức dầu trước khi lìa đời. Thời gian khoảng một tháng trước khi mất, Chú tôi sống trong im lặng. Gọi không nói, hỏi không thưa, sắc mặt luôn ủ rột và nhăn nhó như đang có một cuộc chiến nội tâm lớn lắm. Vài ngày trước khi qua đời, ông cho gọi con cháu lại bên mình và ngỏ ý mời cha xứ. Ông nói: Cả đời bố cống hiến cho thiên hạ, nhưng lại đã làm khổ vợ con mình. Mẹ mày sống cả đời trong tủi nhục vì không được rước lễ, vì tao không chịu làm phép cưới. Chúng mày đi lễ, đi nhà thờ mà bị bố riếc móc, cấm cản và phải đi chui đi lủi như đi làm điều bất chính. Giờ bố không có gì, cũng chẳng biết sau khi chết sẽ đi đâu về đâu. Bố đã có một gia đình là nơi đã chấp nhận và yêu thương bố, là nơi mà bố thuộc về. Chính vì thế, bố muốn đến nơi mà mẹ chúng mày đang đợi, nơi chúng mày cũng sẽ tới. Mời cha xứ tới giúp bố, nhé.
Nghe xong, tôi như trút được một gánh nặng rất lớn đang đè nặng tâm trí từ khi nhận được tin chú qua đời. Chúa có cách của Người, tôi không hiểu được. Hẹn gặp chú một ngày đẹp trời, lúc đó chú cháu mình tiếp tục tranh biện.
Jamor
Trích “Nội san Nhà Chung”, Số 21, tháng 10/2024
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: