Bắt đầu và lại bắt đầu

Một niên học mới nữa lại tới, mỗi người đều có một cảm xúc riêng cho mình mỗi khi đứng trước một chặng đường mới. Tôi cũng có nhiều điều chất chứa, một buổi sáng không âm u, một bình minh nghe đầy những tiếng chim muông líu lo, có những làn gió nhẹ lướt ngang qua ô cửa sổ của phòng học. Tôi nhìn ra xa, hứng đón những khoảnh khắc tươi đẹp ấy của một ngày và gửi lên trời xanh một lá thư đầy chữ sau một năm ở ngôi nhà thứ hai – Lưu xá ENDM thân thương này!

Khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, công bố ngày nhập học là khi tôi được sống dậy tất cả những cảm xúc của một năm về trước. Hơn thế nữa, khi lưu xá ENDM rộng cửa đón chào những em mới, có người thì tự đi xe khách tới, có số ít được mẹ dẫn tới nhưng hình ảnh của đa phần người bố dẫn con tới lưu xá làm tôi không khỏi nghẹn ngào.

Năm ngoái trước những ngày tôi lên tàu đi vào Nam, bố mẹ tôi đã có nhiều ngày lo lắng, băn khoăn, trăn trở. Nào là đủ thứ trên trời dưới đất: đi xa nhà có tự lo được không? Có sống được với chị em ở nhiều nơi khác nhau hay không? Nơi Sài Gòn ồn ào, phồn hoa có bị cuốn vào guồng máy ấy không?… Nhưng họ chỉ giữ trong lòng, không dám nói ra để con mình có thể vững tâm bước. Khi được bố tôi đưa tôi đi nhập học, mẹ tôi đã cất giấu đi nỗi niềm xa con vào sâu trong lòng, có thể là chôn nước mắt và chẳng dám thể hiện bằng hành động yêu thương. “Thôi! Mẹ mày đưa con đi nhập học và xem nơi ăn chốn ở của con xem sao, mẹ con thì tình cảm hơn”. Tôi nhớ lúc ấy, mẹ cười gượng, nụ cười nhạt nhẽo lắm, đưa tay vén tóc “Bố con đi đi cho dễ, lỡ có xảy ra cái này cái kia thì dễ xoay sở hơn mẹ”. Thực lòng thì tôi muốn mẹ đưa đi hơn bố, vì ngày còn ở nhà bố cũng hay đi cùng tôi rồi! Tôi thì cứ liên khúc “Bố mẹ ai đưa con đi cũng được mà”… Hôm gần đi tôi hỏi mẹ “Tại sao mẹ lại không muốn đưa con đi?”. Mẹ tôi cũng chỉ cười cười “Mẹ say tàu xe lắm, nên để bố mày đưa đi”. Lúc ấy, tôi cũng buồn và tiếc vì không được mẹ đưa đi. Mãi tới thời gian sau này khi tôi đã ổn định trong Sài Gòn, lần gọi cho mẹ và hỏi lại câu đó tôi thấy mắt mẹ đỏ hơn và nghẹn ngào “Thật sự lúc ấy mẹ cũng muốn đưa mày đi, nhưng khi đi về mẹ đi một mình, để lại mày ở lại đó. Mẹ nhớ lắm! Nên thôi để bố mày đưa đi, đàn ông thì sẽ mạnh mẽ hơn”. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải những người bố cũng nhìn được sự “yếu đuối” từ người bạn đời của mình mà kìm giấu đi những cảm xúc xa con? Có lẽ là thế đấy nên ai cũng cố tỏ ra mạnh mẽ để dành trọn sự an tâm và vui vẻ cho đứa con của mình. Người mẹ ở miền nào thì cũng vậy, yêu thương con, lại thương hơn khi nó đi xa nhà, ít được về. Những dịp lễ Giáng sinh, Tết Đoan Ngọ, lễ Khai Giảng…luôn làm cho tôi nhớ nhà, cái cảm giác nhớ ấy khó diễn tả, vừa man mác, vừa chất chứa, có khi là cồn cào đẩy lên sống mũi cay cay mỗi khi ai nhắc về gia đình.

Nhưng đổi lại, ngôi nhà thứ hai ENDM đã dạy cho tôi nhiều điều, ở đây có những thứ ngoài xã hội kia không dạy, ngoài đó cũng không có luôn. Nói nơi đây là “gia đình hay là nhà” cũng không đúng, vì chẳng có bố có mẹ, có anh chị em của tôi. Nói nơi đây là kí túc xá hay nhà trọ cũng không phải, vì nơi đây không sống buông thả, lôi thôi được. Nơi đây “không có tên” rõ ràng cho những con người đi tìm kiếm những hư vô nhưng nó có tên riêng với mỗi người ở trong ngôi nhà ấy. Nhiều khi tên của nó là Hạnh Phúc, nhiều lúc là Hiểu Biết, là Gắn Kết, là Tình Yêu. Có những khoảnh khắc cô đơn, bỏ lại khi sống cho riêng mình thì đặt tên nó là Kiêu Căng, là Ích Kỉ. Nơi đây là “xã hội, cuộc sống” ví như nó là một bộ sách vô số chữ, thì mỗi người có cách đọc của riêng mình. Ví như là một câu hỏi có nhiều lời giải, thì mỗi người chị em có đáp án của riêng mình. Ví nó như là một tách trà, thì mỗi người có cách thưởng thức nơi lưu xá ấy theo cách của riêng mình.

Cũng chẳng hiểu vì sao tôi có tình cảm đặc biệt với nơi này. Tôi yêu con đường đầy lá vàng rơi và dài đằng đẵng từ cổng vào nhà, tôi yêu những chiếc áo dài xám của các Sơ Dòng Đức Bà Truyền Giáo (RNDM) tung bay trong gió cứ nườm nượp của mỗi buổi sáng tinh mơ bước vào nhà nguyện. Tôi mến những nụ cười tỏa nắng và sự thân thiện của các Sơ nơi này, tôi ngưỡng mộ các Sơ nhà hưu nơi đây. Rồi tôi yêu cả những khói bụi, sự ồn ào của các công nhân đang thi công ngôi nhà nguyện mới, vì nơi tôi ở sắp có một nơi thờ phượng linh thiêng. Nhiều khi cũng yêu cả những tiếng hát hò thâu đêm của nhà văn hóa bên cạnh nhà dòng, yêu cả những ngày thức khuya để làm chương trình, những ngày quét lá nguyên cả con đường dài ơi là dài ấy! Và tôi trân trọng sự gặp gỡ, đón nhận và chung sống với nhau trong tình chị em ở ngôi nhà ENDM. Là nhà mà, ở đây có mẹ và những người mẹ ấy kiêm luôn cả vai bố, nên nơi đây cũng cho tôi cảm giác nhớ khi tôi bỗng đi “lạc đường”, tôi hay vu vơ ngồi nghĩ về chữ viết tắt của lưu xá ENDM. Khi nhớ nhà thì tôi hay nghĩ nó là “Em Nhớ Đến Mẹ”, khi “bị lạc” tôi nghĩ về cuộc đời “Em Nhớ Đến Missions”, rồi bỗng một ngày tôi nhận ra vì sao tôi yêu nơi này đến thế thì tôi nghĩ nó là “Em (ở trong) Notredam Des Missions”. Ah hay quá! Câu trả lời bấy lâu nay tôi tìm, tôi đang ở trong không gian, khuôn viên ấy, tôi cũng đang được cộng tác vào sứ vụ của các Sơ Đức Bà Truyền Giáo để lan tỏa Tin Mừng cho người xung quanh.

Từ khi tôi đi tiễn đưa bà cố của Sơ phụ trách về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi lại càng nhớ về gia đình hơn, giờ là da diết, trọn vẹn và phó thác ước nguyện cho nơi ấy. Khi những người đi tu, những người dâng hiến trọn thanh xuân và cuộc đời cho Đấng Tạo Hóa, họ cũng đã hoàn toàn tra tay cày mà chẳng ngoái lại, để khi mẹ cha của mình từ giã cõi đời này họ cũng chẳng kịp chào lần cuối. Tôi cảm phục điều ấy và không biết mình có thể làm được không. Trước Thánh Thể tôi hay cầu xin “Xin Chúa và Mẹ gìn giữ bố mẹ con, xin cho con được biết trước giờ khắc bố mẹ của con lìa trần, xin ơn chết lành cho bậc sinh thành dưỡng dục con và cho con được nói, được nắm tay được nằm chung với các ngài”. Xin xong thì thấy mình thật tham lam, ích kỉ, đổi lại mấy điều xin đó sao không sống cho đừng hối tiếc khi họ phải lần lượt chia tay mình? Và tôi xin sự phó thác, xin sự bắt đầu. Để mỗi khoảnh khắc trong ngày sống tôi luôn biết Bắt Đầu và lại Bắt Đầu.

Vân Anh

Sinh viên Lưu xá Dòng Đức Bà Truyền Giáo