Bài 32: Sách Giô-en

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sách ngôn sứ Mi-kha. Hôm nay chúng ta đến với một ngôn sứ của thời hậu lưu đày. Đó là ngôn sứ Giô-en. Trong nguyên ngữ Do-thái, danh xưng Giô-en có nghĩa là “Đức Chúa là Thiên Chúa”. Tác phẩm mang tên ngôn sứ Giô-en không cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin cá nhân cũng như ơn gọi của ngôn sứ Giô-en. Câu đầu tiên của tác phẩm cho chúng ta biết Giô-en là con của ông Pơ-thu-en (Ge 1,1).

Thêm vào đó, từ những biến cố và sự kiện được trình bày trong tác phẩm phần nào cho chúng ta thấy bối cảnh xã hội thời của Giô-en. Vào thời đó, tường thành (2,9) và đền thờ Giê-ru-sa-lem (1,14) đã được tái thiết. Các tư tế đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, chính trị và tôn giáo của cộng đoàn (1,13). Từ những dữ liệu được đề cập phần nào giúp chúng ta khẳng định rằng Giô-en thực thi sứ vụ của mình vào khoảng 400 tCn.

Giô-en là người có kiến thức về văn chương, đặc biệt là văn chương ngôn sứ. Ông đã kết hợp những thông điệp của các ngôn sứ trước đó vào trong tác phẩm của mình. Đặc biệt là thông điệp về “Ngày của Đức Chúa” (Ge 2,1; Am 5,18-20) và lời mời gọi sám hối tận căn.

II. NỘI DUNG

1. Bố cục

Sách Giô-en được chia thành 2 phần chính:

Phần I: Những lời sấm liên quan đến nạn châu chấu và hạn hán (1,1-2,27)
Nạn hạn hán (1,1-12)
– Lời mời gọi sám hối và cầu nguyện (1,13-20)
– Nạn châu chấu (2,1-11)
– Lời mời gọi sám hối và cầu nguyện (2,12-17)

Phần II: những lời sấm liên quan đến Ngày của Đức Chúa (3,1-4,21)
Chúc lành cho Ít-ra-en (3,1-5)
Phán xét trên các dân tộc (4,1-16)
– Chúc lành cho Ít-ra-en (3,17-21)

Phần đầu của tác phẩm diễn tả cho ta thấy ngôn sứ Giô-en và toàn dân Giê-ru-sa-lem phải đối mặt với nạn châu chấu và hạn hán. Những tai họa này xảy ra được xem như là dấu chỉ của việc Chúa không hài lòng với lối sống của dân chúng. Điều này khiến Giô-en, ngay khởi đầu, đã kêu gọi dân chúng sám hối ăn năn vì chính tội của họ đã làm cho Thiên Chúa tức giận: “Hãy ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng, triệu tập các cụ già và toàn thể cư dân trong xứ tại Nhà Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi. Hãy kêu lên Đức Chúa” (Ge 1,14). Khi Đức Chúa nghe tiến kêu van của dân chúng thì Người tỏ lòng thương xót mà thứ tha và ban ân sủng.

Phần thứ hai trình bày những lời sấm về “Ngày của Đức Chúa” đang đến: “Hãy rúc tù và tại Xi-on, hãy kêu la trên núi thánh của Ta! Run lên đi, mọi cư dân trong xứ, vì Ngày của Đức Chúa đến rồi, Ngày ấy đã kề bên.” (Ge 2,1). Có hai khía cạnh nổi bật khi nói về “Ngày của Đức Chúa”. Khía cạnh thứ nhất là ân sủng của Thiên Chúa được trao ban: “Hỡi con cái Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chính Người đã ban cho anh em mưa đầu mùa bởi vì Người thành tín. Người cũng cho mưa rào đổ xuống trên anh em, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa như thuở trước. Lúa mì đầy ắp sân, rượu mới, dầu tươi tràn bể chứa” (Ge 2,23-24). Khía cạnh thứ hai nhấn mạnh về một cuộc phán xét kinh hoàng trên các dân (Ge 4,12-13). Trong ngày Phán xét, con cái nhà Giu-đa được Chúa thương cứu giúp (Ge 4,20-21).

2. Sứ điệp của Sách Giô-en

a. Ngày của Đức Chúa (Yôm Adônai)

Sứ điệp chủ đạo của sách Giô-en là lời tuyên bố về “Ngày của Đức Chúa”. Thuật ngữ “Ngày của Đức Chúa” được các ngôn sứ sử dụng để diễn tả việc Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử của nhân loại. Sự can thiệp của Thiên Chúa vừa mang tính tích cực vừa mang tính tiêu cực. Sự can thiệp của Đức Chúa có thể mang lại ơn cứu độ cho kẻ công chính, nhưng đồng thời có thể mang đến sự phá huỷ và tiêu diệt đối với kẻ bất chính. Có thể là ngày của phúc lành và hân hoan vì Chúa xuất hiện để tiêu diệt kẻ thù. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a diễn tả: “Ngày của Đức Chúa” là ngày của cơn thịnh nộ, ngày khốn quẫn gian truân, ngày huỷ diệt và tàn phá, ngày tối tăm mịt tù, u ám và ảm đạm.

Đối với Giô-en, “Ngày của Đức Chúa”, trước hết, là ngày “Phán xét”, một ngày đáng sợ: “Trước mặt chúng, đất run rẩy, trời chuyển rung. Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa. Tiếng Đức Chúa đã vang lên trước đạo binh của Người, vì binh đội của Người rất đông đảo, kẻ thi hành lời Người thật hùng mạnh, và Ngày của Đức Chúa thật lớn lao và rất đáng sợ! Nào ai chịu nổi? (Ge 2,10-11).

Tuy nhiên, “Ngày của Đức Chúa” không chỉ là ngày trừng phạt mà còn là ngày của ân phúc. Trong ngay đó, Đức Chúa thi ân giáng phúc cho Ít-ra-en: “Hỡi con cái Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chính Người đã ban cho anh em mưa đầu mùa bởi vì Người thành tín. Người cũng cho mưa rào đổ xuống trên anh em, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa như thuở trước. Lúa mì đầy ắp sân, rượu mới, dầu tươi tràn bể chứa…. Các ngươi sẽ biết rằng giữa Ít-ra-en, có Ta hiện diện, Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, không có chúa nào khác. Và dân Ta sẽ chẳng bao giờ xấu hổ nữa” (Ge 2,23-27). Đó là ngày mà Đức Chúa ban ơn cứu độ cho Ít-ra-en: “Giu-đa sẽ có người ở mãi mãi, Giê-ru-sa-lem sẽ có người ở đến muôn đời. Ta sẽ trả thù cho máu của họ, Ta sẽ không bỏ qua mà không trừng phạt chúng” (Ge 4,20-21).

“Ngày của Đức Chúa” trong sách Giô-en còn diễn tả chiều kích khải huyền. Đó chính là ngày quang lâm, ngày của tạo dựng mới, một kỷ nguyên mới: “Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3,1). Trong Tân Ước, thánh Phê-rô trích dẫn thị kiến này của Giô-en để cho thấy những gì Gio-en nhìn thấy trong thị kiến, nay trở thành hiện thực trong biến cố lễ Ngũ Tuần, các tông đồ được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần (Cv 2,17-21). Thánh Phao-lô trích dẫn Ge 3,5 để khẳng định rằng tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được giải thoát (Rm 10,13).

  1. b. Sám hối tận căn

Nối kết với thông điệp “Ngày của Đức Chúa”, Giô-en kêu mời toàn dân Ít-ra-en hoán cải và lắng nghe lời Chúa: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 1,11). Không chỉ bằng những hình thức bề ngoài nhưng còn bằng cả nội tâm. Sự sám hối phải xuất phát từ con tim, trung tâm của suy nghĩ và quyết định của con người: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”. Nguyên nhân dẫn đến việc sám hối tận căn đó là “bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 1,13). Giô-en cho chúng ta thấy: Thiên Chúa biết nổi giận trước những việc gian ác con người làm, nhưng trên hết, Người yêu thương và tha thứ cho dân vì lỗi lầm và tội ác họ đã làm.

  1. III. KẾT LUẬN

Sứ điệp của Giô-en là niềm hy vọng cho Ít-ra-en năm xưa và cho mỗi chúng ta hôm nay. Niềm hy vọng được đong đầy bởi tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa đáp lại sự thống hối, lời cầu nguyện và than van chân thành của chúng ta. Giô-en loan báo rằng Thiên Chúa không bỏ chúng ta nhưng luôn ở giữa chúng ta, lắng nghe chúng ta và đáp trả bằng hành động đầy quyền năng để cứu độ chúng ta.

Như thế, sứ điệp của ngôn sứ Giô-en vẫn tiếp tục thôi thúc chúng ta ngày hôm nay, cách đặc biết, trong Mùa Chay Thánh mà chúng ta chuẩn bị bước vào. Ước gì những lời mời gọi sám hối chân thành của Giô-en thẩm thấu vào trái tim của mỗi người chúng ta, ngõ hầu chúng ta thực sự trở về với Chúa và sẵn sàng đón nhận hồng ân cứu độ mà Người ban tặng cho chúng ta qua Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng ta.

“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,13).

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org