I. DẪN NHẬP
Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sách Ê-dê-ki-en. Hôm nay, chúng ta đến với sách Đa-ni-en. Trong truyền thống Hy-lạp và Công giáo, sách Đa-ni-en được xếp ngay sau sách Ê-dê-ki-en. Tuy nhiên, trong truyền thống Do-thái, sách Đa-ni-en không nằm trong số các sách Ngôn sứ, mà nằm ở phần các sách Văn chương.
Tác giả sách Đa-ni-en dùng hai thể văn đặc biệt, đó là, kể chuyện và khải huyền. Cả hai thể văn này đều không nhằm trình bày những biến cố lịch sử một cách chính xác, nhưng muốn đưa ra những bài học về đức tin, đức hạnh và đồng thời cũng tỏ lộ những điều huyền bí.
II. BỐ CỤC
Sách Đa-ni-en được chia thành 3 phần chính:
- Phần I: Những trình thuật về Đa-ni-en và các người bạn trẻ tại triều đình Ba-by-lon (1,1-6,29). Phần này quảng diễn đức tin và đức hạnh của Đa-ni-en và 3 người bạn.
- Phần II: Những thị kiến của Đa-ni-en(7,1-12,13). Phần này gồm 4 thị kiến, được mặc khải qua giấc mơ hay qua thiên thần, trong đó Đa-ni-en, qua những hình ảnh biểu tượng, trình bày một giải thích cho những biến cố trong quá khứ cũng như tương lai. Những biến cố này đạt đến cao điểm nhất trong việc các kẻ thù của Ít-ra-en bị tiêu diệt. Rõ ràng hơn, Đa-ni-en được mạc khải cho thấy sự hình thành liên tục bốn vương quốc xâm chiếm dân Chúa, dân Do-thái, kể từ khi Ba-by-lon thâu tóm Giu-đa đến thời mà chính Thiên Chúa sẽ tái thiết vương quốc của Ngài cho dân Ngài bằng việc tiêu diệt mọi kẻ thù của Ít-ra-en.[1]
- Phần III: Những câu chuyện của Đa-ni-en (13,1-14,42). Phần này gồm 3 câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên về bà Su-san-na cho thấy sự khôn ngoan của Đa-ni-en. Hai câu chuyện kế tiếp về thần Ben và con rắn cho ta thấy Đa-ni-en từ chối thờ phượng một pho tượng lớn của thần Ba-an và một con rắn lớn. Cuối cùng, Đa-ni-en được Thiên Chúa cứu thoát trong hầm sư tử.
III. NỘI DUNG
1. Đa-ni-en là ai?
Danh xưng “Đa-ni-en”, trong nguyên ngữ Do-thái, có nghĩa rằng: “Thiên Chúa là Thẩm phán của tôi”. Đa-ni-en là nhân vật chính trong sách Đa-ni-en. Trong tác phẩm này, Đa-ni-en được giới thiệu là một tràng thanh niên bị đem đi lưu đầy ở Ba-by-lon thời vua Na-bu-cô-đô-nô-xô vào năm 605 tCn. Đa-ni-en có thể đã thực thi sứ vụ ở Ba-by-lon 70 năm, từ năm 605 đến 535 tCn.
Đa-ni-en được Đức Giê-su gọi với tước hiệu là một ngôn sứ (x. Mt 24,15). Nhà sử gia Do-thái Josephus, trong tác phẩm Người Do Thái Cổ Đại, khẳng định Đa-ni-en là một ngôn sứ vĩ đại, là một ngôn sứ của Tin mừng (x. Josephus, Ant. 10.11.7.266-68).
2. Sứ điệp của sách Đa-ni-en
Sách Đa-ni-en mang đến cho độc giả đương thời cũng như chúng ta hôm này những sứ điệp thần học sâu sắc. Mặc dù bốn vương quốc Ba-by-lon, Mê-đi, Ba-tư và Hy-lạp xuất hiện trong sách Đa-ni-en, nhưng tác giả sách Đa-ni-en không có ý cung cấp độ chính xác theo trình tự thời gian của các sự kiện lịch sử. Nói cách khác, tác giả sách Đa-ni-en không có ý cung cấp một cuốn sách giáo khoa lịch sử, nhưng mô tả cách Thiên Chúa hành động trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong lịch sử của người Do-thái. Mục tiêu của sách Đa-ni-en là trả lời cho những câu hỏi về quyền năng của Thiên Chúa, về những điều Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài, về đời sống đức tin và đức hạnh của những người Do-thái, và về sự phục sinh.
a. Quyền tối thượng của Thiên Chúa của Ít-ra-en
Trước hết, sách Đa-ni-en khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tác giả của Đa-ni-en chủ yếu quan tâm đến việc chứng minh sự vượt trội của sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhà Ít-ra-en so với sự khôn ngoan đơn thuần của con người, của những người ngoại giáo. Chúa giải cứu những người trung thành khỏi những kẻ bắt bớ họ. Ngài ban thưởng cho những người trung tín. Đồng thời, sách Đa-ni-en giải thích ý nghĩa trong thị kiến của Đa-ni-en: Việc thiết lập quyền năng và quyền tối thượng của Thiên Chúa trên các quốc gia được thiết lập trong tương lai. Nói cách khác, tác giả của Đa-ni-en miêu tả Đức Chúa của Ít-ra-en là Chủ nhân của lịch sử, Đấng sử dụng sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế quốc như những bước chuẩn bị trong việc thiết lập triều đại phổ quát của Ngài trên tất cả mọi dân mọi nước.
b. Vương quốc Thiên Chúa
Thứ đến, tác giả sách Đa-ni-en diễn tả việc Thiên Chúa sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đứng vững (2,44; 4,31). Vương quốc Thiên Chúa đến một cách huyền nhiệm và bất thình lình như “tảng đá nhỏ bị tách khỏi núi” đập tan và thay thế các vương quốc khác (2,34.45). Vương quốc Thiên Chúa mang tính hoàn vũ như tảng đá “trở thành một hòn núi choán hết mặt đất” (2,45). Vương quốc Thiên Chúa được thiết lập bởi chư thánh, nghĩa là dân được chọn mà vương quốc dành cho họ đời đời (7,18-28)
Sự xuất hiện của vương quốc Thiên Chúa được mang đến bởi một hình dáng vừa Thiên Chúa vừa con người: Con Người. Hình dáng này khá khác biệt với ý tưởng về Đấng Mê-si-a, một vị vua được xức dầu. Hình dáng “Con Người” trong Đa-ni-en rõ ràng là một hình dáng mang tính cách cứu thế, Đấng sẽ cai trị trên Ít-ra-en và toàn thể vũ trụ. Thuật ngữ “Con Người” được chính Đức Giê-su dùng nhiều để quy về chính mình. Các tác giả Tân ước đã áp dụng hình ảnh “Con Người” này cho Đức Giê-su, nhất là trong văn cảnh của cuộc thương khó và quang lâm (x. Mt, 26,64).
c. Người trung tín Do-thái phải làm gì?
Thêm vào đó, sách Đa-ni-en xuất hiện như một câu trả lời cho một thành phần tôn giáo bị bách hại trong thế kỷ II tCn. Cuốn sách muốn cung cấp cho người Do-thái đang bị bách hại những câu trả lời mang niềm an ủi, khích lệ, và hy vọng. Bằng cách cung cấp niềm hy vọng chắc chắn này, tác giả của Đa-ni-en khuyến khích người Do-thái trung thành với tôn giáo tổ tiên của họ vào thời điểm mà họ không chỉ cảm thấy sự quyến rũ của nền văn hóa thế gian, mà còn phải chịu đựng một cuộc bách hại đẫm máu để khiến họ từ bỏ luật pháp của Mô-sê và chấp nhận tôn giáo của An-ti-ô-kô IV Ê-pi-pha-nê.
Trong bối cảnh này, mỗi người Do-thái đều có sự lựa chọn căn bản, đó là đón nhận hay từ chối Thiên Chúa. Những ai tin tưởng vào Thiên Chúa và trung thành với Lề luật của Người, thì tương tự như Đa-ni-en và những người bạn, trở thành dấu chỉ và biểu tượng của sự siêu việt cho những ai đang trong sự chán chường và thất vọng, những ai sợ thiệt thân và không có một niềm hy vọng vào sự sống đời sau. Điều này được minh chứng qua câu chuyện của 3 thanh niên bị bỏ vào lò lửa. Khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo hỏi 3 bạn trẻ “Liệu có Thiên Chúa nào cứu được các người khỏi tay ta không?” với đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, họ thưa với vua: “Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” (Đn 3,16-18). Qua câu chuyện 3 thanh niên bị bỏ vào trong lò lửa, sách Đa-ni-en muốn nói cho chúng ta điều này là một đức tin chân chính vào Thiên Chúa chân thật, Đấng nâng đỡ mọi tín hữu, sẽ cho họ khả năng chống lại mọi khốn khó để luôn luôn trung thành ngay cả khi cũng chính Thiên Chúa đó giữ yên lặng.
d. Sự sống lại của kẻ chết
Bên cạnh những điểm nhấn về quyền tối thượng và vương quốc phổ quát của Thiên Chúa, cùng với sự trung tín của những người Do-thái đạo đức, tác giả sách Đa-ni-en khai mở niềm hy vọng cho kẻ chết được phục sinh. Sự sống lại của kẻ chết là một giáo lý rõ ràng nhất được tìm thấy trong sách Đa-ni-en so với các sách Cựu ước khác. Trước thời điểm của sách Đa-ni-en, người Do-thái vẫn tin vào sự bất tử của linh hồn, nhưng bị giữ dưới lòng đất, một nơi có tên là “Shêol”. Nhưng từ nay, niềm tin và hy vọng vào sự sống lại được xác tín, và sau này trở thành niềm tin của phái Pha-ri-sêu, được xác quyết bởi chính Đức Giê-su, được loan báo bởi thánh Phao-lô (Rm 6,5) và được tuyên xưng bởi Giáo hội.
IV. KẾT LUẬN
Sách Đa-ni-en để lại cho chúng ta những chân lý thật là vĩ đại về quyền tối thượng, vương quốc phổ quát của Thiên Chúa, về đức tin và đức hạnh của những người Do-thái đạo đức. Đa-ni-en và các người bạn là dấu chỉ của quyền năng tối thượng của Thiên Chúa, và là mẫu gương của đời sống đức tin và đức hạnh, được thực hiện qua việc tuyên xưng đức tin, cầu nguyện, ăn chay, tìm hiểu sách Luật, và học cách xử thế.
Đa-ni-en và các người bạn trẻ cũng là tấm gương của sự can đảm, trung tín trước những đe dọa của cường quyền cho dù nguy hại đến cả tính mạng. Họ là những tấm gương lý tưởng cho những người mộ đạo trong thời kỳ bách hại và cho những tín hữu hôm nay. Tóm lại, đối với tác giả của sách Đa-ni-en, Thiên Chúa là Chủ của lịch sử hoàn vũ. Ngài có quyền thiết lập vương quốc của Ngài trên mọi dân nước, và chỉ có những người trung tín như Đa-ni-en và những người bạn trẻ mới trải nghiệm sự toàn thắng bất diệt ở đời sau.[2]
[1] Phạm Hữu Quang, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh (nxb Đồng Nai, 2021), tr. 1144.
[2] Phạm Hữu Quang, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh (nxb Đồng Nai, 2021), tr. 1179.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: