Bài 26: Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a

I. DẪN NHẬP

    Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sách Ngôn sứ I-sai-a. Hôm nay, chúng ta đến với cuốn sách lớn thứ hai trong bộ Thánh Kinh sau sách I-sai-a, đó là sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a gồm 52 chương. Cuốn sách này dẫn chúng ta quay trở lại lịch sử Dân Thiên Chúa vào cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ thứ VI tCN. Vào cuối thế kỷ VII, bối cảnh lịch sử ở vùng Cận Đông có nhiều biến động phức tạp. Sự tranh giành quyền lực giữa ba đế quốc lớn, đó là Ai-cập, Át-sua và Ba-by-lon. Năm 722, vương quốc miền Bắc là Ít-ra-en đã bị Đế quốc Át-sua thâu tóm. Như thế, còn lại vương quốc miền Nam với hai chi tộc nhỏ bé là Giu-đa và Ben-gia-min phải đương đầu với tham vọng thâu tóm quyền lực của ba đế quốc hùng mạnh này. Tình trạng nguy kịch của nhà Giu-đa không chỉ được diễn tả trong đường lối chính trị mà cả trong đời sống tôn giáo. Tội thờ thần ngoại và những hành xử bất công của nhà Giu-đa khiến Đức Chúa phật lòng. Điều này khiến nhà Giu-đa rơi vào tình trạng diệt vong. Tuy nhiên, với tấm lòng trắc ẩn, Chúa đã cho xuất hiện giữa Giu-đa một vị ngôn sứ để giúp họ tránh khỏi cơn thảm họa. Vị ngôn sứ đó là ai?

    II. NỘI DUNG

    1. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a

        Vị ngôn sứ đó chính là Giê-rê-mi-a. Danh xưng “Giê-rê-mi-a” có nghĩa là: “Đức Chúa đã thiết lập và phá hủy”. Danh xưng của ông mang theo sứ điệp mà chính ông dành khoảng 40 năm để loan báo. Giê-rê-mi-a sinh vào khoảng năm 650-645 tCN tại một làng bé nhỏ A-na-thốt cách Giê-ru-sa-lem không xa về phía Đông Bắc. Giê-rê-mi-a có người cha tên là Khít-ki-gia-hu, thuộc về gia đình tư tế, nhưng dường như ông không thực hành tác vụ này. Giê-rê-mi-a được gọi làm ngôn sứ khi con trẻ tuổi. Chúa phán với Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Ông sống độc thân theo lệnh truyền của Đức Chúa: “Ngươi đừng cưới vợ; đừng có con trai, con gái ở nơi này! (Gr 16,2). Ông dùng chính đời sống mình mà diễn tả tình cảnh tuyệt vọng trong đó dân của ông đang sống: một dân không có tương lai.

        2. Sứ vụ sứ điệp của Giê-rê-mi-a

        Đức Chúa gọi Giê-rê-mi-a trở thành ngôn sứ cho Giu-đa và các dân tộc đang trong thời kỳ khủng hoảng chính trị. Giê-rê-mi-a hoạt động rất mạnh cho đến khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ vào năm 587 tCN. Ông không bao giờ ngừng lên án hai điều xấu xa thời ông, đó là thờ thần ngoại và những hành xử bất công. Ông đấu tranh không ngừng nghỉ với hai tệ nạn này, ngay cả khi bản thân phải chịu nhiều đau khổ lớn lao và bị bách hại. Nhưng ông cũng dịu dàng và đầy thương cảm với dân chúng, thường lên tiếng bênh vực họ và không ngừng công bố nhu cầu cấp bách phải hoán cải hầu Ít-ra-en được tồn tại.

        Trước hết, Giê-rê-mi-a tố cáo tội bất tuân của nhà Giu-đa. Trong lãnh vực chính trị, Giê-rê-mi-a muốn Giu-đa tuần phục Ba-by-lon nhưng các quan của nhà vua lại muốn làm bạn với Ai-cập. Lập trường này không được những người đương thời, và cách riêng chính quyền Giê-ru-sa-lem chấp nhận. Giê-rê-mi-a trở thành người đối đầu với các quan chức. Họ muốn khép ông vào tội phản quốc vì phá hoại những chính sách quốc gia và bào mòn ý chí chống giặc của dân chúng. Họ đã quẳng Giê-rê-mi-a xuống một cái giếng đầy bùn để cho ông chết đói. Ông đã thoát chết nhờ sự can thiệp của một quan chức người Ê-ti-óp của nhà vua (x. Gr 38,7-13).

        Về mặt tôn giáo, nội dung sứ điệp của Giê-rê-mi-a là phải vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, được diễn tả qua Giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Ít-ra-en. Giê-rê-mi-a, dưới sự ảnh hưởng của ngôn sứ Hô-sê, tái khẳng định Giao ước tình yêu giữa Đức Chúa và Ít-ra-en được biểu chưng hoá nơi giao ước hôn nhân giữa người nam và người nữ. Dựa trên nền tảng của Giao ước này, Giê-rê-mi-a tố cáo tội ngoại tình của Giu-đa. Giu-đa đã bỏ Chúa mà đi thờ các thần ngoại. Thời đó, Giê-rê-mi-a chứng kiến tại Giê-ru-sa-lem và trên khắp lãnh thổ Giu-đa, người ta thực hành những lề thói tôn giáo và thờ cúng các thần ngoại khác. Và lý do dân sống trong tội lỗi là do vua chúa, tư tế và ngôn sứ giả những người chỉ ru ngủ dân để đưa họ vào con đường xấu (Gr 5,31). Sứ vụ của Giê-rê-mi-a trở nên hết sức là khó khăn và nguy hiểm vì ông phải “lội ngược dòng”. Ông đương đầu với dân thành Giê-ru-sa-lem khi tố cáo họ về việc làm ô uế Đền thờ. Giê-rê-mi-a cảnh báo cho người Giu-đa biết rằng: nếu họ không từ bỏ các ngẫu tượng, thảm họa của một cuộc xâm chiếm bởi kẻ thù phía Bắc sẽ là hành động trả thù của Đức Chúa cho thái độ ngoại tình của dân. Mặc dù được ngôn sứ cảnh báo, nhưng vua Giu-đa không thay đổi về cách hành xử về tôn giáo cũng như chính trị (ch. 36). Vua đốt các lời sấm của Giê-rê-mi-a. Giê-rê-mi-a bị bách hại và phải trải qua một cuộc khủng hoảng về đức tin. Giê-rê-mi-a là ngôn sứ của lòng thương cảm của Thiên Chúa. Khi dân từ chối nghe lời ông giảng dạy, không những bản thân ông cảm thấy thống khổ, nhưng còn cảm nhận nhiều hơn nữa nỗi đau của chính Thiên Chúa bị dân ruồng bỏ.

        Thứ đến, Giê-rê-mi-a kêu gọi Giu-đa trở lại. Giữa những lời kết án, Giê-rê-mi-a luôn kêu gọi dân trở lại với Đức Chúa. Ông nhấn mạnh đến tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón nhận dân chúng trở lại với Chúa. Người luôn tha thứ sự bất trung và lại coi Ít-ra-en như người vợ yêu dấu của mình (Gr 2,2-3; 3,12; 3,19-20). Chúa tha thiết gọi mời Ít-ra-en trở về: “Trở về đi, hỡi Ít-ra-en phản bội … Ta sẽ không nghiêng nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng thương và Ta không giận dữ mãi đâu” (Gr 3,11-12). Khi suy tư về tội, Giê-rê-mi-a nghiệm thấy rằng tội lỗi là một tình trạng (Gr 22,12) làm cho người ta không còn mau mắn quay về với Giao ước nữa. Tình trạng của Ít-ra-en không còn lối thoát nào, ngoài ơn Chúa. Giê-rê-mi-a hiểu rằng: một cuộc hoán cải thực sự để trở về với Đức Chúa trên bình diện con người là không thể. Chính Đức Chúa đã phải biến đổi trái tim con người, và có như thế Giao ước giữa Thiên Chúa với dân người mới trở nên bền vững muôn đời.

        Sau cùng, Giê-rê-mi-a công bố về việc Thiên Chúa sẽ tái tạo dân Người. Đây chính là sứ điệp hy vọng mà Giê-rê-mi-a loan báo trong những năm cuối đời. Trong khi dân bị lưu đầy, Giê-rê-mi-a nói với dân về thời gian lưu đầy chỉ là 70 năm, sau đó Thiên Chúa sẽ đưa dân trở lại vùng đất họ đã được hứa cho làm gia nghiệp. Dấu chỉ tỏ tường của niềm hy vọng đó chính là việc Thiên Chúa sẽ thiết lập Giao ước mới. Ở Gr 31,31-34, Giê-rê-mi-a trông thấy ngày Thiên Chúa sẽ làm mới lại giao ước với Ít-ra-en. Sẽ không giống giao ước đầu tiên trên núi Xi-nai đòi hỏi Ít-ra-en phải tuần phục Thiên Chúa hết lòng hết dạ hết sức. Thay vào đó, Giao ước mới sẽ được viết trong tâm khảm con người, và sẽ được thần khí Thiên Chúa ban sức mạnh biến nó thành thực tại. Trong quá khứ, Ít-ra-en chưa bao giờ đủ sức thực hiện việc vâng phục bằng sức riêng của mình. Giờ đây, Thiên Chúa sẽ không chỉ ban giao ước mới mà còn ban ân sủng để dân có thể sống trọn vẹn giao ước.[1] Trật tự mới này sẽ hợp nhất Giu-đa và Ít-ra-en, nhưng chỉ sau cuộc lưu đày khi sự cứng đầu của họ trong tội lỗi được thanh luyện.

        III. KẾT

          Sau khi tìm hiểu tổng quan Sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, chúng ta có thể rút ra một số bài học:

          Thứ nhất, ơn gọi của Giê-rê-mi-a là một chặng đường thánh giá, một hành trình dẫn ngang qua đau khổ đến chiến thắng sau cùng. Với sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, Giê-rê-mi-a đã cho người Do-thái cũng như mỗi người Ki-tô hữu chúng ta một mẫu gương biết chấp nhận những đau khổ của cuộc sống lưu đày trong niềm tín trung và hy vọng.

          Thứ hai, con đường thập giá của Giê-rê-mi-a tiên báo con đường thập giá của Đức Giê-su. Qua con đường thập giá, Đức Giê-su đã mặc khải Thiên Chúa Cha. Chúa Giê-su đã đến như “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Gr 11,19; Mt 12,18). “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Chính trên cây thập giá, niềm hy vọng của muôn dân được tìm thấy nơi Đức Giê-su.

          Sau cùng, Giao ước mới mà Giê-rê-mi-a tiên báo được hiện thực hóa nơi Đức Giê-su Ki-tô. Chính Ki-tô ban Giao ước mới trong bữa tiệc Vượt qua, như thánh sử Lu-ca trình thuật cho chúng ta: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22,19-20, Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; 1 Cr 11,23-25). Quả thật, trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa hoàn thành mạc khải lớn nhất về tình yêu của Người; trong đó Thiên Chúa thể hiện sức mạnh tình yêu thương của Người qua việc thay đổi trái tim con người và nuôi dưỡng đời sống của các tín hữu.


          [1] Lawrence Boadt, Dẫn vào Cựu Ước, tr. 460-461.

          Nguồn: tonggiaophanhanoi.org