Bài 24 – Tổng quan các sách Ngôn Sứ

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về trào lưu ngôn sứ Thánh Kinh. Có nhiều ngôn sứ trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, không phải ngôn sứ nào cũng là một văn sĩ. Chỉ có một số ít các ngôn sứ để lại cho chúng ta những tác phẩm mang danh các ngài.

Trong bài học tuần này, chúng ta tìm hiểu tổng quan các sách Ngôn sứ. Chúng ta biết rằng trước khi các bản văn được hình thành, tất cả di sản thiêng liêng của các ngôn sứ đã được phổ biến để suy tư nghiền ngẫm lâu ngày, làm tiêu chuẩn đời sống dân Chúa qua truyền thống truyền khẩu.

Từ truyền thống truyền khẩu, những bản văn riêng lẻ được hình thành, sau đó được biên soạn thành những tập riêng do chính bởi các ngôn sứ hay là những người môn đệ của các ngài. Các soạn giả này là những người được linh hứng bởi cùng một Thánh Thần đã hoạt động nơi các ngôn sứ.

II. PHÂN LOẠI CÁC SÁCH NGÔN SỨ

Các ngôn sứ để lại cho chúng ta những tác phẩm nào? Theo truyền thống Ki-tô giáo, các sách Ngôn sứ bao gồm các ngôn sứ lớn và các ngôn sứ nhỏ.

– Các ngôn sứ lớn (Đại ngôn sứ) được sắp xếp theo tuần tự: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en

Các ngôn sứ nhỏ (Tiểu ngôn sứ) gồm Mười hai ngôn sứ: Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a và Ma-la-khi.

III. ĐẠO LÝ THẦN HỌC CHÍNH YẾU TRONG SÁCH NGÔN SỨ

Ngôn sứ trước hết là con người của tôn giáo, ông nhìn mọi sự với cái nhìn tôn giáo, kể cả những biến cố chính trị, những sự kiện văn hóa đời thường. Không tự kiêu tự đại, nhưng ông vẫn tự nhận mình là đại diện chính thống của dân trong những liên hệ của họ với Thiên Chúa. Sứ vụ của người ngôn sứ là phục vụ cho Thiên Chúa mà thôi.

1. Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện, công minh và nhân từ

– Trước hết, các ngôn sứ bảo vệ niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Mặc khải về Thiên Chúa duy nhất được trình bày minh nhiên hơn trong sách Ngôn sứ. Điều này nhằm mục đích ngăn ngừa ảnh hưởng tai hại của các tôn giáo ngoại bang khiến cho việc thờ phượng Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en trở nên ô hợp như các đạo khác. Để bảo vệ niềm tin độc thần này, các ngôn sứ không chỉ đả kích việc thờ ngẫu tượng mà còn mãnh liệt tuyên bố: Chẳng có thần nào khác ngoài Đức Chúa của Ít-ra-en. Các thần ngoại chỉ là hư ảo, giả dối, hoàn toàn bất lực khi phải trợ giúp người phàm.

– Thiên Chúa không phải là một ý niệm triết học trừu tượng, cũng không phải do trí tưởng tượng của con người tạo nên, nhưng là Chúa của Ít-ra-en. Thiên Chúa bước vào lịch sử của nhân loại qua việc tuyển chọn Ab-ra-ham. Qua Ab-ra-ham, Chúa hứa ban cho một dân tộc lớn mạnh. Tại Si-nai, Chúa lập Giao ước với Ít-ra-en. Ít-ra-en trở thành dân được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa. Ít-ra-en đồng thời trở nên ánh sáng cho muôn dân, là khí cụ Chúa dùng để quy tụ muôn dân về bên Chúa.

– Đối với các ngôn sứ, Thiên Chúa còn là Đấng thánh. Ví dụ, I-sai-a thường gán cho Thiên Chúa bằng một danh hiệu đặc biệt: “Đấng Thánh của Ít-ra-en.” Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn mặc khải chính mình là Đấng công chính và nhân từ. Một Thiên Chúa sẵn sàng tuyên án phạt khi Ít-ra-en phạm tội, và đồng thời cũng sẵn sàng tha thứ khi họ ăn năn hối cải. Thiên Chúa là Đấng công chính và nhân từ không chỉ trong cách Người đối xử với Ít-ra-en mà còn đối với muôn dân nước.

2. Đấng Mê-si-a

– Thứ đến, các ngôn sứ còn loan báo về Đấng Mê-si-a. Đây là trọng tâm sứ điệp của Cựu ước nói chung và các ngôn sứ nói riêng. Đấng Mê-si-a có nghĩa là “người được xức dầu,” là niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp, một thời mà Thiên Chúa sẽ thực hiện chương trình của Người nhờ vị vua cứu thế lý tưởng mà Người đã hứa.

– Từ cái nhìn của các ngôn sứ, “Dân” của Đấng Mê-si-a sẽ là “số còn sót lại” của Ít-ra-en. Sau thời gian thử thách và thanh luyện đức tin, chỉ còn lại một “số sót” (Am 9,8-15; Is 10,25). Dân Ít-ra-en sót lại này, sau thời lưu đầy, sẽ trở về để duy trì mầm mống dân thánh và tiếp tục tiến tới Nước cánh chung sau này.

– Thời của Đấng Mê-si-a là thời người ta sẽ thật lòng trở về với Đức Chúa vì trái đất sẽ đầy tràn sự hiểu biết Thiên Chúa như nước đầy đại dương (Is 11,9).

Vậy, Đấng Mê-si-a là ai?  Đấng Mê-si-a như Đa-vít mới trổi vượt trên các vua chúa trần gian. Để thiết lập và cai trị vương quốc của Người trên mặt đất, Đức Chúa sẽ sai đến một vị đại diện. Vị ấy sẽ được Người xức dầu tấn phong. Theo lời sấm của ngôn sứ Na-than về triều đại vua Đa-vít, thì Đấng Mê-si-a ấy là một đế vương. Theo ngôn sứ I-sai-a, thì Đấng Mê-si-a là “Em-ma-nu-el”, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,14). Theo ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thì Đấng Mê-si-a là “Đức Chúa, lẽ công chính cho chúng ta” (Gr 23,6). Theo ngôn sứ Ê-dê-ki-en thì Đấng Mê-si-a là Đa-vít mới, là một hoàng thân, là vị mục tử (Ed 34, 23-24). Theo ngôn sứ Đa-ni-en, thì Đấng Mê-si-a là Con Người, lãnh nhận từ Thiên Chúa chủ quyền trên các dân các nước, một vương quyền sẽ không bao giờ qua đi.

Nói tóm lại, Đấng Mê-si-a vừa là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Vương quốc của Đấng Mê-si-a vừa mang tính lịch sử vừa mang tính cánh chung. Theo lịch sử, Nước Thiên Chúa khai mở tại Si-nai, trong việc Thiên Chúa chọn Ít-ra-en, rồi được thực hiện hoàn toàn trong hướng đi thống nhất về chính trị, và sau cùng là nền quân chủ. Nước cánh chung sau đó sẽ được thể hiện khi Thiên Chúa trực tiếp hành động trong việc biểu dương kỳ diệu sức mạnh của Người. Việc can thiệp này được gọi là “Cuộc phán xét” trong “Ngày của Đức Chúa.”

3. Đời sống luân lý

Thêm vào đó, bên cạnh việc nhận thức được rằng Thiên Chúa là Đấng thánh, là Đấng thanh khiết, các ngôn sứ chỉ ra tình trạng ô uế và tội lỗi nơi con người (Is 6,5). Tội lỗi làm cho con người xa Thiên Chúa (Is 59,2). Tội xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng công chính (A-môt), là Đấng yêu thương (Hô-sê), là Đấng thánh (I-sai-a). Tội làm cho dân Thiên Chúa hư hỏng trầm trọng (Gr 13,23), nên phải phạt vào “Ngày của Đức Chúa”.

Để thoát khỏi án phạt, con người tội lỗi được mời gọi trở về với Thiên Chúa, tìm kiếm Người (Am 5,4), nghĩa là thực hành các huấn lệnh của Người, như sống đời công chính và khiêm nhu (Mk 6,8).

4. Đời sống tôn giáo chiều sâu

Sau cùng, các ngôn sứ không bác bỏ các nghi lễ phụng tự. Tuy nhiên, các ngài đả kích những nghi lễ phụng tự duy hình thức giả tạo bề ngoài. Các ngài muốn giải thoát dân ra khỏi ảnh hưởng của những người Ca-na-an, những dân thờ thần Ba-an với nhiều nghi thức có tính dị đoan, ảo thuật, dâm đãng.

Theo các ngôn sứ, Thiên Chúa đòi hỏi một tôn giáo được nội tâm hóa. Nghĩa là nghi thức phụng tự phải đi đôi với một đời sống thực hành công lý và bắt chước theo lòng nhân ái của Thiên Chúa. Các nghi thức phụng tự phải có khả năng đưa con người vào một sự gặp gỡ thân tình và cá vị với Thiên Chúa. Đó phải là điều kiện của Giao ước mới (Gr 31,31-34), phải là động lực của mọi sinh hoạt tôn giáo và mọi nghi thức phụng tự.

Tóm lại, những nghi lễ phụng tự mà các ngôn sứ hướng đến phải được tìm thấy trong Thiên Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày qua việc thực thi công bằng xã hội và sống tốt đời sống luân lý với một tình thân mới và một trái tim biết yêu thương.[1]

IV. KẾT

Thưa cộng đoàn, sau khi tìm hiểu tổng quan bố cục cũng như đạo lý thần học chính yếu trong các sách Ngôn sứ, chúng ta rút ra những bài học sau:

– Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng duy nhất, thánh thiện, công chính và nhân từ. Người đáng được tôn thờ cách xứng hợp trong phụng tự, một phụng tự xuất phát từ trái tim yêu thương và được hiện thực hóa trong những thực tại trần thế.

Thứ hai, giống như các ngôn sứ, mối người Ki-tô hữu được kêu gọi và được sai đi bởi Thiên Chúa đến với thế giới hôm nay để chuyển giao ý muốn của Thiên Chúa, để xây dựng một vương quốc tư tế và một dân thánh dành riêng cho Thiên Chúa.

– Sau cùng, nhìn lại lịch sử Ít-ra-en, chúng ta nghiệm thấy rằng lịch sử ơn cứu độ không được tiếp tục và sẽ không bao giờ hoàn thành nếu Đấng Mê-si-a không xuất hiện trong lịch sử. Chính trong viễn tượng này, các ngôn sứ hướng về “Ngày của Chúa”, ngày cánh chung hay tương lai. Hình bóng Đấng Mê-si-a được hiểu như lời hứa của Thiên Chúa từ đầu của lịch sử nhân loại (St 3,15), được các ngôn sứ loan báo và tất cả được kiện toàn trong con người của Đức Giê-su Na-da-rét.[2]

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Phú


[1] X. Phạm Hữu Quang, Soạn giả, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh: Trào Lưu Ngôn Sứ, Bản Văn, Con Người, Sứ Điệp (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2021), tr. 202-204.

[2] Phạm Hữu Quang, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh, tr. 225.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org