Bài 22: Tổng quan về trào lưu ngôn sứ của Cựu Ước

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã khép lại bộ sách Lịch sử. Hôm nay chúng ta chuyển sang bộ sách các ngôn sứ. Trước khi bước vào tìm hiểu từng cuốn sách ngôn sứ, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về phong trào ngôn sứ Thánh Kinh. Ngôn sứ là một phần quan trọng trong lịch sử dân Ít-ra-en cũng như trong Sách Thánh.[1] Cha Vũ Phan Long có nhận định sâu sắc rằng: “Phong trào ngôn sứ Thánh Kinh không phải là một hiện tượng đơn giản và thuần nhất, nhưng ở trong một tình trạng đa dạng về hình thức, về con người, về sứ điệp, về phong cách, về những nhảy cảm và văn hóa. Mỗi ngôn sứ mang với mình trong hoạt động của ngài tất cả nhân cách riêng của ngài. Mỗi thời đại có những vấn đề, những đòi hỏi và những não trạng khác nhau và mỗi ngôn sứ là người của thời mình, với một nền văn hóa hoặc một nền giáo dục tôn giáo nào đó. Hiện tượng ngôn sứ có thể so sánh với một bức tranh khảm lớn được tạo nên bởi biết bao mảnh nhỏ màu sắc và kiểu cách, hình dạng và ví trí khác nhau.”[2] Trong bài học này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của danh xưng “ngôn sứ”, ơn gọi và sứ vụ của các ngôn sứ Thánh Kinh.

II. NỘI DUNG

1. Danh xưng “ngôn sứ”

– Trong truyền thống Thánh Kinh Do-thái, danh xưng “ngôn sứ” được sử dụng với ba thuật ngữ khác nhau. Thuật ngữ phổ biến nhất là nābî’, có nghĩa là “người được gọi” hay “người phát ngôn”. Ngoài thuật ngữ nābî’, còn có thuật ngữ rō’eh, nghĩa là “thầy thị kiến” và thuật ngữ ḥōzeh, nghĩa là “thầy chiêm” hay “thầy linh thị”.  

– Trong truyền thống Thánh Kinh Hy-lạp (bản LXX), danh xưng ngôn sứ được sử dụng với thuật ngữ prophētēs. Thuật ngữ prophētēs có nghĩa là “người nói tiên tri hay tiên báo trước”. Theo truyền thống này, chúng ta thường gọi các ngôn sứ là “tiên tri”, nghĩa là những người có thể biết trước và báo trước tương lai. Tuy nhiên, quan niệm này chưa diễn tả hết được ơn gọi và sứ vụ của các ngôn sứ.

2. Các ngôn sứ là ai và sứ vụ của các ngài là gì?

Trước hết, các ngôn sứ là những con người của lời nói. Ngôn sứ là người được Chúa gọi để trở nên phát ngôn viên của Thiên Chúa. Họ phục vụ bằng lời. Họ nói lời của Chúa trước mặt chư dân.

Thứ đến, các ngôn sứ là những con người của thời hiện tại. Các ngôn sứ trong Thánh Kinh không bận tâm vào việc giải thích các hiện tượng trong vũ trụ hay phỏng đoán tương lai. Điều các ngài quan tâm là giải mã thời hiện tại. Các ngôn sứ không phải là các thầy bói toán. Các ngôn sứ không phải là các nhà tương lai học. Các ngôn sứ chỉ quan tâm đến thời hiện tại. Hiện tại của các ngài và hiện tại của thính giả. Điều các ngài quan tâm không phải là đoán chuyện tương lai, nhưng là thay đổi thời hiện tại.[3] Lời sấm của các ngài liên quan trực tiếp đến lịch sử hiện tại của dân tộc các ngài.

Tiếp đến, các ngôn sứ là những con người của thị kiến. Các ngôn sứ là những người thấy thị kiến. Thị kiến của các ngôn sứ thuộc về lãnh vực khác với lãnh vực bói toán. Ngôn sứ học biết nhận ra các biến cố, học biết nhìn xem các biến cố theo cách thức của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, các ngôn sứ là những con người của Thần Khí. Một cách nào đó trực tiếp hay gián tiếp, các ngôn sứ được tác động bởi Thần Khí. Thần Khí thôi thúc các ngài để các ngài công bố sứ điệp của Thiên Chúa mà không sợ hãi.

Các ngôn sứ còn là những chứng nhân và các dấu hiệu đối với dân chúng. Đi đôi với lời nói, các ngôn sứ còn truyền đạt thánh ý của Thiên Chúa qua những hành động cụ thể (Gr 28,10; Ed 3,24-25). Điều này cho chúng ta thấy rằng các ngôn sứ trước hết và trên hết là những chứng nhân đau khổ. Trước khi các ngài công bố sứ điệp, thì chính các ngài đã phải trải nghiệm sứ điệp ấy ngay trong chính đời sống nội tại của các ngài.

Các ngôn sứ là những con người của hy vọng vô điều kiện. Các ngôn sứ là những người truyền cảm hứng và là niềm hy vọng không có điều kiện. Không phải là một thứ hy vọng ngây ngô và khoan dung, nhưng là một niềm hy vọng mạnh mẽ và đòi hỏi. Đòi hỏi thay đổi tận căn, đó chính là, hoán cải. Các ngôn sứ công bố về một sự phục hưng cho dân tộc Ít-ra-en và một ơn cứu độ cho tất cả mọi dân độc. Các ngôn sứ công bố sứ điệp về tình yêu phổ quát của Thiên Chúa dành cho muôn dân.

3. Phân loại các ngôn sứ trong Cựu ước

Các ngôn sứ trong Cựu ước được chia thành 3 thành phần:[4]

+ Trước hết là các ngôn sứ xuất thần: những ngôn sứ sống trong những cộng đoàn nhỏ với đặc điểm là hành động trong tình trạng xuất thần. Các nhóm ngôn sứ này giúp chống lại mọi đe doạ có thể làm tổn hại đến đời sống thiêng liêng/tôn giáo của dân tộc (1 Sm 9-10). Họ sống với nhau gần các điện thờ Đức Chúa (1 Sm 19,20).

+ Thứ đến là các ngôn sứ riêng lẻ: là những vị truyền thông các sứ điệp, thường là cho các vua, chẳng hạn Na-than và Gát phục vụ trong triều đình vua Đa-vít tại Giê-ru-sa-lem (2 Sm 7). Ngược lại có những vị thường hoạt động tại miền Bắc, và tại những thánh điện rải rác khắp xứ sở. Chẳng hạn, ông A-khi-gia-hu thành Si-lô, và nhất là hai ngôn sứ lớn của Ít-ra-en, Ê-li-a và Ê-li-sa, hoạt động vào thế kỷ IX tCn.

+ Sau cùng là các nhóm ngôn sứ: được gọi trong tiếng Do-thái là “con cháu ngôn sứ” (1 Sm 10,5). Họ là những người chất phát, xuất thân từ nguồn gốc tâm thường. Họ thường sống ở gần các điện thờ Beth-el, Giê-ri-khô và Ghin-gan (2 V 2; 4,38-41).

Các nữ ngôn sứ

Ngoài các nam ngôn sứ, còn có các nữ ngôn sứ như: bà Mi-ri-am (Xh 15,20), bà Đơ-vô-ra (Tl 4,4-5), bà Khun-đa (2 V 22,14-17), bà Nô-át-gia: (Nkm 6,4), và bà vợ của I-sai-a (Is 8,1-4).

III. KẾT

Sau khi tìm hiểu tổng quan về ơn gọi và sứ vụ của các ngôn sứ Thánh Kinh, chúng ta có thể tóm kết trong 3 điểm chính yếu sau đây:[5]

– Ngôn sứ Thánh Kinh được gọi bởi Thiên Chúa từ những môi trường và hoàn cảnh khác nhau; bị chiếm hữu và đam mê bởi Thần Khí và Lời của Thiên Chúa, các ngôn sứ chấp nhận với tất cả ý thức rằng mình được sai đi vào thế giới, đặc biệt đến với dân tộc các ngài. Ở giữa họ, các ngài trở thành người mang lời Chúa, rao giảng và là chứng nhân của lời Chúa.

– Được thánh hiến bởi Thiên Chúa; được linh hứng bởi Thần Khí của Thiên Chúa; được liên kết thân mật và trực tiếp đối thoại với Thiên Chúa, các ngôn sứ có khả năng đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và công bố sứ điệp ấy một cách bất khả ngộ bằng giảng thuyết, hoặc bằng văn tự, hoặc bằng những hành động biểu tượng, hoặc bằng chính cuộc sống của các ngài.

– Sự hiện diện của ngôn sứ giữa dân Chúa được xem như sự hiện diện của chính Thiên Chúa. Vì thế, mỗi lần kết thúc sấm ngôn, ngôn sứ nói: “Đức Chúa phán như vậy”. Sự hiện diện này được hiện thực hóa đến mức tuyệt đỉnh trong Đức Giê-su Ki-tô – vị ngôn sứ vĩ đại – được hứa ban bởi Thiên Chúa, được loan báo bởi các ngôn sứ, được mong chờ bởi dân Thiên Chúa. Sự hiện diện có tính cách ngôn sứ của Đức Ki-tô tiếp tục trong Giáo hội đến tận thế qua lối sống của các Kitô hữu, đặc biệt trong việc thực hành lời Chúa và tham dự các bí tích.


[1] Phạm Hữu Quang, Soạn giả, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh: Trào Lưu Ngôn Sứ, Bản Văn, Con Người, Sứ Điệp (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2021), tr. 31.

1Fx. Vũ Phan Long, Các Sách Ngôn Sứ (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2021), tr. 7.

[3] Reynier, Để Đọc Các Ngôn Sứ, dịch giả Thiên Hựu và Xuân Hùng (TPHCM: Nxb. Phương Đông, 2017), tr. 23.

[4] Fx. Phan Long, Các Sách Ngôn Sứ, tr. 32.

[5] Phạm Hữu Quang, Soạn giả, Giới Thiệu Ngôn Sứ Thánh Kinh: Trào Lưu Ngôn Sứ, Bản Văn, Con Người, Sứ Điệp (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2021), tr. 178-179.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org