Bài 21 – Sách Ma-ca-bê

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu hai sách Giu-đi-tha và Ét-te, tuần này, chúng ta đến với 2 cuốn sách cuối cùng trong bộ sách Lịch sử, đó là hai sách Ma-ca-bê. Hai cuốn sách này không thuộc quy điển Thánh Kinh của người Do-thái nhưng đã được Giáo hội Công giáo nhìn nhận là những sách Linh hứng, nghĩa là: Thiên Chúa là tác giả. Hai cuốn sách này dẫn chúng ta quay trở lại lịch sử những cuộc thánh chiến của anh em nhà Ma-ca-bê dành lại tự do cho người Do-thai, là những câu truyện về những người Do-thái trung thành với Đền thờ, với Lề luật, chống lại các vua Xê-lêu-xít. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của người Do-thái và cuộc nổi dạy này diễn ra như thế nào.

II. NỘI DUNG

1. Nguyên nhân của cuộc nổi dậy của người Do-thái

Trước hết, đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc kháng chiến của người Do-thái? Sau khi Đại đế A-lê-xan-đê qua đời năm 323 tCN, các tướng lãnh của ông tranh nhau đế quốc. Triều đại Pơ-tô-lê-mai kiểm soát Ai-cập, còn triều đại Xê-lêu-xít năm 312 giành lấy Sy-ri. Vào năm 198, An-ti-ô-khô III, Đại đế của đế quốc Xê-lêu-xít ở Xy-ri đánh bại vương triều Hy-lạp và nắm quyền kiểm soát Pa-lét-tin, nhưng bị quân Rô-ma đánh bại tại Man-hê-si năm 190. Điều này dẫn đến những thay đổi lớn cho người Do thái. An-ti-ô-khô III mất phần đất vào tay người Rô-ma. Ông chết trận năm 187. Con ông là Xê-lêu-xít IV lên ngôi. Xê-lêu-xít IV là một vị vua yếu đuối và đang rất cần tiền. Thế nên, ông đã tấn công đền thờ Giê-ru-sa-lem để cướp của, và ông bị ám sát bởi chính viên tể tướng của mình.

Cuối năm 175 tCN, em của An-ti-ô-khô III chiếm được ngai vàng và lên ngôi với tước hiệu An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê. Với tước hiệu Ê-pi-pha-nê, An-ti-ô-khô IV ví mình như “Thần minh hiển linh”. Ông phát triển chính sách theo hai hướng. Một mặt ông bắt đầu xây dựng lại sức mạnh quân sự của đế quốc, mặt khác, ông ra lệnh đẩy nhanh việc Hy-lạp hóa các sắc tộc khác nhau để sớm có sự thống nhất trong đế quốc. Cả hai chính sách này gây tổn hại lớn cho người Do-thái. Để có tiền cho các chiến dịch quân sự chống vương triều Pơ-tô-lê-mai, An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê đã hai lần cướp tài sản đền thờ Giê-ru-sa-lem, lần đầu vào năm 169, lần hai vào năm 168. Vua ra lệnh cấm tất cả những thực hành Do-thái như cắt bì, kiêng cữ thịt heo, dâng hy tế trong đền thờ, và huỷ bỏ lề luật truyền thống. Vua còn đi xa hơn nữa bằng việc lập một bàn thờ thần Dớt Hy-lạp ngay trong gian cung thánh Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Những việc này gây hậu quả thảm khốc cho nhiều người Do-thái. Có nhiều người Do-thái đã bổ tập tục và truyền thống mà học đòi những phong tục Hy-lạp. Tuy nhiên, một số tín hữu Do-thái trung thành với Đền thờ và Lề luật không thể chấp nhận những chính sách và luật lệ của nhà vua, và họ đã vùng dậy chống lại trào lưu Hy-lạp hóa.

2. Cuộc vùng dậy của anh em Ma-ca-bê chống trào lưu Hy-lạp hoá

Năm 167, một cuộc nổi loạn nổ ra trong thị trấn nhỏ Mo-đin xứ Giu-đa dưới sự dẫn dắt của tư tế Mát-ti-gia và nhanh chóng lan ra toàn quốc. Cuộc đấu tranh của quốc gia Giu-đa để giành lại tự do tín ngưỡng và cuối cùng là độc lập chính trị, được kể lại trong sách Mac-ca-bê quyển 1 và 2. Những quyển sS1ách này kể lại cuộc chiến giành tự do, những kỳ công của Mát-ti-gia và những người con của ông là Giu-đa, Giô-na-than và Si-môn từ những năm 166 tCN cho đến năm 134 tCn khi Si-môn bị ám sát.

Sách 1 Mac-ca-bê, được biên soạn vào khoảng năm 100 tCn, kể lại những biến cố lịch sử khởi đi từ biến cố An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê áp đặt chính sách Hy-lạp hóa. Chính sách này của nhà vua gặp phải những phản ứng của những người Do-thái yêu mến dân tộc, yêu mến Đền thờ và trung thành với Lề luật. Như thế, chúng ta chứng kiến một bên là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê chà đạp Đền thờ và bách hại đạo, một bên là Mát-ti-gia kêu gọi thánh chiến. Cuộc chiến mà Mát-ti-gia khởi sự được tiếp nối bởi ba người con của ông. Giu-đa Ma-ca-bê (166-160 tCN) đã lập được một loạt những chiến công trên các tướng lãnh của An-ti-ô-khô, tẩy uế đền thờ, dành lại cho dân Do-thái quyền tự do sống theo phong tục của mình. Sau khi Giu-đa Ma-ca-bê tử chiến, em của ông là Giô-na-than kế vị (160-142 tCN). Ông tiếp tục cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh có tính cách chính trị hơn là quân sự, Giô-na-than khéo léo lợi dụng các cuộc tranh chấp ngôi báu Sy-ri. Ông được đặt làm thượng tế. Ông tìm cách liên minh với người Rô-ma và Spác-ta. Vùng đất do ông kiểm soát lan rộng và cảnh thái bình xem ra đã được bảo đảm cho tới lúc ông bị rơi vào tay Tri-phôn và bị hại. Tiếp theo sứ mạng của Giô-na-than là Si-môn (142-134 tCN). Ông trở thành thượng tế, lãnh binh và cầm đầu dân tộc Do-thái. Dưới thời của Si-môn, độc lập chính trị được tái lập; liên minh với Rô-ma được tái thiết; một thời kỳ yên hàn và thịnh vượng. Nhưng rồi An-ti-ô-khô V đã quay đầu chống người Do-thái và Si-môn cùng với hai người con của ông đã bị ám sát chết dưới bàn tay của một người con rể muốn làm vừa lòng hoàng đế[1].

Sách 2 Mac-ca-bê không phải là một tác phẩm tiếp theo 1 Ma-ca-bê. 2 Ma-ca-bê đưa ra một bộ sưu tập độc lập những câu chuyện anh hùng trong thời kỳ đầu của cuộc bách hại và về những trận chiến, tập trung vào nhân vật Giu-đa Mac-ca-bê. Sách được viết ra nhằm động viên hơn là để ghi nhận những sự kiện lịch sử. Tác giả viết cho người Do-thái sống tại A-lê-xan-dri-a với chủ đích gợi tinh thần liên đới với các anh em của họ tại Pa-lét-tin. Tác giả muốn họ quan tâm đến số phận của Đền thờ, trung tâm của đời sống tôn giáo theo Lề luật. Sách 2 Ma-ca-bê được coi là quan trọng vì những quả quyết về người chết sống lại, những hình phạt đời sau, lời cầu nguyện cho kẻ chết, công trạng cho những người tử vì đạo, và các thánh cùng thông công.

Tóm lại, những câu chuyện mang tính anh hùng ca trong sách Ma-ca-bê khó có thể xác định cách chi tiết lịch sử của những cuộc chiến của quân nổi dạy chống lại gia tộc Xê-lêu-xít là những kẻ bách hại họ. Tuy nhiên, những câu chuyện này không có gì khác ngoài việc nói lên sự đoàn kết, lòng nhiệt thành, quyết tâm của số đông những người Do-thái muốn sống theo Luật Mô-sê và truyền thống tổ tiên; và những nỗ lực đó, với sự trợ giúp của Thiên Chúa mà họ tôn thờ và tín thác, đã đưa đến thành công. Quả thật, sau những chiến đấu cho tự do tôn giáo và tự lập chính trị, một thời kỳ độc lập kéo dài trăm năm (164-63 tCN).

III. KẾT

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tổng quan bộ sách Lịch sử của Cựu ước. Sau khi tìm hiểu bộ sách này, chúng ta rút ra bài học rằng: Thánh Kinh không phải là một cuốn sách lịch sử cho dù trong Thánh Kinh có nhiều tư liệu cũng liên quan đến lịch sử. Trong Thánh Kinh, lịch sử ơn cứu độ trở nên chính yếu, không phải vì độ chính xác cao nhất có thể có trong sự tái lập những sự kiện và các chi tiết, nhưng bởi vì nó xác định nét riêng biệt của niềm tin Do-thái giáo và Ki-tô giáo trong mặc khải Thánh Kinh.[2] Thật vậy, đối với tác giả hay độc giả nguyên thuỷ, những tín hữu, thì những biến cố được ghi lại không vì tính cách lịch sử, nhưng vì niềm tin vào sự can thiệp quyền năng và huyền nhiệm của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại và lịch sử dân Thiên Chúa với mục đích cứu độ. Công Đồng Vaticanô khẳng định rằng: “Vì tất cả những gì các tác giả được linh hứng, cũng gọi là thánh sử, đã viết ra, phải được xem là những điều được xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, nên phải tuyên nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (MK 11).


[1] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 340

[2] Nguyễn Thế Thuấn, Tiểu Dẫn Các Sách Ma-ca-bê trong Thánh Kinh.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org