Bài 19: Sách Ét-ra và Nơ-khê-mi-a || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu hai cuốn sách Sử biên niên. Hôm nay, chúng ta đến với hai cuốn sách tiếp theo. Đó là sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Chúng ta tìm hiểu hai cuốn sách này chung với nhau vì theo truyền thống cổ xưa, hai cuốn sách này được xem như là một tác phẩm duy nhất với cái tên là Ét-ra. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ IV, thánh Giê-rô-ni-mô đã chia tác phẩm này thành hai cuốn sách riêng biệt trong bản Kinh Thánh La-tinh Vul-ga-ta như chúng ta có ngày nay. Cùng với sách Sử Biên niên, hai cuốn sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a được xem như một tác phẩm lịch sử dưới cái nhìn của truyền thống Tư tế.

Đây là nguồn tài liệu duy nhất trong Sách Thánh giúp chúng ta hiểu về công cuộc khôi phục dân Chúa sau thời lưu đày. Bộ sách này phác họa cho chúng ta mô hình một cộng đoàn nỗ lực xây dựng lại chính mình. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, nhờ quyết tâm cao và sự tập trung nỗ lực của toàn thể cộng đoàn, những cơ sở vật chất cũng như cơ cấu tinh thần từ những mảnh vụn của quá khứ được khôi phục thành một thực thể vừa mới mẻ vừa liên tục với quá khứ. Trong công trình khôi phục vĩ đại này, chúng ta không thể không kể đến vai trò quan trọng của hai nhà lãnh đạo tài đức, đó là Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Vậy, hai ông đã thực thi sứ mạng khôi phục Ít-ra-en hậu lưu đầy như thế nào? Giờ đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

II. BỐ CỤC

Hai cuốn sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a được biên soạn dựa trên nền tảng bốn phần của công trình khôi phục:

– Phần thứ I: Khôi phục Đền thờ (Er 1-6)

– Phần thứ II: Khôi phục cộng đoàn phụng tự (Er 7-10)

– Phần thứ III: Khôi phục tường thành Giê-ru-sa-lem (Nkm 1-7)

– Phần thứ IV: Khôi phục cộng đoàn theo Lề Luật (Nkm 8-13)

III. NỘI DUNG

Trong phần nội dung này, chúng ta tìm hiểu biến cố hồi hương của Ít-ra-en và công trình khôi phục Ít-ra-en hậu lưu đày dưới sự lãnh đạo của Ét-ra và Nơ-khe-mi-a.

1. Biến cố hồi hương của Ít-ra-en diễn ra như thế nào?

Biến cố hồi hương của Ít-ra-en được ví như một cuộc “xuất hành mới”, một cuộc xuất hành ra khỏi Ba-by-lon. Vào năm 538 tCn, sau khi Ba-tư đánh bại đế quốc Ba-by-lon, Ky-rô lên ngôi vua và đã ban một sắc lệnh cho phép người Do-thái hồi hương và tái lập nền phụng tự kính Đức Chúa tại Giê-ru-sa-lem (Er 1,1-4; 6,25). Biến cố hồi hương có thể được chia thành 3 đợt:

– Cuộc hồi hương đợt I diễn ra vào năm 537 tCn gồm có Dơ-rúp-ba-ven, thượng tế Giô-suê và 50.000 người thuộc chi tộc Giu-đa và Ben-gia-min.

– Cuộc hồi hương đợt II diễn ra vào khoảng năm 458 tCn gồm có Ét-ra cùng với các tư tế và các thầy Lê-vi tổng cộng là 1.800 người.

– Cuộc hồi hương lần cuối là của Nơ-khe-mi-a vào khoảng năm 445 tCn thời Át-tăc-sát-ta, vua Ba-tư.

– Cuộc sống của những người mới hồi hương gặp khó khăn về mọi mặt. Trong bối cảnh khốn khổ ấy, Thiên Chúa đã ban cho Ít-ra-en hai nhà lãnh đạo tài đức là Ét-ra và Nơ-khe-mi-a để nâng đỡ và an ủi họ.

2. Thân thế và sứ mạng của Ét-ra

a. Ét-ra là ai?

Danh xưng “Ét-ra” trong tiếng Do-thái có nghĩa là “Thiên Chúa nâng đỡ”. Ét-ra là một tư tế cao cấp thuộc dòng dõi A-ha-ron và Xa-đốc, được vua Ba-tư đưa từ Ba-by-lon về để khôi phục việc thực hành đức tin theo những huấn lệnh của “Lề Luật của Thiên Chúa”. Ét-ra còn là một kinh sư thông thạo Luật Mô-sê. Ông quả là một món quà vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho Ít-ra-en (x. Er 7,6).

b. Sứ mạng của Ét-ra là gì?

Vì là một kinh sư thông thạo Luật của Thiên Chúa (Er 7,21), Ét-ra được xem như là thị sát viên về những vấn đề tôn giáo tại Giu-đa và Giê-ru-sa-lem (Er 7,21). Ông mang theo cuốn sách Luật của Mô-sê từ Ba-by-lon (Nkm 8,1) về Giê-ru-sa-lem. Khi bắt đầu công cuộc khôi phục, Ét-ra phải đối mặt với hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là nhiều người Do-thái đã kết hôn với dân ngoại và do đó bị ngăn trở không thể giữ đúng Lề luật. Vấn đế thứ hai là việc coi thường những quy tắc hiến tế, phụng tự, luật thanh sạch và những luật đặc biệt của Do-thái.

c. Ét-ra đã làm gì để giải quyết vấn đề hôn nhân dị giáo?

Ét-ra đã triệu tập một đại hội để dân chúng công khai xưng thú lỗi lầm. Trong khi Ét-ra khóc lóc và phủ phục trước Nhà Thiên Chúa, thì những người đàn ông Do-thái lấy vợ người ngoại đã cam kết rẫy vợ và từ con. Họ cũng đồng thời cam kết tuân giữ nghỉ lễ Sa-bát hàng tuần, và nộp một khoản thuế thường niên để hỗ trợ những hoạt động của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc cải cách này nhằm nhấn mạnh Ít-ra-en là dân riêng của Chúa, một dân tộc thánh thiện tách biệt với các dân khác để trở nên kiểu mẫu cho các dân khác.

d. Ét-ra đã làm gì để đưa dân trở lại với Giao ước và Lề Luật của Thiên Chúa?

Để làm cho Ít-ra-en tuân giữ và thực hành những quy tắc trong Lề Luật, Ét-ra đã triệu tập đại hội lần thứ hai tại quảng trường trước cửa Nước. Trong đại hội này, Ét-ra đã cử hành nghi thức sám hối và lặp lại lời hứa Giao ước. Ét-ra đã mang sách Luật của Thiên Chúa ra đọc từ sáng tới trưa cho toàn dân nghe. Ông làm như thế trong vòng 7 ngày. Trong khi lắng nghe những lời trong sách Luật, dân chúng than khóc, sám hối và nhận lỗi.

3. Thân thế và sứ mạng của Nơ-khe-mi-a

a. Nơ-khe-mi-a là ai?

Danh xưng “Nơ-khe-mi-a” trong tiếng Do-thái có nghĩa là “Đức Chúa an ủi”. Nơ-khe-mi-a làm quan chước tửu của nhà vua Ba-tư. Ông là người thẳng thắn, công bằng, liêm chính và quảng đại. Mặc dù sống ở đất khách quê người, ông luôn hương về quê hương và về Giê-ru-sa-lem. Khi nghe tin những người Do-thái lưu đầy trở về đang thật là khốn khổ nhục nhằn, tường thành Giê-ru-sa-lem bị phá đổ, cửa thành bị đốt cháy, Nơ-khe-mi-a, trong sự  buồn rầu, đã xin vua Ba-tư cho phép ông được trở về quê nhà.

b. Sứ mạng của Nơ-khe-mi-a là gì?

Nơ-khe-mi-a trở về Giu-đa với cương vị là tổng trấn xứ này. Nhiệm vụ của ông là xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Vượt qua những cản trở và chống đối từ những thống đốc của các tỉnh khác, Nơ-khe-mi-a cũng không mất qua 52 ngày để xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Ngoài việc cải cách về chính trị, Nơ-khe-mi-a, giống như Ét-ra, chống đối những hôn nhân dị giáo, sự vị phạm luật Sa-bát và những bất công trong xã hội.

IV. Kết

Sau khi tim hiểu tổng quan hai sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a, chúng ta rút ra một số bài học.

Trước hết, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai khuôn mặt quan trọng và là hai cột trụ của dân Do-thái, đặc biệt là của Do-thái thời phục hưng. Hai vị quan trọng, không những vì các việc lớn lao họ đã thực hiện, nhưng còn vì lòng sốt sắng của hai người đã và đang là tấm ngương cho những ai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.

Thứ đến, cả hai ông luôn đặt niềm tin tưởng và nhận ra sự phù trì, nâng đỡ của Thiên Chúa trong khi vẫn luôn kiên trung bỏ hết tâm huyết và sức lực vào việc tái thiết và phát triển cộng đoàn dân Chúa sau thời khủng hoảng. Hai ông dạy cho chúng ta sự thật rằng: “tin” không phải là một hành động mù quáng; trái lại, lòng sốt sáng của đức tin chân chính đòi buộc sáng kiến và cố gắng của con người. Lòng sốt sắng của hai vị dành cho Thiên Chúa được diễn đạt qua sự dấn thân phục vụ cộng đoàn và dân tộc trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt.

Sau cùng, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a đều đã hết lòng phục vụ truyền thống đã nắn nên mình. Các ông là những gương mẫu cho lòng trung thành với gia sản của mình và với những sáng tạo mới cho những bối cảnh lịch sử mới.

Tóm lại, trong khi Nơ-khe-mi-a là một nhà tổ chức và lãnh đạo gương mẫu trong việc xây dựng tường thành để bảo đảm dân sinh; Ét-ra xây dựng một Do-thái giáo hậu Lưu đầy được đặt trên nền tảng là Lề Luật. Ét-ra được truyền thống Do-thái coi như Mô-sê mới, người đặt nền móng cho Do-thái giáo, giúp đạo này tồn tại cho đến ngày nay.

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org