Ánh sáng muôn dân – Chúa nhật lễ Hiển Linh

“Ánh sáng muôn dân”, đó là nội dung Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II, được công bố vào năm 1964. Văn kiện này được mở đầu như sau: “Chúa Ki-tô chính là ánh sáng muôn dân, vì vậy Thánh Công đồng tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo” (số 1).

Danh xưng “Ánh sáng muôn dân” không phải do Giáo Hội gán cho Chúa Giê-su, nhưng đây là lời tuyên bố của Đức Chúa trong sách Ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6) Xin lưu ý là những lời này được vị ngôn sứ tuyên bố vào lúc dân Do Thái đang lưu đày ở Ba-bi-lon, khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Đây là lời khích lệ động viên dân lưu đày, cho họ biết chắc sẽ có ngày trở về cố hương. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nghe Bài đọc I của thánh lễ hôm nay. Vào cuối thời lưu đày, ngôn sứ I-sai-a được say sưa chiêm ngắm thị kiến về một Giê-ru-sa-lem là trung tâm của thế giới. Đó là một thành phố tỏa sáng, mà ánh sáng này là vinh quang của Đức Chúa. Vào ngày đó, muôn dân sẽ tuôn đổ về đây, mang theo những sản vật địa phương để cung tiến Đức Chúa. Người người đều vui mừng rạng rỡ. Đây là ngày của Đức Chúa. Đây cũng là ngày hạnh phúc đong đầy đối với ai tin vào Chúa và phó thác nơi Ngài.

Ánh sáng của Giê-ru-sa-lem, dù có chói lọi, cũng chỉ là ánh sáng hữu hạn. Ánh sáng mà Giáo Hội muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay là Ánh Sáng muôn dân, là chính Đức Giê-su Ki-tô. Người là Con Thiên Chúa, đã sinh hạ tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm. Người vẫn đang sống trong Giáo Hội, để qua các thành viên của Giáo Hội toả sáng khắp mọi miền thế giới. Ngày lễ hôm nay được gọi là lễ “Hiển Linh”. Từ này dịch từ chữ Epiphany (tiếng Anh), là một thuật ngữ diễn tả việc Thiên Chúa tỏ mình trong Cựu ước. Tuy vậy, nếu trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ mình qua các dấu chỉ biểu tượng như bụi gay cháy bừng, đám mây, cột lửa hay lời nói từ trời, thì đã đến thời Thiên Chúa tỏ mình qua chính Con của Ngài. Ba vua hay ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đã nhìn thấy điều ấy qua điềm triệu là ngôi sao lạ. Các ông là những học giả, chuyên nghiên cứu về thiên văn. Ngôi sao lạ năm xưa đã chuyển tới các ông lời mời gọi, hãy đến để thờ lạy Vua mới sinh. Các ông đã lên đường, rời bỏ quê hương, chấp nhận những bất tiện cho một hành trình dài. Khi đến Giê-ru-sa-lem, các ông không còn nhìn thấy ngôi sao, nhưng các ông không nản. Các ông đã gặp vua Hê-rô-đê, nhờ các chuyên viên Kinh Thánh tìm tòi. Chúa đã ban thưởng cho sự kiên nhẫn của các ông. Vừa ra khỏi Giê-ru-sa-lem, ngôi sao lại lại hiện ra dẫn đường. Nhiều nhà chú giải đã cắt nghĩa sự vắng bóng ngôi sao trên nền trời Giê-ru-sa-lem: có thể là tại thủ đô đã có Đền thờ và kho tàng mạc khải. Người ta có thể sưu tầm và tìm kiếm để thấy những chỉ dẫn trong các sách ngôn sứ. Những chuyên viên Kinh Thánh tại cung điện hoàng gia đã tìm thấy lời ngôn sứ Mi-kha: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời” (x. Mk 5,2-5). Các nhà đạo sĩ đã tìm thấy câu trả lời và các ông tiếp tục lên đường.

Các đạo sĩ không phải là người Do Thái. Các ông là “dân ngoại”. Qua sự kiện này, Chúa Giê-su tỏ mình cho các dân tộc. Cuộc tỏ mình này như một khẳng định: ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Giê-su Ki-tô là ơn cứu độ có tính hoàn vũ, như mặt trời chiếu ánh sáng tới mọi dân. Không một dân tộc nào bị loại trừ. Tình thương của Thiên Chúa trải rộng đến mọi thế hệ và đến tận cùng thế giới. Đến lúc này, lời Chúa phán trong ngôn sứ I-sai-a năm xưa đã thành hiện thực: Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”.

Như trên đã nói, Ánh sáng được ngôn sứ I-sai-a tiên báo chính Đức Giê-su. Trước sự ngỡ ngàng của những người đồng bào, Người đã quả quyết: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Để chứng minh điều này, Đức Giê-su đã chữa lành cho người mù bẩm sinh. Anh này vừa được chữa lành con mắt thể xác, vừa được sáng con mắt tâm hồn, để nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và tin vào Người (x. Ga 9,1-41). Ngày hôm nay, Đấng Cứu thế vẫn tiếp tục chiếu tỏa ánh sáng của Người vào những góc khuất trong cuộc đời và trong tâm hồn chúng ta. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa sẽ giúp chúng ta bước ra khỏi tăm tối và đến với ánh sáng ngàn đời, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng thánh Gio-an đã được chữa lành và tin vào Đức Giê-su. Cũng vậy, trải dài qua bề dày của lịch sử, rất nhiều người đã đón nhận ánh sáng của Đức Giê-su, và cuộc đời họ đã được canh tân. Họ đã bước ra khỏi bóng tối để sống như con cái của sự sáng. Ánh sáng thần thiêng là Đức Giê-su đã bao bọc và ban cho họ sức mạnh phi thường. Tuy vậy, nếu người mù bấm sinh được chữa lành và mở rộng trái tim để tôn nhận Chúa Giê-su, thì một số người Do Thái lại căm ghét Chúa và tìm cớ để bắt bẻ Người. Trường hợp vua Hê-rô-đê cũng tương tự. Hơn ai hết, ông hiểu ý nghĩa của lời ngôn sứ Mi-kha, nhưng tham vọng mù quáng đã dẫn ông tới những quyết định tội lỗi, đó là âm mưu giết hại các trẻ vô tội ở vùng Bê-lem. Ánh sáng vẫn quảng đại chiếu soi, nhưng con người đón nhận lại ở nhiều cách thức khác nhau. Có những người trung thành thiện chí, nhưng cũng có những người cứng lòng mưu mô. Vua Hê-rô-đê nói với ba nhà đạo sĩ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Những lời xem ra rất trân trọng ấy lại chứa đựng một âm mưu nham hiểm. Hê-rô-đê sợ vị vua mới sinh sẽ chiếm đoạt ngai vàng, nên ông đã muốn tiêu diệt ngay từ trong trứng nước để trừ hậu hoạ. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa vượt lên tất cả mọi mưu mô của người đời. Các nhà đạo sĩ đã nhận được điềm báo đi lối khác để về quê hương mình.

Kính thưa Quý vị và Anh chị em,

Trong khi thế giới chào đón vị Vua Hòa bình, thì đây đó trên thế giới, chiến tranh và bạo loạn xảy ra liên tiếp, nhất là tại hai quốc gia Ucraina và Israel. Nguyên nhân của chiến tranh đến từ sự ích kỷ, tự mãn và cố chấp của con người. Lời cầu chúc bình an tại cánh đồng Bê-lem năm xưa, dường như bị át đi bởi tiếng bom đạn và tiếng kêu la của những thường dân vô tội. Chúng ta cầu nguyện cho hòa bình được tái lập tại hai quốc gia này và trên toàn thế giới. Xin cho thế giới nhận ra Đức Giê-su là Hoàng tử Bình an. Ai đón nhận và thực thi giáo huấn của Người, sẽ thực sự tìm thấy an bình. Vương quốc hòa bình mà Chúa Giê-su loan báo, để thành hiện thực, cần có nỗ lực và thiện chí.

Khi tuyên xưng Đức Ki-tô là ánh sáng đời ta, ta phải luôn bước theo con đường Người chỉ dẫn. Người tin Chúa cũng được chính Chúa Giê-su gọi là “con cái ánh sáng”. Chúa cũng nói với chúng ta: “Các con là ánh sáng thế gian”. Như thế, đời sống Ki-tô hữu phải rập khuôn theo mẫu gương Chúa Giê-su, để mỗi ngày trở nên giống như Người. Như Đức Ki-tô đã và đang tỏa ánh sáng của Người trên khuôn mặt Giáo Hội, mỗi tín hữu cũng phải tỏa sáng bằng những việc làm thiện hảo, và bằng phong cách sống xứng hợp với Tin Mừng.

Lạy Chúa Ki-tô là Ánh sáng trần gian, xin soi sáng chúng con, và xin làm cho chúng con trở thành những ngọn nến thiêng tỏa sáng giữa đời. Kính chúc Quý vị và Anh chị em một năm mới an bình, hạnh phúc.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Facebook

Twitter

Email

Print

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org