Trong quá khứ, đã có những tranh luận giữa các Ki-tô hữu liên quan đến giáo huấn về sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Câu hỏi được đặt ra là: Đức Giê-su hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu, hay đó chỉ là biểu tượng? Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến thuật ngữ “Biến đổi bản thể”, và thuật ngữ này được giải thích như sau: “Biến đổi bản thể là việc bản thể bánh và rượu biến đổi thành bản thể Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô, sau khi linh mục đọc lời truyền phép, tuy những đặc tính tùy phụ hữu hình (tùy thể) của bánh và rượu như màu sắc, hương vị vẫn tồn tại” (Từ Điển Công giáo). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định: “Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể” (số 1374).
Thánh Cy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem (313-387) đã diễn tả sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể một cách rõ ràng và dễ hiểu như sau: “Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Ki-tô. Rượu này không còn là rượu dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Ki-tô” (Giáo Lý nhiệm huấn IV, 9).
Mặc dù giáo lý về sự hiện diện đích thực của Đức Giê-su đã được Giáo Hội Công giáo đã tuyên tín, nhất là trong công đồng La-tê-ra-nô (Tk 13) và công đồng Tren-tô (Tk 16), những tranh luận thần học vẫn chưa kết thúc. Vì thế, một số giáo phái Ki-tô vẫn cho rằng sự hiện diện này chỉ mang tính biểu tượng.
Thực ra, những tranh luận này đã có từ thời Chúa Giê-su, khi Người diễn giảng về Bánh Hằng Sống. Trong Phúc Âm hôm nay, thánh Gio-an ghi lại cuộc bàn luận sôi nổi giữa người Do Thái. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Họ có lý khi tranh luận và nghi vấn, vì theo lẽ thường, không ai ăn thịt người, trừ một vài bộ lạc thời cổ đại xa xưa. Ở đây, Chúa Giê-su cho biết, những gì Người nói không phải là so sánh hay một biểu tượng, mà là sự thật. Người tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Trong Phúc Âm, cụm từ “Thật, tôi bảo thật các ông” được dùng cho một tuyên bố rất quan trọng, mang tính khẳng định dứt khoát. Trong văn mạch, Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng, chứ không phải ở thể văn so sánh hay biểu tượng. Sự ngỡ ngàng dẫn tới phản đổi gay gắt của những người đồng bào, cho thấy lời khẳng định của Chúa Giê-su lúc đó là chắc chắn.
“Ăn Thịt và uống Máu!”, cụm từ này dễ làm người ta ghê sợ và liên tưởng tới một thời hoang dã, nhưng lại là thật. Đức tin của Ki-tô hữu sống và lớn lên nhờ Thịt và Máu Chúa. Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa Giê-su (rước lễ), chúng ta được bổ dưỡng thiêng liêng và được nên giống Người.
Đức Giê-su là quà tặng của Chúa Cha cho loài người. Vào đêm tiệc ly, Người lại biến đổi chính bản thân mình làm quà tặng cho nhân loại, mà đại diện lúc đó là các môn đệ. Các ông đã đón nhận quà tặng này với lời dặn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Như thế, bất kỳ ở nơi đâu, khi có thánh lễ được dâng, thì ở đó có Mình và Máu Chúa Giê-su.
Ki-tô hữu, khi rước Mình Thánh Chúa, phải chuẩn bị tâm hồn, và phải nỗ lực cố gắng để nên hoàn thiện. Trong nghi thức thánh lễ, các linh mục chủ sự thánh lễ vẫn đọc trước khi rước lễ: “Chớ gì việc rước Mình và Máu Chúa đừng nên cớ cho con bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân lành, xin gìn giữ và cứu chữa hồn xác con”. Quả vậy, chỉ khi nào sống trong tình trạng ân sủng, tức là không mắc tội trọng, người tín hữu mới được rước lễ. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô như sau: “Đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan…chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí”.
Mỗi ngày, Giáo hội đều chuẩn bị và mời gọi chúng ta đến bàn tiệc Thánh Thể. Nội dung Bài đọc I trong sách Châm Ngôn diễn tả điều ấy: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Thánh Thể không phải hình ảnh hay một biểu tượng, mà là sự hiện diện thực sự của Con Thiên Chúa. Mình và Máu Người sẽ ban sức mạnh cho chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: