Bách hại không làm cho lòng hăng say loan báo Tin Mừng bị dập tắt nhưng ngược lại, làm nó bừng cháy mạnh mẽ. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong hoạt động loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần, sẽ không có loan báo Tin Mừng.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 02/10, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ. Tuần này ĐTC trình bày về những con đường mới của Lời Chúa, dựa trên đoạn sách trích từ chương 8, câu 5-8, nói về việc ông Philípphê giải nghĩa Lời Chúa và sau đó rửa tội cho một quan thái giám người Êtiôpia. ĐTC nói đến tầm quan trọng của việc hiểu Lời Chúa và các bí tích trong đời sống mới trong Chúa Kitô. Đồng thời, ĐTC cũng nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có loan báo Tin Mừng.
Bài giáo lý của ĐTC
Sau khi ông Stêphanô tử đạo, cuộc “hành trình” của Lời Chúa dường như bị trì trệ, vì sự hung hăng bách hại tàn bạo chống lại Giáo hội Giêrusalem (Cv 8,1). Sau đó, các Tông đồ ở lại Giêrusalem trong khi các Kitô hữu phân tán đi các nơi khác ở Giuđêa và Samaria.
Bách hại làm cho lửa loan báo Tin Mừng càng mạnh hơn
Trong sách Tông đồ Công vụ, bách hại dường như là tình trạng thường kỳ trong đời sống của các môn đệ, đúng theo lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em“ (Ga 15,20). Nhưng thay vì dập tắt ngọn lửa loan báo Tin Mừng, thì bách hại lại làm cho nó bùng cháy mạnh mẽ hơn.
Hành trình mới của Tin Mừng: đến với người ngoại
Phó tế Philípphê bắt đầu loan báo Tin Mừng tại các thành phố của miền Samaria và nhiều dấu lạ chữa lành được thực hiện cùng với việc loan báo Lời Chúa. Vào lúc này, Chúa Thánh Thần đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình của Tin Mừng: thúc đẩy ông Philípphê đi gặp gỡ một người ngoại có tâm hồn cởi mở. Ông Philípphê đứng lên vội vã lên đường và trên con đường vắng vẻ nguy hiểm, ông gặp một quan lớn của nữ hoàng Êtiôpia, người này là tổng quản kho mạc của nữ hoàng. Quan chức này, một thái giám, sau khi lên Giêrusalem hành hương, đang trở về xứ sở của mình. Ngồi trong xe ngựa, ông đọc sách ngôn sứ Isaia, đặc biệt là bài ca thứ tư về “Người Tôi tớ đau khổ”.
Đọc Kinh Thánh thôi chưa đủ, cần phải hiểu ý nghĩa
Ông Philípphê tiến tại gần xe ngựa và hỏi quan thái giám: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” (Cv 8,30). Người Êtiôpia trả lời: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8,31). Người đàn ông quyền thế đó nhận ra rằng cần được hướng dẫn để hiểu Lời Chúa. Ông là một chủ ngân hàng lớn, là bộ trưởng kinh tế, có tất cả sức mạnh của tiền bạc, nhưng ông biết rằng nếu không được giải thích thì ông không thể hiểu; ông khiêm tốn.
Qua sự kiện này, ĐTC nhận xét: Cuộc đối thoại giữa ông Philípphê và vị quan xứ Êtiôpia cũng giúp suy nghĩ về một sự thật là đọc Kinh Thánh thôi thì chưa đủ, nhưng cần hiểu ý nghĩa, tìm ra “tinh túy” bằng cách vượt qua mặt chữ, đi đến Thần trí đã linh hứng chữ viết. Như ĐGH Biển Đức đã nói khi khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Kinh Thánh, “chú giải, việc đọc Kinh Thánh thật sự không chỉ là một hiện tượng văn học, […]. Nó là sự chuyển động của cuộc sống của chúng ta (Bài suy gẫm 06/10/2008). Đi vào Lời Chúa là sẵn sàng đi ra khỏi những giới hạn của mình để gặp Chúa và để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng là Lời sống động của Chúa Cha.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng
Vậy ai là nhân vật chính của bài ca thứ tư về Người Tôi tớ đau khổ mà quan thái giám người Êtiôpia đang đọc? Ông Philípphê đã giúp cho thính giả của ngài chìa khóa để đọc: người tôi tớ đau khổ hiền lành đó, Đấng không dùng sự ác đáp trả lại sự ác, Đấng mà ngay cả khi bị coi là thất bại và không sinh hoa trái, bị chặt đi giữa chừng, lại giải thoát dân chúng khỏi sự gian ác và mang lại kết quả cho Chúa, chính là Chúa Kitô mà ông Philípphê và toàn thể Giáo hội loan báo! Với cuộc Vượt Qua, Người cứu độ tất cả chúng ta. Cuối cùng, người Êtiôpia nhận ra Chúa Kitô và xin được rửa tội để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu.
Tường thuật này rất hay nhưng ai đã thúc đẩy ông Philípphê đi vào con đường vắng để gặp người đàn ông đó? Ai đã thúc đẩy ông đến gần chiếc xe ngựa? Đó chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng là để Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta loan báo, loan báo bằng chứng tá, ngay cả bằng sự tử đạo, bằng lời nói.
Niềm vui là dấu hiệu của người loan báo Tin Mừng
Sau khi đã giúp người Êtiôpia gặp được Chúa Phục Sinh – ông gặp được Chúa Phục Sinh bởi vì ông hiểu lời tiên tri trong sách ngôn sứ Isaia – ông Philípphê biến đi. Chúa Thánh Thần đem ông đi và sai ông đi làm một sứ vụ khác. Tôi đã nói rằng Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng, vậy đâu là dấu chỉ anh chị em, các Kitô hữu, là người loan báo Tin Mừng? Đó là niềm vui. Ngay cả khi tử đạo. Và ông Philípphê, tràn đầy niềm vui, đã đi đến nơi khác để rao giảng Tin Mừng.
Cuối cùng, ĐTC cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho những người nam nữ đã được rửa tội trở thành những người loan báo Tin Mừng, không để lôi kéo người khác đến với mình, nhưng đến với Chúa Kitô; ngài xin Chúa Thánh Thần giúp họ trở thành những người biết dành chỗ để Thiên Chúa hành động, trở thành những người biết làm cho người khác tự do và chịu trách nhiệm trước Chúa.
Hồng Thủy
(VaticanNews 02.10.2019)
TIN LIÊN QUAN: