Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô vừa kết thúc chuyến viếng thăm dài 3 ngày tại 2 nước Bulgaria và Bắc Macedonia, từ Chúa nhật 05/05/2019 đến chiều tối thứ Ba, ngày 07/05/2019. Trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ Tư 08/05/2019, ĐTC đã thuật lại những hoạt động của ngài trong chuyến viếng thăm, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng của ngài. ĐTC mời gọi các tín hữu liên kết với hai dân tộc này trong tinh thần và cầu nguyện cho hiện tại và tương lai của họ.
ĐTC cảm tạ Thiên Chúa đã cho ngài được thực hiện những cuộc viếng thăm này và ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn chính quyền dân sự hai nước đã đón tiếp ngài trọng thể và tạo điều kiện cho chuyến viếng thăm. Tiếp đến, ĐTC cám ơn các GM và các cộng đoàn Giáo hội về tình cảm nồng nhiệt và sốt sắng của họ trong cuộc hành hương của ngài.
Bước tiến trong đối thoại với Giáo hội Chính thống
Nói về cuộc viếng thăm Bulgari, ĐTC chia sẻ: Tại Bulgari, ký ức sống động về thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã được sai đến quốc gia này vào năm 1925, đầu tiên như là vị Kinh lược Tông tòa, và sau đó là Đại diện Tông Tòa, đã hướng dẫn tôi. Được tấm gương bác ái và lòng bác ái mục vụ của ngài hướng dẫn, tôi đã gặp dân tộc đó, dân tộc được mời gọi trở thành cầu nối giữa các miền Trung, Đông và Nam của châu Âu; với khẩu hiệu “Hòa bình dưới thế”, tôi đã mời gọi tất cả bước đi trên hành trình huynh đệ; và trên con đường này, đặc biệt, tôi đã có niềm vui thực hiện một bước tiến trong cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Neofit của Tòa Thượng phụ Giáo hội Chính thống Bulgari và các thành viên của Thánh Hội đồng. Thật ra, là các Kitô hữu, ơn gọi và sứ mệnh của chúng ta là trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất, và chúng ta có thể làm điều đó, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, bằng cách đặt những điều hợp nhất chúng ta trên những điều đã chia rẽ hoặc vẫn chia rẽ chúng ta.
Ngày nay cũng cần có những nhà truyền giảng Tin Mừng nhiệt thành và sáng tạo
Nước Bulgaria hiện nay là một trong những miền đất đã được hai thánh Cirillo và Metodio truyền giảng Tin Mừng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã đặt hai vị thánh này, cùng với thánh Biển Đức, làm các thánh bổn mạng của châu Âu. Tại Sofia, trong nhà thờ chính tòa hùng vĩ của Tòa Thượng Phụ thánh Aleksander Nevkij, tôi đã dừng lại cầu nguyện trước ảnh thánh Cirillo và em là Metodio. Các ngài là người gốc Hy lạp, đã biết dùng sự sáng tạo văn hóa để chuyển trao sứ điệp Kitô giáo cho các dân tộc Slave; các ngài đã phát minh ra các mẫu tự mới để dịch Kinh Thánh và các bản văn phụng vụ sang ngôn ngữ Slave. Ngày nay cũng cần có những nhà truyền giảng Tin Mừng nhiệt thành và sáng tạo, để Tin mừng có thể đến được với những người chưa biết Tin Mừng và để Tin Mừng có thể tưới mát cho những miền đất mới, nơi những cội rễ Kitô giáo đang bị khô héo. Với ý tưởng này, tôi đã cử hành hai Thánh lễ với cộng đoàn Công giáo Bulgaria và khuyến khích họ hãy hy vọng và sinh sôi hoa trái. Tôi tái cám ơn cộng đoàn Dân Chúa Bulgari đã tỏ cho tôi thấy họ tràn đầy đức tin và tình yêu.
Hoạt động cuối cùng của tôi ở Bulgari được thực hiện cùng với các đại diện của các tôn giáo khác nhau: chúng tôi đã cầu xin Thiên Chúa ơn bình an, trong khi một nhóm thiếu nhi mang các ngọn đuốc cháy sáng, biểu tượng của đức tin và hy vọng.
Bắc Macedonia, cộng đoàn hiếu khách và đón tiếp
Tiếp đến, ĐTC chia sẻ về cuộc viếng thăm Bắc Macedonia, ngài nói: Tại Bắc Macedonia, tôi đã được đồng hành bởi sự hiện diện sâu sắc về tinh thần của Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ Têrêsa sinh tại Skopje năm 1910 và tại giáo xứ của Mẹ, Mẹ đã được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo và học yêu quý Chúa Giêsu. Nơi người phụ nữ này, bé nhỏ nhưng tràn đầy sức mạnh nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Giáo Hội ở quốc gia đó và ở những miền ngoại vi của thế giới: một cộng đoàn bé nhỏ, với ân sủng của Chúa Kitô, trở thành một ngôi nhà đón tiếp, nơi nhiều người tìm được sự hồi phục cho cuộc sống của họ. Tại đài tưởng niệm Mẹ Têrêsa, tôi đã cầu nguyện trước sự hiện diện của các vị lãnh đạo tôn giáo và đông đảo những người nghèo, và tôi đã làm phép viên đá đầu tiên để xây dựng đền thánh dâng kính Mẹ.
Bắc Macedonia là một quốc gia độc lập vào năm 1991. Tòa Thánh đã tìm cách ủng hộ quốc gia này ngay từ đầu lịch sử của nó. Với việc viếng thăm, tôi muốn khuyến khích trên hết khả năng đón tiếp theo truyền thống của nó, những nhóm sắc tộc và tôn giáo; cũng như sự dấn thân của nó trong việc đón tiếp và trợ giúp một số đông người di dân và tị nạn trong giai đoạn quan trọng, từ năm 2015 đến 2016. Ở đó, đón tiếp rất nhiều, họ có trái tim vĩ đại. Những người di dân gây nên những vấn đề cho họ, nhưng họ đón tiếp và yêu thương những người di dân. Và thế là học giải quyết các vấn đề. Đây là một điều vĩ đại của dân tộc này.
Cởi mở với những chân trời mới nhưng không đánh mất cội rễ
Về chiếu kích thành lập, Bắc Macedonia là một quốc gia còn trẻ trung; một quốc gia nhỏ bé và cần mở lòng ra với những chân trời rộng lớn nhưng không đánh mất gốc rễ của chính mình. Vì thế, thật sự là ý nghĩa khi ở đó đã diễn ra cuộc gặp gỡ với những người trẻ. Những thiếu niên nam nữ thuộc các hệ phái Kitô khác nhau và cả các tôn giáo khác – ví dụ như người Hồi giáo -, tất cả được quy tụ bởi ước muốn xây dựng một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống. Tôi đã khuyến khích họ ước mơ thật nhiều và hãy hành động, như thiếu nữ Anê – là Mẹ Têrêsa sau này – bằng cách lắng nghe tiếng Chúa nói trong cầu nguyện và trong thân xác của những người anh em nghèo khổ nhất.
Sự dịu dàng của các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa
Tôi bị đánh động khi đến thăm các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa, các chị ở với người nghèo. Tôi bị đánh động bởi sự dịu dàng Tin mừng của những người nữ này. Và sự dịu dàng này được sinh ra từ cầu nguyện, chầu Thánh Thể. Các nữ tu đón tiếp tất cả; họ cảm thấy mình là chị em, là mẹ của tất cả và họ đối xử với sự dịu dàng. Nhiều lần, các Kitô hữu chúng ta đánh mất đi chiều kích dịu dàng. Và khi không có sự dịu dàng, chúng ta trở nên nghiêm khắc, chua cay. Những nữ tu này ngọt ngào dịu dàng và làm việc bác ái, nhưng không phải là bác ái giả hình. Ngược lại, khi người ta thực hành bác ái mà không có sự dịu dàng, không có tình yêu, giống như là chúng ta đổ một ly giấm vào trong hoạt động bác ái. Bác ái là vui tươi chứ không phải là chua cay. Những nữ tu này là một tấm gương tốt. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các chị.
Chút men làm cả khối bột dậy men
Bên cạnh chứng từ của các người trẻ, tại Skopje, tôi đã nghe chúng từ của các linh mục và các tu sĩ. Nhưng người nam nữ đã dâng hiến cuộc đời cho Chúa Kitô. Sớm hay muộn, họ cũng bị cám dỗ nói rằng: “Chúa ơi, sự dâng hiến bé nhỏ này của con có nghĩa gì trước những vấn đề của Giáo hội và của thế giới?” Bởi thế tôi đã nhắc họ rằng một chút men có thể làm cho cả khối bột dậy men, và một chút hương thơm, tinh khiêt và cô đặc, tỏa hương thơm cho toàn bộ môi trường xung quanh.
Thánh lễ tái hiện phép lạ bánh hóa nhiều
Đó là mầu nhiệm của Chúa Giêsu-Thánh Thể, hạt giống sự sống mới cho toàn thể nhân loại. Trong Thánh lễ chúng tôi đã cử hành tại quảng trường Skopje, tại một miền ngoại vi của châu Âu ngày nay, thêm một lần nữa, đã canh tân phép lạ của Thiên Chúa với một ít bánh và cá, được bẻ ra và chia sẻ, làm dịu cơn đói của đám đông. Chúng ta hãy phó thác hiện tại và tương lai của các dân tộc mà tôi đã thăm viếng trong chuyến tông du này cho sự Quan Phòng vô hạn của Thiên Chúa. Và tôi mời gọi anh chị em cầu xin Đức Mẹ để Mẹ chúc phúc cho hai quốc gia Bulgaria và Bắc Macedonia này.
Hồng Thủy
Theo https://www.vaticannews.va
TIN LIÊN QUAN: