I. DẪN NHẬP
Tiếp tục chuỗi những bài học về Sách Ngôn sứ, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu sách Ê-dê-ki-en. Trong bộ quy điển Thánh Kinh, sách Ê-dê-ki-en, đứng ngay sau sách Giê-rê-mi-a, gồm có 48 chương và được chia thành 4 phần lớn. Phần thứ I nói về ơn gọi của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (1,1-3,27). Phần thứ II bao gồm những cảnh báo về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem (4,1-24,27). Phần thứ III là những lời sấm chống lại các dân ngoại (25,1-32,32). Phần cuối cùng tiên báo về niềm hy vọng cứu độ dành cho Ít-ra-en (33,1-48,35).
Sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en đem chúng ta trở lại thời kỳ trước và trong khi lưu đày tại Ba-by-lon, cũng như những viễn tượng đầy hy vọng của một thời phục hưng của Ít-ra-en. Trong giai đoạn lịch sử đầy đau thương và tăm tối này, câu hỏi được đặt ra là: Thiên Chúa ở đâu? Như thế, toàn bộ tác phẩm làm nổi bật sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa cùng với Ít-ra-en trong lúc yếu đuối, trong đau khổ, cũng như trong hy vọng.
II. NỘI DUNG
Trong phần nội dung này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ơn gọi, sứ vụ và những sứ điệp chính yếu của Ê-dê-ki-en.
1. Ơn gọi và sứ vụ của Ê-dê-ki-en
Khi tất cả dường như đều sụp đổ, Thiên Chúa đã đặt giữa Ít-ra-en một người canh gác. Thiên Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en” (Ed 3,17). Người canh gác đó là ai? Người canh gác nhà Ít-ra-en chính là Ê-dê-ki-en. Danh xưng Ê-dê-ki-en (Ychezqeʾl), trong nguyên ngữ Do-thái, có nghĩa là “Thiên Chúa sẽ làm cho dũng mãnh”. Ê-dê-ki-en, con ông Bu-di, trong xứ Can-đê, là một tư tế, đã kết hôn, nhưng vợ ông qua đời trong khi lưu đày tại Ba-by-lon vào năm 597 tCn. Đây là cuộc lưu đày đầu tiên của nhà Giu-đa tại Ba-by-lon. Tại đó, Ê-dê-ki-en thực thi sứ vụ ngôn sứ và trở thành một vị ngôn sứ lớn vào giữa những năm 593-571 (x. Ed 1,2; 29,17).
Ê-dê-ki-en đã cùng với dân mình trải nghiệm những giây phút cay đắng nhất, không những trên bình diện về chính trị, nhưng nhất là trên bình diện tôn giáo, đức tin. Dân đã xa lìa Thiên Chúa và thờ các thần tượng. Được kêu gọi trở thành ngôn sứ trong hoàn cảnh rất đặc biệt đó, Ê-dê-ki-en đã hết sức loan báo bằng sấm ngôn cũng như bằng những hành động biểu tượng về sự siêu việt của Thiên Chúa, về tội lỗi của dân, về những gì dân không nên làm, cũng như những gì sắp xảy đến. Nhưng dân không nghe và hậu quả là hình phạt đã xảy ra qua bàn tay sắt của quân Ba-by-lon dưới sự điểu khiển của Na-bu-cô-đô-nô-xo. Đau đớn vì những gì xảy ra cho dân, nhưng Ê-dê-ki-en không thất vọng. Nhiệm vụ của Ê-dê-ki-en là canh giữ nhà Ít-ra-en khỏi mất tinh thần, khỏi tuyệt vọng.
2. Sứ điệp chính yếu của Ê-dê-ki-en
Sứ điệp của Ê-dê-ki-en có thể tóm lại trong ba điểm chính:
a. Tính siêu việt của Thiên Chúa
Trong cảnh khốn cùng của lưu đầy cùng với ngày tận số của Giê-ru-sa-lem gần kề, thì câu hỏi được đặt ra: Thiên Chúa ở đâu? Trước hết, Ê-dê-ki-en nhấn mạnh, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa không bị dàng buộc ở Giu-đa, ở Giê-ru-sa-lem hay ở trong Đền thờ. Thiên Chúa không phải là một vị thần địa phương nào đó. Uy quyền của Người không bị giới hạn. Chân lý này được diễn tả trong thị kiến đầu tiên của Ê-dê-ki-en. Theo như ông thấy, xa giá của Đức Chúa có những bánh xe “được đóng như thể là một bánh này ở giữa bánh kia. Trong khi đi, chúng kéo theo bốn phía của chúng; trong khi đi, chúng không quay qua, quay lại. Thần Khí định đâu thì chúng đi đó” (Ed 1,16-17.20). Đức Chúa được diễn tả như một Thiên Chúa siêu việt trên các tạo vật, nhưng đồng thời cũng để ý đến tội lỗi của nhân loại.
b. Tội lỗi của con người
Đối nghịch với sự thánh thiện và siêu việt của Thiên Chúa là tội lỗi của nhân loại, đặc biệt, của nhà Ít-ra-en. Ê-dê-ki-en dùng những dụ ngôn để lên án tội lỗi của nhà Ít-ra-en. Chương 16 là một câu chuyện thời danh về mối tương quan giữa Ít-ra-en và Đức Chúa. Dựa theo ý tưởng của ngôn sứ Hô-sê, Ê-dê-ki-en đã vẽ ra những điểm nhấn liên quan đến, một bên là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa trong việc chọn lựa: Ngài nhặt Ít-ra-en trần truồng, máu me bên vệ đường, bao bọc, nuôi nấng, che chở và đã đính hôn với nàng… Nhưng bên kia là một Ít-ra-en phản bội: từ thân phận nhơ nhuốc, trần truồng từ lúc mới sinh, được che đậy khi được Thiên Chúa nuôi dưỡng nhưng khi đến tuổi dậy thì, tự động biến mình thành trần truồng như một cô gái điếm trong khi thờ các thần ngoại. Đó là tội thờ ngẫu tượng.
Ê-dê-ki-en không dừng lại ở việc tố cáo tội lỗi của tập thể nhà Ít-ra-en. Ê-dê-ki-en đã tiến một bước xa hơn trong việc áp dụng vấn đề của tội lỗi và phán xét vào một cấp độ cá nhân. Dân đã phạm tội và hình phạt là không thể tránh được. Khi lãnh án phạt, Ít-ra-en truyền nhau câu ngạn ngữ: “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (18,1), để đổ lỗi cho những tội mà cha ông họ đã phạm. Còn Ê-dê-ki-en khẳng định rằng hình phạt họ phải chịu vì tội lỗi của họ mang lại. Họ không phải là những nạn nhân vô tội của một quá khứ tội lỗi. Quả thực, tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những hành vi của mình, như lời Chúa phán: “Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết” (18,4).
Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng mở cho họ con đường sống, con đường của hoán cải và trở về: “Vì thế, hỡi nhà Ít-ra-en,… Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi, chẳng còn chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa.31 Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18,30-32).
c. Hy vọng cứu độ dành cho Ít-ra-en
Sau khi Ê-dê-ki-en công bố về việc phán xét và trách nhiệm cá nhân dành cho Ít-ra-en, ngài chuyển sang việc loan báo một tương lai phục hưng. Không chỉ là việc trở về từ cảnh lưu đầy tại Ba-by-lon mà còn cả việc đổi mới đời sống thiêng liêng của dân, việc đoàn tụ dân tộc, việc tái thiết đền thờ, tái lập những hiến chế về việc dâng hy lễ, và việc xây dựng một Giê-ru-sa-lem mới.
Thông điệp về hy vọng phục hưng của Ê-dê-ki-en giống như của I-sai-a. Niềm hy vọng của I-sai-a tập trung vào nền hoà bình thế giới, trong khi Ê-dê-ki-en tập trung vào nền hoà bình dành cho Ít-ra-en được tái thiết. Giống như Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en đã đặt nền tảng của niềm hy vọng của một tương lai phục hưng vào một giao ước mới (Ed 36,24-28). Thiên Chúa sẽ lập giao ước mới, lần này Người thanh tẩy những kẻ theo Người, làm cho họ có một tấm lòng và một Thần khí mới: “Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36,24-28).
Ê-dê-ki-en diễn tả niềm hy vọng phục hưng của Ít-ra-en như một “cuộc xuất hành mới”. Một cuộc xuất hành từ cõi chết đến hồi sinh. Ít-ra-en trong cảnh lưu đầy chẳng khác nào một cánh đồng đầy xương khô. Nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho chúng được hồi sinh: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en… Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm” (x. Ed 37,11-14).
Ê-dê-ki-en đã hoàn thành sứ vụ của mình trong việc canh gác dân Chúa trong những ngày đen tối khi họ gần như mất hết hy vọng. Ông bị dẫn đi lưu đày trước những đồng bào của ông để bảo vệ số còn sót lại của Ít-ra-en trong niềm tin cậy.
III. KẾT
Sau khi tìm hiểu tổng quan sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, chúng ta có thể tóm lại một số điểm chính yếu:
Thứ nhất, ngôn sứ Ê-dê-ki-en tin rằng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử có một mục đích duy nhất là đem vinh quang và sự vĩ đại của Người tới muôn dân.
Thứ đến, qua việc chia sẻ sự hiểu biết của Thiên Chúa, trách nhiệm của con người đối với Chúa và những lời cảnh báo về phán xét, Ê-dê-ki-en muốn giúp những người lưu đầy hiểu mục đích cứu độ của Thiên Chúa. Mục đích tối hậu trong các hành động của Thiên Chúa là cứu độ, ngay cả khi tuyên bố những phát xét và án phạt. Khi Thiên Chúa thực thi án phạt, thì Người làm như vậy với mục đích trao ban ơn cứu độ.
Sau cùng, Ê-dê-ki-en tiên báo cho chúng ta về cuộc phán xét sau cùng được thực hiện bởi Đức Giê-su Ki-tô. Người là vị thẩm phán chí công, và là Đấng ban sự sống cho những kẻ tin cậy Người. Nơi Người, vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả tới muôn dân muôn nước.
Lm. An-tôn Trần Văn Phú
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: