Bài 17: Sách Các Vua || Tổng quan Kinh Thánh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước, chúng ta đã dừng lại với vua Đa-vít. Trong bài học này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu triều đại Vua Đa-vít nơi người kế vị là Sa-lô-môn trong sách các Vua. Khi Đa-vít qua đời, Sa-lô-môn, người thừa kế ông có tiếp tục đường lối của ông không? Sa-lô-môn đã mang lại cho Ít-ra-en điều gì? Tình hình của Ít-ra-en diễn ra như thế nào sau khi Sa-lô-môn qua đời?

II. BỐ CỤC

Sách các Vua có thể được chia thành ba phần chính:

Phần I: Triều đại Sa-lô-môn: Một vương quốc thống nhất (1 V 1,1-11,43)

– Phần II: Ít-ra-en và Giu-đa: Vương quốc phân ly (1 V 12,1-2; 17,14)

+) Sự phản loạn của các chi tộc phía Bắc
+) Các vua của Ít-ra-en và Giu-đa
+) Truyện ngôn sứ Ê-li-a
+) Truyện ngôn sứ Ê-li-sa
+) Sự phá huỷ của Sa-ma-ri

Phần III: Vương quốc Giu-đa (2 V 18,1-25,30)

+) Vua Ê-ze-ki-a và những cải cách
+) Sự phá huỷ đền thờ Giê-ru-sa-lem năm 587

III. NỘI DUNG

1. Trước hết, chúng ta tìm hiểu “Triều Đại Sa-lô-môn”

Sa-lô-môn là một trong số những người con trai của Đa-vít. Sa-lô-môn là đưa con thứ hai của Đa-vít với Bát-se-va. Danh xưng “Sa-lô-môn” trong nguyên ngữ Do-thái có nghĩa là bình an. Danh xưng này phần nào nói về triều đại thái bình của Sa-lô-môn. Sau khi Đa-vít qua đời, Sa-lô-môn thừa kế ngôi vua. Vừa khi lên ngôi, Sa-lô-môn đã mau hoàn thành ý nguyện của vua cha. Công việc của Sa-lô-môn không phải là chống ngoại xâm hay mở mang bờ cõi, nhưng là phát triển trong bình an và thịnh vượng. Sa-lô-môn đã gặt hái được rất nhiều thành công trên các phương diện khác nhau.

a. Mặt tích cực

– Về mặt ngoại giao, Sa-lô-môn giữa giao hoà với chư hầu và ngoại bang, nhiều khi bằng cách lấy người các xứ đó làm vợ.

– Về mặt quân sự, mặc dùng không có chiến tranh, nhưng Sa-lô-môn vẫn cho xây đồn luỹ ở những nơi hiểm yếu, và bắt đầu dùng chiến xa.

– Về mặt hành chính, Sa-lô-môn chia vùng đất của các chi tộc được chia làm 12 tỉnh, mỗi tỉnh phải cung cấp thực phẩm cho triều đình mỗi năm một tháng.

– Về kinh tế, Sa-lô-môn phát triển thương mại trên biển, cùng với ngành kim khí. Kinh tế phát triển, văn hoá cũng phát triển. Khi kinh tế vững chắc thì văn chương cũng mở mang. Một số bản văn Kinh Thánh được hình thành vào thời này như sự tích Đa-vít và việc kế vị Đa-vít. Truyền thống Do-thái thời sau này gán cho Sa-lô-môn là tác giả của nhiều sách thuộc loại khôn ngoan như Châm ngôn, Diễm ca, Giảng viên, và Khôn ngoan.

– Về mặt tôn giáo, Sa-lô-môn được biết đến cho tới ngày này là việc xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem. Chính Đa-vít đã có ý định và đã chuẩn bị mọi sự, nhưng đến thời Sa-lô-môn, ý định của Đa-vít mới được kiện toàn. Sa-lô-môn đã mất bảy năm xây dựng đền thờ. Đền thờ được xây dựng theo kiểu các đền thờ xứ Ca-na-an, mặt bằng hình chữ nhật, kích thước không lớn: dài 35 m, rộng 10 m và cao 13 m; bên trong có ghép gỗ bá hương xứ Li-băng và dát vàng, cửa chính quay hướng đông. Ngoài ý nghĩa vật chất, đền thờ Giê-ru-sa-lem còn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Đền thờ là nơi Đức Chúa hiện diện ở giữa dân. Đức Chúa trở nên gần gũi với dân và dân tìm kiếm Đức Chúa, thỉnh ý Người trong cầu nguyện và lắng nghe lời Người chỉ vẽ thông qua sách Luật.

b. Mặt tiêu cực

Bên cạnh những thành quả đạt được, Sa-lô-môn cũng khơi mào những hiểm hoạ cho Ít-ra-en.

– Trước hết là việc thờ thần ngoại. Mặc dù Sa-lô-môn đã xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem để kính Đức Chúa, nhưng khi về già, ông không còn trọn niềm với Đức Chúa. Để chiều lòng các bà vợ ngoại quốc, Sa-lô-môn đã xây đền miếu để thờ các thần của họ, và như thế gây mối nguy hiểm cho niềm tin tôn giáo độc thần của Ít-ra-en, niềm tin vào Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của Ít-ra-en.

– Thứ đến, Sa-lô-môn đè những gánh nặng trên dân qua việc thu thuế và bắt dân phải làm những công việc phục dịch. Mỗi tỉnh phải cung cấp thực phẩm cho triều đình mỗi năm một tháng. Dân phải phục dịch trong các công trình xây dựng của nhà vua.

– Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế đồng thời kéo theo sự phân cấp trong xã hội. Khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng gia tăng.

Những tiêu cực trên là nguyên nhân cho những cuộc phản loạn và chống đối của các chi tộc.

2. Vương Quốc Phân Ly

– Sau khi Sa-lô-môn qua đời, con ông là Rô-bô-am lên nối ngôi. Thay vì giảm bớt gánh nặng về thuế và phục dịch, Rô-bô-am lại đè thêm gánh nặng trên dân. Điều này gây ra sự phẫn nộ, phản loại và ly khai giữa các chi tộc Ít-ra-en phía Bắc và chi tộc Giu-đa ở phái Nam. Các chi tộc ở phía Bắc đặt Giê-rô-bô-am lên làm vua. Còn Rô-bô-am chỉ làm vua xứ Giu-đa. Từ đó, dân chia thành hai nước: Ít-ra-en ở phía Bắc và Giu-đa ở phía Nam. Xung đột thường xuyên diễn ra giữa hai quốc gia anh em và đồng thời Ít-ra-en và Giu-đa phải đương đầu với những cuộc tấn công của của Ai-cập, của A-ram và Át-sua và Ba-by-lon.

– Sự ly khai về chính trị kéo theo sự ly khai về tôn giáo. Ở vương quốc Ít-ra-en, Giê-rô-bô-am cho xây hai đền thờ ở hai đầu lãnh thổ, một đền thờ tại Bêth-El và một đền thờ tại Đan, trong đó có đặt tượng con bò vàng. Đây là một hình thức tôn giáo ly khai khỏi đền thờ chính thức tại Giê-ru-sa-lem, và mở cửa cho ảnh hưởng tôn giáo Ca-na-an du nhập vào. Tại Giu-đa, mặc dù có đền thờ Giê-ru-sa-lem, nghi thức phụng tự trở nên hình thức bề ngoài, thiếu nội tâm hoá. Điều này dẫn đến những cuộc cải cánh về tôn giáo thời vua Ê-dê-ki-a và Giô-si-a (2 V 18,4; 23,4-14).

– Thời kỳ quân chủ tự trị của hai vương quốc tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài. Vương quốc Ít-ra-en kéo dài khoảng 200 năm cho tới ngày Sa-ma-ri-a rơi vào tay đế quốc Át-sua khoảng năm 722 tCn. Vương quốc Giu-đa kết thúc với sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem năm 587 và toàn bộ dân miền Giu-đa bị đem đi lưu đầy tại Ba-by-lon.

3. Vai trò của các Ngôn sứ thời các Vua

– Bên cạnh triều đại các vua, Đức Chúa còn sai đến với dân Ngài các vị ngôn sứ. Qua các vị ngôn sứ, Chúa nói với vua cũng như nói với dân ý định của Ngài. Nếu sách Sa-mu-en, đề cập đến ngôn sứ Na-than và Gát trong thời của Đa-vít, sách các Vua đề cập đến rất nhiều ngôn sứ. Thời Sa-lô-môn và Giê-rô-bô-am có ngôn sứ A-khi-gia. Tiếp đến, trong bối cảnh ngoại giáo du nhập vào Ít-ra-en, ngôn sứ Ê-li-a đứng lên để bảo vệ đức tin tình tuyền vào Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Kế tiếp, sứ vụ ngôn sứ của Ê-li-a, Ê-li-sa thực hiện nhiều phép lạ, đặc biệt trong việc chữa lành vị tướng người A-ram là Na-a-man. Qua phép lạ chữa lành này, Na-a-man đã tuyên xưng đức tin vào Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của Ít-ra-en. Sách các Vua nhấn mạnh cách Ê-li-a và Ê-li-sa đã thực hiện vai trò của Mô-sê trong vài trò làm trung gian giữa Ít-ra-en và Đức Chúa.

– Bên cạnh những ngôn sứ vĩ đại thời kỳ đầu, trong thời các vua, Đức Chúa cho xuất hiện những vị ngôn sứ khác như A-mốt, Hô-sê, Mi-kha, I-sai-a, Xô-phô-nia, Na-khum, Kha-ba-cúc, Giê-rê-mia, Ê-dê-ki-en.

– Trong thời phục hưng, có ngôn sứ Khác-gai, Da-ca-ria, Giô-en, Ô-va-đi-a và Ma-la-khi.

IV. KẾT

– Sau khi lược qua một số những điểm chính trong sách các vua, chúng ta nhận thấy rằng: Sách các Vua dùng những tài liệu từ nhiều nguồn khác: Sử Biên Niên các vua ở cả Giu-đa và Ít-ra-en, các truyền thuyết về ngôn sứ. Tuy nhiên, các nhà biên soạn đưa chúng vào trong một khuôn mẫu chung. Đó là xem xét các vua đã trung thành với Đức Chúa đến đâu, chứ không phải là những thành quả mà các vua đã đạt được.

– Với sách các Vua, bài học quan trong hơn hết mà chúng ta có thể tóm kết, đó là: Bất trung với Giao ước Thiên Chúa đã ban qua Mô-sê sẽ dẫn đến tai hoạ và diệt vong. Sự bất tuân dẫn đến diệt vong. Sự sụp đổ của Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem đều cho thấy rằng, dân đã không lắng nghe lời sấm của các ngôn sứ của Chúa. Khi dân chúng không chịu nghe lời các ngôn sứ, Thiên Chúa đã lấy đi vùng đất Người đã hứa bạn cho, đầu tiên là vương quốc phái bắc, sâu đó là vùng đất Giu-đa và ngay cả Giê-ru-sa-lem.

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org