Khi tới Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, ở gian giữa cung thánh, chúng ta sẽ thấy phần mộ Đức cha Francois Chaize Thịnh, vị giám mục người Pháp cuối cùng coi sóc Địa phận Hà Nội và ngài cũng là vị giám mục đầu tiên được an táng bên trong nhà thờ Chính Tòa Hà Nội.
Đức cha Francois Chaize sinh ngày 27 tháng 3 năm 1882 tại làng Mornant thuộc Tổng Giáo phận Lyon, miền Đông nước Pháp, trong một gia đình làm nghề trồng nho. Từ nhỏ, Đức cha đã cho thấy mình có lòng đạo đức và trí thông minh nên được cha xứ dạy tiếng La-tinh rồi gửi vào Tiểu Chủng viện Verrieres để hoàn thành chương trình trung học. Khi học triết ở Chủng viện Alix, dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng Verdier (sau này làm hồng y), ơn gọi đi truyền giáo đã hình thành nơi ngài. Sau khi tốt nghiệp triết học vào năm 1902, ngài xin gia nhập Chủng viện hội Thừa sai Paris. Tại đây, tinh thần anh dũng của các vị tử đạo đã khơi dậy nơi ngài những động lực nhiệt thành không bao giờ suy yếu. Ngài chịu chức linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1905 và hai tháng sau ngài lên đường để đến Địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội).
Tới nơi, trước hết ngài tới trình diện Đức cha Đông ở Kẻ Sở và Đức cha đã giữ ngài lại để học tiếng Việt. Ở Việt Nam giáo dân thường gọi ngài là Cố Thịnh. Sau mấy tháng học tiếng, năm 1906, Đức cha Đông cử cố Thịnh tới Tràng Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên dạy các chú tràng nhì. Ngài được phân công dạy các môn khoa học tự nhiên động thực vật, mà lúc đó ở Việt Nam chưa có sách tiếng Việt về các môn học này nên ngài phải tự biên soạn bộ sách giáo khoa dạy các chú, gọi là bộ Địa cầu vạn vật luận.
Năm 1909, khi thấy thiếu giáo sư triết ở Đại Chủng viện Kẻ Sở, Đức cha cử Cố Thịnh đến phụ trách môn đó, rồi năm 1911, ngài lại được cử thay thế Đức cha Kính phụ trách môn Thần học ở đây. Năm 1923, ngài được đặt làm giám đốc Đại chủng viện. Trong những năm dạy học ở Đại Chủng viện, ngài đã biên soạn cuốn Công giáo luân lý học khoa gồm bốn tập theo thánh Alphonso,cho các thầy và các cha dùng làm thủ bản môn Thần học Luân lý. Cuốn sách này đã có được thành công rất lớn và ngài cũng được các cha thừa sai tín nhiệm hơn nên đã giới thiệu ngài cho Đức cha Đông để tiến cử làm giám mục phó thay thế cho Đức cha Kính mới qua đời.
Ngày 12 tháng 5 năm 1925, Tòa Thánh bổ nhiệm Cố Thịnh làm Giám mục hiệu tòa Alabanda[1] và làm Giám mục phó Hà Nội và ngài được tấn phong tại Kẻ Sở ngày 22 tháng 11 năm 1925. Trong trách nhiệm giám mục phó, tổng đại diện, Đức cha Thịnh viết nhiều sách cho các thành phần dân Chúa trong Địa phận để giáo dục cộng đoàn trong đức tin và sống đạo, áp dụng tinh thần của hai công đồng Bắc Kỳ[2] là Kẻ Sặt năm 1900 và Kẻ Sở năm 1912, như: Cốt yếu bài giảng các lẽ Đạo Thiên Chúa – 1925, Chân Đạo yếu lý (sách bổn giảng Đạo thật) – 1930, Cốt yếu bài giảng các ngày lễ trọng, lễ lạy, ít nhiều ngày lễ khác và các dịp đặc biệt – 1933.
Năm 1934, Đức cha Đông đã già yếu, Đức cha Thịnh đã thay ngài giúp Đức Khâm sứ Dreyer tổ chức Công đồng Đông Dương lần thứ I tại Hà Nội[3] với sự tham dự của Đức Khâm sứ và tất cả các bề trên địa phận và các hội dòng nam ở Đông Dương. Sau Công đồng Đông Dương, Đức cha cũng mau mắn đúc kết và áp dụng các quyết định của Công đồng vào Địa phận Hà Nội qua hai cuốn ngài viết: Directorium vicariatus Apostolici de Hanoi (Luật riêng Địa phận Hà Nội) – 1941, Cặp các phép rộng bề trên thông cho thầy cả địa phận người – 1941.
Ngày 2 tháng 2 năm 1935, Đức cha già Đông qua đời, Đức cha Thịnh kế vị trở thành Giám mục Đại diện Tông Tòa coi sóc Địa phận Hà Nội. Ngài phải trải qua triều đại giám mục của mình trong một hoàn cảnh giao thời đầy biến động và khó khăn. Năm 1939, Thế chiến thứ II bùng nổ, kéo nước Pháp và các nước thuộc địa vào cuộc. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp giành quyền cai trị Đông Dương, người Pháp bị giam giữ, phong trào bài Tây dâng cao, các cha thừa sai cũng bị ảnh hưởng, bị gây khó dễ trong mục vụ. Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Việt Nam tuyên bố độc lập và thành lập Chính phủ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay sau đó quân đội của Tưởng Giới Thạch tràn vào Việt Nam lấy cớ là để giải giáp quân Nhật. Nhưng năm 1946 Pháp tái chiếm Đông Dương, bắt đầu một cuộc chiến tranh Đông Dương nổ ra. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 chủng viện Xuân Bích bị tấn công và một vài cha giáo bị bắt, giải lên tận Tuyên Quang. Nhiều linh mục, tu sĩ giáo dân đã bị giết hại, nhiều xứ đạo, nhà thờ và cơ sở tôn giáo bị bom đạn tàn phá trong cuộc chiến tranh, chủng viện không thể hoạt động được, các thầy phải trở về ở các xứ.
Năm 1948, Đức cha đã cho gọi các thầy chủng sinh của Chủng viện Xuân Bích đang ở các xứ về lại Tòa Giám mục Hà Nội tiếp tục học ở tòa nhà Tràng Tập cũ và Đức cha trực tiếp dạy các thầy môn Thần học Luân lý. Còn các chú ở Tràng Tập, Đức cha nhờ thầy Giu-se Trần Văn Mai đưa về Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, lúc đó đang là vùng kháng chiến.
Mặc dù Đức cha có dáng vẻ bề ngoài to lớn khỏe mạnh, nhưng ngay từ khi mới sang Việt Nam ngài có dấu hiệu đau dạ dày, ngài luôn giấu những cơn đau quặn để mọi người khỏi lo lắng cho ngài và ngài không cho phép mình giảm bớt công việc và trách nhiệm mục tử. Ngày 20 tháng 2 năm 1949, sau khi dâng lễ Các chân phúc Tử Đạo Việt Nam ở nhà thờ Cửa Bắc, trong bữa ăn, người ta nhận thấy ngài có dấu hiệu mỏi mệt giống như buồn ngủ. Tối hôm đó ngài nghĩ mình chỉ bị mệt nên ngủ sớm, nhưng đến đêm ngài lên cơn đau dữ dội mà không đủ sức bấm chuông gọi cha thư ký. Sáng hôm sau các cha đưa ngài đến nhà thương Saint-Paul[4] cấp cứu tuy ngài đã đỡ đau. Các bác sĩ thấy tình trạng có vẻ nghiêm trọng nên giữ ngài lại theo dõi. Đến 9h tối ngày 22 tháng 2 năm 1949, Đức cha đột ngột trút hơi thở ở nhà thương Saint-Paul, hưởng thọ 67 tuổi. Ký ức về Đức cha để lại trong lòng mọi người là một vị mục tử trí thức, tận tuỵ, nhẫn nại và là một người cha hiền lành, hết lòng hy sinh vì đoàn chiên.
Lm Tô-ma Aq. Nguyễn Xuân Thuỷ
[1] Ngày nay thuộc tỉnh Aydin, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
[2] Synodo Tunquinense.
[3] Primum Concilium Indosinense.
[4] Bệnh viện Xanh Pôn ngày này – 12 phố Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội.
Post Views: 202
TIN LIÊN QUAN: