Ngày 08/3/2022, Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha đã công bố video ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 3, trong đó Đức Thánh Cha nói về các thách đố của đạo đức sinh học đối với thế giới ngày nay. Ngài mời gọi các tín hữu đừng trốn tránh vấn đề nhưng đáp lại những thách đố này bằng cách tiếp tục bảo vệ phẩm giá của sự sống con người qua cầu nguyện và hành động.
Trước hết Đức Thánh Cha ý thức về những thay đổi trên thế giới xuất phát từ sự phát triển của ngành đạo đức sinh học.
Đạo đức sinh học là ngành học tương đối mới; nó nhắm định hướng và suy tư về các tình huống có vấn đề bao gồm các vấn đề tài chính, xã hội, sinh thái, đạo đức, y sinh và công nghệ sinh học.
Hai thái độ: chống đối và lẫn tránh
Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu không nên kìm hãm những tiến bộ của đạo đức sinh học cũng như không lẫn tránh các lĩnh vực hành động và nghiên cứu của nó.
Trong video Đức Thánh Cha nói đến hai nguy hiểm đối với các Kitô hữu. Trước hết là tiến bộ công nghệ là kẻ thù, và do đó, chống lại nó bằng mọi cách và cố gắng “kìm hãm” nó. Nguy hiểm thứ hai là phải chịu đựng nó một cách thụ động, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và kết cục là “giấu đầu như con đà điểu” khi “việc tôn trọng nhân phẩm” bị nghi ngờ.
Và Đức Thánh Cha nói rằng chỉ có một giải pháp cho những nguy hiểm trên; đó là “chúng ta cần hiểu về những biến đổi sâu xa đang diễn ra với sự phân định sâu sắc và tinh tế hơn” để đồng hành với tiến bộ công nghệ trên con đường phục vụ nhân loại.
Tránh nền văn hóa vứt bỏ
Cách tiếp cận này liên quan đến một cam kết được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha tránh nền văn hóa vứt bỏ, ví dụ như các phôi đông lạnh bị vứt bỏ như là “vật liệu được dùng một lần”; nó cũng có nghĩa là không để lợi nhuận tài chính nắm vai trò định đoạt nghiên cứu y sinh, bởi vì “chúng ta không thể đánh đổi nhân phẩm vì sự tiến bộ. Cả hai khía cạnh phải đồng hành cùng nhau, trong sự hòa hợp.”
Cầu nguyện và hành động
Vì lý do này, Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô hữu thúc đẩy việc bảo vệ sự sống bằng cầu nguyện và hành động xã hội. Thật vậy, các Kitô hữu có nhiệm vụ tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe bằng ngôn ngữ và lập luận phù hợp và dễ hiểu trong bối cảnh xã hội hiện tại, nhưng không làm giảm nhẹ giá trị các nội dung, và luôn nhắc lại nhu cầu phát triển con người toàn diện. (CSR_901_2022)
Hồng Thủy – Vatican News
TIN LIÊN QUAN: