Tuyên xưng và sống đức tin – Chúa Nhật XXIV Thường niên – Năm B

Trong lịch sử nhân loại, có thể khẳng định một cách chính xác rằng, Đức Giê-su là nhân vật được tìm hiểu, học hỏi và phân tích nhiều nhất. Trải qua dòng thời gian, nhân vật Đức Giê-su đã được diễn tả theo nhãn quan đa dạng của những khuynh hướng chính trị, văn hoá và xã hội. Những khuynh hướng này phần lớn nhấn mạnh tới khía cạnh con người lịch sử của Đức Giê-su thành Na-gia-rét. Đối với Ki-tô hữu, Đức Giê-su không chỉ là con người của lịch sử, mà còn là con người của đức tin. Tiếp nối thánh Phê-rô, hai mươi thế kỷ đã qua, Giáo Hội Ki-tô luôn tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Người là Ngôi hai Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Người đã chết và Người đang sống giữa chúng ta.

Khi tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, trọn vẹn đời sống người Ki-tô hữu phải quy hướng về Người. Ki-tô hữu không chọn cho mình một thần tượng giữa những người trần thế, mà chọn chính Chúa Giê-su là Thần tượng của họ. Vì thế, đức tin giúp người tín hữu trở nên giống Chúa Giê-su trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Lý tưởng của Ki-tô giáo là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, theo kiểu nói của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma (x. Rm 8,28-30).

Một tác giả đã viết, đại ý: Thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Nhưng thời nay, con người lại đang tạo dựng Thiên Chúa giống như hình ảnh của mình. Quả vậy, con người trong xã hội hiện đại đang sáng tạo ra một “thượng đế”, một “thiên chúa” biết chiều theo những dục vọng, xu hướng và đam mê của họ. Họ nại vào lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa, để suy diễn theo chiều hướng có lợi cho lối sống buông thả và những hành vi suy đồi đạo đức. Thiên Chúa có nguy cơ trở thành sản phẩm của trí tuệ con người. Chân dung Thiên Chúa và hình ảnh Đức Giê-su đang bị biến dạng vì những lập luận nguy hiểm này.

Đức Giê-su cứu độ con người không theo phương pháp và cách thức trần gian. Giáo Hội luôn cung kính tôn thờ thập giá của Đức Giê-su. Người đã bước đi trên con đường thập giá và đã chết trên cây thập giá. Cuộc khổ nạn thập giá, nhìn theo nhãn giới loài người, là một thất bại đau thương; nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, lại là sự chiến thắng vẻ vang.

Các Tông đồ xưa kia và nhiều người trong chúng ta hôm nay, dường như chưa được chuẩn bị đủ để đón nhận mầu nhiệm thập giá. Phê-rô đã can ngăn Thày mình, khi Người tiên báo cuộc khổ nạn, đến nỗi ông bị Chúa quở trách là “Xa-tan”. Những kỳ lão Do Thái cũng mang tâm trạng ấy, và họ coi thập giá là một thất bại hoàn toàn. Họ đã chế giễu Chúa khi Người bị đóng đinh: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,31-32). Những lời thách thức của các thượng tế và kinh sư cũng đang vang lên hôm nay, trong xã hội của chúng ta. Người ta thách thức Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa quyền năng và từ bi nhân hậu, tại sao có chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh và đau khổ chết chóc? Đối diện với những thách thức ấy, những người tin vào Chúa Giê-su cần xác tín và quyền năng của Người, trung thành với đức tin và với lý tưởng mình đã chọn.

Giữa những hoang mang của con người trước thập giá, Chúa Giê-su khẳng định: “Ai theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Trong hai câu văn này, chữ “mình” được nhấn mạnh bốn lần. Chúa muốn nói với chúng ta, đi theo Người không phải chỉ là hô khẩu hiệu, hoặc với đức tin mờ nhạt, chỉ có khi hạnh phúc an vui. Theo Chúa là gắn bỏ trung thành với Người, cùng đi với Người trên con đường thập giá. Nơi khác, Người hứa với chúng ta, nếu ai đến với Người, Người sẽ nâng đỡ và bổ sức cho. Những ai cậy trông vào Người, Người sẽ không từ bỏ bao giờ. Mỗi chúng ta, cách này hay cách khác, đã kinh nghiệm điều đó. Theo Chúa Giê-su là đi trên con đường thập giá, nhưng đích điểm của hành trình này là sự phục sinh vinh quang.

Là môn đệ Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Thày Giê-su, ngay trong cuộc sống cụ thể của mình, bằng những việc làm thiết thực. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Câu tuyên bố của thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) cho thấy hai khía cạnh có mối tương quan lô-gích với nhau giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được sống cách cụ thể. Tuyên xưng đức tin không chỉ bằng môi miệng, mà còn bằng việc làm. Cả hai khía cạnh đều cần thiết và làm nên một đức tin hoàn hảo.

Tín hữu có nghĩa là “người tin”. Chúng ta đã và đang thể hiện đức tin như thế nào? Câu hỏi này cũng giống như câu hỏi của Chúa Giê-su: “Các con bảo Thầy là ai?”. Vâng, Người vẫn luôn đặt ra cho chúng ta câu hỏi căn bản này. Tư cách Ki-tô hữu của mỗi người phụ thuộc vào câu trả lời trước câu hỏi của Chúa.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org