Trong sáu năm của chương trình Giảng thuyết, chúng tôi được học rất nhiều điều liên quan tới lãnh vực rất hấp dẫn này. Trước tiên, các giáo sư cung cấp cho tôi những kiến thức lý thuyết nền tảng liên quan tới sứ vụ giảng thuyết. Sau đó, chúng tôi được học và thực hành những kỹ thuật về cấu trúc và sắp xếp các ý tưởng của bài giảng. Bên cạnh các kiến thức về lý thuyết, chúng tôi còn có rất nhiều cơ hội để thực hành giảng trước mặt giáo sư và các sinh viên khác để họ nhận xét, đánh giá cũng như hoàn thiện bài giảng. Mục tiêu của tất cả những điều trên đây là để chúng tôi trở thành những nhà giảng thuyết tốt, có thể thông truyền sứ điệp Tin Mừng một cách hiệu quả, giúp mọi người nhận biết, yêu mến và bước theo Chúa ngày càng xác tín hơn.
Không chỉ trong lãnh vực Giảng thuyết mà hầu hết các lãnh vực khác đều cần học hỏi và được huấn luyện cách kỹ lưỡng trước khi bước vào thực tiễn. Điều này là rất cần thiết bởi con người luôn đặt hiệu quả lên hàng đầu và vì thế các kỹ năng phải được huấn luyện cách nhuần nhuyễn. Càng được huấn luyện kỹ, người ta càng giỏi về chuyên môn và vì thế khi ra làm việc hiệu quả đạt được sẽ càng cao hơn. Trái lại, khi không được huấn luyện cách kỹ càng, người ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên đường đời và thất bại là điều khó tránh khỏi.
Ấy vậy mà hôm nay, trước khi sai 72 môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giê-su lại không quá đề cao những kỹ năng. Thay vào đó, Ngài dặn dò các ông cách kỹ lưỡng về hình ảnh của nhà truyền giáo. Trước tiên, “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,8-9). Trong những câu ngắn ngủi này, chúng ta không nhận thấy bất kỳ lời dặn dò nào liên quan tới kỹ năng rao giảng hay kỹ thuật lôi cuốn người khác. Thay vào đó, Đức Giê-su gửi đến các môn đệ những lời dặn dò về cung cách sống của người môn đệ.
Thật khó hiểu với những lời dặn dò này. Tại sao họ không được mang tiền và các vật dụng cần thiết khác? Việc hạn chế đến mức tối đa ấy liệu có ảnh hưởng tới sứ vụ truyền giáo của các ông không? Tại sao Chúa Giê-su lại đưa ra những lời dặn dò có vẻ rất chi tiết này? Thưa, Chúa Giê-su muốn nói với các môn đệ và cả chúng ta rằng cung cách sống của người môn đệ là lời rao giảng hùng hồn nhất. Cuộc sống đơn sơ và phó thác của người môn đệ là kỹ thuật truyền giáo hữu hiệu hơn bất cứ bài giảng nào. Nói cách khác, Chúa Giê-su muốn hành trang của người môn đệ là sự sẵn sàng và phó thác cho Đấng sai mình đi. Điều này chúng ta cũng thấy trong trường hợp của tiên tri A-mốt trong Bài đọc 1, và chính Chúa Giê-su cũng đã sống lời dặn dò này cách triệt để.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần học hỏi và trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng. Không, chúng ta vẫn phải học và trau dồi bao nhiêu có thể, nhưng không vì thế mà lơ là việc trau dồi đời sống và tinh thần tông đồ của mình. Đức Chân phước Giáo hoàng Phao-lô VI đã nhấn mạnh: “Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy.” Mỗi người chúng ta, ngoài việc cố gắng học hỏi để có khả năng diễn đạt Lời Chúa, thì còn cần phải chú tâm hơn vào đời sống của mình. Chúng ta được mời gọi sống chứng tá bằng đời sống đơn sơ, khiêm tốn và phó thác cho Thiên Chúa. Khi sống cung cách này, chúng ta sẽ tìm được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn và rao truyền cho thế giới biết về một Thiên Chúa vô hình mà họ không thể thấy.
Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu
Trích Nội san Nhà Chung, Số 17 (Tháng 6/2024)
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: