Trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng – Chúa Nhật lễ Hiển Linh – Năm C

Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương vừa long trọng khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025. Đối với một số anh chị em tín hữu, Năm Thánh không gợi cho họ một điểm nhấn đặc biệt trong đời sống đức tin và trong đời sống hằng ngày, vì thế, dường như thời điểm Hồng ân này không tác động và ảnh hưởng đến họ. Năm Thánh đến rồi lại đi. Người tín hữu chúng ta phải làm gì?

Đức cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, nói đến điều mong muốn của Đức Thánh Cha khi cử hành Năm Thánh 2025 như sau: “Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trong Năm Thánh, chúng ta không chỉ có niềm hy vọng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng trở thành một điều chắc chắn, một kinh nghiệm cụ thể mà qua đó mỗi người chúng ta có thể chạm tới lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài”.

Đức Giê-su là niềm hy vọng cho thế giới. Người đã đến trần gian để loan Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những vết thương tinh thần và thể xác của con người, đồng thời loan báo cho họ: Năm Hồng ân và ngày khen thưởng của Thiên Chúa đã đến rồi (x. Lc 4,16-22). Qua lời giáo huấn, và nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, Đức Giê-su khẳng định với thế giới: Thiên Chúa luôn hiện diện bên con người trong những thăng trầm đau khổ của họ. “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi. Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người” (Mt 11,28).

Khi cử hành Năm Thánh, Giáo Hội Công giáo muốn giới thiệu Đức Ki-tô với toàn thể thế giới, đồng thời khẳng định, Người là niềm hy vọng cho nhân loại, mặc dùng bối cảnh thế giới đang trong tình trạng ảm đạm đau thương. Người là Đấng Cứu nhân độ thế. Mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và ngôn ngữ đều có thể đón nhận ơn Cứu độ, nếu biết đón nhận Người.

Lễ Hiển Linh trong Năm Thánh mang một ý nghĩa đặc biệt: Như Chúa Giê-su đã tỏ mình cho muôn dân, mà đại diện là các nhà đạo sĩ, hôm nay, đến lượt Giáo Hội nói với muôn dân về tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Tình yêu này được thể hiện qua cuộc đời dương thế của Đức Giê-su, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Các Bài đọc Lời Chúa trong lễ Hiển Linh đều mang một nội dung chính: Đức Giê-su là Vua muôn loài. Người đến trần gian làm cho thế gian tỏa sáng. Người là Ánh sáng muôn dân, dẫn đưa con người ra khỏi tối tăm tội lỗi. Những ai thành tâm đón nhận và bước theo Người, sẽ được chiếu sáng bởi Ánh sáng thiên linh ngàn đời. Họ sẽ trở nên ánh sáng thế gian để cộng tác với Chúa Giê-su, làm cho ơn Cứu độ lan tỏa đến tận cùng thế giới.

Nếu thành thánh Giê-su-sa-lem được ngôn sứ I-sa-i-a hối thúc tỏa sáng ra khắp miền xung quanh, thì ngày nay, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được mời gọi hãy tỏa sáng khắp thế giới. Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại muốn qua nỗ lực của con người – thành viên của Giáo Hội – để làm cho Ánh sáng muôn dân được loan truyền. Năm Thánh là thời điểm nhắc cho mỗi Ki-tô bổn phận cao quý này. Mỗi chúng ta hãy trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng, là hình ảnh sống động của Đức Giê-su, để trở nên ánh sáng giữa xã hội còn nhiều tăm tối và bất công. Đây cũng là thao thức của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Trong sắc chỉ hiệu triệu của mình, Đức Thánh Cha viết: “Loan báo niềm hy vọng thì chưa đủ, mà còn cần phải đưa ra những dấu chỉ cụ thể về sự Phục Sinh, nghĩa là bảo vệ phẩm giá của mỗi người, thăng tiến con người, làm mọi thứ để mang lại cho mỗi người một tương lai”.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Hồng ân đức tin. Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Ê-phê-xô ý thức phẩm giá và vinh dự cao quý của mình, vì từ nguồn gốc dân ngoại (tức là ngoài Do Thái), Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng thừa kế với dân riêng của Ngài.

Các đạo sĩ đến từ phương Đông để chiêm bái vị Vua mới sinh; vua Hê-rô-đê cũng mượn danh chiêm bái Hài nhi Giê-su, nhưng động lực của ông hoàn toàn khác. Ông muốn giết hại Hài nhi mới sinh để trừ một hậu họa. Những cuộc hành hương trong Năm Thánh là những cuộc lên đường tìm kiếm Chúa. Chúng ta chỉ được thực sự gặp Chúa khi thiện chí canh tân đời sống, sống ơn hòa giải với Chúa và với anh chị em mình. Hê-rô-đê không bao giờ được gặp Chúa Giê-su, ông không thể giết hại được Hài Nhi Giê-su, mặc dù ông dã tâm sát hại biết bao hài nhi vùng đồng quê Bê-lem. Thiên Chúa không tỏ mình cho những người sống trong gian ác, ghen tương và hận thù và dùng bạo lực huỷ diệt.

Chúng ta hãy đến bái lạy vị Vua mới sinh. Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Người đang ngự giữa chúng ta. Hãy đến với Người để tìm thấy niềm hy vọng cho cuộc đời, để rồi mỗi chúng ta cũng trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới hôm nay.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org