Bản tin hôm nay gồm có: Brazil cung hiến đền thánh mới với thánh giá và tượng Đức Mẹ khổng lồ; Giáo hội Hàn Quốc tưởng nhớ các vị tử đạo thế kỷ 19; Thông điệp Ngày Thế giới chăm sóc thụ tạo: Người nghèo chịu thiệt hại nhất trong đợt nắng nóng, hạn hán; Vatican khẳng định Con đường Công nghị Đức không thể tự quyết về giáo lý.
Brazil cung hiến đền thánh mới với thánh giá và tượng Đức Mẹ khổng lồ
Đức Giám mục Onécimo Alberton của Giáo phận Rio do Sul, Brazil, đã cung hiến và ban phép lành cho một đền Đức Mẹ mới với bức tượng có kích thước lớn hơn tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro.
Trang Facebook của đền thánh cho biết chính quyền địa phương, các chuyên gia tham gia vào dự án xây dựng và các vị khách khác đã tham dự lễ khánh thành. Ngày hôm sau, ngôi đền đã được mở cửa cho công chúng.
Khu phức hợp đền Đức Mẹ nằm trên một ngọn núi nhìn ra Ituporanga, nơi có một hang đá Đức Mẹ Lộ Đức mà những người hành hương đã đến viếng thăm từ năm 1949.
Trên đỉnh của khu phức hợp mới là một bức tượng tuyệt đẹp của Đức Mẹ Lộ Đức, cùng với bệ cao gần 40m, nặng 300 tấn và được chiếu sáng vào ban đêm. Dưới chân tượng Đức Mẹ là một nhà nguyện 120 chỗ ngồi, dùng làm nơi cầu nguyện và thờ phượng.
Bên cạnh tượng Đức Mẹ có một cây thánh giá cao 50m cũng được thắp sáng vào ban đêm. Cây thánh giá có một thang máy để du khách và người hành hương đứng ở độ cao 35m, ngắm nhìn thành phố và sông Itajaí do Sul.
Giáo hội Hàn Quốc tưởng nhớ các vị tử đạo thế kỷ 19
Hàng trăm tín hữu đã quy tụ tại đền Các Thánh Tử đạo Hanti để tỏ lòng kính mến các vị tử đạo thế kỷ 19. Các ngài là những người dám hy sinh mạng sống vì đức tin của mình.
Đức Tổng Giám mục Thaddeus Cho Hwan-Kil của Tổng Giáo phận Daegu cử hành Thánh lễ tại Đền Hanti vào ngày 17/7. Ngài kêu gọi các tín hữu lấy cảm hứng từ các vị tử đạo để trở thành chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa.
Từ năm 1866 đến năm 1886, khoảng 9.000 tín hữu Công giáo, một nửa tổng số người Công giáo của Hàn Quốc vào thời điểm đó, đã qua đời trong cuộc bách hại Byeongin. Trong số đó bao gồm 9 nhà truyền giáo người Pháp đang phục vụ tại Hàn Quốc vào thời điểm đó.
Thánh Anrê Kim Taegon (1821-1846), linh mục Công giáo Hàn Quốc đầu tiên, là thánh tử đạo được biết đến nhiều nhất trong số các vị tử đạo ở Hàn Quốc. Cha Andrew bị chặt đầu năm 1846 khi mới 25 tuổi.
Trong thế kỷ qua, Kitô giáo tại Hàn Quốc đã phát triển theo cấp số nhân, từ khoảng 1% vào những năm 1900 lên gần 1/3 dân số hiện tại.
Thông điệp Ngày Thế giới chăm sóc thụ tạo: Người nghèo chịu thiệt hại nhất trong đợt nắng nóng, hạn hán
Khi châu Âu phải đối mặt với nhiệt độ cao kỷ lục và cháy rừng mùa hè, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã chỉ ra rằng người nghèo phải chịu đựng nhiều nhất từ các đợt nắng nóng, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Trong một thông điệp cho Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc các loài thụ tạo, ĐTC nói rằng “những người nghèo nhất trong chúng ta đang than khóc”.
Ngài nói rằng để đạt được các mục tiêu khắt khe của thỏa thuận Paris về hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C và giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 đòi hỏi sự hợp tác giữa tất cả các quốc gia.
Giáo hoàng kêu gọi các quốc gia giàu có hơn về kinh tế, “những quốc gia đã gây ô nhiễm nhiều nhất trong hai thế kỷ qua” hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia nghèo hơn. Họ là những quốc gia “đã phải trải qua nhiều gánh nặng nhất của biến đổi khí hậu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày 1 tháng 9 là Ngày Thế giới cầu nguyện hàng năm cho việc chăm sóc sự sáng tạo sau khi công bố thông điệp Laudato si’ vào năm 2015. Giáo hoàng cũng đã khuyến khích tổ chức Mùa Thụ tạo từ ngày 1/9 đến ngày 4/10.
Chủ đề của Mùa Thụ tạo năm nay sẽ là “lắng nghe tiếng nói của tạo hóa”. ĐTC Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng thời gian này sẽ là “thời điểm đặc biệt để tất cả các Kitô hữu cầu nguyện và cùng nhau chăm sóc cho ngôi nhà chung”.
Vatican khẳng định Con đường Công nghị Đức không thể tự quyết về giáo lý
Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều ngày 21/7, Tòa Thánh đã lên tiếng can dự vào Con đường Công nghị Đức.
Tuyên bố nêu rõ những cách tiếp cận mới đối với giáo lý và luân lý của Con đường Công nghị Đức sẽ không được công nhận nếu không có sự nhất trí ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ. Những học thuyết mới có thể trở thành mối đe dọa cho sự thống nhất của Giáo hội.
Tòa Thánh cũng trích lại lời của ĐTC Phanxicô rằng Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương không thể tách rời nhau. Nếu bị chia tách khỏi Giáo hội chung, Giáo hội đó sẽ yếu đi, thối rữa và chết. Do đó, luôn cần có sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội.
Do đó, Vatican hy vọng các đề xuất của các Giáo hội địa phương, đặc biệt ở Đức, cần gắn kết với con đường công nghị chung đang được toàn Giáo hội thực hiện.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: