Lịch trình của Đức Thánh Cha trong Tuần Thánh 2022; Thông điệp của ĐTC Phanxicô trong Ngày Nước Thế giới; Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Tổng thống Li Băng; Thông điệp của ĐTC Phanxicô trong Ngày Nước Thế giới là những nội dung đáng chú ý.
Lịch trình của Đức Thánh Cha trong Tuần Thánh 2022
Vatican công bố lịch trình của Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô trong Tuần Thánh 2022. Sau hai năm hạn chế vì đại dịch, ĐTC sẽ quay lại Đấu trường La Mã để cử hành các nghi thức.
Vào Chúa nhật Lễ Lá, ĐTC Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng ngày 10/4 theo giờ địa phương. Lần gần đây nhất mà Thánh lễ này được cử hành có sự tham dự của hơn 40.000 người.
Lịch trình Vatican công bố không nhắc đến sự xuất hiện của ĐTC trong Lễ Tiệc Ly vào thứ Năm Tuần Thánh. Năm 2021, ĐTC đã lựa chọn đến thăm nhà tù địa phương để cử hành Thánh lễ.
ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ĐTC sẽ chủ sự Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều. Sau đó, ngài đến Đấu trường La Mã của Rôma để đi Đàng Thánh Giá lúc 9 giờ tối.
ĐTC sẽ dâng Thánh lễ Canh thức vào lúc 7 giờ 30 phút tối ngày 16/4 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Ngài cũng sẽ cử hành Thánh lễ Chủ nhật Phục sinh bên ngoài tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, sau đó ngài sẽ ban phép lành Urbi et Orbi.
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Tổng thống Li Băng
Ngày 21/3, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã có cuộc gặp với Tổng thống Li Băng Michel Aoun tại Vatican, trong bối cảnh quốc gia này đang quay cuồng với nhiều cuộc khủng hoảng.
Văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết, ông Michel Aoun cũng đã gặp Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin và Ngoại trưởng Tòa Thánh Đức Tổng giám mục Paul Gallagher.
Trong những năm gần đây, Li Băng đã phải chiến đấu với nhiều khó khăn từ dòng người tị nạn Syria, cuộc khủng hoảng tài chính, thiếu quản lý ổn định và tác động của đại dịch.
Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine cũng đe dọa gây ra khủng hoảng lương thực ở Li Băng, quốc gia phụ thuộc và nhập khẩu lúa mì từ quốc gia Đông Âu này.
Trong buổi tiếp kiến riêng, ĐTC Phanxicô trao cho tổng thống Li Băng một tấm bảng bằng đồng có hình một thiên thần ôm lấy hai bán cầu của thế giới với dòng chữ: “Một thế giới đoàn kết và hòa bình dựa trên công lý”.
Đổi lại, Tổng thống Aoun trao cho ĐTC một bản sao cuốn Thánh Vịnh từ năm 1600 và mật ong từ khu vườn phủ tổng thống.
Thông điệp của ĐTC Phanxicô trong Ngày Nước Thế giới
Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 9 được khai mạc tại Dakar, thủ đô của Senegal, vào ngày 21/3. Sự kiện quốc tế kéo dài từ 21-26/3 có chủ đề: “An ninh nguồn nước vì hòa bình và phát triển”. Diễn đàn hướng tới giải quyết những thách thức toàn cầu đối với con người và thiên nhiên, hôm nay và mai sau.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp tới Diễn đàn Nước Thế giới, do Đức Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin ký. Thông điệp do Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng lâm thời Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, công bố.
Trong thông điệp, ĐTC Phanxicô chỉ ra rằng “an ninh nguồn nước ngày nay đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, bao gồm ô nhiễm, xung đột, biến đổi khí hậu và lạm dụng tài nguyên thiên nhiên”.
Ngài nhắc lại quyền có nước uống và vệ sinh, đồng thời liên kết việc tiếp cận nguồn nước an toàn với quyền sống bất khả xâm phạm. ĐTC cũng cầu nguyện cho diễn đàn và bày tỏ hy vọng rằng cuộc gặp sẽ là cơ hội để thực hiện quyền con người và xây dựng hòa bình.
Giáo hội Hàn Quốc kêu gọi phong thánh cho người Công giáo yêu nước
Tờ Thời báo Công giáo Hàn Quốc ngày 20/3 đưa tin rằng các vị chức sắc Công giáo Hàn Quốc đã đề xuất những ý kiến trong hội nghị ngày 10/3 để người công giáo địa phương hiểu hơn về đời sống đức tin của ông Tôma Ahn Jung-geun.
Các Đức Giám mục Hàn Quốc kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ để tiến tới phong Chân phước và phong thánh cho nhà yêu nước Công giáo cũng là anh hùng độc lập Tôma Ahn Jung-geun.
Theo UCA News, ông Tôma Ahn Jung-geun sinh ra trong gia đình theo Phật giáo nhưng có lòng yêu mến Thiên Chúa và gia nhập đạo Công giáo. Các diễn giả trong hội nghị thừa nhận ông là một người anh hùng. Trong khi đó, người Công giáo Hàn Quốc vẫn còn thụ động trong nỗ lực giúp cho nhiều người biết đến ông hơn.
“Điều quan trọng là phải giáo dục người Công giáo và nuôi dưỡng đức tin từ gương Ahn Jung-geun. Đó là điều cấp bách hơn bao giờ hết”, Cha Piô Kim Dong-won, Giám đốc Trung tâm Truyền giáo Đông Á, cho biết.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: