Cuộc gặp của Đức Thánh Cha với thành viên Bộ Giáo lý Đức tin; 20 năm truyền giáo của Viện Nghiên cứu Văn hóa Kitô giáo ở Trung Quốc; Các Giám mục châu Âu kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình Ukraina; Vatican thực hiện bảo tồn đối với bức linh ảnh cổ về Đức Mẹ là những nội dung chính.
Cuộc gặp của Đức Thánh Cha với thành viên Bộ Giáo lý Đức tin
Ngày 21/01, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã chào đón các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) tại Vatican. Trong bài diễn văn của mình, ĐTC Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với sự phục vụ có giá trị của họ. Bộ Giáo lý Đức tin có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của giáo lý Công giáo về đức tin và đạo đức.
Ngài cũng suy tư vào 3 vấn đề chính là phẩm giá, sự phân định và đức tin. Nhắc đến phẩm giá, ĐTC khẳng định rằng nếu tình huynh đệ là đích đến thì việc tôn trọng phẩm giá mỗi người chính là con đường dẫn đến đích điểm đó.
Sau đó, ĐTC thảo luận về vấn đề phân định. Ngài nói rằng việc thực hành phân định chính là ứng dụng của cuộc chiến chống lại mọi hình thức lạm dụng.
Với suy tư cuối, ĐTC nhắc nhớ về đức tin. Ngài cho biết Bộ Giáo lý Đức tin không chỉ để bảo vệ mà còn để thúc đẩy đức tin. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng đức tin phải là trọng tâm của đời sống. Đức tin đó cũng không thể là một đức tin chung chung và mơ hồ nhưng là đức tin của bản thân mỗi người và là đức tin của sự ngay thẳng.
20 năm truyền giáo của Viện Nghiên cứu Văn hóa Kitô giáo ở Trung Quốc
ĐTC Phanxicô đã gửi thông điệp đến các thành viên tham dự Phiên họp Công khai lần thứ XXIV của Viện Giáo hoàng (4/12/2019), ngài cho rằng rằng Viện cũng là một lực lượng rao truyền Tin Mừng của Giáo hội.
Công cuộc truyền giáo của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc do đó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phục vụ xã hội hay hỗ trợ từ thiện, mà còn được thực hiện trong lĩnh vực học thuật.
Với quy mô khiêm tốn, Viện Nghiên cứu Văn hóa Kitô giáo thuộc Tổng Giáo phận Bắc Kinh đã đi con đường truyền giáo bằng việc tìm kiếm chân lý và nghiên cứu học thuật Công giáo trong suốt 20 năm qua.
Kể từ khi ra đời vào ngày 3/8/2002, Viện luôn đẩy mạnh việc nghiên cứu các chủ đề khác nhau thông qua các cuộc tranh luận, hội nghị, xuất bản, hội thảo, diễn đàn, các khóa đào tạo, học bổng, giao lưu quốc tế …
Các chủ đề đa dạng trong đó có việc đóng góp của các nhà truyền giáo Trung Quốc và nước ngoài vào việc truyền giáo và phát triển xã hội ở Trung Quốc. Viện ngày càng thu hút được nhiều học giả nổi tiếng tham gia.
Các Giám mục châu Âu kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình Ukraina
Các Đức Giám mục ở châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina và kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho hòa bình.
Theo thông cáo của HĐGM Châu Âu (CCEE) được đưa ra ngày 21/1, các ngài mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho món quà hòa bình được ban xuống cho Ukraina và cuộc khủng hoảng sẽ bị đẩy lùi thông qua đối thoại.
Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Vilnius, chủ tịch CCEE, đã thay mặt toàn thể hội đồng, bày tỏ sự gần gũi với người dân Ukraina trong thời điểm căng thẳng nhạy cảm này.
Các Đức Giám mục đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đất nước đang trong thời điểm khó khăn này. Cùng với ĐTC Phanxicô, các ngài muốn kêu gọi các chính phủ tìm ra giải pháp lâu dài dựa trên đối thoại và thương lượng mà không dùng đến vũ khí.
Vatican thực hiện bảo tồn đối với bức linh ảnh cổ về Đức Mẹ
Vương cung thánh đường Thánh Mary Major đã thông báo sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra bảo tồn định kỳ đối với biểu tượng Đức Mẹ Cứu rỗi Dân thành Roma. Công việc thường lệ diễn ra vào sáng thứ Năm ngày 20/1 với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục tại Vương cung thánh đường – Đức Hồng Y Stanisław Ryłko. Giám đốc Viện bảo tàng Vatican Barbara Jatta là người đã tiến hành kiểm tra.
Sau giây phút cầu nguyện ngắn ngủi, bức linh ảnh tạm thời được gỡ khỏi bàn thờ trong Nhà nguyện Pailine. Đoàn kiểm tra đã xác nhận rằng bức linh ảnh vẫn còn trong tình trạng nguyên vẹn.
Từ thời Trung Cổ, linh ảnh Đức Mẹ đã được cư dân thành Roma đặc biệt sùng kính. Họ hướng về Mẹ đặc biệt trong những lúc nguy nan. ĐTC Phanxicô đã đưa linh ảnh đến Quảng trường Thánh Phêrô tại đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào ngày 27/3/2020. Ngài cũng viếng thăm Đức Mẹ trước và sau mỗi chuyến tông du của mình.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: