Đức Thánh Cha phê chuẩn phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho một vị thánh; Hơn 360 triệu Kitô hữu trên toàn thế giới bị bắt bớ trong năm 2021; Cuộc họp đầu tiên của HĐGM Nam Phi kể từ khi Covid-19 bùng phát; Philippines khởi động tuần lễ Hiệp nhất Kitô giáo là những nội dung đáng chú ý
Đức Thánh Cha phê chuẩn phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho một vị thánh
Thứ Năm, ngày 21/01, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã phê duyệt phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho Thánh Irenaeus. Ngài đã có cuộc gặp với Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh Vatican. Ngài đã ủy quyền cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro để trao tước hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho Thánh Irenaeus.
Theo ý kiến từ Phiên họp toàn thể của các Đức Hồng Y và Giám mục đoàn, các ngài nhận thấy vị Giám mục thế kỷ II xứng đáng với danh hiệu này. ĐTC Phanxicô đã từng công bố ý định này từ tháng 10 năm 2021. Khi đó, ĐTC nhắc đến Thánh Irenaeus là một “cầu nối thần học và tâm linh tuyệt vời giữa các Kitô hữu phương Đông và phương Tây”.
ĐTC có ý định tuyên phong Thánh Irenaeus là Tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu “Tiến sĩ của sự hiệp nhất”.
Hơn 360 triệu Kitô hữu trên toàn thế giới bị bắt bớ trong năm 2021
Danh sách Theo dõi Thế giới (WWL) 2022 do Open Door công bố ngày 19/1 cho thấy sự bắt bớ đối với các tín hữu Kitô giáo tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử này.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 01/10/2020 cho đến ngày 30/9/2021 cho thấy con số những Kitô hữu chịu ngược đãi tiếp tục gia tăng. Hơn 360 triệu người đã phải chịu sự ngược đãi và phân biệt đối xử tại đất nước của họ.
Báo cáo thống kê rằng 5.898 Kitô hữu bị sát hại (tăng 23,8% so với năm 2020), 5.110 nhà thờ bị tấn công hoặc đóng cửa (tăng 13,8%), 6.175 Kitô hữu bị bắt mà không qua xét xử (tăng 44,3%) và 3.829 người bị bắt cóc (tăng 123, 9%).
Một trong những hậu quá của bạo lực tôn giáo là những người theo đạo Kitô giáo buộc phải di dời. Nhiều người trong số 84 triệu người di cư trong nước và 26 triệu người tị nạn được ghi nhận trong năm 2021.
Open Doors cũng nỗ lực tìm hiểu thêm về bạo lực phụ nữ đối với đức tin Kitô giáo của họ. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu chính xác cho vấn đề này là rất khó khăn vì nhiều phụ nữ ngại lên tiếng. Chi tiết thêm về khía cạnh này sẽ được đưa ra trong một báo cáo khác công bố vào tháng Hai.
Cuộc họp đầu tiên của HĐGM Nam Phi kể từ khi Covid-19 bùng phát
Trong Thánh lễ khai mạc phiên họp toàn thể của HĐGM Nam Phi tại Chủng viện Thánh Gioan Vianney, Đức Giám mục João Rodrigues của Giáo phận Tzaneen đã bày tỏ niềm vui khi thực sự được gặp gỡ các Đức cha sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cuộc họp của HĐGM Nam Phi quy tụ các Đức Giám mục Botswana, Nam Phi và Eswatini. Đây là cuộc họp đầu tiên diễn ra sau cuộc họp từ tháng 1/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch HĐGM Nam Phi, Đức Giám mục Sithembele Sipuka của Giáo phận Umtata cho biết các chương trình mục vụ thường lệ của các giáo xứ đang dần trở lại. Các tín hữu một lần nữa được đến tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ.
Đức cha Sipuka cũng tưởng nhớ đến hai nhân vật lỗi lạc trong công cuộc chống phân biệt chủng tộc là Tổng thống Nam Phi FW de Klerk và Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu.
Philippines khởi động tuần lễ Hiệp nhất Kitô giáo
Những tín hữu Công giáo và Tin lành đã tổ chức một buổi cầu nguyện đại kết tại Manila để đánh dấu Tuần Cầu nguyện lần thứ 22 cho sự Hiệp nhất Kitô giáo từ ngày 16-22/1.
Buổi cầu nguyện có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Manila – Đức Hồng Y Jose Advincula cùng các thành viên của Hội đồng Quốc gia các Giáo hội Philippines (NCCP) tại nhà thờ Manila ngày 19/1.
NCCP cộng tác với HĐGM Philippines để giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là công lý, hòa bình cũng như thúc đẩy nhân phẩm và nhân quyền. NCCP và HĐGM Philippines đồng thời cho biết cuộc sống người dân ở quốc gia này hiện rất khó khăn.
Trong tuyên bố chung, Đức Giám mục Reuel Norman O. Marigza của NCCP và Tổng Giám mục Angelito R. Lampon từ HĐGM Philippines cho biết: “Ánh sáng Chúa Kitô hướng dẫn cho hành trình của chúng ta. Đây là những ngày vật lộn, gian khổ và tuyệt vọng. Khi bão Rai và biến thể Omicron gây áp lực lên các cộng đồng và từng gia đình địa phương, các Kitô hữu phải đoàn kết liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất”.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: