Kỷ niệm 200 năm Giáo hội Singapore khép lại: Thủ tưởng ca ngợi đóng góp của cộng đoàn tín hữu; Giáo hội Công giáo các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thêm nhà thờ mới; Tất cả 17 nhà truyền giáo ở Haiti đã được thả; Phong trào lần hạt “Nước Áo đọc kinh” lan tỏa khắp Âu – Mỹ là những thông tin đáng chú ý.
Kỷ niệm 200 năm Giáo hội Singapore khép lại: Thủ tưởng ca ngợi đóng góp của cộng đoàn tín hữu
Thủ tưởng Singapore Lý Hiển Long đã ca ngợi Giáo hội Công giáo về đóng góp cho xã hội và đất nước trong suốt 200 năm hình thành và phát triển.
Trong lễ bế mạc kỷ niệm 200 năm Giáo hội Công giáo hiện diện tại Singapore được cử hành ngày 11/12 tại nhà thờ Chúa Chiên Lành, thủ tưởng Lý Hiển Long bày tỏ niềm vui vì được hiện diện trong ngày lễ đặc biệt của Giáo hội Công giáo. Ông dành lời chúc mừng tới cộng đoàn tín hữu và nói thêm: “Trong xã hội đa tôn giáo của chúng ta, người Công giáo đã phát triển mạnh và cùng tồn tại hòa hợp với các tôn giáo khác”.
Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám mục William Goh cảm ơn chính phủ đã cộng tác với Giáo hội và kêu gọi các tín hữu “tiếp tục xây dựng một xã hội tử tế, nhân ái và hòa nhập, đặc biệt là hướng tới người nghèo”.
Từ ngày 4-11/12, chuỗi sự kiện mừng 200 năm đức tin Công giáo ở Singapore bao gồm các sáng kiến nâng cao nhận thức về văn hóa và phụng vụ, bao gồm các hoạt động biểu diễn.
Chủ tịch Tổ chức Liên tôn Rajesh R. Shah cho biết các hoạt động của Giáo hội Công giáo rất đáng chú ý, đã và đang mang lại lợi ích cho tất cả thành phần trong xã hội bằng đức tin, tình yêu, lòng bác ái.
Singapore là một quốc gia đa tôn giáo và sắc tộc với số dân 5,6 triệu người. Số người theo Kitô giáo là 15%, trong đó có khoảng 360.000 người Công giáo.
Giáo hội Công giáo các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thêm nhà thờ mới
Ngày 16/12, nhà thờ Công giáo Thánh Gioan Tẩy Gat tại Ruwais, cách Abu Dhabi 250km, được khánh thành. Lễ cung hiến nhà thờ mới diễn ra vào ngày 17/12 do Đức Giám mục Paul Hinder, Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập, chủ tế.
Cha xứ của nhà thờ là cha Thomas Ampattukuzhy, người giám sát dự án xây dựng kể từ khi đặt viên đá đầu tiên vào ngày 30/12/2018.
Ngôi nhà thờ có sức chứa khoảng 800 chỗ ngồi. Ngoài Thánh lễ hàng ngày được cử hành vào chiều các ngày trong tuần, nhà thờ cũng sẽ có hai Thánh lễ vào thứ Sáu, ngày lễ nghỉ của các quốc gia vùng Vịnh đa số theo đạo Hồi.
Đây là nhà thờ Công giáo đầu tiên vùng al-Dhafra. Cộng đồng Công giáo ở Ruwais có khoảng 2.500 người, chủ yếu là người Philppines, Ấn Độ. Một số người đến từ Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Sau lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập ở Bahrain do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle chủ tế, việc cung hiến ngôi nhà thờ mới ở Ruwais thể hiện niềm vui và là cơ hội để trải nghiệm một Kitô giáo đa ngôn ngữ, đa màu sắc và được phát triển một cách tự do.
Tất cả 17 nhà truyền giáo ở Haiti đã được thả
Ngày 16/12/2021, 12 nhà truyền giáo còn lại cuối cùng đã được thả tự do vào thứ Năm, 2 tháng kể từ khi họ bị bắt cóc khi đang phục vụ tại một trại trẻ mồ côi.
Một tổ chức tài trợ cho các nhà truyền giáo tại Haiti đã ca ngợi Thiên Chúa khi tất cả 17 nhà truyền giáo đã bình an vô sự trở về.
Ngày 16/10, băng đảng 400 Mawozo ở Haiti đã bắt cóc 17 nhà truyền giáo và đòi tổng số tiền chuộc là 17 triệu USD. Kẻ cầm đầu dọa giết con tin nếu không nhận được tiền chuộc.
Những người bị bắt có độ tuổi từ 8-48 tuổi, là công dân Mỹ và Canada. Vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, các nhà truyền giáo đang hỗ trợ xây dựng trại trẻ mồ côi ở Fond Perisien, Haiti. Cuối tháng 11, 2 con tin đã được thả. Ngày 6/12, thêm 3 con tin khác được trả tự do.
Trong suốt thời gian qua, Bộ viện trợ của Kitô giáo đã cung cấp thông tin cập nhật gần như hàng ngày về tình hình của những nhà truyền giáo và khuyến khích mọi người tiếp tục cầu nguyện để họ được thả an toàn.
Phong trào lần hạt “Nước Áo đọc kinh” lan tỏa khắp Âu – Mỹ
Khi nước Áo phải đối mặt với làn sóng lây lan Covid-19 mới, một sáng kiến thúc đẩy việc lần hạt chấm dứt đại dịch đang được thực hiện. Chỉ riêng tuần trước, hơn 1.000 người đã cùng nhau đọc kinh Mân Côi tại hàng trăm địa điểm trên khắp đất nước Trung Âu này.
Giờ đây, phong trào “Nước Áo đọc kinh” đã lan tỏa sang Đức, Thụy Sĩ và các quốc gia khác như Mỹ. Phong trào này rất đơn giản, vào thứ Tư hàng tuần, những người tham gia phong trào sẽ quy tụ tại một địa điểm để đọc kinh Mân Côi.
Người sáng lập phong trào, ông Louis-Pierre Laroche đã nảy ra ý tưởng này khi tình cờ nghe được câu nói: “Bây giờ chỉ có lời cầu nguyện mới giúp ích được” trong hoàn cảnh dịch bệnh này.
Theo CNA, Áo là quốc gia có gần 9 triệu dân, đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm Covid-19 và 13.282 ca tử vong tính đến ngày 16/12. Nước này dự kiến sẽ trở thành quốc gia phương tây đầu tiên áp dụng tiêm chủng bắt buộc ngừa Covid-19 từ tháng 2/2022.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: