Đức Thánh Cha thăm Canada vào tháng 7; Người hành hương Fatima cầu nguyện cho hòa bình Ukraine; Đức Thánh Cha nói với các phi công: Cầu xin cho bầu trời chỉ là bầu trời hòa bình; Linh mục Hà Lan được đề xuất làm Thánh bảo trợ cho các nhà báo là những nội dung đáng chú ý.
Đức Thánh Cha thăm Canada vào tháng 7
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ngày 13/5 thông báo rằng Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã chấp nhận lời mời từ cơ quan dân dự và Giáo hội đến thăm Canada từ ngày 24-30/7.
Trong chuyến thăm vào tháng 7 sắp tới, ĐTC Phanxicô sẽ đến thăm các thành phố như Edmonton, Québec và Iqaluit. Thông báo của Văn phòng Báo chí cho biết chi tiết về hành trình của ĐTC sẽ được công bố trong thời gian tới.
Trước thông báo mới nhất này, ĐTC Phanxicô đã có hàng loạt cuộc gặp với một số phái đoàn của các dân tộc bản địa Canada tại Vatican hồi tháng 3. Ngài đã tiếp phái đoàn người Métis, Inuit, Các Dân tộc Đầu tiên và HĐGM Canada.
Các cuộc gặp gỡ là cơ hội để ĐTC lắng nghe những câu chuyện đau thương của những người sống sót và giải quyết những tổn thương và đau khổ mà họ phải đối mặt cho đến ngày nay.
Người hành hương Fatima cầu nguyện cho hòa bình Ukraine
Nhân dịp kỷ niệm 105 ngày Đức Trinh Nữ Maria hiện ra ở Fatima, người hành hương dành lời cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.
Ngày 13/5, Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã dâng Thánh lễ tại đền Đức Mẹ ở Bồ Đào Nha với sự hiện diện của 2 Đức Hồng Y, 28 Giám mục, 318 linh mục và hàng nghìn tín hữu hành hương.
Trong Thánh lễ, những người hành hương đã cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt là cho nạn nhân của cuộc xung đột tại Ukraine.
Đây là lễ kỷ niệm lớn đầu tiên ở Fatima kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và từ khi ĐTC Phanxicô thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.
Truyền thông Bồ Đào Nha ước tính có khoảng 200.000 người đã tham dự buổi cầu nguyện dưới ánh nến tại Fatima vào tối 12/5.
Đức Thánh Cha nói với các phi công: Cầu xin cho bầu trời chỉ là bầu trời hòa bình
ĐTC Phanxicô gửi lời cảm ơn đến các thành viên của Cơ quan Hàng không Dân dụng Ý vì sự phục vụ của họ để mang mọi người lại gần nhau. Ngài cũng bày tỏ nỗi buồn trước thực tế là hàng không đang bị sử dụng như một công cụ chiến tranh.
Ngày 13/5, ĐTC Phanxicô đã đề nghị hỗ trợ và khuyến khích các đại diện của tổ chức này rằng lĩnh vực hàng không nằm trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19.
Ngài khẳng định những đóng góp của ngành hàng không vào sự phát triển của thế giới, mang các dân tộc xa xôi đến gần nhau hơn. Ngài cũng gọi nghề phi công là một nghề tạo ra lợi ích cho xã hội.
Nhờ có hàng không, “hàng nghìn hành khách có thể đến các thành phố và quốc gia khác, để kinh doanh, du lịch, phục vụ nhu cầu gia đình và nhờ đó tiếp cận các nền văn hóa và truyền thống khác nhau”.
ĐTC Phanxicô cũng đề cao giá trị của lĩnh vực này đối với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội và con người ở cấp độ quốc tế. Ngài hy vọng rằng “bầu trời sẽ luôn luôn và chỉ là bầu trời hòa bình, rằng chúng ta có thể bay trong hòa bình để xây dựng và củng cố các mối quan hệ hữu nghị”.
Linh mục Hà Lan được đề xuất làm Thánh bảo trợ cho các nhà báo
Trong số 10 Chân phước mà ĐTC Phanxicô sắp tuyên phong hiển thánh có một linh mục là nhà báo người Hà Lan.
Chân phước Titus Brandsma dự kiến sẽ được phong thánh vào ngày 15/5. Gương hy sinh của ngài đã được hàng chục nhà báo ký vào bức thư đề xuất với ĐTC đặt tên cho vị linh mục Dòng Cát Minh là thánh bảo trợ cho các nhà báo.
Thánh Phanxicô Salê năm 1923 được công bố là vị thánh bảo trợ cho các nhà văn và nhà báo, Ngài chắc chắn là một người thánh thiện và có công lao lớn. Nhưng các nhà báo giải thích rằng ngài không phải là nhà báo theo đúng nghĩa hiện đại của từ này.
Lá thư viết thêm rằng những nhà báo Công giáo nhận ra cha Titus Brandsma là một nhà báo chuyên nghiệp và là một tín hữu đạo đức. Ngài đã góp phần tìm kiếm sự thật, thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa người với người.
Thánh Gioan Phaolô II, người đã phong chân phước cho linh mục người Hà Lan vào năm 1985, gọi ngài là một “nhà báo dũng cảm” và là một “vị tử đạo của quyền tự do ngôn luận chống lại sự bạo ngược của chế độ độc tài”.
Sự cống hiến của Chân phước Brandsma đối với sự thật và tính chính trực của báo chí xuất hiện vào thời điểm các nhà báo trên toàn thế giới ngày càng phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù, bạo lực và thậm chí hy sinh vì thực hiện công việc của họ.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: